Tôi trách ai? - Dân Làm Báo

Tôi trách ai?

Nguyễn Nam (Danlambao) - Mẹ tôi vốn là một giáo viên tiểu học. Nhà chỉ có hai mẹ con, tôi thì đang học lớp 11, nay mẹ cũng đã tuổi ngoài năm mươi.

Cuộc sống gia đình tôi chỉ trông chờ vào lương của mẹ là chính, không vốn liếng, không đất đai, nhà thì ọp ẹp, kinh tế thiếu trước hụt sau, nên gói gém lắm mới mong trang trãi đỡ cho cuộc sống gia đình. Gần đây mẹ tôi phải tăng tiết dạy và tăng buổi dạy, buộc phải dạy 2 buổi/ngày, người ta gọi là chương trình seqap T 35, tức dạy 35 tiết/tuần mà chả được hưởng thêm một khoảng thù lao nào cả. Mặc dù mấy cha kia nói là hỗ trợ nhiều lắm, mấy ổng còn nói là đến năm 2015 sẽ bắt buộc sử dụng T35 trên toàn quốc, đây chẳng qua là “cây gậy thật mà cà rốt giả”, tôi dám cá với mấy ông đó, làm gì đển đó mà thực hiện T35 được 100% trên toàn quốc. 

Rồi khi làm thì mấy chả làm bộ đổ thừa cái này cái kia để gạt mình, chả có thêm đồng bạc nào mà còn phải bị tự chi thêm nữa, đến nỗi quyển sách để dạy và học còn không được hỗ trợ nữa mà! 

Người ta bảo vận động học trò đóng tiền nhưng đối với cái xứ sở nghèo khó thì cái ăn cái học còn long đong thì làm gì có tiền đóng học thêm, vận động thì vẫn cứ vận động nhưng sự thật thì vẫn cứ trơ ra. Công việc dạy thì bù đầu bày ra nhiều thứ rất bất công và vô lý, không khoa học và nếu không nói là thiếu thông minh, làm không xuể, mẹ tôi không còn thời gian chăm sóc việc nhà, mẹ cũng không thể làm gì thêm để cải thiện đời sống gia đình, đồng lương thì cũng không khác gì những người dạy một buổi. Đáng buồn cho mẹ tôi đã lỡ “leo lưng cọp” rồi cũng đành “ngậm đắng nuốt cay”, vậy mà người ta vẫn cứ rêu rao rằng mẹ cũng như những người “dang lưng chịu đấm” này là tự nguyện. 

Các ông “trời ơi” sao các ông ngồi đó mà chễm chệ, các ông hãy thử dạy thử thế đi mà không được hưởng thêm cái quái gì thì các ông nghĩ sao, và sẽ thấy sức khỏe ra sao? Huống chi là những người già sắp đến tuổi về hưu như mẹ tôi thế này, hay những người mang bệnh tật nếu không gọi đây là “bài toán cắt hộ khẩu sớm” thì cũng là cái “miếng mồi ngon” cho bệnh tật và cũng chả có cái thời gian nào để đi khám bệnh - cái nơi mà ngồi chờ phải hết một buổi mới khám được bệnh, cái chuyện mà ai đã từng đi khám bệnh thì đều hiểu rõ. 

Mẹ cũng thèm muốn được như những con trâu, sau khi đi cày về nó còn thì giờ nghỉ ngơi và thung thăng gặm cỏ. Rồi một buổi chiều mưa khi tiếng trống trường đã tan học thì tôi cũng nhận được tin mẹ tôi đang bị tai biến ở nhà, tôi vội vã về nhà, những giọt nước mắt tôi rơi theo lối cũ về nhà, bị dập dùi bởi một cơn mưa gió phủ phàng, “giá mà mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi và chế độ bồi dưỡng đúng mức thì đâu đến nỗi này”.

Tôi không dám mơ có nhiều tiền để làm kẻ giàu sang phú quý, càng không đồng cảm với những kẻ ngồi mát ăn bát vàng , đồng thời căm ghét những kẻ “lấy chiến công trên xương máu người khác”. Tôi chỉ mong có tiền lo cho mẹ và mẹ có được thời gian nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe phòng bệnh tật để kéo dài thời gian sống bên con cái, an ủi phần nào cho cuộc sống chật vật, để người con chưa tròn chữ hiếu phần nào gánh vác nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ ! Tôi còn biết trách ai?



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo