Chuyện các "Chí" - Dân Làm Báo

Chuyện các "Chí"

Người Cùng Khổ (Danlambao) - Hành trình đòi lại lương thiện bằng cách giết Bá Kiến. Giết Bá này thì Bá khác lại xuất hiện. Chí này tự sát, chết, thì Chí khác lại xuất hiện. Cái công thức kẻ ác tâm, giàu có thì mua được cái tàn ác của kẻ thiếu lương tri là công thức của ma quỷ. Một mình ma quỷ (Bá Kiến) mới dám bỏ tiền ra mua những gì là bất lương, là thiếu lương tri. Bá Kiến là trùm quỷ, nên sẵn sàng trả mọi giá cần phải trả để mua được cái ác mà hắn đặt hàng...

*

"Cái lò gạch cũ" là tên gọi đầu tiên mà nhà văn Nam Cao đã đặt cho tác phẩm "Chí Phèo" của mình. Tên gọi đầu tiên của tác phẩm xác định nơi mà Chí đã được sinh ra. Sinh ra đã là trẻ bị bỏ rơi. Đứa trẻ bị bỏ rơi đó lớn dần và dù thiếu hơi ấm, tình thương gia đình, nhưng Chí vẫn là một gã thanh niên lương thiện. Chí chỉ trở nên du thủ du thực, bất hảo sau khi bị rơi vào bẫy tình, mà để giữ được sự cương nghị cho mình Chí đã phải trả giá bằng việc nhận án đi tù, tù oan. Ra tù Chí được Bá Kiến nuôi, và cũng trở thành kẻ phục vụ Bá Kiến trong những phi vụ bẩn thỉu của Bá Kiến là chủ mưu. Nào là dùng lời để nhục mạ kẻ khác thay Bá Kiến; Nào là dùng sức để gây thương tích và gây hoảng sợ cho những kẻ có va chạm với Bá Kiến... Tất cả mọi sự đều là có đi có lại. Một bên thì có sức, bất hảo, cạn lương tri, cạn tiền, thất chí, bất cần. Một bên thì chỉ muốn làm kẻ đứng đằng sau để nhìn ngắm các con mồi bị Chí hành hạ và lấy đó làm thỏa mãn, hả dạ, sung sướng. Bá Kiến thỏa mãn mọi nhu cầu của Chí bao gồm: tiền, đồ ăn, rượu, cái khoái cảm được chửi, được đánh để thỏa mãn cái hèn hạ trong người, rồi không bị vướng vào lao lý vì có che chắn, bọc lót. Chí đã được thỏa mãn nhiều năm như vậy, đến mức Chí đi đâu cũng thấy người ta né tránh, khinh bỉ. 

Người ta kinh Chí bao nhiêu thì khinh Bá Kiến nhiều bấy nhiêu. 

Số phận Chí ra sao ai trong chúng ta cũng đều rõ. Chúng ta hiểu Chí thì lại thương Chí. 

Số phận kẻ muốn lương thiện mà không được lương thiện. Bởi lương thiện của Chí chẳng sót lại chút nào, mà Bá Kiến thì muốn mua cái bất lương của Chí cho mục đích của mình. 

Một hành trình có lương tri, cương nghị, rồi mất lương tri của Chí cũng là của chúng ta. 

Chúng ta chưa biết sợ sự tàn bạo. Chúng ta cương nghị, để rồi khi biết tàn bạo là thế nào thì chúng ta nhút sợ. Hoặc chúng ta thấy người khác phải khổ vì cương nghị, rồi chúng ta sợ. Hành trình biết sợ, biết hèn nhác của chúng ta giống Chí. 

Đằng sau vẻ dữ rằn của một con thú là Chí, thì luôn ẩn chứa một sự tức giận, thù đời, và một nỗi sợ... Cái sợ của kẻ dùng cái ác mà không dùng đến nơi, đến chốn thì sẽ có ngày những kẻ bị oan ức, đau khổ sẽ có sức quay lại trả thù Chí. Vì nỗi sợ đó mà Chí luôn gắng sức làm tốt công việc vùi dập đến gốc, rễ của những kẻ mà Bá Kiến sai Chí phải dập vùi, dập vùi đến mức không ngóc lên nổi. 

Và hành trình đòi lại lương thiện bằng cách giết Bá Kiến. Giết Bá này thì Bá khác lại xuất hiện. Chí này tự sát, chết, thì Chí khác lại xuất hiện. Cái công thức kẻ ác tâm, giàu có thì mua được cái tàn ác của kẻ thiếu lương tri là công thức của ma quỷ. Một mình ma quỷ (Bá Kiến) mới dám bỏ tiền ra mua những gì là bất lương, là thiếu lương tri. Bá Kiến là trùm quỷ, nên sẵn sàng trả mọi giá cần phải trả để mua được cái ác mà hắn đặt hàng. 

Một thời đại mà môi trường chính trị, văn hóa, kinh tế là sự lạc hậu, hủ tục thống trị thì cái ác của tầng lớp có tiền được cấu kết với sự vô lương tri của kẻ bất lương như Chí lại là một Model, một xu hướng phổ biến, lan tràn. Vì vậy, Chí chết, Bá Kiến chết thì xã hội không trong lành, ổn định được. (Mặc dù Chí và Bá Kiến là một nguồn gây tội ác, và cũng là nguồn gây tha hóa cho người khác nhưng Chí và Bá Kiến chết thì chỉ làm làng Vũ Đại yên bình một thời gian ngắn). 

Khi toàn bộ "các Chí" đã bị dồn vào đường mất lương tri, bị mua lương tri và trả giá cho cái ác họ gây ra, thì dù toàn bộ các "Chí đó" có diệt hết các "Bá Kiến" xã hội vẫn rơi vào sự mong manh giữa thiện và ác. Bởi diệt cái ác chưa đủ làm xã hội hướng đến cái Thiện. Mà phải là diệt ác, nhưng đồng thời gieo mầm Thiện; cái thiện từ tôn giáo là "Trái tim, lương tâm thế giới và nhân loại" thì cái đó mới tạo ra sự hướng thiện đích thực. 

Chủ nghĩa nào tận diệt tôn giáo thì sẽ sản sinh ra những tội đồ và tội lỗi, đó là sự thật đã được kiểm chứng hằng ngày, hằng giờ... Và nơi đâu chính trị muốn lèo lái tôn giáo thì nơi đó tôn giáo và con người không thể phát triển tốt được. Khi tôn giáo không được tự do phát triển thì cũng là lúc xã hội không có thành phần đủ mạnh để yêu cầu dân chủ, dân quyền cho người dân. Tôn giáo chính là một thành phần hăng say đòi quyền làm người cho người dân một cách mạnh mẽ nhất, vì họ thấu hiểu giá trị của lương tâm, phẩm giá của con người, họ đòi hỏ quyền đó cho anh em khi biết xã hội, anh em, và chính họ còn đủ đề kháng để trở nên tốt. Vì thế xã hội càng băng hoại họ càng đòi hỏi mạnh mẽ. Họ như tiếng chuông, họ cũng sợ một khi cái xấu do "Thời thế" do các "Bá Kiến", "Chí phèo" gây ra quá nhiều, đến mức tiêm nhiễm cả xã hội, cả tôn giáo, tiêm nhiễm mạnh đến mức khó có khả năng cải hóa được. Im lặng chờ đến lúc đó thì chỉ còn cách cùng nhau đào mồ mà chôn nhau và chết chùm, chết đống với nhau mà thôi. 

Cả đời Chí chẳng có ích lợi nào, chỉ trước khi chết Chí mới làm một điều có ích nhất là đòi cho mình sự lương thiện. 

Tôi chẳng mong gì ác báo ác, mà chỉ mong "Thời thế", Bá kiến, Chí Phèo rủ nhau chọn đường đúng mà đi, cho cả làng Vũ Đại được nhờ. 

Một đơn cử cho thấy các trẻ em, các gia đình, các thành phần dân chúng ngày nay ngày một dễ dàng sa vào những điều tệ hại mà ở đâu ta cũng thấy. Chính vì thấy rõ ràng có ô nhiễm, ô uế... nên ta càng cần phải đòi hỏi được sống trong lành, trong sạch để đời ta và con cháu ta được hưng thịnh. 

Tiền bạc, quyền lợi, sung sướng, lạc thú được nhận ê hề, khi cho phép cái ác thay thế cái Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ thì những thứ đã đánh đổi là sự im lặng của lương tri, để nhận được những cái có vẻ quý giá đó phỏng có nghĩa lý gì... khi mà Ta không sống một mình để mà hưởng thụ các thứ đó. 

Xã hội, chế độ, văn minh, dân chủ là của chung. Tôi và mọi người lành mạnh thì xã hội lành mạnh. Tôi chỉ giữ sạch cho tôi mà xã hội không sạch thì tôi cũng sẽ không sạch. Michael Jackson đã lọc sạch không khí trong nhà của ông đến mức không có bụi bẩn trong nhà, nhưng ông vẫn phải chết; vì chính ông quen ở sạch nhưng khi ra môi trương bên ngoài có bụi thì ông không chịu đựng được, đó là nước Mỹ sạch sẽ mà ông này còn không chịu nổi - Chỉ vì quen sạch quá!!!... Nếu ông sang VN chắc hẳn ông sẽ phải vô nhập viện ngay lập tức, vì không chịu nổi môi trường của VN. 

Cũng vậy, các thành phần ăn trên, ngồi trước dẫu có chăm lo riêng cho con em mình mà quên cả xã hội, thì chắc chắn rồi con em mình cũng không đủ sức chịu đựng để hội nhập xã hội VN, nhất là khi các em không quen chịu đựng những ô nhiễm, ô uế do thế hệ cha ông mình đã gây ra mà nay bạn bè mình phải chịu, và bạn bè họ đã chịu được, nhưng chính các em COCC thì không chịu nổi... và các em sẽ bị khổ, bị chán chường trong chính tâm hồn mình. Có ái thấy vui, thoải mái khi nhìn thấy biết bao người đang đau khổ, lầm than quanh mình. Nếu thấy vui thì hẳn là Chí hoặc Bá Kiến mà thôi.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo