Viv Marsh (BBC) - Một buổi sáng âm u tại Hà Nội, một hàng người trải dài hàng trăm mét. Các phụ nữ bận áo dài, học sinh trong các bộ đồng phục chen nhau, những khuôn mặt đàn ông im phăng phắc bên cạnh một vài khách du lịch phương Tây có vẻ mặt tỉnh táo.
Họ đều đang chờ đợi để diện kiến lãnh tụ của Việt Nam, ông Hồ Chí Minh - mặc dù ông đã mất được 43 năm.
Đối với du khách, hình ảnh không phai nhạt của Hồ Chí Minh có thể là điều mà chính ông không bao giờ muốn thế – những hàng người xếp dài lê thê, chậm chạp đi qua các công đoạn kiểm soát an ninh, nhưng rồi lại chỉ có một vài giây đi ngang qua thi hài được ướp của vị lãnh tụ.
Bản thân Hồ Chí Minh từng mong muốn được hỏa táng.
Kỷ niệm ngày sinh thứ 122 của vị cố Chủ tịch năm nay, ngày 19 tháng Năm, đã được đánh dấu bằng một cuộc triển lãm các tư liệu về Hồ Chí Minh ở tỉnh Thái Nguyên và việc ra mắt một cuốn sách dịch về tiểu sử của ông khẳng định vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản.
Cuốn sách mang tên "Hồ Chí Minh – Ông tiên sống mãi."
Cuốn sách gồm 16 chương là một biên niên sử về cuộc đời và sự nghiệp của vị cố Chủ tịch. Sách do nhà hoạt động xã hội Thái Lan Suprida Phanomjong viết. Ông là con trai của một cựu Thủ tướng Thái Lan được cho là có quan hệ gần gũi với Hồ Chí Minh.
Trang mạng của nhà nước - Vietnam News nói tác giả đã "xúc động khi thấy nhân dân Việt Nam tôn thờ Hồ Chủ tịch như thế nào".
Dự lễ công bố bản dịch tiếng Việt của cuốn sách vốn ra đời lần đầu tiên 6 năm trước trước đây bằng tiếng Thái, có đại diện lãnh đạo Ban khoa giáo Trung ương Đảng, Vụ phó Vụ Báo chí - Xuất bản, Nguyễn An Tiêm.
Trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam nói ấn phẩm đã được "kỳ vọng giúp nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người, qua đó góp phần cho phong trào Học tập và Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh."
"Sự thể rằng ông đã sống một cuộc sống khá đạm bạc và rằng ông đã dành cả đời mình cho sự nghiệp của đất nước, tất cả những điều đó chính là những đức tính mà tất cả những người cộng sản muốn chia sẻ," bà Sophie Quinn-Judge, một học giả và người viết tiểu sử về Hồ Chí Minh nói.
"Nhưng vấn đề là tất cả có vẻ đạo đức giả và lỗi thời một chút vì ngày nay Đảng Cộng sản trong mắt của nhiều người Việt Nam không đại diện cho những phẩm chất đó.
"Nhiều người cộng sản đang trở nên giàu có, tham nhũng tiếp tục sinh sôi, nảy nở và lan tràn: nếu đây là thứ đảng lãnh đạo mà ông Hồ Chí Minh đại diện, thì nhân dân sẽ không thực sự muốn nhìn thấy nó nữa. "
'Núp bóng'
Đảng Cộng sản hiện nay vẫn dùng hình ảnh cố lãnh tụ để củng cố tính chính danh
Mỗi em học sinh Việt Nam vẫn còn được giảng dạy về người đàn ông mà các em gọi là Bác Hồ. Ảnh chân dung của ông – với vẻ thanh thản và nhân từ, có ở khắp mọi nơi, ngay cả ở miền Nam, nơi vẫn còn sự cay đắng trong nhiều người thua trận.
Theo giới quan sát Việt Nam, hình ảnh của vị cố lãnh tụ vẫn không được phép là chủ đề biếm họa hay nhạo báng.
Ở phương Tây, và trong nhiều người Việt lưu vong, Hồ Chí Minh thường được coi như là một người theo chủ nghĩa Stalin cứng rắn và một người chống chủ nghĩa đế quốc.
Nhưng ở Việt Nam, thậm chí những người gièm pha ông cũng thừa nhận rằng Hồ Chí Minh ít cực đoan hơn những nhà lãnh đạo Cộng sản khác - và rằng ông trong một số tình huống còn bị những người khác trong Đảng coi là quá sẵn sàng thoả hiệp.
"Ông không quan tâm quá nhiều đến đấu tranh giai cấp," bà Sophie Quinn-Judge nói. "Về cơ bản, ông là một người tin vào công bằng xã hội nhưng không tin vào một thứ cộng sản chủ nghĩa thiêu đốt mọi thứ.
"Đảng hiện vẫn đang muốn núp bóng ông càng lâu càng tốt. Và chính sự thiếu công khai và minh bạch này đang làm cho họ gặp rắc rối," bà nói.