Hoàng Hạc (Người Việt) - Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập năm 2006 trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại từ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - một tổng công ty được thành lập từ năm 1996.
Vinashin là một trong 17 tổng công ty lớn nhất Việt Nam. Tổng số tài sản của công ty khoảng 90,000 tỷ đồng (nhưng vay nợ tới hơn 80,000 tỷ). Sau vụ bê bối tham nhũng và thua lỗ, chính phủ Việt Nam đã cho tái cơ cấu Vinashin, một số dự án sẽ chuyển về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Vụ án kinh tế Tập đoàn Vinashin là vụ kinh tế lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, với thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng. Vẫn chưa thể thống kê đủ và hết những hậu quả nặng nề về kinh tế-xã hội do những con tàu Vinashin để lại.
Tuy nhiên, các thống kê ban đầu cho thấy với hơn 4 tỷ USD thất thoát của Vinashin đã gấp 4 lần gói kích cầu của chính phủ trong nỗ lực phục hồi kinh tế trong cơn khủng hoảng suy thoái năm 2008, gấp 3 lần tổng mức đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo cả nước.
Và theo bản tin của trang 'infonet.vn': Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sẽ “thí điểm đóng mới tàu cá vỏ thép cho ngư dân Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, để bảo đảm an toàn hơn cho ngư dân và tăng khả năng khai thác thủy sản xa bờ...”
Tin cho biết, “Tổng số tiền đầu tư cho chương trình thí điểm này khoảng 120 tỷ đồng, tuy nhỏ so với các hợp đồng trước đây của Vinashin, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào lợi ích quốc gia và giải quyết việc làm cho lao động của tập đoàn.”
Theo đó, “Vinashin sẽ bắt đầu làm thí điểm dự án ở Quảng Ngãi với khoảng 20 tàu cá vỏ thép đầu tiên. Dự kiến, cuối tháng 12 năm nay, những chiếc tàu đầu tiên sẽ hoàn thành tại nhà máy của Vinashin ở Cam Ranh, Bến Thủy, Nhà máy 76.”
Ðiều này nói lên cái gì?
Trước nhất, tham vọng thành lập một tập đoàn kinh tế nhà nước, một kiểu “hậu kinh tế tập trung,” “hậu hợp tác xã toàn dân” đã được thay thế bằng bộ mặt hợp lý, hợp thời hơn với cái tên nghe thời sự, hiện đại hơn. Nhưng thực tế thì không có gì thay đổi, từ hoạt động, cơ cấu cho đến huy động vốn, đều lấy từ ngân sách quốc gia và vay nợ nhân danh dân tộc, đất nước để đầu tư vào.
Và, nếu có phá sản, thì nguy cơ có tính chung chung, không có người chịu trách nhiệm cụ thể, tiền dân thì mất mà tật nợ thì nhà nước (đại diện toàn dân) mang, cụ thể ai mang cũng khó mà rõ được!
Khi lỗ lã xảy ra, nợ nước ngoài lên đến con số ngàn tỉ đô la thì cái giấc mộng tạo ra một tập đoàn kinh tế nhà nước vững chãi để củng cố quyền lực xã hội chủ nghĩa, để lấy lại uy danh kinh tế nhà nước tập trung một thời, xem như tan tành mây khói!
Lúc này, cái thời vàng son “lành làm thúng” của Vinashin xem như tan nát, ban bệ từ giám đốc đến tổng giám đốc, thậm chí vài ông bộ trưởng và trên cả bộ trưởng cũng dính chàm.
Nhưng, không thể phá bỏ Vinashin đi được, phá bỏ nó đi thì giảm ngay được gánh nặng kinh tế, nhưng thay vào đó sẽ là hàng loạt lũng đoạn và phá sản về mặt tư tưởng, chính trị, uy tín đảng phái, uy tín nhà nước...
Không còn lựa chọn nào khác là chuyển sang giai đoạn “lủng làm mê” để vớt vát được chút nào thì vớt. Quyết định chuyển gói thầu/phù phép Vinashin - Vinaline - PVN là một lựa chọn gỡ gạc, đi không nỡ ở không xong.
Nhưng cuộc chuyển nhập/phù phép Vinashin - Vinaline - PVN chẳng được bao lâu thì lại nổi lên hàng loạt tai biến khác, cũng xoay quanh chuyện vốn liếng, nợ nần, tham nhũng, thất thoát. Kế hoạch “lủng làm mê” xem ra cũng không tốt đẹp gì.
Chuyển sang “sạt sề hốt rác,” đóng tàu bọc thép cho ngư dân Quảng Ngãi để đánh bắt xa bờ Hoàng Sa-Trường Sa!
Thử xâu chuỗi lại vấn đề
Trong lúc Vinashin thành lập và hoạt động lỗ lã, đổ nợ hàng tỉ đô la với nước ngoài, thì tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung đánh cá trên khu vực Hoàng Sa-Trường Sa bị 'tàu lạ' đến uy hiếp, đâm chìm và bắt người đòi tiền chuộc.
Khi Vinashin đổ nợ, chuyển nhập/phù phép Vinashin - Vinaline - PVN thì tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi và ngư dân Việt Nam vẫn trong tình trạng này, còn có thêm vụ tàu Viking 2 bị tàu Trung Quốc cắt cáp cùng hàng loạt hoạt động quân sự mang tính uy hiếp từ phía Trung Quốc trên biển Ðông.
Lúc này, hoạt động biểu tình phản đối Trung Quốc tại hai thành phố có tổng lãnh sự quán và đại sứ quán của Trung Quốc là Sài Gòn và Hà Nội đã phát triển lên đỉnh cao.
Và, khi mà cả đoàn tàu của Vinashin trở thành một đoàn sắt gỉ nằm chờ ngày thành phế liệu, cũng là lúc tình hình biển Ðông căng thẳng lên cao. Xét về góc độ kinh doanh thì tập đoàn kinh tế Vinashin đã trở thành mối họa của quốc gia.
Lúc này, tập đoàn này chuyển sang dự án đóng tàu bọc vỏ thép có công suất cao cho ngư dân Trường Sa-Hoàng Sa.
Dù sao, đây cũng là hành động có tinh thần dân tộc, tinh thần đối phó với quân xâm lăng và bảo vệ đồng bào (mức độ đối phó và bảo vệ chừng nào chưa biết nhưng dẫn sao cũng mang hơi hướm tinh thần này).
Thử đặt lại vấn đề, tại sao ngay từ đầu, Vinashin không triển khai dự án có tính dân tộc này? Phải chăng đây là một kiểu “lành làm thúng, lủng làm mê, sạt sề dựng rác”?
Vì bây giờ làm kinh tế đã hoàn toàn thất bại, chuyển sang “loại hình chính trị yêu nước” để gỡ gạc uy tín?
Rất có thể là vậy. Vì nếu có tinh thần ngay từ đầu, thì nguồn thất thoát không cao, không rớt vào những dự án sắt vụn vô nghĩa, và ngư dân Việt Nam không bị èo ọp trên biển Ðông với những chiếc thuyền mỏng như lá để rồi bị “tàu lạ” đâm chìm, để rồi hàng nhiều gia đình rơi vào cảnh con mất cha, vợ mất chồng, tay trắng gánh thêm nợ nần, đau khổ...
Vấn đề cay đắng ở đây lại là chỗ một tập đoàn kinh tế nhà nước, dùng ngân sách quốc gia và vay nợ nhân danh đất nước, dân tộc để rồi đánh bạc trong kinh doanh, dẫn tới lỗ lã, tiêu cực, và rồi, khi không còn gì để mất, mới nghĩ đến chuyện dân tộc (nếu có!), mới chơi ván cờ “sạt sề đựng rác” với an nguy của đất nước.
An nguy và sinh mệnh của đồng loại, đồng tộc, hay rộng hơn là cả một dân tộc, đất nước được đặt trong ván cờ vớt, đặt trong nỗi ê chề của chấp nhận thất bại - “sạt sề đựng rác” của một nhóm kinh tế “chủ lực quốc gia” như vậy, có đáng để suy nghĩ!
Hoàng Hạc