Hoàng Việt (Danlambao) - Trung Quốc và Việt Nam là hai nước đảng CS cầm quyền có nhiều điểm tương đồng về hình thái, nhưng trong khi Ban lãnh đạo đảng CS Trung Quốc có những sách lược đường lối mang tính từng bước có lộ trình rõ ràng để trong tương lai sẽ hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới và nhân loại, tránh đến một sự sụp đổ tàn khốc và mục đích cuối cùng Trung Quốc vẫn là một nước lớn, còn các nhà lãnh đạo CSVN đường lối của họ là gì, họ sẽ đưa đất nước, dân tộc đến đâu? Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta có thể so sánh đánh giá sự giống và khác nhau về đường lối của hai nước cộng sản này, qua đó cũng để hiểu thêm về ông bạn Trung Quốc hiểu thêm về các lãnh đạo CSVN tầm vóc của họ đến đâu, bản chất như thế nào.
Thuyết Ba Đại Diện (BĐD) của Trung Quốc:
Thuyết BĐD được chính thức đưa vào điều lệ đảng CS Trung Quốc lần thứ 16 năm 2002 và cũng được đưa vào Hiến pháp nước CHND Trung Hoa sau mười năm thử nghiệm và cho đến bây giờ là kim chỉ nam cho đường lối của Ban Lãnh đạo Trung Quốc. Thuyết BĐD được khởi xướng từ Giang Trạch Dân có kế thừa từ tư tưởng cải cách của Đặng Tiểu Bình.
Nội dung cơ bản của thuyết BĐD là: Học thuyết Mác–Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình. Có nhiều cách nhìn nhận và phân tích khác nhau từ các học giả, nhất là các học giả Việt Nam, và cho đến bây giờ chưa có văn kiện, hoặc tuyên bố chính thức đánh giá, hay nhận xét gì của ban lãnh đạo ĐCS Việt Nam về thuyết BĐD.
Nhưng có thể nhìn nhận thuyết BĐD trên các nội dung cơ bản sau:
Thuyết BĐD là kiềng ba chân thể hiện rõ mục đích, thực tiễn, lý luận cũng như phương tiện để đạt được mục tiêu cho công cuộc cải cách kinh tế, đưa Trung Quốc trở thành siêu cường trên thế giới, nó được đúc kết phù hợp với sự chuyển biến của tình hình thế giới hiện đại và truyền thống xuyên suốt của lịch sử Trung Hoa.
- Học thuyết Mác-Lênin trong thuyết BĐD:
Có một điều khẳng định đảng CS Trung Quốc không áp dụng và tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc trong học thuyết này mà họ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội theo màu sắc Trung Quốc, mà điều cốt lõi là sự toàn vẹn lãnh thổ mà Tần Thủy Hoàng và Mao Trạch Đông là hai nhân vật duy nhất có công đã thống nhất được. Cho nên bất kỳ ai có ý thức tách khỏi Trung Quốc, hoặc chống đối chính phủ Trung ương là trọng tội, là phải chuyên chính thẳng tay bằng bạo lực. Về điều này để xây dựng thành lý luận và có tính thực tiễn cao thì không có ai giỏi hơn ông Mác khi viết về chuyên chính vô sản và các nhà Lãnh đạo Trung Quốc chỉ học ông Mác ở điều này mà thôi. Sự kiện đàn áp tàn bạo Thiên An Môn, ở Tân Cương… cho thấy sự mạnh tay và quyết liệt trong việc dẹp bỏ các tư tưởng chống đối và ly khai của giới cầm quyền Bắc Kinh.
- Tư tưởng Mao Trạch Đông trong thuyết BĐD:
Tư tưởng của Mao Trạch Đông, không có gì mới lạ, nó là tư tưởng xuyên suốt của tất cả các bậc vua, chúa trong các triều đại của lịch sử Trung Hoa, đó là Trung Quốc là trung tâm của thế giới, là Thiên tử “trên có trời trị vì, dưới có các vua, chúa Trung hoa cai quản”. Tư tưởng sô vanh nước lớn, bành trướng đã ăn vào máu thịt không những của các giai cấp thống trị Trung Hoa, mà còn ngấm sâu vào xương cốt của người dân Trung Quốc, nó là động lực cho sự phát triển, cũng như lòng tự tôn, tự cường của họ. Với giai cấp thống trị Trung Hoa đây cũng là phương thức cai trị rất hiệu nghiệm, là nguyên cớ đàn áp khi có sự nổi dậy của nhân dân, nếu có sự phản loạn trong nước là tư tưởng bành trướng lại xuất hiện-mở mang bờ cõi, trừng phạt láng giềng để dẹp loạn bên trong. Ngay từ khi nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời biểu tượng trên lá cờ năm sao đã chứng minh điều này, năm sao là năm châu, bốn sao nhỏ là bốn biển và năm châu bốn biển phải tụ về Trung Quốc (Ngôi sao lớn ở trung Tâm). Các sự kiện về tranh chấp lãnh tại biển Đông với Philipines, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc… với đường lưỡi bò là một minh chứng cho sự bành trướng của họ.
- Lý luận Đặng Tiểu Bình trong thuyết BĐD:
Đặng Tiểu Bình là kiến trúc sư trong công cuộc cải tổ nền kinh tế Trung Quốc. Lý luận Đặng Tiểu Bình bác bỏ gần như hoàn toàn học thuyết Mác-Lênin về mô hình kinh tế tập trung, kế hoạch hóa XHCN tiến tới một nền kinh tế mở thi trường đa thành phần và cạnh tranh mà mục đích cuối cùng “Mèo đen, mèo trắng bắt được chuột là được” miễn sao trong vòng hai mươi năm Trung Quốc phải trở thành một cường quốc kinh tế và quốc phòng, thực hiện bằng được mưu đồ thống trị thế giới, cho nên ở Trung Quốc một thể chế chính trị độc Đảng nhưng có nhiều thể chế, thành phần kinh tế, thậm trí một đất nước hai chế độ như ở Hồng Kông.
Mặc dù có sự phân định của học thuyết, tư tưởng, lý luận, nhưng thuyết BĐD là sự kết hợp cân đối và hài hòa giữa chủ thuyết (Mục đích), và phương tiện mà tư tưởng của Mao Trạch Đông là nền tảng thống soái.
Thuyết Nhị Diện của Việt Nam:
Trong khi thuyết BĐD là kim chỉ nam cho đường lối của các nhà Lãnh đạo Trung Quốc thì các nhà Lãnh đạo Đảng Cộng sản VN đường lối của họ là gì?
Đó là Học thuyết Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh có thể gọi nôm na là thuyết Nhị Diện (ND) sự giống nhau và khác nhau cơ bản giữa nội dung thuyết Ba Đại Diện và thuyết Nhị Diện là ở chỗ nào.
Nếu thuyết BĐD là kiềng ba chân thể hiện rõ mục đích, cũng như phương tiện đạt mục đích một cách tương đối rõ ràng có sự đúc kết Lịch sử bản thân của Trung Hoa thì thuyết ND chỉ đề ra tương đối lờ mờ về chủ thuyết (mục đích) đó là học thuyết Mác-Lênin, còn tư tưởng Hồ Chí Minh không thể nào đưa đến hàng lý luận để soi rõ thực tiễn cũng như không phải là phương tiện để đạt được mục đích. Nếu nói lý luận Đặng Tiểu Bình như nút mở, như phương tiện để thực hiện được toàn bộ mục đích của Ban lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc thì đường lối của Đảng CS Việt Nam hoàn toàn không đả động đến và bế tắc, toàn là giáo điều lý thuyết xuông mà phương tiện để đạt mục đích là hoàn toàn mù mịt, vô phương hướng.
Có thể nói học thuyết Mác-Lênin chỉ là bình phong mỹ miều để lừa bịp những người mà họ gọi là vô sản, chứ họ không còn là môn đồ hay môn đệ gì của Mác-Lênin cả.
- Học thuyết Mác-Lê Nin trong thuyết ND của các nhà Lãnh đạo Đảng Cộng sản VN:
Về cơ bản cũng hướng đất nước đi đến mục đích là sự thành công của CNXH và cuối cùng là CNCS, cũng như Trung Quốc họ cũng đã từ bỏ mô hình Kinh tế Tập trung và Kế hoạch hóa, và cũng coi chuyên chính vô sản là công cụ đàn áp các cá nhân, và phong trào chống đối, ly khai, đòi đa nguyên, đa đảng. Trong khi các nhà lãnh đạo đảng CS Trung Quốc xây dựng CNXH mang mầu sắc Trung Quốc, có nghĩa là chỉ theo mục đích cuối cùng mà gần như bác bỏ các lý luận giáo điều trong học thuyết Mác-Lênin thì các nhà lãnh đạo đảng CS Việt Nam xây dựng CNXH theo một chiều hướng tự biến tấu không giống ai và không có cơ sở duy vật biện chứng, cũng như duy vật lịch sử - đó là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” với quyết tâm “Đổi mới mà không đổi màu, hòa nhập mà không hòa tan”.
Mớ lý thuyết rối như canh hẹ này chính là biểu hiện của sự bế tắc và mâu thuẫn giữa mục đích và phương tiện mà bản chất trong khi không muốn từ bỏ quyền duy nhất là một đảng cầm quyền nhưng cũng không thể kiên định mãi học thuyết Mác-Lênin giáo điều và lỗi thời trong một nền kinh tế quan liêu, bao cấp tem phiếu trì trệ và nghèo đói.
Nhưng thực chất dù có câu chữ gì đi nữa thì nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng không không hơn gì nền kinh tế kế hoạch, tập trung mà về bản chất bóc lột nó còn tàn tệ hơn cả kinh tế thị trường tự do, vì nó dựa trên các tập đoàn kinh tế nhà nước đặc quyền đặc lợi làm xương sống mà các ông trùm Tư Bản Đỏ là các ông chủ, hoạt động theo các chính sách mà chính họ đẻ ra và bợ đỡ.
Hậu quả là các tập đoàn kinh tế nhà nước thông qua hệ thống chính sách và các nghị quyết TƯ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hợp thức hóa đã lũng đoạn nền kinh tế đất nước, thu vén cho các nhóm lợi ích (thực ra đến thời điểm này là không phù hợp mà phải gọi là lợi ích của lãnh đạo Đảng), đẩy nền kinh tế đi đến thảm họa, đồng thời với tệ nạn tham nhũng tràn lan vô phương cứu chữa, và sự băng hoại đạo đức ghê tởm trong chóp bu những kẻ cầm quyền biến họ trở thành những kẻ tàn ác với nhân dân, và hèn hạ với Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo đạo đảng cộng sản VN coi mô hình Kinh tế thị trường định hướng XHCN như là một phương tiện để đạt được mục đích mà họ rêu rao với nhân dân, nhưng theo dần thời gian mặt nạ của họ đã rơi xuống và mục đích cuối cùng xây dựng chế độ CS đại đồng đã bị phá sản không còn lòe bịp ai được nữa- kinh tế thị trường định hướng XHCN chỉ làm giàu cho các lãnh đạo Đảng, bần cùng hóa nhân dân và tàn phá đất nước.
- Tư tưởng Hồ chí Minh trong thuyết Nhị Diện:
Cũng như bất cứ Đảng phái nào khi xây dựng đường lối ngoài học thuyết, cương lĩnh hành động còn phải có tư tưởng là kim chỉ nam đưa lối dẫn đường và ban lãnh đạo đảng CSVN đã lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ chí Minh là gì?
Thứ nhất: Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là cách vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, và trong thực tế Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng Cộng Sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam.
Như vậy tư tưởng HCM không phải là sự đúc kết từ truyền thống lịch sử của dân tộc, quy luật tiến hóa của xã hội loài người, mà chỉ dựa trên một thứ học thuyết mơ hồ thiếu tính thực tiễn, xa vời đã bị phá sản tại hầu hết các nước đã áp dụng nó ở Nga và Đông âu.
Thứ nhì: Bản thân Hồ Chí Minh chưa bao giờ viết một cuốn sách nào thể hiện được tư tưởng như các tài liệu của đảng CSVN in ra, mà tư tưởng Hồ Chí Minh chính là do các đồng chí, và học trò của ông ấy tự nghĩ ra và gán cho ông ấy. Hầu hết họ chỉ cóp nhặt những bài nói, câu nói, bài viết, thư từ của ông Hồ rồi trên cơ sở của học thuyết Mác-Lê Nin tô vẽ, xào nấu trở thành tư tưởng của ông ấy, để như thứ búa mê, thuốc bả đầu độc cả dân tộc. Như vậy tư tưởng Hồ Chí Minh, không phải là của ông ấy nó đã bị mạo danh và là thứ đồ giả, cho nên những ai tôn sùng ông ấy phải hiểu rằng mình đã và đang bị lường gạt.
Thứ ba: Thực sự con người Hồ chí Minh là gì? Tất cả trí tuệ và tâm huyết của ông ấy có thể chứng minh gói gọn từ chính những gì ông ấy nói: Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi sẽ làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi...
Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng Dân tộc Việt Nam. Đảng đó chỉ có một mục đích là làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài.
Qua đây cũng thấy tư tưởng Hồ Chí Minh tự trong bản thân ông ấy không có gì có thể làm nền tảng cho một đường lối của một dân tộc, thậm trí cho đảng của ông ấy. Tư tưởng của ông chỉ đơn thuần của một con người có tấm lòng yêu thương và đạo đức theo Nho giáo truyền thống, có tính lo xa của người cao tuổi, và về cuối đời ông ấy ít nhiều đã thấy sai lầm khi đưa CNCS của Mác-lê Nin vào thực tiễn VN mà cái lợi không thấy đâu chỉ thấy toàn hận thù, chiến tranh và máu chảy.
Thứ tư: Tư tưởng Hồ Chí Minh của đảng cộng sản không kế thừa được các tư tưởng vĩ đại của các vị tiền bối trong lịch sử như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trải, Quang Trung… mà chỉ lo cho lợi ích của đảng, bắt quyền lợi dân tộc gắn với quyền lợi của đảng và coi đảng là tầng lớp cao nhất có quyền duy nhất lãnh đạo dân tộc, coi lợi ích của đảng cao hơn lợi ích dân tộc, cho thấy tính phản động, ích kỷ và ngạo mạn của đảng, khác với các tư tưởng cao thượng, nhân ái lấy nhân dân, dân tộc, đất nước làm nền tảng để phụng sự, chăm lo, đặt lợi ích cá nhân, họ tộc, vương triều xuống hàng thứ yếu của các tiền bối trong lịch sử.
Có thể kết luận học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đường lối của đảng cộng sản VN chỉ phục vụ cho lợi ích của nhóm chóp bu trong Ban lãnh đạo đảng và khi đã vơ vét đầy túi tham, đẩy dân tộc, đất nước đi đến thảm họa đồng thời với sự phá sản của đường lối đó, lãnh đạo đảng rồi cũng cao chạy xa bay, bỏ lại đằng sau mấy triệu đảng viên và chín mươi triệu dân ngơ ngác giữa đường giữa chợ.