Photoshop truyện Tàu (*) - Dân Làm Báo

Photoshop truyện Tàu (*)

LĐ - Hàn Lệ Nhân (Danlambao) - Mưỡu: [“Có những phần tử chống cộng cực đoan (1) phủ định toàn bộ đảng CSVN, họ nhắm mắt trước thời kỳ huy hoàng của đảng CS Đông Dương, đảng Lao động VN (cũng là đảng Cộng sản). Họ không thấy được sự hy sinh dũng cảm và công lao to lớn của đảng đối với dân tộc. ĐCS sinh ra vì nước vì dân, không phải vì lợi ích riêng tư nào của đảng. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp hàng nghìn, hàng nghìn đảng viên bất chấp tra tấn, tù đày, hàng chục đồng chí lãnh đạo của đảng bị lên máy chém, bị bắt. Nếu không có đảng CS lãnh đạo nhân dân vùng lên làm ‘cách mạng’ Tháng 8 (2) thì sao có nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bản đồ Việt Nam lại xuất hiện trên quả địa cầu. Uy tín của đảng rất lớn, đảng không có quyền gì và cũng không cần quyền (chưa có điều 4) vẫn lãnh đạo được nhân dân, nhân dân hết lòng tin yêu đảng, bảo vệ đảng.”] (Siêu hưu lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh) (*).

*

Kết thúc cuộc tranh hùng: Lã Chính kiêm thâu thiên hạ dựng lên Tần triều, chấm dứt thời đại phân liệt, thống nhất giang sơn dưới đế hiệu Tần Thủy Hoàng Đế (Hoàng Đế đời thứ nhất nhà Tần), ngụ ý sánh mình ngang với Tam Hoàng và Ngũ Đế thời thượng cổ, đại loại “cũng tai, cũng mắt, cũng anh hùng” (3)

Nhà Tần sở dĩ dựng nên vì đã đáp ứng đúng nhu cầu chấm dứt chiến tranh, Tần kéo được về phía mình một lực lượng to tát: Nhân Tâm Quy Hướng. Nhân tâm quy hướng vì tập đoàn Tần Lã Chính trường kỳ lu loa “sinh ra vì nước vì dân, không phải vì lợi ích riêng tư nào” của Tần. Suốt thời gian loạn lạc đăng đẳng “hàng vạn, hàng vạn binh sĩ bất chấp tra tấn, tù đày, hàng trăm tướng lãnh của Tần bị giết, bị bắt”, dân không người nào chết cả! Nếu không có nhà Tần lãnh đạo nhân dân vùng lên làm ‘cách mạng’ diệt sáu nước thì sao có đế quốc Tần ra đời, bản đồ đế quốc Tàu được xuất hiện trên quả địa cầu. Uy tín của nhà Tần rất lớn, nhà Tần không có quyền gì và cũng không cần quyền (vì một mình một chiếu), vẫn lãnh đạo được nhân dân, nhân dân buộc lòng tin yêu nhà Tần, bảo vệ nhà Tần. 

Nếu không có sự lãnh đạo của Tần và kế sách Liên hoành của bác Trương Nghi thì sao có thể đánh thắng sáu nước hầu hết giàu mạnh và văn minh hơn mình, thực hiện được hoàn toàn độc lập thống nhất. Uy tín của Tần triều rất cao, được thế giới khâm phục” (4). 

“Thực tế trên đây là giai đoạn hào hùng của dân xứ Tần, cũng là giai đoạn quang vinh của đế quốc Tàu ngày nay.” 

“Tuy nhiên, cũng không thể đồng nhất nhà Tần từ giai đoạn này trở về trước với nhà Tần từ đấy cho tới khi…lộ bản lai diện mục: Sói đội lốt Hưu! Mọi vật không ngừng hoạt động. Tùy theo bối cảnh, môi trường và vai trò của người lãnh đạo từng thời gian mà biến thiên, chuyển hóa. Nhận xét nhà Tần phải căn cứ vào thực tiễn, vì thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, nhất là tiêu chuẩn thực tiễn của chân-lý-khoa-học-do-đỉnh-cao-trí-tuệ-của-loài-người định hướng từ trong nửa cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 này: “Người ta có thể tự xưng Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa: Quần chúng và cuộc sống là người phán xét cuối cùng”, vì “sự thật rất cứng đầu cứng cổ, người ta không thể tha hồ sắp xếp nó theo trình tự lớp lang nào tùy ý muốn của mình.” (5)


Mới hoàn thành việc gom thâu lãnh thổ, Tần triều đã áp dụng ngay chính sách trả thù cay nghiệt, tàn khốc đối với bên thua cuộc và cho vũ lực là vạn năng, thủ đoạn là vạn năng mà đệ nhất năng là dối trá liên hoành dối trá. Ví dụ: “Sử chép lại có hai trăm nghìn gia đình phú thương, tiểu thương bị đày lại xứ Thục và miền An Dương”. Thế kỷ 20 không cho đó là bị đi đày mà là được đi vùng Kinh Tế Mới… Đất đai không còn là của vua nữa, mà là sở hữu của toàn dân, triều đình chỉ hy sinh quản lý dùm. Kết quả mỹ mãn là đã tạo nên một giai cấp địa chủ mới, khuynh loát cả triều đình. Thế kỷ 21 gọi là Địa chủ đỏ, Đại gia hay Nhóm lợi ích hoặc Bầy sâu. 

Lã Chính thống nhất sơn hà không phải vì toàn dân mà hoàn toàn làm cho bản thân Lã Chính và vây cánh, dựa trên mồ hôi nước mắt của toàn dân, tạm gọi là Dịch Chủ Tái Nô (thay chủ mới nhưng dân vẫn là nô lệ như cũ). 

Tần triều không tìm đến một phương thức lãnh đạo thích hợp với tình trạng mới mà chỉ đem phương thức "bá đạo" nhỏ hẹp để thống trị thiên hạ. Nhà Tần đốt sách, đày đọa hay chôn sống kẻ sĩ nhằm quy kết rừng tư tưởng vào một rọ, lỗ chỗ muôn vàn khuyết tật. Nhà Tần chỉ đem Pháp chính ra mong làm chủ lưu tư tưởng. Pháp chính là một mặt rất hẹp của tư tưởng thì làm sao có thể lấp bít hết những trống rỗng trên nhiều mặt khác? Nhà Tần kêu gọi nơi nơi đoàn kết, đồng thuận... sau lưng mình để xây dựng một quốc gia ‘Độc lập-Tự do-Hạnh phúc, một Nước mạnh-Dân giàu-Dân chủ-Công bằng-Văn minh’, nhưng trong thực tiễn chỉ một dúm sâu chúa là giàu sụ, lại khư khư lối đối thoại một chiều, nghĩa là nhà Tần toàn quyền muốn xổ hưu xổ vượn gì thì xổ, muốn làm gì thì làm, số còn lại, may thay, vẫn giữ được quyền... nghe và nhắm mắt làm theo. Cái mất mát lớn và toàn diện nhà Tần o ép thành cục bộ, điển hình (mất mùa là tại thiên tai); cái được nhỏ, nhà Tần cương lên bội phần thành cái vĩ đại, dù rỗng (được mùa là bởi thiên tài của ta). Theo luật, ai cũng có quyền nhận định, phê bình triều chính nhưng lệ của nhà Tần chỉ bảo đảm an bình cho những kẻ bạo mồm bạo miệng Trước khi nói, chứ Sau khi nói thì tùy hứng của mấy ông giời khuất mặt trên cao: Thằng cha, con mẹ đọc phán quyết chỉ là Marionnette! 

Không ai phủ nhận Tần triều đã thống nhất (lại) lãnh thổ, cũng không ai không công nhận từ đó nhà Tần đã bát nháo nhân tâm, lộn tùng phèo xã tắc, trì trệ đất nước, trì trệ dân trí, bốc hơi dân khí và đã, đang trên đà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào cái bẫy “Vong quốc chi đạo” (6) của kẻ thù truyền kiếp! (7)


“Hiện tại tức là dĩ vãng đã cuốn lại để cho ta hành động, mà dĩ vãng tức là hiện tại mở ra để cho ta hiểu biết” (8): Chí lý! Chứ ngược lại, “với những chữ Nếu, người ta có thể bỏ cả Paris vào trong một cái lọ” (thành ngữ Pháp): 

Nếu không bị làm Thừa tướng độc quyền nội trị, Lý Tư là một anh chàng thư sinh dễ tính, ăn chi cũng thấy ngon vì luôn luôn đói và nễ vợ quá mức bình thường, là một bạn học đáng quý của công tử Phi nước Hàn (Hàn Phi)! Nếu không được trực tiếp nắm triều chính thì Tần Thủy Hoàng là một tục tử phàm phu, dị đoan và đâu đến nỗi đột tử, thối xác ở dọc đường khi mới 49 tuổi! Nếu không nghiện chữ ‘đỉnh’ trong giao hoan, thì Triệu Cơ - mẹ đẻ của Tần Thủy Hoàng - là một Thái hậu sồn sồn ngu trung nhưng vẫn ngon đẹp! Nếu không nhờ tệ nạn “tham nhũng tràn lan, kinh tế sa sút, đạo đức, văn hóa xuống cấp, tệ nạn xã hội phát triển”, “một bộ phận không nhỏ (tức rất rất nhiều) quan văn quan võ, kể cả một số cao cấp suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có nghĩa là triều đình cũng suy thoái” thì làm gì đến phiên chú nông dân đất Bái là Lưu Bang trở thành Hán Cao Tổ! 

Có những phần tử chống ‘ngụy’ cực đoan ở Bắc Hà (sau 1954), những phần tử ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản trong Nam Hà (trước 1975), và những phần tử núp áo tị nạn lũng đoạn di cư (sau 1975) “phủ định toàn bộ” chế độ Cộng hoà của Miền Nam Việt Nam, “họ nhắm mắt trước” sự huy hoàng của Hòn Ngọc Viễn Đông, so với cùng thời điểm “mua cái đinh cũng phải xin miếng giấy” ở Bắc Hà. “Họ không thấy được sự hy sinh dũng cảm và công lao to lớn” của dân quân VNCH. Nếu Bắc Hà không bị Đệ tam quốc tế dụ khị chấm chấm kê phẩn để xâm lăng Nam Hà, thì làm gì có chuyện ‘nồi da xáo thịt’ đến người Việt cuối cùng cho vừa lòng quan thầy Nga cộng và Tàu cộng, thì ngày nay Nam Hà ít ra cũng phải được tương đương với Singapore, Nam Hàn. Nếu VNCH đợt 1 không gia đình trị thì “nhân dân hết lòng tin yêu” đảng Cần lao Nhân vị; nếu VNCH đợt 2 không tham nhũng, mua quan bán chức, đàn áp người yêu nước…xhcn (như của Việt Nam xhcn ngày nay đối với bè lũ đại dân tộc, bá quyền xâm lược) thì làm gì có cái gọi là Đại thắng mùa xuân 1975. Nếu Liên sô và Đông Âu không sụp đổ năm 1990 thì hai chữ Bao Cấp hẳn quang vinh muôn năm, thì làm gì có cái gọi là Đổi Mới nhưng chẳng Đổi Màu và cái Điều 4 bất cố liêm sỉ, thì ngày nay làm gì có câu hỏi: Bao giờ Việt Nam lại trở thành cái đuôi sam của đế quốc Chai-Na? 

Nếu, nếu, nếu…v.v. và v.v… 


Xưa, danh tướng Trần Bình Trọng nhà Trần, trước khi bị giặc Nguyên giết chết, có câu: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Vua Bảo Đại nhà Nguyễn Phúc có câu: “Trẩm có thiết gì ngôi vua đâu, miễn là bọn Việt Minh giữ được nền tự chủ của nước nhà là đủ…” (chú thích 2, trang 93). “Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của trẫm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ” (Chiếu thoái vị). So với câu “còn đảng, còn mình”, và cái ý đểu cáng “còn đảng, còn sổ hưu” của tập đoàn “vì nước, vì dân” ngày nay! 

Ông bà W & A Durant có câu: “Lịch sử cho ta thấy rằng ở trên ngọn thang xã hội, hạng người điều khiển người, chỉ điều khiển những người điều khiển sự vật thôi, còn hạng người điều khiển tiền bạc mới điều khiển tất cả” (8). Ôi, lời tiền bối sao nhức nhối: Dù không có Mẹ già, nhưng nhờ cọ sát với đồng tiền, thời đại ‘Cha già’ của người ta đã nẻ ra phường lãnh đạo vô sỉ dám ca ngợi chuyện cướp đất, phá nhà của dân“một trận đánh đẹp, có thể viết thành sách”…; dám ngạo nghễ đem cái Sổ Hưu (ân huệ) khốn khổ khốn nạn ra mặc cả với sự sinh tồn của một cái đảng bá đạo đáng chết đã gây ra cơ man tang tóc cho quê hương và dân tộc! 

Và từ cái Sổ Hưu, xin trở lại truyện Tàu để thay lời kết: U Vương nhà Chu bị mất nước, mất mạng, lưu xú vạn niên chỉ vì mê tiếng cười của sủng phi Bao Tự! 

“Người trên lẩm cẩm quàng xiên, 
Cho nên kẻ dưới nổi điên vẹo lời!” 



LĐ - Hàn Lệ Nhân 

Chú thích: 

(*) Mượn ý trong Nói chuyện Tam Quốc của Vũ Tài Lục – Nxb Việt Chiến, SG 1967. Các chữ, các câu ghi nghiêng được phô-tô-sốp-phê theo bài viết Từ đảng Cộng sản ban đầu đến đảng Cộng sản hiện nay của tác giả Nguyễn Trọng Vĩnh.

(1) Cực đoan: Được đẩy tới mức quá đáng, tới cực độ. Thái độ cực đoan. Màu đen là màu cực đoan đối với màu trắng, và ngược lại. Chế độ độc tài là một chế độ bá đạo, cực đoan. Chủ nghĩa cộng sản đẻ ra chế độ độc tài đảng trị = Chế độ bá đạo cực đoan. Mà không cực đoan thì không thể là đảng viên cộng sản trung kiên. 

(2) Về cái gọi là ‘cách mạng’ tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội, Cố Thủ tướng Trần Trọng Kim (triều vua Bảo Đại) ghi lại: 

“Lâm thời chính phủ vừa làm việc mấy ngày, ông Phan Kế Toại điện vào xin từ chức. 

Lúc ấy bọn ông Nguyễn Xuân Chữ, Trần Văn Lai xin lập Ủy Ban Cứu Quốc. Chính phủ nhận lời. Cách hai ngày hôm sau, ngày 19 tháng 8 năm 1945, các công chức ở Hà Nội nghe bọn Việt Minh xúi tổ chức cuộc biểu tình. Đảng Việt Minh nhân cơ hội ấy chiếm lấy Bắc Bộ. 

Được mấy ngày ông Hồ chí Minh về làm Chủ tịch chính phủ lâm thời. Các đoàn thể thanh niên và các người trí thức ở Bắc Bộ điện vào Huế xin Vua Bảo Đại thoái vị và nhường cho Hồ Chí Minh... ”. (Lệ Thần Trần Trọng Kim: Một cơn gió bụi, trang 91 – Nxb Vĩnh Sơn tái bản tại SG năm 1969, theo bản gốc năm 1949. 

* Rõ ràng đây là một cuộc đảo chánh cướp chính quyền hợp pháp của cụ Trần Trọng Kim, tương tự Tôn Dật Tiên đảo chánh lật đổ triều nhà Thanh bên Tàu năm 1911. Thế mà là Cách mạng ư? - Loạn ngôn, lộn nghĩa! 

(3) Hồ Chí Minh, núp dưới bút danh Trần Dân Tiên, tự phong là ‘cha già dân tộc’(Bắc Hà) năm 1948, lúc mới 58 tuổi! 

(4) Các sử gia (Tàu) đời sau đều theo Khổng giáo, rất chê Tần Thủy Hoàng, nhưng các sử gia phương Tây nhận ông là một trong những vĩ nhân cổ kim. (Nguyễn Hiến Lê: Sử ‘Trung Quốc’, trang 101 – Nxb Tổng Hợp, TP HCM 2006). 

(5) Báo Nhân Dân ngày 5 tháng 8 năm 1978: Nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam độc lập, tự do, hoà bình, hữu nghị, trang 52 – Nxb Sự Thật, HN 10/1978). 

(6) Vương đạo là chính sách của Khổng-Mạnh, lấy nhân nghĩa làm đầu; Bá đạo là chính sách Pháp gia của Thương Ưởng, Lý Tư…, dùng vũ lực để giải quyết mọi sự việc; còn Vong quốc chi đạo là chính sách của bọn cầm quyền phỉnh gạt, áp bức dân, thông đồng với ngoại bang để mưu cầu cái tư lợi hèn mọn (như cái Sổ Hưu), cuối cùng dẫn đến mất nước… (theo Nguyễn Hiến Lê: Sử ‘Trung Quốc’, trang 131). 

(7) “… Nước ta và nhân dân Việt Nam có mối hằn thù dân tộc hàng nghìn năm nay. Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình. Ngược lại, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho nước họ ở trong tình trạng không mạnh, không yếu mới có thể buộc họ ở trong tình trạng hiện nay…Về bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta…” (Văn kiện tuyệt mật của Quân ủy trung ương ĐCS Chai-Na năm 1973 - Sự thật về quan hệ Việt-Tàu trong 30 năm qua, trang 76 – Nxb Sự Thật, 10/1979. 

(8) Will & Ariel Durant / Nguyễn Hiến Lê: Bài học của lịch sử, trang13 và 76 – Nxb Lá Bối, SG 1973.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo