Để rồi xem! - Dân Làm Báo

Để rồi xem!

Nguyen Anh (Danlambao) - Nếu có một sự quả quyết rằng “Những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” là cứu cánh cho dân tộc Việt Nam ngái ngủ này, còn nửa tháng “lộn xì ngậu” vừa qua kia, là có thể lật ngược được bộ mặt văn hóa đạo đức Đảng từng khạc bừa vào hương án các Vua Hùng, thì xin hãy lấy tôi đây ra mà làm… thớt, nhé!

Lẽ thứ nhất, làm theo quy luật chỉnh đốn bằng phê và tự phê bình, tỉ như: “Các đồng chí đã dốc sức lo cho đất nước chúng mình một cách “cần cù, liêm chính, chí công vô tư” đến mức không ăn, không ngủ (đ/c bộ trưởng bộ học Nguyễn Thiện Nhân mỗi đêm ngủ 6 tiếng không ăn uống gì, ngày ngủ tha hồ trong xế hộp!) là lãng phí nguyên khí quốc gia, là tự làm khánh kiệt tài nguyên (1 tạ “móc hàm” đâu phải là ít) thiên nhiên của đất nước…”, thì mà sao giờ này đảng lại “đang bị” cả dân tộc “yêu thương”, “tin tưởng” đến mức… sẵn sàng đổi đảng lấy “ba bò chín trâu…”, không “xâu cá mè” thì gói “cơm thiu” cũng được!

Không thể không nói rằng dân tộc Việt Nam rất biết ơn Đảng.

Ấy là khi Đảng tổ chức lãnh đạo dân ta giành độc lập, và chúng ta cũng đã giành được độc lập.

Tuy “độc lập” thật ra chỉ như con rắn “theo đóm”… dân chủ…, còn “dân chủ” thì như người nông dân dốt nát thất vọng cay đắng, không cất nên lời. Ấy là nỗi cay đắng của những kẻ trót “đi theo Người”, mà bây giờ đang áp bức bóc lột “ta” để chống thứ kẻ thù thâm căn bóc lột mình (cũng không hẳn là có áp bức mình khi thân phận dốt nát của mình khiến mình không thể cất đầu cao hơn con trâu con ngựa!).

Hegel từng coi động cơ của lịch sử là dục vọng, còn động lực của nó là sự đeo đuổi các dục vọng ấy. Bất cứ dục vọng nào, dẫu thấp hèn hay cao thượng cũng đều biến được con người thành công cụ mù quáng của lịch sử. Người An Nam quanh năm khốn nạn, đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn. Kinh tế tự nhiên năng suất đã thấp lại còn hết sức bấp bênh, một năm chí tối không dám ăn no mà cũng không có lấy một miếng cơm ngon dành ngày cúng Giỗ. Cha già, mẹ héo cũng chỉ đến một tấm chiếu lúc trời về sáng cho cả bốn mùa… Con cái nheo nhóc tiếng nỉ tiếng non, cũng chỉ còn mỗi đường “mắng át” cho khỏi kẻ chê người cười bởi lười mà đói... Vợ thì tật mang, dạ chửa quanh đi quẩn lại cũng chỉ nhận được câu an ủi “mệnh giời”. Mong ước suốt đời chỉ là “còn da lông mọc…”. Nghe ai câu hô hào “cướp nhà giàu, chia nhau!” là y như rằng người ta gồng gánh, bồng bế/dắt díu vợ con bỏ làng, bỏ xã, bỏ mẹ, bỏ cha, trừ tổ tiên “cái bát/cây nhang” có thể mang theo trong giỏ...

Các tôn giáo lớn đã ra đời và lôi cuốn con người chỉ với những lời hứa. Mà còn gì tốt đẹp hơn những lời hứa!

Đảng cộng sản thật sự khéo léo với chính cương, sách lược mà lúc đầu không ai đắn đo, hoài nghi là “bánh vẽ”. Và người nông dân Việt Nam khi mà an sinh của họ hoàn toàn không thể đánh cược được với bất cứ thứ gì thì phản ứng duy nhất và cũng thật dễ dàng là “một liều ba bảy cũng… đành nhắm mắt…”. Cái “được ăn cả, ngã về không” được người cộng sản diễn đạt thành “nội dung trung tâm của thời đại”: “Nếu có mất thì chỉ mất xích xiềng, còn được thì được cả thế giới”. Và thế là người nông dân Việt Nam bây giờ đã có được cái mà nó mất: ảo tưởng vào những gì mà người cộng sản “hẹn hò”! Sau chuỗi ngày ôm con đau đáu thi thoảng ngước cặp mắt giàn giụa lên trời, họ chợt biết ra gã Sở Khanh kia cũng có yêu nhưng chỉ yêu mỗi gã (!). Mong mãi thì gã giả bộ ăn năn. Đến khi mụ gái quê kia sốt ruột “tự phát” trở nên một Medea của Euripides 2.500 năm sau, thì gã cộng sản kia mới hết bài giả bộ… bày trò “nằm gai nếm mật”(!).

Cải cách ruộng đất long trời lở đất đã đưa người nông dân lên thẳng địa vị chủ ông với cái quyền duy nhất là được nói: Bọn bay (địa chủ) ức hiếp chúng ông! Đến khi bọn “bọn bay” ấy bị đánh bay, thì người nông dân cũng hết quyền vì không còn địa chủ. Đây là một cuộc cách mạng chỉ bằng những lời nói. Một cuộc cách mạng mà bài học kinh nghiệm bao trùm là “Đảng ta đã khéo léo vận động, giác ngộ quần chúng, nơi tuyệt đại đa số là nông dân với khẩu hiệu “ruộng đất cho dân cày”. Cuộc chung đụng “ăn xổi, ở thì” giữa nông dân và đảng của giai cấp công nghiệp cơ bắp cũng thấm thoắt có được một vài “tuần trăng mật” đủ để mụ gái quê kia tập đánh vần cuốn “Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp”. Và lần này thì là lần đầu tiên người nông dân tự mình nhận thức được cái sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình, được dạy dỗ để trở thành giai cấp tự mình (!).

Với hàng ngàn doanh nghiệp bị phá sản, “giai cấp tiền phong” hôm nay bị ném thẳng ra “mặt tiền”, với Biển Đông “nhường cơm sẻ… cá” cho các đồng chí ta, một bộ phận giai cấp nông dân (những ngư dân), đã tiệt đường “tự phát tư bản chủ nghĩa”. Số các đồng chí nông dân còn lại người đã “hiến” đất để dựng Vila, các bé thì tặng đảng ta những vườn trồng hoa làm những sân golf Đại Lãi. Chả gì thì 40 năm CNXH cũng phải có chút thành quả XHCN. Đó còn là nền văn hóa đậm đà bản sắc, nhuần nhuyễn được với linh hồn của thời đại trong một khải thị của đồng chí cao nhất đảng ta: “Suy nghĩ trong tòa lâu đài khác với trong túp lều tranh” (ý là bây giờ chúng ta phải suy nghĩ khác, sống trong thiên đường những Vila và sân cỏ, thì phải nghĩ rằng cỏ không phải là để cho bò ăn, mà là ngược lại – văn hóa xã hội chủ nghĩa đã phủ sóng toàn bộ như mạng di động của bọn tư bản rồi nghe!).

Nhưng rồi người nông dân vẫn băn khoăn hình như có một cái gì đó “hơi quá quắt” (!). Một số trí thức mất ngủ… đã tự giác đứng lên làm “dê tế thần”. Nền văn hóa chính trị coi trí thức là “phân”(!) cũng không hi vọng gì vào các biện pháp bạo lực làm “xì hơi” dân chúng (vì dân chúng quá quen với bạo lực, hơn nữa đảng lại kiên trì “tập tành” và “giáo dục” tư tưởng ấy, “và chính ngay tư tưởng ấy, tư tưởng cách mạng bao lực là nền tảng của toàn bộ chủ nghĩa Mác”), đảng bày ra phương tiện: “khổ nhục kế” để tiếp tục mị dân!

Trong tất cả các chợ “con hẻm” hay “hôm xổm” ở phố thị hoặc nhà quê, vì không có hàng để đổi lấy tiền và nhất là không đủ tiền để đổi lấy hàng, thay vì “bà hàng trên ghế ngả thiu thiu”, người ta râm ran “suỵt” vào tai nhau: “cú này” “ai” hành dân hại nước “sẽ bị kỷ luật” “đúng tội đúng người”… ra cái điều tin tưởng lắm !!!

Rồi những kẻ “mọt dân”, “sâu nước” sẽ bị xử…, mà không phải xử bằng pháp luật đâu nhá, sẽ xử bằng “đấu tranh tự phê bình và phê bình” đấy ! Đó là mâu thuẫn khác nhau thì biện pháp giải quyết sẽ phải khác nhau: với “bọn thù địch” thì phải cho chúng vào nhà tù, còn với… “nội bộ nhân dân” ta thì đã có những “căn nhà có toàn cửa sổ”.

Lẽ thứ hai, là quy luật… Ừ thì…, nhưng mà sao giờ này đảng ta mới sửa soạn làm theo quy luật. Nếu trước nay họ đã vẫn làm, chỉ có điều là làm không có hiệu quả, thì quy luật ra là cái… khỉ gì. Bằng như không là cái gì, thì cách mạng là “đầu môi chót lưỡi”. Nếu thế thì có khác chi người dân trong một xã hội 90% trồng lúa nước đã vô hình chung lấy “mướp đắng” ra cá cược với “mạt cưa”: dốt nát như nông dân thì làm cách mạng được cái nỗi gì, nếu không chỉ là bị lừa phỉnh. Mà đúng là bị lừa phỉnh. Có như thế nó mới đáng nhận một sự phản bội ngay sau không lâu kẻ đi lừa phỉnh trở thành chủ ông!

(Tuy nhiên, con cái của “bọn nông dân” này, ngày nay không thể là nạn nhân như cha mẹ họ. Dẫu gì thì mồ hôi nước mắt và sự nhục nhã của bố mẹ, xa hơn ông bà, hơn nữa tổ tiên họ cũng đã biến thành sự chắt chiu để họ trở nên “bông hoa biết nở đúng mùa” (chữ của Nguyễn Trọng Tạo). Nên chăng đảng chẳng phản tỉnh với cái NQTW4 kia…(?!).

Viết đến đây tôi không có chút nào đắng cay hay thù hận. Sự đời cũng sòng phẳng lắm. Anh là công cụ của tôi thì tôi là chủ sử dụng anh. Anh cho tôi là dối trá chẳng qua là vì “ai bảo anh tin tôi”. Tôi là kẻ lừa anh chỉ vì anh cũng không có khả năng nào khác…

Nhưng mà là Trời ạ ! Sao dân chúng chúng ta khốn nạn mãi thế này! Thời đại mới mà chúng ta đã sẵn sàng đón nhận vẫn chưa phải là cơ hội thay đổi thân phận của chúng ta sao?

Còn “Những vấn đề cấp bách…” kia là lối thoát đạo đức cho dân tộc chúng ta à. Chẳng lẽ cái “nguyên lý tự thân” của thế giới đã đến đoạn: Hạnh phúc của con người đều do các thế lực bên ngoài mỗi con người ấy định đoạt (?!).



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo