Phát hiện từ năm 2009, năm 2012 mới... kiểm tra - Dân Làm Báo

Phát hiện từ năm 2009, năm 2012 mới... kiểm tra


Lê Anh (SGTT.VN) - Tin từ bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hoà cho biết, đã phát hiện và kiến nghị xử lý người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh từ năm 2009. Thế nhưng, đến nay chính quyền địa phương mới lập đoàn để kiểm tra tình trạng trên.

Theo đại tá Hồ Thanh Tùng, trưởng phòng trinh sát thuộc bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hoà, trên địa bàn tỉnh có 15 người Trung Quốc nuôi trồng thuỷ sản, trong đó tập trung nhiều nhất tại vịnh Cam Ranh. Người Trung Quốc nuôi nhiều loại thuỷ sản như cá mú, tôm hùm, tôm thẻ chân trắng… dưới hình thức các hộ cá thể hoặc doanh nghiệp, song đa phần đều do người Việt đứng tên. 

Bè cá có người Trung Quốc ở Đầm Môn, Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hoà. 

Chưa được phép vẫn làm 

Trả lời câu hỏi vì sao người Trung Quốc đến vịnh Cam Ranh nuôi cá, tôm từ nhiều năm nay mới bị phát hiện, đại tá Tùng nói với chức năng, nhiệm vụ của mình Bộ đội biên phòng nắm rõ tình hình người Trung Quốc nuôi cá tại vịnh Cam Ranh. Cụ thể năm 2009, trên vùng vịnh này phát hiện có ba lồng bè của người Trung Quốc. Đó là bè nuôi cá của các doanh nghiệp Song Phong, Khải Hoành và lồng bè của hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Thuý Hằng (địa chỉ tại quận 3, TP.HCM) nuôi bào ngư. Sau khi phát hiện, vào tháng 12.2009, đại tá Hồ Văn Truyền, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hoà đã có văn bản báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nói rõ thực trạng trên và kiến nghị xử lý. Cũng trong tháng 12.2009, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND thành phố Cam Ranh chủ trì kiểm tra, xử lý vụ việc trên. 

Thế nhưng mãi đến ngày 17.5.2012 (gần 30 tháng sau) các cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra, xử lý. Và mới đây, công an thành phố Cam Ranh đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội đối với bảy người Trung Quốc. Đồng thời đề nghị xử phạt 15 triệu đồng/người, trục xuất khỏi Việt Nam, cấm nhập cảnh Việt Nam trong năm năm. 

“Xử lý người Trung Quốc như thế nào là việc của chính quyền địa phương và ban ngành chức năng, còn biên phòng không có quyền xử lý. Pháp luật không cho phép Bộ đội biên phòng ra quyết định xử phạt những trường hợp này. Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra, phát hiện và báo cáo tham mưu với các cấp uỷ, chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm, nếu không xử lý thì tiếp tục kiến nghị đến khi nào xử lý thì thôi. Thực tế chúng tôi kiến nghị xử lý từ năm 2009, và UBND tỉnh Khánh Hoà cũng đã có ý kiến chỉ đạo thành phố Cam Ranh, nhưng không hiểu vì lý do gì họ không làm”, đại tá Hồ Văn Truyền nói. Để làm rõ vì sao có sự chậm trễ đến mức khó tin trong việc xử lý này, chúng tôi tìm cách liên lạc với ông Đào Văn Hoà, chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh, nhưng không được. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại vịnh Cam Ranh vẫn còn lồng bè nuôi cá của hai doanh nghiệp có người Trung Quốc, đó là Song Phong và Khải Hoành. Hai lồng bè này đều ở phường Cam Linh. Ngoài ra, tại phường Cam Phú có một số đìa của các cơ sở thu mua và nuôi tôm sú của các doanh nghiệp có người Trung Quốc như: Hợp Nhất, Xuân Thịnh và một hộ cá thể ở phường Cam Phúc Bắc. Đại tá Hồ Thanh Tùng cho hay, các cơ sở này cũng đều do người Việt đứng ra làm thủ tục, đứng tên. 

Ngoài ra, theo bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hoà, hiện nay dọc tuyến biên giới biển dài 380km của tỉnh này có nhiều điểm nuôi trồng hải sản liên quan tới người Trung Quốc. Tại khu vực Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) có hai người Trung Quốc làm lồng bè nuôi cá mú. Tại thôn Mỹ Giang, phường Ninh Thuỷ, thị xã Ninh Hoà cũng có ba người Trung Quốc nuôi tôm thẻ chân trắng. 

Không thể xử phạt vì... bỏ trốn 

Tại thành phố Cam Ranh hiện có khoảng bốn điểm mua hải sản có người Trung Quốc tham gia, chủ yếu mua tôm hùm, cá mú... sau đó xuất sang Trung Quốc. Cách nay không lâu, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hoà đã ra quyết định xử phạt hai thương lái Trung Quốc là Lin Da Qiang và Zheng Quan Xing, vì thu mua hải sản trái phép tại cảng cá Vĩnh Lương, Nha Trang. Tuy nhiên, sau đó hai người này đã bỏ trốn nên không thể xử phạt được. 

Trong đó, bè cá tại Đầm Môn nằm cách bờ hơn 10km, được dựng kiên cố với 15 căn nhà do bà Quách Kiều, người Việt gốc Hoa có hộ khẩu tại Sóc Trăng đứng tên. Bè này có 300 lồng, tổng diện tích khoảng 10ha mặt nước và đang làm thủ tục xin phép thuê mặt nước. Tại khu vực này còn có một bè nuôi cá mú khác do một người Việt gốc Hoa tên Văn Kim Thành làm đại diện, cũng thường xuyên xuất hiện người Trung Quốc. Điều đáng nói là cả hai bè này đều chưa được cấp phép thuê mặt nước. 

“Quá lơ là”

Đại tá Hồ Thanh Tùng nhận xét: thực tế cho thấy công tác quản lý người nước ngoài tại địa phương còn khá lỏng lẻo. “Đáng lẽ muốn dựng bè nuôi cá trên vịnh, các doanh nghiệp phải làm hợp đồng thuê mặt nước với chính quyền để thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm. Thế nhưng chính quyền địa phương lại buông lỏng việc này”, ông nói. 

Ông Nguyễn Văn Hoàng, phó bí thư Thành uỷ thành phố Cam Ranh thừa nhận việc quản lý (người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh – PV) ở các địa phương quá lơ là, theo dõi không kỹ. Anh em địa phương cứ tưởng họ tới mua hải sản rồi đi chứ không nắm chắc họ trụ lại đó để làm ăn. “Mấy năm nay họ mượn danh nghĩa người Việt Nam để nuôi cá, nuôi tôm rồi mua bán mà không đóng thuế gì cả”, ông Hoàng cho biết thêm. 

Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hoà cho hay, sắp tới sẽ mở đợt cao điểm phối hợp với các ngành chức năng rà soát các hoạt động của người nước ngoài tại các địa phương dọc tuyến biên giới biển. “Hiện nay công tác quản lý người nước ngoài, đặc biệt là thương lái gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn tại Vĩnh Lương vẫn còn ba thương lái Trung Quốc núp bóng người Việt hoạt động”, ông Tùng nói. Cũng theo ông Tùng, tại Khánh Hoà thương lái nước ngoài hoạt động không chỉ ở phạm vi các khu kinh tế biển mà đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thậm chí lên tận các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; trong khi việc quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng “có những điều cần xem xét lại”. Bởi các thương lái Trung Quốc chỗ nào cũng đi, thành phần nào họ cũng tiếp xúc. 

“Họ đi lại rồi có kết hợp làm chuyện gì hay không mình chưa dám nói, nhưng nếu trong đó có những đối tượng có ý đồ xấu lợi dụng những việc này để hoạt động việc khác thì chúng ta tính thế nào đây?”, đại tá Hồ Thanh Tùng đặt vấn đề. 


Kẽ hở pháp luật hay do chính quyền địa phương?

Pháp luật Việt Nam có tương đối đầy đủ các quy định về hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam, cũng như những quy định xử lý hành chính trong các lĩnh vực liên quan. Theo đó, một đối tượng người nước ngoài hoạt động phi pháp có nhiều lĩnh vực kiểm tra và xử phạt hành chính như: thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, thuế, lao động, hải quan, tài nguyên, quản lý hàng hoá lưu thông, an ninh trật tự… Song song và đồng thời với đó lại có nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền như: cơ quan chuyên ngành (đầu tư kinh doanh, thuế, lao động, tài nguyên, công an…) và UBND các cấp cùng hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý.

Như vậy, việc tồn tại nhiều người nước ngoài kinh doanh, lao động bất hợp pháp tại Việt Nam, đặc biệt là những vùng, địa điểm quan trọng là do chính quyền địa phương không thực hiện việc quản lý trong suốt thời gian qua, do vậy không phát hiện được vấn đề này.

LS Trần Đức Phượng


bài và ảnh: Lê Anh


*

Bài liên quan đã đăng:

Tại sao đến bây giờ mới khẩn!?

Yêu cầu báo cáo khẩn về việc người Trung Quốc “đóng bè” trên vịnh Cam Ranh 

Ai cũng biết, Cam Ranh là một quân cảng “nhạy cảm” về chiến lược quân sự, nhưng từ những bè cá của người Trung Quốc này có thể “nhòm” khá rõ quân cảng.  Chiều 31.5, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Thành ủy Cam Ranh cho biết, đã chỉ đạo UBND thành phố rà soát lại các hoạt động kinh doanh, thu mua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP.Cam Ranh. Qua đó, những cơ sở, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Đọc tiếp: http://danlambaovn.blogspot.com/2012/06/tai-sao-en-bay-gio-moi-khan.html

Vịnh Cam Ranh: Chuyện thật như bịa!

Đăng Tấn (Tuần VietNamNet) - Xuống địa phương thấy lúc nào cán bộ cũng bận họp, bận đi cơ sở. Vậy đi cơ sở làm gì khi mà những chuyện "tầy đình" xẩy ra lại không hay biết?... Đọc tiếp: http://danlambaovn.blogspot.com/2012/06/vinh-cam-ranh-chuyen-that-nhu-bia.html

Hở sườn Cam Ranh

Cu Làng Cát - Sự kiện thương lái Trung Quốc núp bóng chuyên gia kỹ thuật cá mú đến Cam Ranh nuôi cá khiến ai biết thông tin này cũng lo và giật mình về cách làm việc hở sườn của tỉnh Khánh Hòa... Đọc tiếp: http://danlambaovn.blogspot.com/2012/06/ho-suon-cam-ranh.html 

Người Trung Quốc nuôi cá ở Vũng Rô: UBND tỉnh Phú Yên cấp phép tràn lan

Đức Huy (Thanhnien) - Xung quanh việc cấp phép cho người Trung Quốc nuôi trồng thủy sản tại Vũng Rô, các cơ quan chức năng ở Phú Yên loanh quanh đổ trách nhiệm cho nhau... Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết sẽ kiểm tra thực tế tình hình người Trung Quốc làm việc ở vùng biển Vũng Rô, rồi mới có hướng xử lý...  

Đâu là “ngành chức năng”?

Trần Đăng (Thanh Niên Online) - Một vịnh biển “nhạy cảm” về chiến lược quân sự nhưvịnh Cam Ranh nhưng suốt 10 năm qua, người Trung Quốc đã đặt chân đến và cắm rễ luôn ở đó, họ đã thuộc đến từng thước vuông mặt biển trong vịnh này nhưng các cấp chính quyền địa phương mà trực tiếp là TP.Cam Ranh vẫn “không biết” hoặc có biết nhưng vẫn để tồn tại. Đọc tiếp: http://danlambaovn.blogspot.com/2012/06/au-la-nganh-chuc-nang.html

Vũng Rô cũng có người Trung Quốc nuôi cá

Tấn Lộc (Pháp Luật TP) - Những người Trung Quốc trên các lồng bè đều hết thời hạn đến Vũng Rô “hướng dẫn kỹ thuật ươm cá giống, nuôi cá mú”.

Không chỉ ở Cam Ranh, tại vịnh Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên)cũng có nhiều người Trung Quốc tổ chức nuôi hải sản quy mô lớn nhưng các cơ quan chức năng không hề quản lý... 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo