Những con số nhảy múa - Dân Làm Báo

Những con số nhảy múa

Tâm Nguyễn (Danlambao) - Trong một phát biểu khi chủ trì hội nghị chính phủ với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước ngày 16/01/2013, ngài Thủ tướng lại có một phát biểu khá vui tai: “Thua lỗ tiền tỉ ai không xót” (báo TT thì xót, PLTPHCM thì sốt ruột, chẳng biết ông nào đúng). Vâng, phải xót chứ, vì ngài là người chịu trách nhiệm chính mà. Không hiểu trong đợt tự phê bình của cái Hội nghị TW4 mà qua đó ngài đã hứa hẹn với BCT, các UVTW những gì, nhưng dứt khoát cũng sẽ tương tự như lời xin lỗi và hứa hẹn của ngài trong kỳ họp Quốc hội tháng 12 vừa qua, nghĩa là sẽ rút kinh nghiệm và sớm vực dậy nền kinh tế đang hồi lao đao, kiềm chế lạm phát... 

Theo Bộ KH-ĐT cho biết các tập đoàn, tổng công ty này đăng ký kế hoạch làm ăn năm mới với nhiều chỉ tiêu thấp hơn năm cũ. Nói cách khác, cả nước đang cố gắng tăng trưởng dương thì các TĐ, TCT lại đăng ký tăng trưởng âm (theo báo PLTPHCM ngày 07/1/2013). 

Lại một cái xót của Thủ tướng nữa, dù rằng ai cũng biết trong hoàn cảnh hiện nay, việc duy trì sản xuất đã là một cố gắng vượt bậc, ngoại trừ những ngành độc quyền hay gần như độc quyền như điện, nước, xăng dầu… hàng chục ngàn công ty đã, đang, và sẽ biến mất, trong đó có không ít những công ty con của các tập đoàn, tổng công ty mà do nhiều lý do phải giải thể, sát nhập... việc kiềm chế lạm phát có nhưng không phải do nỗ lực từ phía nhà nước, mà do bối cảnh kinh tế thị trường đang có xu hướng chùng lại và người dân đã tích cực kiềm chế chi tiêu...

Vậy điều chỉnh kế hoạch với chỉ tiêu thấp hơn năm cũ có gì là sai? Ở một đất nước mà cái bệnh thành tích ăn sâu vào tâm não rồi thì đây rõ ràng là điều không thể chấp nhận được. Bởi vậy ngài Thủ tướng mới kêu: “Mục tiêu đảng, Nhà nước đưa ra như thế, giờ các đồng chí đặt kế hoạch của mình thấp hơn 2012 thì làm sao kinh tế cả nước tăng trưởng được. Tôi yêu cầu các đồng chí rà soát lại”. Ô hô ai tai, cũng vẫn là việc điều hành nhà nước cái kiểu gì mà kinh tế mình không phát triển nỗi. Còn nhớ, khi ngài lên làm Thủ tướng, khi phân công các thành viên trong Chính phủ, chính ngài đã dành việc quản lý các TĐ,TCT cho mình mà? nhưng sau khi xảy ra các vụ lùm xùm Vinashin, Vinaline... thì ngài đã nhanh chóng điều chỉnh dùm mình bằng Nghị định 99/2012/NĐ–CP ngày 15/11/2012 cho Thủ tướng trực tiếp quản lý từ 21 tập đoàn, tổng công ty xuống còn 9 tập đoàn kinh tế nhà nước và 1 tổng công ty bao gồm tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp Than – Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp tàu thủy, Dệt may, Viễn thông quân đội, Hóa chất, Cao su và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Vậy là quá an toàn, vì những doanh nghiệp này làm ăn cũng đâu có tệ! Còn những DN làm ăn thua lỗ thì giao về cho các Bộ, khà khà... 

Phải điều chỉnh thôi, không điều chỉnh thì tăng trưởng âm à, mà tăng trưởng âm thì dù có cứng cựa đến đâu cũng khó ăn khó nói với bàn dân thiên hạ, nhưng nếu điều chỉnh xong rồi công bố và được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội thì nếu cuối năm không đạt chỉ tiêu thì sao? Thiệt là tiến thoái lưỡng nan. Nhất là lời hứa hôm nào với BCT, với TWĐ, với QH...

Mặt khác, xin nghe tiếp: năm qua doanh thu của các TĐ, TCT nhà nước chỉ đạt 92% kế hoạch đầu năm và tăng có 2% so với 2011. Các chỉ số quan trọng khác còn kém hơn: Tổng lợi nhuận trước thuế giảm 5%; nộp ngân sách giảm 12%. Còn lỗ phát sinh mới hơn 2.250 tỉ đồng, trong đó một số đơn vị lỗ hai năm liên tiếp. Tính ra lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính hợp nhất của 10 TĐ, TCT lớn lên tới 17.730 tỉ đồng (PLTPHCM). 

Và: 

Về tình hình tài chính, số tổng vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là 735.293 tỉ đồng. Tổng tài sản là 2.138.780 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011. Tổng nợ phải trả là 1.334.903 tỉ đồng, hệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần). Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần (TT). 

Tôi không phải là một chuyên gia về kinh tế, cũng chẳng biết nhiều về kế toán-tài chính, nhưng cũng hiểu một điều, do mắc bệnh thành tích rất nặng xem như gần vô phương cứu chữa, đồng thời cái bệnh tham ô, tham nhũng đã lên đến mức mà trong các doanh nghiệp nhà nước người ta kháo nhau là: “không ăn thì chí có mấy thằng hâm. Tức là, tất tần tật, từ lớn đến nhỏ ăn theo khả năng và thực lực, xếp lớn ăn lớn, xếp nhỏ ăn nhỏ, nhân viên quèn ăn theo kiểu nhân viên quèn, nên cái tài sản cố định của doanh nghiệp thực ra không đáng có như nó vốn có, thí dụ cái anh Vinashin nhập cái của nợ tàu Hoa sen nhập vào tài sản với trị giá là 5.000 tỉ, nhưng thực chất nó chỉ đáng giá một vài trăm tỉ, hoặc cái ụ tàu nổi No83M gì đấy cũng thế, vân vân và vân vân… Các DN khác thì sao? Cũng những kịch bản tương tự, bất cứ một hợp đổng mua sắm trang thiết bị, dù lớn dù nhỏ, kể cả mấy vật phẩm văn phòng cũng bị kê giá... nên tài sản thực của các DN NN sẽ chỉ bằng 2/3 giá trị thực (theo tôi đoán), bên cạnh đó, các khoản phải trả thì sao, cũng sẽ là ảo nốt nếu người ta biết được rằng các hợp đồng thanh toán với đối tác cũng được kê lên tương xứng. Một điều khác cần lưu ý, khi tính lợi nhuận trước thuế, thường các sản phẩm dở dang, các sản phẩm tồn kho đều được tính thành doanh số dù không biết số hàng này có tiêu thụ được hay không, nên lợi nhuận của các DNNN cũng đáng ngờ lắm (vì không phải chuyên gia nên không biết có phải vậy không?). Quả thực là những con số nhảy múa mà khi mới đọc, tôi đã muốn ngất xỉu...

Cuối cùng một con sô cũng nhảy múa không kém làm choáng tất cả những người dân biết suy nghĩ, đó là khoảng nợ kếch xù chỉ riêng của các DNNN này mang về cho đất nước: 1.334.903 tỉ đồng tức hơn 60 tỉ USD. 

Ngài thủ tướng của tôi ơi, mang nặng bụng cũng ngài (ôm tất cả TĐ,TCT), giải cứu mình cũng là ngài (bằng NĐ99) rồi buộc lại mình cũng là ngài (nâng chỉ tiêu tăng trưởng dù biết khó đạt), trong khi tổng kết năm 2012 u ám như thế, ngài còn nỡ lòng nào hỏi (cũng lại mang chiêu bài người dân ra để né): người dân có quyền hỏi còn có Vina nào nữa?. Tất cả những gì ngài làm, ngài nói, đều thể hiện cái tính trơ trẻn hết mức trên cả cái mức trơ trẻn khi nói trước QH; tôi 51 năm theo đảng... (khỏi trích vì quá chán)...

Chợt nhớ đến một đoạn quảng cáo cho cái loại bột nêm gì đấy trên tivi, một tay đầu bếp sau khi nấu xong, chả biết ngon hay dở thế nào, cứ hùng hồn tuyên bố: Vậy tôi có cần phải bỏ nghề không? Và nghĩ, giá như Thủ tướng của mình cũng như vậy nhỉ? 

Vậy làm thủ tướng cái kiểu gì... mà lạ thế? 

19/01/2013 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo