Kính Gửi: Ngài Thủ Tướng và CT/ Quốc Hội “đọc cho vui”
Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Em thật sự xin lỗi thầy vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nữa nhưng cũng tại em thầy ạ! Bố em sẽ đền tiền giúp em, sẽ trả lại lớp 500.000 đồng mà em đánh mất. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng em, cho em làm lớp trưởng. Những ngày qua em, đã được sống và học tập với các bạn rất vui. Xa các bạn, em rất buồn nhưng buộc phải làm thế để chứng minh em trong sạch. Thầy ơi, cho em xin lỗi vì đã để thầy nhắc...”
Bức thư tuyệt mệnh gửi lại thầy cô và bạn bè của em L.
Đọc tiêu đề: Trưởng lớp làm mất năm trăm ngàn: “tự vẫn” - nói về cái chết “vì trách nhiệm” của nữ sinh Nguyễn Thị L., học sinh lớp 10, trường THPT Tiền Phong, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội ngày 20-10 khiến gia đình, thầy cô và bạn bè bàng hoàng, thương cảm.
Lướt tiếp qua nội dung. Trời ạ! Tôi như ngồi chết sững trong chiếc ghế của mình, tự nhiên mắt cũng cay cay, thay cho hương vị ly café vừa pha, là nỗi đau như ngấm vào ngũ tạng, ngửa lưng trên ghế, tôi nhắm mắt cảm nhận từng “sợi đau” như theo hồng cầu len lỏi tràn ngập trái tim mình.
Đành rằng, thơ dại và nông nỗi nhưng nghĩ đến cái cách, một em nữ sinh lớp 10, tuổi 16 tròn trăng hoa mộng ngồi trầm tĩnh nắn nót viết, không những một mà có đến 2 lời thư trần tình tha thiết để lại cho cô thầy bạn bè trước khi tuẫn tiết để chứng tỏ tâm hồn mình “trong sạch” và biết trách nhiệm, cái giá cực đắt mà chắc chắn không ai bắt em phải trả ngoài chính em tự nhận cho riêng mình. Hành động và cái chết của em khiến tôi phải thẩn thờ.
Bức thư thứ nhất, Em viết:
“Em chào Thầy và các bạn!
Em thật sự xin lỗi thầy vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nữa nhưng cũng tại em thầy ạ! Bố em sẽ đền tiền giúp em, sẽ trả lại lớp 500.000 đồng mà em đánh mất. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng em, cho em làm lớp trưởng. Những ngày qua em, đã được sống và học tập với các bạn rất vui. Xa các bạn, em rất buồn nhưng buộc phải làm thế để chứng minh em trong sạch. Thầy ơi, cho em xin lỗi vì đã để thầy nhắc”.
Trước lúc vĩnh biệt, tuồng như vẫn còn lưu luyến Thầy và bạn, Em viết thư thứ hai…
“Em chào Thầy và các bạn!
Em thành thật xin lỗi vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nó nhưng em đã xin bố em tiền để trả lại lớp. Mong thầy thông cảm cho em. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng mà cho em làm lớp trưởng, cho em được cùng học tập với các bạn. Nhưng nhiều khi em đã để thầy phải nhắc nhở.
Em xin lỗi! Sau cái chết này, em mong em sẽ chứng tỏ được mình trong sạch. Xa các bạn, thầy cô quả là một điều rất buồn nhưng dù sao em vẫn phải cảm ơn mọi người đã cho em học tập thật vui vẻ bên mọi người cùng những ngày tháng qua.
Các bạn luôn làm cho em vui vẻ, nhưng em đã làm gì buồn mong các bạn tha lỗi nhé! -Tạm biệt thầy và các bạn! Hãy học tốt nhé! Nhớ mãi những ngày qua...”
Tôi nghĩ, chắc không có một trái tim nhân bản nào mà không quặn thắt trước lời thư tha thiết, không trách móc hờn giận thầy cô bạn bè mà chỉ là... “Xa các bạn, thầy cô quả là một điều rất buồn…. Tạm biệt thầy và các bạn! Hãy học tốt nhé! Nhớ mãi những ngày qua...”
