“Tham nhũng vặt” thời nhất quan thì đĩ - Dân Làm Báo

“Tham nhũng vặt” thời nhất quan thì đĩ

Goccomay - Hắn có hơn trăm mét vuông đất thổ cư do bố mẹ hắn di chúc lại trước khi về cõi Phật đã ngót 30 năm nay. Do hoàn cảnh mưu sinh hắn phải sống tha hương. Nhưng tâm nguyện của hắn luôn trân trọng mảnh đất hương hoả nơi ông bà cha mẹ đã trao gửi cho con cháu với lời dặn: “dù tha hương cầu thực ở đâu. Dù giàu nghèo cũng đừng quên cội nguồn…”. Riêng với hắn, mảnh đất còm còn thiêng liêng, thân thuộc vô cùng. Nó như kỷ vật vô giá gắn với hắn từ thuở thiếu thời với bao kỷ niệm buồn vui…

Vì thế cũng có người dạm hỏi sang nhượng phần đất di chúc nhỏ nhoi đó. Hắn nhất quyết không bán. Cho dù bán có thể sinh lợi. Có thể chuyển đổi lấy những thửa tiện dụng hơn, thông thoáng hơn.

Đùng cái nghe tin trong lúc vắng nhà, mảnh đất kế thừa đó đã bị “ông hàng xóm” gần gụi xây nhà lấn sang tới hơn hai chục mét vuông. Rồi khi rục rịch nghe tin quê hắn sẽ trở thành Hà Nội mở rộng, ngót trăm mét vuông đất còn lại “ông hàng xóm tốt bụng” đó còn đứng dùm tên và lập xong sổ đỏ mà hắn không hề hay biết gì.

Phải cực nhọc suốt hơn 4 năm trời với nhiều mũi giáp công hắn mới đòi lại được ngót trăm mét đất méo mó còn lại. Thủ tục hồ sơ đứng tên trong giấy sử dụng đất (tách sổ đỏ) mặc dù đã hoàn tất. Nhưng bộ phận 1 cửa trên huyện cứ kêu chờ… Đã gần nửa năm trôi qua vẫn cảnh “dân cần nhưng quan không vội”. Có người nói dù việc cấp sổ đỏ trước đây là sai lỗi của cả người xin (ông hàng xóm) và nơi cho (chính quyền địa phương). Nhưng nay việc sửa lại cho đúng là cần phải “bôi trơn” thì mới xong được! Việc đòi bôi trơn như thế chính là hành vi “tham nhũng vặt” đã và đang được cả xã hội thừa nhận?

Hắn quen sống ở một nơi không có nạn quan tham. Nên gặp những việc khó xử như thế thì nghĩ lung lắm! Thấy thằng cháu ruột bên vợ nhà hắn góp ý: Sau khi nộp đủ hồ sơ, nên chồng đủ hai chục chai (20 triệu VNĐ) thì sau ba tháng sẽ có sổ đỏ. Còn nếu muốn nhanh hơn, thì gấp rưỡi, gấp đôi hay gấp ba số đó… chứ không có chuyện đường đường chính chính thời buổi này mà được việc đâu. Thấy hắn chưa thông, thằng cháu nhấn mạnh: Dù không muốn cháu cũng đành chấp nhận chuyện này. Vì thời gian cũng là tiền. Thay vì đợi chờ mòn mỏi đòi (chờ) các công bộc thực thi công vụ với người dân. Nay con dân muốn xong việc đành phải dùng tiền làm bùa ”bôi trơn” mọi ách tắc của cỗ máy công quyền.

Thằng cháu là cán bộ đảng viên trẻ đang phục vụ đắc lực cho chế độ mà còn phải chấp nhận những điều đó thì thử hỏi dân đen (như hắn) tránh sao chả bị làm khó?

Bởi vậy ông Nghị Quốc (Dương Trung Quốc) vừa thổ lộ trên diễn đàn QH đang nhóm họp rằng: “Cần nhấn mạnh rằng mối quan hệ xin – cho đang ngày càng trầm trọng và gây tác hại lớn nhất cho việc điều hành đất nước, phá hoại những giá trị xã hội, đã tạo nên hiện tượng đáng quan ngại không chỉ là các vụ tham nhũng và thất thoát lớn đã được phát hiện hay không thể phát hiện, mà còn là hiện tượng đã được thừa nhận là “tham nhũng vặt”.” (*)

Mà đâu chỉ có chuyện “tham nhũng vặt” trong lĩnh vực cấp giấy phép quyền sở hữu nhà đất. Tham nhũng vặt chính là tiền đề của tham nhũng thất thoát lớn. Sẽ chẳng bao giờ tận diệt được tham nhũng lớn nhỏ. Khi những ngọn cờ chống tham nhũng luôn bị cái gọi là “lỗi hệ thống” nhấn chìm.

Nếu như vấn nạn bán độ trong thể thao (bóng đá) có thể hủy hoại thanh danh của một môn thể thao vua cùng thanh danh của đất nước khiến dư luận bức xúc và chính giới phải lên tiếng. Thì vấn nạn tham nhũng không những làm ô uế thanh danh mà còn đưa quốc gia dân tộc tới bờ vực thẳm.

Nghe có tay lẻo mép tuyên: Tham nhũng là “giặc nội xâm”… có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhưng chính tay tổ nêu câu đó lại kiên quyết không cần tam quyền phân lập; không chấp nhận chia xẻ quyền cai trị với bất cứ ai, bất cứ chính đảng nào. Khiến tham nhũng không những không giảm mà càng chống càng phát triển như nấm độc sau mưa. Làm sao mà chống được khi tất cả những nhân tố tích cực chống tham nhũng được người dân tin yêu như cụ Lê Hiền Đức lại bị bức hại. Bị qui tội “gây rối trật tự xã hội”? Với cái lối chống tham nhũng cuội kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi thì dù có đá ở sân của chính phủ do ngài Tể tướng 3D hay ở bên sân đảng do ngài Tổng Trọng cầm còi thì có gì khác nhau đâu mà hy vọng?

Khi cái tiền đề ”tham nhũng vặt” đã được thừa nhận như luật bất thành văn trong đời sống xã hội. Thì bó tay – bó chiếu chấm com rồi còn gì?

Cho nên câu chuyện riêng mà chung của cái thằng tên ”hắn” ở trên có thể là tôi, là anh hay là bất kỳ ai đang hiện hữu trên mảnh đất nhất quan nhì đĩ này.


Để kết lại trận bóng (banh) trên sân khấu Hà Thành để xem tiếp trận đấu đang rất sôi động giữa Cờ-roát-chi-a và Ai-rơ-len ở EM-2012, nhà cháu chép lại đây nhời ông nghị Quốc còn đang nóng trên nghị trường:

“Xin nhắc lại lời của người xưa đúc kết về thuật trị nước. Đó là câu đối “nhắc nhở” của một viên quan thời Hậu Lê (Hoàng Ngũ Phúc) vào một thời kỳ lịch sử rối ren: “Nước lấy dân làm gốc, lúc bình yên, nước hãy để dân yên – Dân lấy nước làm lòng, khi hữu sự, dân sẽ ra gánh vác”.

Thử đặt ra một câu hỏi, vào thời điểm này, “khi hữu sự”, liệu dân có ra gánh vác như những thời kỳ đầy thử thách trong quá khứ lịch sử hào hùng hay không?…” (*)

Thiết nghĩ câu trả lời cũng đã nằm ngay sau dấu hỏi đó rồi!


(*) Quốc hội, Chính phủ và mối quan hệ gắn bó về trách nhiệm - http://sgtt.vn/Goc-nhin/164872/Quoc-hoi-Chinh-phu-va-moi-quan-he-gan-bo-ve-trach-nhiem.html


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo