Thủ tướng mở loa vào cuộc - Dân Làm Báo

Thủ tướng mở loa vào cuộc

Không để nảy sinh thêm khiếu kiện đất đai là yêu cầu của Thủ tướng khi nhấn mạnh "phải tiếp tục phát triển, không còn cách nào khác, vì lợi ích của đất nước và toàn dân, phải tiếp tục thu hồi đất theo quy hoạch, tiếp tục củng cố hạ tầng"... "Tinh thần là không được dùng vũ khí, không được để chết người. Nhân đây tôi cũng nói luôn, không được dùng quân đội vào cưỡng chế"... và DÂN SAI thì phải thuyết phục...

*

‘Dân phải được bàn từ quy hoạch đến thu hồi đất’ 

Nếu không thuyết phục được, vì lợi ích chung phải cưỡng chế thì phải làm chặt chẽ, đúng pháp luật. Tinh thần là không được dùng vũ khí... - Thủ tướng yêu cầu. 


Thủ tướng: Nếu vì lợi ích chung phải cưỡng chế thì phải làm chặt chẽ... 
Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ 

Hai vấn đề được đặt ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 4 năm (2008-2011) hôm nay là giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện còn tồn đọng và không để nảy sinh khiếu kiện mới về đất đai khi tiếp tục thu hồi đất phục vụ phát triển hạ tầng. 

‘Không được dùng vũ khí’ 

Kết luận hội nghị chiều nay, Thủ tướng nhấn mạnh phải coi việc giải quyết các vụ việc khiếu kiện tồn động, kéo dài nhiều năm là nhiệm vụ, trách nhiệm thường xuyên của các cấp chính quyền. "Phải tập trung một cách sâu sát, cụ thể, quyết liệt, từng vụ việc một", Thủ tướng nói. 

Ông đề nghị lên hồ sơ tất cả 528 vụ việc còn chưa giải quyết dứt điểm, làm rõ những bước đã giải quyết, những vấn đề còn tồn đọng, dự kiến phương hướng giải quyết... Thậm chí có thể lập các hội đồng thẩm định có sự tham gia của Mặt trận, các đoàn thể để tư vấn phương án, mời luật sư thẩm định phương án. 

"Hội đồng này sẽ xem xét mức độ đúng sai của chính quyền", Thủ tướng nói. "Nếu sai thì nhận lỗi và sửa. Nếu không sai, kết quả giải quyết hợp lý rồi, nhưng là công dân, đồng bào của chúng ta, phải xem đời sống của họ thế nào, nếu quá khó khăn thì phải hỗ trợ họ". 

Kết quả giải quyết khiếu kiện có thể không thay đổi, nhưng phải cải thiện các chính sách xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Theo Thủ tướng, việc giải quyết khiếu kiện nên được công khai trên báo đài, website của cơ quan thanh tra, chính quyền, cập nhật lên cơ sở dữ liệu của các cơ quan trung ương để các cấp tường tận quy trình xử lý mỗi vụ việc, tránh chuyển đơn thư lòng vòng, từ đó thông tin đầy đủ và trả lời nhất quán cho dân. 

Ông Nguyễn Tấn Dũng hy vọng từ nay đến cuối năm có thể tập trung làm cho rõ tất các các vụ việc tồn đọng: "Hãy làm hết lòng, hết trách nhiệm, hết sức với các khiếu kiện của công dân, để phần lớn bà con thấy được lẽ phải, đồng tình và chấp hành pháp luật". 

Những người cố tình không chấp nhận, hoặc bị các đối tượng xấu kích động gây rối, làm mất an ninh trật tự công cộng cũng cần được thuyết phục, kiên trì tối đa đến từng người. Nếu không thuyết phục được, vì lợi ích chung phải cưỡng chế thì phải làm chặt chẽ, đúng pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh. 

"Tinh thần là không được dùng vũ khí, không được để chết người. Nhân đây tôi cũng nói luôn, không được dùng quân đội vào cưỡng chế", ông nói. 

Dân chủ, công khai 

Không để nảy sinh thêm khiếu kiện đất đai là yêu cầu của Thủ tướng khi nhấn mạnh "phải tiếp tục phát triển, không còn cách nào khác, vì lợi ích của đất nước và toàn dân, phải tiếp tục thu hồi đất theo quy hoạch, tiếp tục củng cố hạ tầng". 

Nhấn mạnh phải làm chặt chẽ, đúng pháp luật, Thủ tướng lưu ý trước hết, quy hoạch các công trình hạ tầng phải được thẩm định chặt chẽ, công khai để dân biết. "Không được tùy tiện trong lập quy hoạch". 

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu từ quy hoạch đến đề ra các phương án thu hồi đất, đền bù, tái định cư phải làm đúng pháp luật và sát thực tế, chăm lo đời sống nhân dân. Để được như vậy, "phải có người dân tham gia bàn bạc dân chủ, công khai theo đúng quy trình, để có sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị". 

"Không để đến khi có sự việc nảy sinh mới mời Mặt trận và các đoàn thể vào giải quyết", ông yêu cầu. 

Thủ tướng cũng lưu ý các khu kinh tế, đô thị càng phải làm chặt chẽ hơn. "Thu hồi đất để làm những công trình công ích không sinh lợi như đường sá, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện, quốc phòng, an ninh có lẽ ít phức tạp, nhưng nếu chuyển đất nông nghiệp có giá trị thấp thành đất xây dựng có giá trị cao gấp nhiều lần, nếu xử lý không khéo sẽ rất phức tạp", ông phân tích. 

Đề cập đến yêu cầu sửa đổi luật Đất đai, Thủ tướng đồng tình với ý kiến của nhiều địa phương rằng vấn đề bất cập, lúng túng, chồng chéo nhất, gây khiếu kiện nhiều hiện nay, là giá bồi thường đất. 

Ông cho biết một hướng Chính phủ đưa ra để thảo luận là Trung ương chỉ quy định về phương thức định giá, tổ chức kiểm tra giám sát, địa phương quyết định theo hướng ổn định một giai đoạn chứ không thay đổi hàng năm. 

Trong lúc chưa hoàn thiện được các văn bản pháp luật, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo giải quyết nhất quán các khiếu kiện của dân, giảm phiền hà vất vả trong việc đi lại cho dân. 



*

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Dân sai thì phải thuyết phục"

(VnMedia) - Ngày 2/5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về khiếu nại, tố cáo đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham gia của các Bộ, ngành Trung ương. Hơn 60 tỉnh thành trên cả nước là lãnh đạo UBND và các Sở, ngành tham dự qua cầu truyền hình.

Theo báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2008 – 2011 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn những hạn chế, yếu kém như, một số địa phương chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp huyện; nhiều vụ việc giải quyết còn chậm; một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và thực tế; nhiều địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm; còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy, thấy sai phạm nhưng chưa có biện pháp khắc phục.

Trong thời gian trên, các cơ quan chức năng đã giải quyết 257.419/290.565 vụ việc khiếu nại. Đáng chú ý, về giải quyết các vụ việc tồn động, bức xúc, kéo dài; các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm được 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài (đạt 66,7%). Hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.

Báo cáo đánh giá, mặc dù so với những năm 2006-2007 tình hình khiếu nại tố cáo từ năm 2008 – 2011 ở một số địa bàn có giảm, nhưng về tổng quan, tình hình khiếu nại tố cáo diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi. Có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ công dân đi khiếu kiện thiếu kiềm chế, khiếu nại tố cáo vượt cấp lên Trung ương gia tăng, tình trạng đơn thư gửi tràn lan mang tính phổ biến.

Có nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước, đã được xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai.

Đồng thời, có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người. Một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối.

Tình hình khiếu nại tố cáo nêu trên đã ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tiềm ẩn những nguy cơ làm mất ổn định chính trị-xã hội tại một số địa phương trong một số thời điểm.

Nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm 70%), trong đó nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội; khiếu nại đòi đất cũ, tranh chấp đất đai trong nhân dân qua các thời kỳ nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; khiếu nại đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, đòi nhà thuộc diện thực hiện các chính sách về quản lý nhà…

Theo Tổng thanh tra Chính phủ, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc tăng các vụ khiếu nai, tố cáo là do chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập (giá bồi thường thấp, hay thay đổi, thiếu nhất quán…); có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên đòi hỏi quá đáng hoặc bị các phần tử xấu lợi dụng kích động khiếu kiện kéo dài… 

Về chủ quan, ông Tranh nhận định, công tác quản lý đất đai còn sơ hở, lỏng lẻo; nhiều cán bộ lợi dụng tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục, giải thích, hài hòa ngay từ cơ sở; chưa tập trung giải quyết khiếu kiện ngay từ đầu; công tác giám sát của cơ quan dân cử, của các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo chưa thường xuyên;…

Quanh cảnh hội nghị - ảnh: chinhphu.vn

Thủ tướng: Dân sai thì phải thuyết phục

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian quan đã có những bước chuyển biến tích cực. Những kết quả tích cực của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước những năm qua. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, ở từng thời điểm, từng nơi, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến hết sức phức tạp; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, kéo dài. Do vậy, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải tiếp tục được xác định là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các ủy đảng, chính quyền và phải được giải quyết hiệu quả hơn nữa. Công tác này nếu không được xem xét, giải quyết và xử lý kịp thời, hiệu quả sẽ là mầm mống gây mất ổn định chính trị, xã hội- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. 

Chỉ đạo các vấn đề cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, kéo dài. Riêng đối với 528 vụ việc còn tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng lập hồ sơ từng vụ việc cụ thể, từ đó thành lập Hội đồng thẩm định, đề ra các phương án xử lý với tinh thần trách nhiệm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, giải quyết dứt điểm và đăng tải công khai trên mạng của các cơ quan chức năng về tiến độ xử lý từng vụ việc. “Khi đã có kết luận đối với từng vụ việc, nếu vụ việc nào chính quyền sai thì phải nhận lỗi, phải sửa; nếu người dân sai phải thuyết phục chấp hành theo pháp luật, trong đó có xem xét hỗ trợ khó khăn cho người dân”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. 

Nêu rõ yêu cầu vì lợi ích và sự phát triển của đất nước, phải tiếp tục thu hồi đất để làm hạ tầng và phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải công khai quy hoạch, thực hiện tốt công tác lập quy hoạch, thu hồi đất… trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng pháp luật, hạn chế tối đa các khiếu kiện liên quan đến đất đai. Đối với những hộ dân không chấp hành, mặc dù đã được vận động, thuyết phục, phải thực hiện cưỡng chế theo đúng quy trình mà pháp luật quy định. 

Báo điện tử VnMedia



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo