Huỳnh Khánh Hòa (Danlambao) - Lịch sử của bất cứ quốc gia nào, dù Đông hay Tây, dù dài hay ngắn, vẫn có những khiếm khuyết và bất công, đặc biệt là khi được viết lại bởi những kẻ “chiến thắng”. Lịch sử VN cũng không tránh khỏi những khuyết điểm đó, nhưng tệ hại nhất vẫn là các cuốn sử do đảng cộng sản VN ấn hành suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, dù muốn bôi bẩn hay bẻ cong đến đâu chăng nữa, có những sự thật mà không chỉ chế độ cộng sản, hay các triều đại trước đây của VN, có thể phủ nhận được mặc dù sử sách chỉ viết vài dòng hay vài trang về những thời kỳ đó. Một trong những sự thật không thể phủ nhận là đức Ngô Quyền với trận chiến Bạch Đằng đã dành lại nền độc lập và tự chủ cho dân tộc Văn Lang sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.
Với công lao vĩ đại đó, đức Ngô Quyền rất xứng đáng khi được các thế hệ sau này tôn xưng là “vị Tổ trung hưng nước Nam”, vì nếu so sánh về công trạng thì chỉ có thể đứng sau nhị vị Quốc tổ và 18 đời Hùng vương dựng nước. Điều lạ lùng là mặc dù cả dân tộc đều công nhận điều đó, thậm chí câu nói “1000 năm nô lệ giặc Tàu” đã đi vào âm nhạc, nhưng hằng năm lại không có một đại lễ nào để tưởng nhớ công ơn của vị đại anh hùng ấy. Kể cả dưới thời VNCH, một chế độ kế thừa truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cha ông, cũng không có ngày quốc lễ Ngô Quyền trong khi lại có những ngày tưởng niệm các đấng anh hùng liệt nữ như Trưng Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Hưng Đạo Đại vương, Lê Lai - Lê Lợi, và chiến thắng Đống Đa của đức Quang Trung hoàng đế.
Tại sao có chuyện bất công như thế? Phải chăng vì triều đại Ngô vương quá ngắn ngủi, hay vì loạn Thập nhị Sứ quân sau đó, nên không xứng đáng để tưởng niệm một người đã cứu cả dân tộc khỏi hiểm họa bị Hán hóa như hàng trăm sắc tộc khác đã từng bị xóa sổ?
Câu trả lời xin dành cho những bậc trí giả hiện nay hay mai sau. Nhưng điều chắc chắn là đức Ngô Quyền và thế hệ của Ngài đã có chiến công hiển hách gấp bội lần tập đoàn cộng sản VN, những kẻ đang tiếp tục sống bám vào quá khứ chiến tranh để cương quyết đòi quyền lãnh đạo một cách vĩnh viễn. Lý do là thế hệ Ngô Quyền không cần phải “ra đi tìm đường cứu nước”, du nhập chủ thuyết cộng sản, sau đó là xin xỏ vũ khí và lương thực của Liên Xô – Trung Cộng để bây giờ phải ra rả xưng tụng lòng tốt của người bạn láng giềng phương Bắc.
Nhưng hiển hách hơn nữa là trong tình thế dầu sôi lửa bỏng lúc đó, đức Ngô Quyền đã chứng tỏ Ngài không chỉ là một người văn võ song toàn. Chỉ trong vòng 1 năm, từ ngày Kiều Công Tiễn hạ sát Tiết độ sứ Dương Diên Nghệ, đức Ngô Quyền phải kéo quân ra vây thành Đại La để nhanh chóng tiêu diệt tập đoàn tay sai và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán đang kéo sang theo lời cầu cứu của họ Kiều. Nên nhớ rằng, mặc dù là con rể của Dương Diên Nghệ nhưng Ngài cũng chỉ là một bộ tướng trấn giữ một châu trong số hàng chục châu phủ khác ở đất Giao Chỉ. Vì thế để có đủ lực lượng diệt nội thù và chống ngoại xâm, chắc chắn đức Ngô Quyền phải nỗ lực vận động kết hợp các thế lực rời rạc ở các châu khác. Điều này đòi hỏi một trình độ thuyết phục rất cao. Thế nhưng Ngài đã làm được trong một thời gian rất ngắn, tính từ ngày Dương Diên Nghệ bị giết cho đến khi thống lĩnh toàn quân tạo nên chiến thắng Bạch Đằng.
Và nếu đọc lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy có một điểm kỳ dị nữa là không một sử gia nào gọi cuộc chiến ấy là cuộc khởi nghĩa như đã từng gọi các cuộc nổi dậy của Trưng Trắc – Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục và nhiều vị anh hùng khác ở những thế hệ trước. Không lẽ khi ấy đất nước đã được độc lập, đã có triều đình vua quan như các nhà Tiền Lê, Lý, Trần... nên việc chận đứng vó ngựa quân Tàu chỉ là các cuộc kháng chiến để giữ nước?
Vì thế, để trả lại công bằng cho lịch sử và cho thế hệ Ngô Quyền, phải gọi đó là cuộc nổi dậy vĩ đại nhất của dân tộc Việt dưới tài lãnh đạo của Ngài. Trận mai phục trên sông Bạch Đằng vào năm 938 đã mở ra một trang mới trong binh sách nước nhà, dẫn đến hai chiến thắng lẫy lừng khác cũng ngay trên con sông này. Đó là chiến thắng của vua Lê Đại Hành khi đại phá quân Tống vào năm 981, và của nhà Trần khi đánh tan quân Mông Cổ vào năm 1288.
Với 3 chiến thắng gần như rập khuôn, con sông Bạch Đằng đã trở thành nỗi ám ảnh kinh khiếp cho biết bao triều đại Trung Hoa. Nếu không thì vua Sùng Trinh của nhà Minh đã không nổi điên, đến độ bất chấp quy tắc ngoại giao, khi ra lệnh hành hình sứ thần nước Việt vào năm 1968. Thám hoa Giang Văn Minh, một văn quan thời vua Lê – chúa Trịnh, đã bị đổ nước đường nóng bỏng vào mắt mũi miệng và sau đó bị mổ bụng. Lý do chỉ vì ông đã đối lại bằng câu “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Đằng máu vẫn còn đỏ từ xưa đến nay) khi vua nhà Minh phán câu “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (cột đồng đến nay đã rêu xanh), hàm ý miệt thị cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng đã bị Mã Viện dẹp tan, sau đó dựng cột đồng đe dọa sẽ tận diệt dân tộc Việt.
Điều đáng tiếc là đức Ngô Quyền đã băng hà quá sớm, chỉ sau 5 năm lên ngôi trị vì đất nước. Nói theo cụ Nguyễn Du thì có lẽ ông trời đố kỵ những người tài ba. Một Ngô Quyền văn võ toàn tài đã ra đi vào lúc 47 tuổi. Một Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng cũng ra đi khi mới bước qua tuổi 40. Nếu không mất sớm, với tài ba và uy tín đến từ cuộc kháng chiến oanh liệt ấy, đức Ngô Quyền có lẽ đã có đủ thời gian để thuần phục các thế lực địa phương và xây dựng một triều đại vững mạnh, tránh được tình trạng Thập nhị Sứ quân sau khi ông qua đời.
Nhưng quá khứ là quá khứ. Lịch sử không thể có thêm những chữ “nếu”. Lịch sử là những bài học đầy xương máu mà con cháu phải ghi nhớ. Nhớ, để biết ơn những người đã nằm xuống trong quá trình dựng nước và giữ nước. Và nhớ, để biết căm hận những kẻ đam mê quyền bính, đang dâng hiến mảnh giang sơn gấm vóc của cha ông cho đế quốc Đại Hán như Kiều Công Tiễn, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... được che đậy bằng các chiêu bài “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà thực chất chỉ là chủ trương “mãi quốc cầu vinh”.
Và bài học đáng nhớ nhất là, không một chiến công nào, dù “phá Tống, thắng Mông, diệt Minh, trừ Thanh”, hay “đánh Pháp, đuổi Mỹ”, có thể biện hộ cho việc độc quyền lãnh đạo đất nước. Chỉ có những giáo sư tiến sĩ ngành “xây dựng đảng” (một ngành không hề có ở bất cứ đại học nào trên thế giới), vì thiếu kiến thức về lịch sử dân tộc và nhân loại, hoặc vì thiếu liêm sỉ và lòng tự trọng, mới vụng về bào chữa cho quyền lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản.
Nếu lập luận của những tiến sĩ đó là “hợp lý” thì có lẽ phải đi tìm dòng dõi của đức Ngô Quyền để trao quyền lãnh đạo đất nước, vì cha ông họ đã không dựa vào bất cứ phong trào quốc tế nào, hay ngửa tay nhận viện trợ của ai, mà vẫn thành công trong việc giành độc lập. Nếu không có cuộc nổi dậy vinh quang đó, dân tộc Việt bây giờ có lẽ đã nói tiếng Tàu và sẽ không có cái đảng cộng sản chết tiệt của ngày hôm nay!