Gát lại một bên “thơ dại và nông nỗi”, càng không nên thần tượng hóa, bởi dù sao thì điều đó ví như một áng mây trôi vô tình trong nhất thời làm khuất đi một ít ánh sáng lung linh của vầng trăng tròn 16.
Nhưng ở một góc khuất khác, cầm lòng không được, tôi muốn gửi đến vong linh Em: “Em đẹp như một đóa Anh Đào” xứ Phù Tang, không hào hùng như những cánh chim thần phong “kamikaze” Nhật Bản một đi không trở lại, nhưng nét đẹp của Em tựa như lớp phấn hồng đào tinh khiết mang cái hồn Samurai (Harakiri) như hoa Anh Đào trước gió đông phong, trước làn mưa xuân nhẹ đến, từng cánh anh đào mỏng manh nương theo làn gió phải lìa cành nhưng vẫn còn giữ nguyên màu hồng đào rực rỡ như lúc mãn khai, như khí tiết của chính em. Đời sống của những đóa hoa Anh Đào rất ngắn ngủi, như Samurai, nhưng đẹp bất tử như đời sống của chính nó. Ở đó, sự sống và cái chết đều có nét đẹp khác nhau. Sự can đảm đã tạo dựng cho các samurai xem cái chết như là một điều vinh dự, một cái đẹp tinh khiết của cánh hoa đào rơi. Không nhầm đâu, Thượng đế vốn dĩ rất công bằng và linh hồn Em sẽ nhập vào loài hoa ấy!
Điều tốt đẹp đó trong tâm linh, chắc ai cũng cầu mong cho cô bé như vậy. Chỉ còn lại một thực trạng làm xốn xang với mọi người – 5 trăm ngàn đồng so với hơn 80 ngàn tỷ đồng (hơn 4 tỷ đôla Vinashin).
Hiếm có cái cân nào đo đếm cho cho chính xác độ chênh giá trị quá lớn ấy bằng cái cân “Lương Tâm Liêm Sĩ” của con người - 5 trăm ngàn, rơi mất, trách nhiệm trước thầy cô và vài chục bạn trong lớp và dù được Bố ứng ra hoàn trả, nhưng một “Trưởng lớp” tuổi 16 đã tự nguyện trả giá cho trách nhiệm bằng chính “sự sống” của mình! Có cái gì trên cõi đời này quí hơn “sự sống”? –
Một em nữ sinh 16 tuổi học lớp 10 chứng minh cụ thể cho 2 ngài:
- Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng (Chỉ đạo) và Phó Thủ Tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (giám sát - trước khi làm CT/QH) “quả đấm thép” Vinashin kinh doanh làm tan chảy (hơn 4 tỷ USD) thấy rằng: “Trách Nhiệm” và sự trong sạch còn lớn hơn cả “sự sống” trước Thầy Cô và vài chục bạn học cùng lớp (dù chỉ 5 trăm ngàn đồng).
- Hai ngài Thủ Tướng và CT/Quốc Hội hãy tự so sánh đi (hơn 80 ngàn tỷ đồng) trước gần 90 triệu đồng bào nhân dân của mình. Cả 2 vị đều tự khai có bằng “tiến sĩ” (!?) và cùng chủng tộc Việt Nam với cô bé nữ sinh 16 tuổi này, có thể còn nhỏ hơn “con” của quí vị? Hy vọng hình ảnh cô bé sẽ lẻo đẽo theo chân quí vị đến tận mộ phần.
___________________________
Đắng lòng thư tuyệt mệnh của nữ sinh lớp 10 tự tử vì mất quỹ lớp
An Phú (TPO) - “Em xin lỗi! Sau cái chết này, em mong em sẽ chứng tỏ được mình trong sạch… Các bạn luôn làm cho em vui vẻ, nhưng em đã làm gì buồn mong các bạn tha lỗi nhé!"
Bức thư tuyệt mệnh gửi thầy cô và bạn bè của em L.
Cái chết của nữ sinh Nguyễn Thị L. (học sinh lớp 10, trường THPT Tiền Phong, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) ngày 20-10 khiến gia đình, thầy cô và bạn bè bàng hoàng, đau xót.
Theo giãi bày của L viết trong hai bức thư tuyệt mệnh gửi thầy cô và bạn bè: “Em rất buồn nhưng buộc phải làm thế để chứng minh em trong sạch”.
Dưới đây là nội dung hai bức thư:
Bức thư thứ nhất, L viết:
“Em chào Thầy và các bạn!
Em thật sự xin lỗi thầy vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nữa nhưng cũng tại em thầy ạ! Bố em sẽ đền tiền giúp em, sẽ trả lại lớp 500.000 đồng mà em đánh mất. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng em, cho em làm lớp trưởng. Những ngày qua em, đã được sống và học tập với các bạn rất vui. Xa các bạn, em rất buồn nhưng buộc phải làm thế để chứng minh em trong sạch. Thầy ơi, cho em xin lỗi vì đã để thầy nhắc”.
Bức thư thứ hai, L. viết:
“Em chào Thầy và các bạn!
Em thành thật xin lỗi vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nó nhưng em đã xin bố em tiền để trả lại lớp. Mong thầy thông cảm cho em. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng mà cho em làm lớp trưởng, cho em được cùng học tập với các bạn. Nhưng nhiều khi em đã để thầy phải nhắc nhở.
Em xin lỗi! Sau cái chết này, em mong em sẽ chứng tỏ được mình trong sạch. Xa các bạn, thầy cô quả là một điều rất buồn nhưng dù sao em vẫn phải cảm ơn mọi người đã cho em học tập thật vui vẻ bên mọi người cùng những ngày tháng qua.
Các bạn luôn làm cho em vui vẻ, nhưng em đã làm gì buồn mong các bạn tha lỗi nhé!
Tạm biệt thầy và các bạn! Hãy học tốt nhé! Nhớ mãi những ngày qua...”
Trường THPT Tiền Phong – nơi em L đang theo học.
Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, khoảng 9h30 ngày 20-10, cả gia đình em Nguyễn Thị L. (học sinh lớp 10, trường THPT Tiền Phong (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) bàng hoàng khi phát hiện con đứa con gái đã uống thuốc trừ cỏ để tự tử. Gia đình vội vàng đưa đưa L. lên cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Mê Linh rồi chuyển sang Viện 198 để tiến hành rửa ruột, phẫu thuật. Tuy nhiên, do thuốc độc ngấm quá lâu trong cơ thể nên đến khoảng 4h sáng ngày 21-10, L. đã tử vong.
Theo bệnh án của bệnh viện, em L. tử vong do bị ngộ độc thuốc độc, không có khả năng cứu vãn.
Di ảnh của em L.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 18-10, thầy Trần Quốc Tuấn, giáo viên chủ nhiệm của L. đã đưa cho L. 500 ngàn tiền quỹ lớp để để chuẩn bị mua hoa tặng cô giáo và tổ chức 20-10 cho lớp học. Tuy nhiên, đến tối 19-10, khi L. mở cặp sách ra để lấy tiền thì phát hiện bị mất.
L. đã kể cho bố mình là Nguyễn Đình T. và xin bố tiền bù vào số tiền vừa làm mất. Bố L. đã gọi điện thoại cho thầy Trần Quốc Tuấn và bảo L. đã làm mất tiền quỹ lớp và xin cho con mình thôi giữ chức lớp trưởng. Thầy Tuấn đã khuyên phụ huynh của L. nên bình tĩnh và sẽ giải quyết sự việc khi gặp L. để trao đổi. Tuy nhiên, vì sợ nhiều bạn trong lớp xì xào điều tiếng nghĩ mình bị đổ oan nên L đã tìm đến cái chết để chứng minh mình trong sạch.
Điều đáng nói là trước khi em L. qua đời, lãnh đạo nhà trường cùng thầy giáo chủ nhiệm đã kịp thời đến thăm hỏi tình hình sức khỏe. Lúc đấy, L. đã rất yếu nhưng vẫn cố hỏi thầy giáo chủ nhiệm: “Thầy đã tìm ra người lấy trộm tiền của lớp chưa?”. Vì muốn L. an lòng, không phải khổ tâm thêm, thầy chủ nhiệm của L. đã nói dối là đã tìm ra học sinh lấy được.