Tàu tiếp liệu, chế biến thủy sản Trung Quốc tới Trường Sa - Dân Làm Báo

Tàu tiếp liệu, chế biến thủy sản Trung Quốc tới Trường Sa

HÀ NỘI (NV) - Tàu tiếp liệu và chế biến thủy sản được nhà cầm quyền Trung Quốc đưa tới khu vực quần đảo Trường Sa để hậu thuẫn cho đoàn tàu đánh cá của họ hoạt động ở khu vực này. Bản tin TTXVN ngày Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012 tường thuật theo tin của Tân Hoa Xã báo động như vậy về những hành động ngang nhiên của Trung Quốc bất chấp những lời phản đối suông của Hà Nội. 

Theo TTXVN, Trung Quốc đã phái tàu tiếp liệu và chế biến thủy sản tên là “Quỳnh Tam Á F-8138” trọng tải 4,000 tấn của công ty Giang Hải đi từ đảo Hải Nam tới Trường Sa mới đây. 

Con tàu này “có đủ chức năng đánh bắt trên biển, gia công thô và tinh, cắt lát sấy khô, ướp lạnh,... đồng thời đảm bảo đầy đủ dịch vụ hậu cần cho các tàu cá ở Trường Sa.” 

Với khả năng tiếp viện thực phẩm, nước uống, nhiên liệu gần hơn và nhanh hơn, đám tàu đánh cá Trung Quốc tràn xuống khu vực Trường Sa từ đầu tháng 8 vừa qua có thể kéo dài thời gian trên biển thay vì phải quay về Hải Nam sớm hơn, tốn nhiên liệu, tiền bạc. 

Hồi tháng 7 vừa qua, khi các sự căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc lên cao, ngay giữa thời gian cấm đánh cá, Bắc Kinh đã lùa 29 tàu đánh cá và một tàu tiếp liệu 3,000 tấn tới khu vực Trường Sa chạy lòng vòng biểu diễn thách thức phản ứng của Việt Nam. Hà Nội lên tiếng phản đối và lập lại lời tuyên bố chủ quyền toàn diện với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng không có hành động gì khác để ngăn cản. 

Khi lệnh cấm đánh cá trên Biển Ðông hai tháng rưỡi mà Bắc Kinh đưa ra chấm dứt ngày 1 tháng 8, 2012, hàng chục ngàn tàu đánh cá Trung Quốc từ Quảng Ðông đến Hải Nam đã ồ ạt tiến xuống phía Nam, xâm phạm cả các khu vực chủ quyền biển đảo và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN mỗi khi đưa ra lời “kiên quyết phản đối” đều kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng “nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao của hai nước” và cáo buộc Bắc Kinh “vi phạm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10, 2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông ký năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN, làm cho tình hình Biển Ðông thêm phức tạp.” 

Nhưng Bắc Kinh mỗi ngày một lấn thêm một bậc. 

Sau khi Việt Nam ra Luật Biển xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, Bắc Kinh loan báo thành lập thành phố cấp huyện “Tam Sa” bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và một quần đảo của Philippines. Sau đó, Bắc Kinh loan báo thành lập Bộ Chỉ Huy Quân Sự cho cái thành phố này bên cạnh các cuộc bầu bán ban bệ thành phố một cách hình thức để tuyên truyền. 

Không những bị Việt Nam và Philippines phản đối, cả chính phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng cảnh cáo sự leo thang gây căng thẳng của Bắc Kinh. Nghị Sĩ Jim Webb, thành viên của Ủy Ban Quân Vụ và Ủy Ban Ðối Ngoại Hoa Kỳ viết trên báo Wall Street Journal ngày 20 tháng 8, 2012 rằng tất cả các quốc gia vùng Ðông Á đang chờ xem Hoa Kỳ đối phó với sự xâm lăng của Trung Quốc như thế nào. Ông đòi hỏi Hoa Thịnh Ðốn phải cứng rắn hơn trước các hành động bá quyền của Trung Quốc ngày một ngang ngược hơn. (TN)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo