Thằng khờ - Dân Làm Báo

Thằng khờ

Nguyễn Thế Du - Trên đời kể cũng buồn cười thật. Nếu có một ai đó bảo anh là ngu hay khờ dại chắc rằng anh ghét người ta lắm đấy. Thế nhưng, tự anh gán cho anh cái danh đó anh lại thấy nó bình thường, thậm chí có lúc còn khoái khoái. Đời là vậy đấy.

Năm 19 tuổi, nhân dịp đầu xuân nó làm mấy câu thơ:

Bạn đời ơi! đời tôi bèo lạc vận.
Lững lờ trôi giữa dòng nước hôi tanh
Lệ tràn mi, nhìn lên bãi bờ xanh
Hoa đang nở, kìa bướm ong nô giỡn
Tình tôi đó! phải chăng hoa trái vụ?
Nở lên trên một bãi hoang tàn,
Bão táp, mưa sa, bụi phủ phũ phàng.
Tình thế đó, khác chi tình hoang dại.

Nguyễn Du nói : Mỗi lời là một vận vào. Đây có phải là sự vận vào đó không mà cuộc đời, cuộc tình của nó sao gian truân vất vả làm vậy? Từ ngày ấy, nó đã cho là nó sinh nhầm thế kỷ, nó không gặp thời, nó tự cho mình là người có khả năng đầu đội trời chân đạp đất, dám làm những việc người khác không làm được cho nên nó luôn đi đầu làm mọi việc khó khăn nặng nhọc, nó lấy tiêu chí mình vì mọi người ra làm kim chỉ nam cho mọi hành động của nó.

Nhưng nó không gặp thời, hay nói chính xác ra thời mà nó được sinh ra không được sống như thế. Cuối cùng thì nó được gì? Nó làm được tất cả nhưng người được hưởng thành quả đó không phải là nó mà là những người nó vì người ta đó cơ. Nó là một thằng khờ. Trăm nghìn vạn lối để biến nó thành thằng khờ mà nó có biết đâu, bởi vì nó quá thông minh, bởi vì nó quá trong sáng, bởi vì nó quá cả tin. Tất cả những cái “quá” mà người ta đặt lên đầu nó đã giết nó, đã biến nó thành một thằng khờ. Để đến lúc nó nhận ra thì nó đã thành một thằng khờ có thâm niên mấy chục năm rồi. 

Ôi cuộc đời, phải chi cho nó được làm lại một lần nữa. Khi mà nó ngước mắt lên thì ánh tinh của nó đã ở cuối dốc rồi. Cho nên đến giờ nó chỉ còn mỗi cái quyền tự nhận nó là một thằng khờ mà thôi. Từ trên ghế nhà trường nó đã được giáo dưỡng khi nó còn là một đứa trẻ chỉ mới biết chữ A chữ B: Thế nào là người có đức. Với nó, người có đức phải là người biết sống vì mọi người, thẳng thắn thật thà.

Nó đã sống như thế và đã có chuyện thế này.

THẰNG BẠN THÂN 

Ngày ở trong trường Sỹ quan chỉ huy kỹ thuật không quân, nó có một thằng bạn rất thân. Thằng bạn đó quê ở Nghệ Tĩnh, nhiều người bảo nó không nên chơi với người Nghệ Tĩnh vì họ ấy sống cục bộ. Nó không cho là như thế, có thể có những đặc trưng như thế thật nhưng với bạn nó thì không, hoàn toàn không. 

Người bạn của nó rất tuyệt vời, cũng sống hết mình theo khẩu hiệu mình vì mọi người như nó. Đặc biệt hai đứa chúng nó là cặp kỳ phùng địch thủ cờ tướng, mọi trận đấu cờ tướng của nhà trường bao giờ cũng chỉ còn lại hai đứa tranh giải nhất nhì, chúng nó quen và thân nhau từ cờ tướng, hiểu từng nước đi của nhau, vậy thì tại sao nó không chơi được cơ chứ. 

Hai đứa thân nhau quắn quýt với nhau như cặp tình nhân. Chúng nó ăn chung, ngủ chung, làm việc chung như vợ chồng. Có một lần nó cần tiền, nó tự lục túi thằng bạn để lấy tiền, bụng bảo dạ. Khi nào bạn nó về nó sẽ nói sau. Trong lúc nó đang lấy tiền thì Định “chec” - một thằng bạn khác nhìn thấy liền hỏi nó "Mày lục cái gì đấy” - “Tao lấy của thăng Sỹ mấy đồng thôi mà" - “Thế mày hỏi nó chưa?" - “Chưa!”. Thằng Định “chéc” không nói gì, nó cũng không để ý gì nữa và tiếp tục công việc của mình. Đến chiều thằng bạn thân của nó về găp nó và hỏi: “Mày lúc sáng lấy tiền của tao phải không” - “Ừ! tao chưa kịp bảo lại mày”. Bạn nó không nói gì nữa.

Sau khi ra trường hai đứa vẫn được ở cùng nhau trong sân bay Vinh. Năm năm sau nó ra quân. Ra quân mười năm năm nữa chúng nó mới găp lại nhau. Cuộc găp này nó không báo trước, nó muốn cho thằng bạn nó một sự bất ngờ.

Hôm ấy nó đưa em nó đi thi đại học, thi xong nó cùng em vào thăm bạn. Mười hai giờ trưa nó mới đến nơi. Nhà riêng của bạn nó nằm trong khu dành cho sỹ quan trong sân bay Gia Lâm, nhìn ngôi biệt thự cao năm tầng của thăng bạn điều đầu tiên nó nghĩ: Với lương tháng cũa thằng sỹ quan cấp tá làm thế nào mà mày làm được nhà to như thế hả Sỹ? Cuộc găp gỡ không bất ngờ như nó tưởng tượng nhưng lại có nhiều điều nó chưa hề nghĩ tới. Nó là một thằng khờ mà.

Sau khi hàn huyên thằng Sỹ hỏi nó: Trong vụ kiện ở Thái bình vừa rồi mày có làm trưởng ban thanh tra nhân dân không?

Vụ nhân dân Thái Bình chống lại cán bộ địa phương gây ra những cuộc biểu tình lớn trong tỉnh và lên đến cả Hà nội. "Thằng cha này nó có mắt đằng sau hay sao mà nó đọc đựợc chuyện của mình vậy ta?”.

Nó nghĩ vậy, liền hỏi lại "Sao mày hỏi thế?”

- “Tao biết tính mày, những điều ngang trái không chịu được, mà mày không làm thì thôi đã làm là hết mình, trình độ nhận thức chính trị mày có, thế thì mày thừa khả năng để lãnh đạo nhưng cuộc nổi loạn như thế và còn hơn thế nữa chứ. Đúng không nào?” 

“Sau mười năm năm mà thằng cha này vẫn đọc được ruột gan mình thế này thì quả là một thằng bạn quá hiểu mình”

"Thế theo mày bọn tao đi kiện thế là đúng hay sai?”

"Sai thì không sai rồi, đến ông Nông Đức Mạnh kia còn chả dám bảo sai nữa là tao (Cười). Nhưng mày chẳng được cái gì cả, đúng không ?”

Đã bị gãi vào chỗ đau nó vặn lại liền: “Theo mày thế nào là đươc, mất? Nhưng theo tao trong trận chiến vừa qua tao chẳng mất gì cả mà được rất nhiều, vì tao có gì đâu để mà mất, còn cái mà tao được là tao đã hiểu thế nào là người cán bộ cộng sản, thế nào là nông dân, thế nào là lãnh đạo. Hơn bốn mươi năm cuộc đời đến bây giờ mới hiểu mà hiểu tận gốc luôn mày thấy không quý sao?” 

Thằng bạn nó lại cười, nụ cười nhường chỗ cho sự thông cảm hơn là coi thường thằng bạn khờ này

- "Những cái đó tao biết từ lúc bước chân vào lính cơ mày ơi! Thế mày tưởng tao vào Đảng là để phục vụ nhân dân phục vụ cách mạng thật đấy à? Phục vụ tao là chính chứ nhân dân, cách mạng chó nào? Không có Đảng như mày liệu tao có được cơ ngơi này không? Không có Đảng liệu tao có được hàng tháng lĩnh lương thượng tá như bây giờ không hay là cũng lại làm thằng nông dân như mày?"

Ôi Sỹ ơi, mày nói thật lòng đấy tao biết mà, tao biết mày nói thật khi mày chẳng còn gì phải giấu tao, khi tao là một thằng nông dân còn mày là một cán bộ cách mạng, giá như trước đây tao biết được động cơ ấy của mày thì mày làm sao mà vào Đảng được, làm sao mày có thể được như ngày nay, nó cay đắng lắc đầu nghe thằng bạn dạy tiếp:

- "Mày còn nhớ cái máy bay 04 mà mày khắc phục sau bão ở trong sân bay Vinh ấy không? Đến bây giờ bọn tao vẫn dùng đấy. Mày làm tao hưởng. Mày có biết tại sao không?”

Bạn nó lại cười nhưng hơi nhăn mặt lại. - “Không”, nó thờ ơ.

- “Hồi ấy tao biết trong phi đội chỉ có mày mới có khả năng sửa được nó. Bọn tao mới đi chuyển loại về làm sao đã nắm được hết kỹ thuật, cho nên tao mới đề nghị cho mày sửa. Kỹ thuật tao không bằng mày nhưng tao là Đảng viên, chi ủy viên nên tao đề nghị cho mày đi sửa là có sự bảo lãnh tin cậy rồi . Đảng ta là Đảng cầm quyền mà. Khi mày sửa xong lẽ ra mày theo nó suốt đời lính kỹ thuật như tao đây này nhưng mày không được theo nó vì sao mày có biết không? Tại mày đấy. Không, cũng không hẳn thế. Tại thằng Định “chéc”, tại tao một phần nữa. Ngày ấy mày đừng tự nhiên móc túi tao để lấy tiền thì sao đến nỗi”

- "Tao đã nói là tao mượn mày mà”. Nó cãi.

- "Nhưng thằng Định “chec” nó có cho là mày mượn đâu. Nó nói mượn thì phải hỏi chứ. Cho nên hôm phi đội định giao 04 cho mày làm tổ trưởng thì thằng Định cho ý kiến mày là người thiếu trung thực, chính nó đã bắt quả tang mày ăn cắp tiền của tao khi còn trong trường kỹ thuật nên phi đội mới cắt không giao cho mày nữa”

Nó hất hàm: "Thế mày câm à?"

- “Tao cãi làm sao được. Nó vừa là Đảng viên vừa là đồng hương của tao. Mày bảo tao cãi giúp mày để nó thành người vu khống à?"

- "Trời ơi, Sỹ ơi tao tưởng mày thế nào chứ. Chẳng lẽ tao đã hiểu mày còn nông cạn thế sao?" Nó ngán ngẩm. Mày không muốn nó bị mang tiêng là vu khống để nó vu khống tao. Thằng bạn này được lắm.

- "Sau đó 04 được giao cho tao mày có muốn biết vì sao không? Cũng vì thằng Định "chec” đấy. Sau khi tao nhận bàn giao máy bay nó bảo với tao : "Tôi vận động mãi mới đưa được 04 về cho đồng hương đấy. Cả phi đội mười hai máy bay sau bão còn có 2 cái mình không vồ lấy một cái sau này mình sống bằng gì?” Tao còn áy náy vì mày sửa, tao dùng bất tiện quá, thì nó giao nhiệm vụ luôn"

- “Không phải chỉ đơn giản phục vụ một chiếc máy bay và hưởng lương đâu nhé. Mày còn phải làm nhiệm vụ ứng phối cho đồng hương sau này nữa đấy. Thằng cha ấy nhìn xa thật. Căn hộ này tao làm cũng vì nghĩa đó đấy. Hằng năm dân quê tao lên đây cho con em đi thi đều vào đây cả, hai vợ chồng hai đứa con, tao làm gì phải làm nhà to thế này.” 

Ôi! Tinh thần mình vì mọi người của thằng bạn nó mới cao cả làm sao. "Tao biết ngày ấy mày về là theo ước nguyện của mày, mày cũng chẳng thiết gì cái 04 này nữa phải không? Nhưng với tao nó là cơm áo gạo tiền đấy mày ơi! Không có nó tao làm sao được như bây giờ, nên tao nâng niu trọng vọng nó lắm cho đến bây giờ nó vẫn còn ngon lắm.”

- “04 giờ vẫn còn á?". Nó ngạc nhiên há hốc miệng 

- “Chẳng còn thì ai dám vứt nó đi. Một đống đồng tiền chứ có ít đâu!”

- "Nhưng nó đã hết niên hạn sử dụng hơn mười năm nay rồi kia mà” 

- “Hết niên hạn là một chuyện, sử dụng hay không là một chuyện. Từ ngày ấy đến nay nhà nước cũng chẳng nhập thêm một chiếc nào nữa, nếu bỏ nó đi thì tao, cả phi đội tao sống bằng gì hả mày?” 

- “Thế ra từ trước đến nay nông dân chúng tao cứ còng lưng ra để nuôi những thằng như mày hả Sỹ? mày ăn những bát cơm ấy có thấy ngon không mày”. Nó cay cú xỉa xói. 

- “Mày lầm rồi ngốc ạ. Tao ăn gạo Thái Lan chứ thèm ăn mấy cái thứ gạo rẻ tiền của nhà quê chúng mày à? Tiền lương tao nhận từ bộ quốc phòng chứ có thèm lấy mấy đồng thuế nông nghiệp của chúng mày đâu. Thuế nông nghiệp của cả làng mày có đủ nuôi ba thằng như tao không?”

Bị dội nước lạnh nó câm như hến nó chỉ hiểu thêm rằng sự phân chia giai cấp đã quá rõ rệt giữa nó và thằng bạn. Nhìn đồng hồ đã bước sang ba giờ chiều, nó đứng dậy cáo từ. Thằng bạn nó cố tình giữ ở lại để tâm sự nốt đêm nay. Cuối cùng nó phải ra điều kiện hai thằng chơi một ván cờ nếu thua nó sẽ ở lại, thắng nó được tự do. Thỏa thuận được nhất trí. 

Sau gần hai tiếng ván cờ chấm dứt. Phần thắng thuộc về nó khi nó còn con tốt cuối cùng nhập cung. Nó ra về trong sự níu kéo tuyệt vọng của thằng bạn mà tự dưng nó cảm thấy đầu óc nó trống rỗng vô cảm đến lạ kỳ.

Bến Tre, tháng tám - 2010 


Nguyễn Thế Du
http://danlambaovn.blogspot.com/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo