Ronald Reagan - "Chào Người Tự do" - Dân Làm Báo

Ronald Reagan - "Chào Người Tự do"


Lời người dịch: Hình ảnh những thuyền nhân vượt biển tìm tự do và tương lai ở những bến bờ xa lạ gây chấn động lương tâm toàn thế giới. Hình ảnh chiếc tàu nhỏ như chiếc lá trơ vơ chở đầy người trên biển cả đầy bao hiểm nguy đã tác động sâu sắc đến vị tổng thống Hoa Kỳ. Tất cả bắt đầu từ một lá thư của một thủy thủ gởi cha mẹ. 

Năm nay trong các lá thư Giáng Sinh tôi thích có một lá thư đến sớm. Lá thư từa tựa như là một câu chuyện Giáng Sinh Mỹ đương thời nhưng câu chuyện diễn ra không phải trong lòng quốc gia chúng ta, mà trên biển Đông đầy bất an vào tháng Mười qua. Đối với tôi, lá thư này kết tinh đa phần những gì tốt đẹp nhất về tinh thần Giáng Sinh, về tính cách Mỹ, và về những giá trị mà đất nước yêu dấu của chúng ta tượng trưng-không chỉ cho bản thân chúng ta mà còn cho hàng triệu người kém may mắn trên toàn cầu. 

Lá thư ấy thủy thủ John Mooney đã viết cho cha mẹ trên hàng không mẫu hạm Midway vào ngày 15 tháng Mười. Nhưng lá thư ấy chính là câu chuyện Giáng Sinh ý nghĩa nhất.

"Ba má thương", anh viết, "hôm nay chúng con phát hiện một chiếc thuyền trên biển, chúng con liền đến giúp đỡ. Chúng con cứu 65 người tỵ nạn Việt Nam. Phải mất gần hai giờ mới đưa được tất cả mọi người lên tàu, và rồi họ được tình báo thanh lọc, được các y bác sỹ khám sức khỏe. Sau đó họ được ăn uống và được cung cấp áo quần cùng tất cả các vật dụng khác. 

Nhưng hiện giờ họ nghỉ ngơi trên khoang chứa máy bay, và trẻ em- đa số họ hình như là trẻ em... đang ngồi trước ti vi mà có lẽ họ mới thấy lần đầu, xem phim "Star Wars". Lúc chúng con đến nơi thuyền họ đang chìm. Họ đã ở trên biển năm ngày, cạn hết nước uống. Nói chung, chỉ một hai ngày nữa thôi là các em này sẽ lâm vào tình cảnh rất nguy hiểm. 

"Con nghĩ thỉnh thoảng," anh viết, "chúng ta cần có chuyện khiến ta sững sốt như thế này để chúng ta nhận thức tại sao chúng ta làm điều chúng ta làm và điều ấy có thể thật sự quan trọng. Ý con muốn nói là cha mẹ của các em ấy phải can đảm lắm mới chọn sự ra đi như thế, vượt biển trên con thuyền rò rỉ với hy vọng được gặp người cứu vớt. Quá nhiều rủi ro! Nhưng rõ ràng họ cảm thấy thật đáng liều lĩnh còn hơn phải sống trong quốc gia cộng sản. 

"Năm nay, dù chúng ta có bao khó khăn, nào giá xăng, nào thiếu tiền mua xe mới hay những tiện nghi vật chất khác... nhưng con thật sự chẳng thấy những chiếc thuyền rò rỉ nào chạy ra ngoài khơi San Diego để tìm các tàu Nga ở ngoài đấy... 

"Sau khi những người tỵ nạn được đưa lên tàu, con có chụp vài tấm hình, nhưng theo thường lệ con không có mang theo máy hình để chụp một tấm hình đích thực- tấm hình ấy đã khắc sâu trong tâm tưởng con... 

"Khi họ đến gần tàu lớn, tất cả họ đều vẫy tay, và cố gắng lắm họ mới nói được," Chào thủy thủ Mỹ! Chào người Tự Do!" Con cảm thấy nghẹn ngào và đau lòng khi nhìn thấy chiếc thuyền chở đầy người như thế. Nhưng con thực sự cảm thấy tự hào và sung sướng mình là người Mỹ. Mọi người vẫy tay, hò reo, cố kìm nén bao xúc động trong lòng, và cố gắng không để cho những người can đảm khác thấy mắt mình ướt. Người đại úy bên con buột miệng nói:" Tôi nghĩ một ngày phát lương thật ý nghĩa."(Hôm nay chúng con nhận lương). Con nghĩ chắc không có ai có thể nói hay hơn thế. 

Điều này nhắc nhở tất cả chúng ta về biểu tượng của nước Mỹ từ xưa đến nay- nơi mọi người đến để tìm tự do. Con biết chúng ta cũng đã đông đúc lắm rồi, thêm nữa chúng ta còn nhiều người thất nghiệp, và chúng ta lại còn cưu mang thực sự những người tỵ nạn, nhưng con thực lòng hy vọng và cầu nguyện chúng ta có thể vẫn luôn luôn có chỗ cho mọi người. Chúng ta có một xã hội độc đáo, bao gồm những người bị ruồng bỏ từ tất cả các cuộc chiến tranh và từ các chế độ áp bức trên thế giới, nhưng chúng ta mạnh và tự do. Chúng ta có chung một điều- dù tổ tiên chúng ta từ đâu đến đây chăng nữa, chúng ta vẫn luôn luôn tin tưởng vào nền tự do ấy. 

"Con hy vọng chúng ta luôn luôn có chỗ cho một người nữa, người ấy có thể là người Afghanistan hay người Ba Lan hay ai đó đang tìm một nơi chốn... mà họ không phải lo lắng gia đình mình phải đói hay sợ tiếng gõ cửa giữa đêm khuya..." và nơi mà "tất cả những ai thật sự tìm kiếm tự do, danh dự và nhân phẩm cho mình và con cháu có thể tìm được nơi chốn mà họ có thể... cuối cùng thấy những giấc mơ của mình thành hiện thực và con cái được học thành tài để rồi trở thành thế hệ kế tiếp những bác sĩ, luật sư, thầu khoán, lính và thủy thủ. 

Con thương ba má, John."

Tôi nghĩ lá thư này gần như nói lên tất cả. Dù thế nào chăng nữa, phi thường thay, chúng ta những người Mỹ vẫn còn được phú cho không những của cải phong phú của đất nước chúng ta mà còn cả tinh thần nhân ái hào phóng -nhờ tinh thần Giáng Sinh gần như hiện diện quanh năm suốt tháng ấy nên quốc gia chúng ta hôm nay vẫn là ngọn hải đăng hy vọng trong thế giới đầy bất an và cũng nhờ tinh thần hào phóng nhân ái ấy nên mùa Giáng Sinh này và tất cả các mùa Giáng Sinh lại càng trở nên đặc biệt hơn cho tất cả những ai trong chúng ta coi đặc ân sinh ra là người Mỹ là món quà được ban cho mình . 

(Trích từ bài diễn văn chúc mừng Giáng Sinh Tổng thống Ronald Reagan đọc trên radio ngày 25 tháng Mười Hai, 1982) 

Tôi thường nghĩ rằng Chúa đã an bài đất nước này của chúng ta tại nơi đây để cho một loại người đặc biệt - những người yêu tự do và can đảm đến mức sẵn sàng hy sinh để đạt được tự do cho dù phải rời bỏ quê hương; những người dám sống theo châm ngôn," Nơi nào tự do, nơi ấy là tổ quốc của tôi!"-sẽ tìm thấy. 

Hàng triệu anh hùng thầm lặng trên khắp thế giới đã tìm cuộc sống mới và tốt đẹp hơn ở đất nước tự do và cơ hội này. Nhiều người trong họ, trong đó có ông bà cố của tôi Michael và Catherine, đã đến đây trước khi có Tượng Nữ Thần Tự Do. Ngọn hải đăng của họ và phần thưởng của họ chính là tự do. 

Mong thay, Tượng Nữ Thần Tự Do sẽ luôn luôn gọi mời những ai yêu chuộng tự do ở đây và trên khắp thế giới. Tôi nghĩ về những người giống như sáu mươi lăm người tỵ nạn Việt Nam trôi nổi trên biển Đông vào tháng Mười năm 1982. Họ đã chào những người cứu họ trên hàng không mẫu hạm Midway," Chào thủy thủ Mỹ! Chào người Tự Do!" Khi chúng ta chuẩn bị chào mừng lễ kỷ niệm một trăm năm của Tượng Nữ Thần Tự Do, tất cả những ai trong chúng ta yêu nàng hãy kêu thật to và rõ ràng," Chào Nữ Thần Tự Do! Nơi nào tự do, nơi ấy là tổ quốc của tôi!" 

(Trích từ lời tựa Tổng thống Ronald Reagan viết cho cuốn sách về tượng Nữ thần Tự do) 

Như các bạn biết, từ văn phòng này xuôi theo hành lang và bên trên cầu thang là một phần của tòa Bạch Ốc nơi tổng thống cùng gia đình sống. Trên ấy tôi có một vài cửa sổ tôi thích hơn cả nơi tôi thích đứng nhìn ra bên ngoài vào sáng sớm. Từ khuôn viên ở đây ta có thể nhìn đến Tượng đài Washington, và rồi đến Mall và Đài Tưởng niệm Jefferson. Nhưng vào các buổi sáng khi trời ít ẩm ướt, ta có thể nhìn quá Đài Tưởng niệm Jefferson đến sông Potomac, và bờ biển Virginia. Có người nói Lincoln đã nhìn thấy cảnh như thế khi ông thấy khói bốc lên từ Trận chiến Bull Run. Tôi thấy nhiều cảnh đời thường hơn: cỏ bên bờ sông, xe cộ trên đường vào sáng sớm khi mọi người đi làm, thỉnh thoảng một chiếc thuyền buồm trên sông. 

Đôi khi tôi trầm tư bên cửa sổ ấy. Tôi nghĩ về ý nghĩa quá khứ và hiện tại của tám năm qua. Và hình ảnh như điệp khúc hiện ra trong đầu là hình ảnh biển cả- câu chuyện nhỏ về con tàu lớn, người tỵ nạn, và người thủy thủ. Ngược lại những năm đầu tiên thập niên 80, vào lúc cao điểm thuyền nhân. Thủy thủ ấy làm việc cần cù trên hàng không mẫu hạm Midway đang trên đường tuần tra biển Đông. Như đa số những người lính, thủy thủ ấy còn trẻ, thông minh, và rất sâu sắc. Họ phát hiện trên đường chân trời một chiếc thuyền nhỏ rò rỉ. Chen chúc trong thuyền là những người tỵ nạn Đông dương hy vọng đến được Mỹ. Tàu Midway liền đưa một chiếc xuồng nhỏ đến để đưa họ lên tàu an toàn. Khi những người tỵ nạn tiến đến tàu trên biển cả bập bềnh, một người nhìn thấy người thủy thủ ấy trên bong tàu liền đứng lên chào anh. Ngưòi tỵ nạn ấy kêu to:" Chào thủy thủ Mỹ! Chào người Tự Do!" 

Khoảnh khắc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, khoảnh khắc ấy, được người thủy thủ ghi lại trong lá thư, mãi mãi không phai mờ trong lòng anh. Và khi tôi đọc thư, tôi cũng không bao giờ quên. Vì đó là hình ảnh người Mỹ trong thập niên 1980. Chúng ta, lần nữa, ủng hộ tự do. Tôi biết chúng ta luôn luôn ủng hộ tự do, nhưng trong vài năm qua, thế giới, và về khía cạnh nào đấy, chính chúng ta đã khám phá lại tự do cao quý ấy. 

(Trích từ bài diễn văn chia tay của Tổng thống Ronald Reagan được truyền trực tiếp trên truyền hình và radio trên toàn quốc vào ngày 11, tháng Giêng, 1989)

Lược dịch


Nguồn: 


(2) Freedom's Holy Light của tác giả Richard H. Schneider, trang 11, nhà xuất bản Thomas Nelson, 1985 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo