Đâu rồi tuổi thần tiên của bé? - Dân Làm Báo

Đâu rồi tuổi thần tiên của bé?

Đặng Huy Văn (Danlambao) - Chỉ còn vài ngày nữa là cháu nội tôi học xong lớp 1. Vì chương trình cải cách giáo dục “quá tải” nên một năm qua cả nhà tôi đã phải cùng cháu đánh vật với cả hai môn Tiếng Việt 1 và Toán 1 của cháu. Ở một số nước, tuổi lớp 1 đến trường vừa học, vừa chơi. Học xong, sách vở để tại lớp không được mang về nên ở nhà các cháu lại được vui chơi thoải mái. Còn ở ta, do phải “đi tắt đón đầu”, phấn đấu để  “chỉ 20 năm nữa là phải đuổi kịp và vượt các nước phát triển về mặt giáo dục” nên con trẻ của chúng ta mới phải mang ba lô sách vở về nhà, học ngày học đêm, học thêm vào chủ nhật và học hè cả hai tháng nghỉ hè nữa! Các cháu không được chơi theo yêu cầu của lứa tuổi nên tất yếu sẽ hạn chế sự phát triển trí thông minh sáng tạo của trẻ. Mặt khác, lại phải học vẹt một chương trình học quá sức nên nhiều cháu còn bị mụ đi, dẫn đến sợ học, ghét học. Có lẽ các con trẻ của chúng ta đang là nạn nhân của một căn bệnh nan y của người lớn, đó là BỆNH VĨ CUỒNG.

*

Đâu rồi tuổi thần tiên của bé?

Nhìn cháu nội ngồi lệch vai, mắt cận 
Ngày hai buổi tới trường, tuần bốn tối học thêm 
Vì thương bé lòng quặn đau, căm giận 
Ai trả lời cho trẻ thơ: đâu rồi tuổi thần tiên? 

Đâu rồi trang cổ tích mẹ từng kể đêm đêm! 
Đâu những chiều hè cùng các bạn ra sân đình tập hát 
Hay thả diều cùng các anh giữa cánh đồng thơm ngát 
Và đâu rồi những đêm trăng vui múa hát, ngâm thơ? 

Tiếng Việt 1 hai tập dày dặn thế! 
Có cả những tính từ trong thơ cụ Nguyễn Du 
Sao tác giả nỡ nhét vào đầu trẻ 
Những câu phức dài dòng, những tranh vẽ vu vơ? 

Bài 80 còn in nguyên bốn câu thơ 
Từ bài hát “Quê Hương” trẻ đã yêu đã thuộc(1) 
Nhưng lại in sai nên bé không hát được 
“Chiều chiều ... trên đồng”, mẹ ơi đâu “Tuổi thơ”? 

Ôi đâu rồi sách Tiếng Việt ngày xưa?(2) 
Thắm tình mẹ tình cha, tình quê hương đất nước 
Đậm tình nghĩa thầy trò, tình anh em quyến thuộc 
Nhiều câu chuyện ngụ ngôn dạy trẻ biết nghĩ suy... 

Sách Toán 1 là một bản sao, chép đầu Ngô mình Sở 
Bắt học thụ động giáo điều thiếu gợi mở tư duy 
Chỉ hai phép tính giản đơn thôi mà trẻ con kinh sợ 
Sao không dạy bé yêu Cộng, Trừ để cháu tự phát huy? 

Mới lớp 1 đã đầy ba lô, cháu mang những sách gì? 
Toàn những sách theo “cải cách giáo dục” 
Nhằm đào tạo những “nhân tài tương lai” cho đất nước 
Mắt cận, lưng gù, đập đứng, hò đi...!(3) 

Thôi nói nữa lòng thêm đau chứ giải quyết được gì? 
Vì “Dự án SGK” mục đích chính là “múc tiền chùa” bỏ túi 
Quan trên xơi phần trên còn lại phần cấp dưới 
Dù viết cuội, viết xằng đã có quan trên đỡ lo chi! 

Sách năm nào cũng in mới dù chỉ vài dòng thay đổi 
Bắt phụ huynh phải mua nếu muốn con được tới trường 
Sách giáo khoa là độc quyền đâu cần ai trao đổi 
“Cải cách giáo dục” chỉ cần tiền đâu lãng phí yêu thương! 

Nền giáo dục Việt Nam đã “nâng niu” biết bao nhiêu thế hệ 
Để đào tạo ra một đám quan tham chỉ biết ngửi mùi tiền? 
Tiền càng nhiều càng có cơ hội để ngoi lên 
Những ngai vị cao hơn, tiền lại sinh tiền gấp bội! 

Còn đa phần con cháu lương dân học để khỏi tù, thoát tội 
Thà mắt cận, lưng gù còn hơn nghiện cờ bạc, xì ke... 
Cố kiếm lấy mảnh bằng, không kiến thức cũng được! 
Để bố mẹ khỏi tủi thân cùng gia tộc, bạn bè 

Ôi! Đành phải cố hết sức thôi, cháu nhỏ! 
Cả nước này đau chứ đâu chỉ mình đau! 
Đau thì khổ nhưng không còn con đường nào nữa 
Đến trường thôi! Xin đừng hỏi: vì đâu? 


Nhân ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 



_____________________________

Ghi chú: 

(1) Bốn câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân ở bài hát Quê Hương trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1, Tập Một, Bài 80 (tái bản lần thứ 9) trang 163, in như sau: 
Quê hương là con diều biếc 
Chiều chiều con thả trên đồng 
Quê hương là con đò nhỏ 
Êm đềm khua nước ven sông 

(2) Bộ sách “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” của Nha Học Chánh Đông Dương xuất bản trước 1945, là sách Tiếng Việt cấp tiểu học gồm nhiều tập cho các học trò tương đương từ lớp 1 đến lớp 5 ngày nay. Tôi đã được đọc các cuốn sách giáo khoa này khi đang học dở lớp 2. Năm 1955-1956, gia đình tôi bị quy là địa chủ nên tôi buộc phải nghỉ học đi ở chăn trâu để mưu sinh. Vì không được đến trường nên tôi đã phải ngồi trên lưng trâu để đọc những cuốn sách đó do bố tôi để lại. Vì bài nào cũng hấp dẫn nên tôi đã thuộc rất nhiều bài học của bộ sách này và chúng đã đi vào tiềm thức của cả cuộc đời tôi. 

(3) Ngạn ngữ: “đập đi, hò đứng” chỉ những kẻ ngu đần. Còn ngược lại, “đập đứng, hò đi” lại có thể là “nhân tài”, biết đâu?


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo