Vũng Rô cũng có người Trung Quốc nuôi cá - Dân Làm Báo

Vũng Rô cũng có người Trung Quốc nuôi cá

Tấn Lộc (Pháp Luật TP) - Những người Trung Quốc trên các lồng bè đều hết thời hạn đến Vũng Rô “hướng dẫn kỹ thuật ươm cá giống, nuôi cá mú”.

Không chỉ ở Cam Ranh, tại vịnh Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên)cũng có nhiều người Trung Quốc tổ chức nuôi hải sản quy mô lớn nhưng các cơ quan chức năng không hề quản lý.


Bè cá của người Trung Quốc


Sáng 1-6, thuê một chiếc tàu, chúng tôi đến khu nuôi hải sản bằng lồng trên biển lớn nhất ở Vũng Rô với gần 200 lồng nuôi trải rộng trên hàng ngàn mét vuông. Lồng nào cũng dày đặc cá mú, cá bóp. Trên khu bè này có gần chục ngôi nhà bằng ván là nơi làm việc, ăn ở, sinh hoạt khép kín tại chỗ của hơn 30 người.

Theo một số người dân địa phương, khu nuôi cá bằng lồng này có giá trị hàng trăm tỉ đồng. Chủ nhân của khu bè này là một người Trung Quốc. Ông H., công nhân đang làm việc tại bè, nói: “Toàn bộ cá giống nuôi ở đây đều được tàu của người Trung Quốc chở sang. Mỗi khi thu hoạch, tàu Trung Quốc sẽ cập tại bè để chở hàng trăm tấn cá về thẳng nước họ. Công nhân làm việc tại khu bè này do người Trung Quốc trực tiếp trả lương”.

Người lái tàu chở chúng tôi đến bốn khu nuôi cá bằng lồng ở Vũng Rô và cho biết đó là bè của người Trung Quốc.

Ông Đào Thái Cường, Trưởng thôn Vũng Rô, cho biết: Hiện ở Vũng Rô có năm khu bè rất lớn nuôi cá mú, cá bóp bằng lồng của người Trung Quốc. Hằng ngày khoảng 6-7 người Trung Quốc có mặt thường xuyên tại các khu bè này nhưng họ không hề liên hệ với địa phương.

Khu bè với hơn 200 lồng nuôi cá mú, cá bóp của người Trung Quốc tại Vũng Rô. Ảnh: TẤN LỘC

Ông Trần Văn Ngãi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam, cho biết toàn bộ khu vực mặt nước biển Vũng Rô nằm trong dự án cảng và Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô nên không quy hoạch nuôi thủy sản. “Chính quyền xã chỉ quản lý mặt nước về mặt hành chính, không có thẩm quyền cho thuê để sản xuất. Toàn bộ hơn 300 bè nuôi thủy sản ở Vũng Rô hiện nay đều tự phát” - ông Ngãi nói.

Ông Phạm Minh Chu, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cũng khẳng định: “Đến nay, huyện chưa hề cho một đơn vị hay cá nhân nào thuê mặt nước; cũng chưa có ai làm việc với huyện để xin thuê mặt nước tại Vũng Rô”.

Cơ quan chức năng không biết

Ông Nguyễn Tấn Thành, Trưởng Công an xã Hòa Xuân Nam, thừa nhận không biết có nhiều người Trung Quốc hiện đang có mặt tại Vũng Rô. “Hồi tháng 6-2011, chúng tôi có kiểm tra nhưng từ đó đến nay không kiểm tra nữa vì mỗi lần kiểm tra phải phối hợp với nhiều cơ quan chức năng” - ông Thành nói. Trong khi đó, một lãnh đạo Công an huyện Đông Hòa cũng nói rằng không biết việc có nhiều người Trung Quốc đang nuôi cá ở Vũng Rô.

Theo trưởng thôn Vũng Rô, hầu hết người Trung Quốc liên kết hoặc mượn danh người dân địa phương để tổ chức nuôi hải sản ở đây.

Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hoàng, bà Bùi Thị Bích Ly, tiết lộ: Trước đây có người Trung Quốc nhờ công ty của bà làm giúp giấy tờ để họ nuôi cá. Em rể bà là người Trung Quốc cũng trực tiếp tổ chức nuôi cá ở đây, bây giờ thỉnh thoảng vẫn đến để hướng dẫn kỹ thuật.

Ông Trần Văn Ngãi thừa nhận: “Chúng tôi biết có nhiều người Trung Quốc đến liên kết với người dân để nuôi cá nhưng không quản lý được”. Còn ông Cường thì thông tin: Mỗi khi thả nuôi, cá giống chở từ Trung Quốc cập bè cũng không thấy ai kiểm tra, kiểm soát gì. Khi thu hoạch, tàu Trung Quốc cập ngay tại bè, chở cá thẳng ra biển đưa về nước cũng không qua cơ quan chức năng nào cả”.

“Người nước ngoài đến địa phương, đi lúc nào chúng tôi cũng không biết vì họ không làm việc với thôn” - trưởng thôn Vũng Rô nói.

Theo thông báo của UBND tỉnh Phú Yên gửi các cơ quan chức năng, từ năm 2007 đến tháng 6-2011 có 10 người Trung Quốc được tỉnh cho phép đến Vũng Rô để “hướng dẫn kỹ thuật ươm cá giống, nuôi cá mú”. Hiện nay, tất cả người này đều đã hết thời hạn cho phép của cơ quan chức năng.

Hiện tượng người Trung Quốc đại lục hay Đài Loan sang Việt Nam khai thác hầm mỏ, trồng rừng, nuôi thủy sản như báo chí phản ánh nên được đánh giá, xem xét bình tĩnh và cẩn trọng. Bởi chúng ta hội nhập thì việc người nước ngoài tới Việt Nam sinh sống, làm ăn cũng bình thường như việc người Việt ta ra nước ngoài kinh doanh, buôn bán. Chúng ta cũng không nên nhấn mạnh quá yếu tố Trung Quốc trong bối cảnh người dân hai nước vẫn qua lại kinh doanh bình thường, láng giềng hữu nghị.

Tuy nhiên, cũng phải rất cảnh giác bởi dù sao giữa hai nước cũng đã từng có va chạm căng thẳng và hiện đang có vấn đề tế nhị trên biển Đông. Vì vậy, tôi đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH thêm Luật Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích và chủ quyền quốc gia. Chúng ta càng hội nhập, mở cửa thì càng phải tăng cường bảo vệ an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền. Hai yếu tố này không mâu thuẫn nhau mà còn hỗ trợ nhau.

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, đại biểu Quốc hội

TẤN LỘC



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo