Hè về - Viết cho tuổi trẻ Việt Nam yêu nước - Dân Làm Báo

Hè về - Viết cho tuổi trẻ Việt Nam yêu nước

David Thiên Ngọc (Danlambao) - "Bây giờ cũng trong tinh thần đó, tình yêu đó các em lại bị xem là “phản động” là “thế lực thù địch” và sau đó là trói còng, hành hung đánh đập. Nữ SV thanh niên thì bị xúc phạm thân thể, làm nhục gây hậu quả cho sức khỏe về sau, tù tội, giam cầm không từ nan một hình thức man rợ nào. Gia đình người thân, bạn bè và đồng bào có âu lo, thương cảm tỏ lòng sẻ chia thì phải lén lút, thập thò như phường trộm đạo. Tệ hại hơn là thể hiện lòng yêu nước chống kẻ thù đang xâm lăng bờ cõi từng giờ, giết hại đồng bào từng phút...các em nặng một mối căm hờn...trăn trở cho vận nước đang hai đầu thọ địch giặc ngoài thù trong mà phải chịu dập vùi nơi ngục thất, hay bị truy đuổi khủng bố trên vạn nẻo đường, bị hành hung bẩn thỉu dã man...mà vẫn ngẩng cao đầu không hề khuất phục với lời thề cho tổ quốc cho non sông. Ngày xưa chúng tôi có xuống đường chăng nữa thì cũng chỉ chống chiến tranh đòi hòa bình chứ không chống ngoại xâm nào, giặc thù nào hay chống một thế lực cường quyền nào đan tâm bán nước như ngày nay. Rõ là các em: 'Hai vai gánh nặng con đường thời xa...'"

Tháng 6-Mùa hè lại đến với đất nước, dân tộc VN. Từ xưa trong ký ức của mọi thế hệ người dân VN mùa hè có quá nhiều kỷ niệm...nhất là ở tuổi học trò đầy ắp với trường lớp bè bạn, thầy cô, với những trang lưu bút ngày xanh...Một cánh Phượng ở sân trường hay trên lối đi về...cũng làm lay động những trái tim, khơi dậy một nỗi niềm. Bên góc đường một khóm Bằng Lăng tím cũng tạo nên một chòm mây bàng bạc cùng những vần thơ thật đẹp ngập tràn lãng mạn của tuổi thanh xuân.

Đối với tuổi trẻ VN hình ảnh và cái tình của mùa hè chứa chan kỷ niệm vẫn còn đó và mãi mãi không thôi, nhưng đối với những người đã từng sống qua nhiều thế hệ của tuổi trẻ VN có cái nhìn và so sánh mọi thời đại, mọi thế hệ thì không khỏi phải ngậm ngùi, buồn thương mà phải nói rõ hơn là vô cùng yêu quí với sự cảm động lẫn cảm kích cao độ đối với thế hệ trẻ VN hiện đại, một lớp hậu bối của chúng ta.

Một lẽ đơn giản và rõ ràng trước mắt là thế hệ trẻ VN hiện đại bị thiệt thòi và mất mác nhiều thứ mà đáng ra các em phải được hưởng.

Đi ngược lại thế hệ trẻ VN thời thập niên 60s của thế kỷ trước. Lớp trẻ VN ở tuổi học trò hầu như là trải qua một giai đoạn của thời vàng son, một mùa xuân đầy hoa bướm sắc hương, một thuở yêu đời...Khi hè về bao tâm hồn, bao trái tim rạo rực mỗi người một tâm sự, một nét riêng...từng cánh Phượng chao liệng giữa không trung, một áng mây bập bềnh trôi trên trời hồng, một cánh bướm trên đóa Bằng Lăng...tất cả là một trời thơ mộng...tất cả những hình ảnh, cảnh tình đó có được là công dân VN được sống trong một xã hội Hòa Bình, ấm no hạnh phúc. Giữa nhân sinh quan, vũ trụ quan có những điểm tương đồng, giao cảm.

Bước qua cuối thập niên 60s đến năm 1975 tuổi trẻ VN chuyển mình qua một trạng thái khác. Chiến tranh đã bắt đầu len lỏi vào ngõ ngách xóm làng, vào tâm hồn dân tộc và vào trái tim của tuổi trẻ VN.

Phải nói ngay một điều rằng, trong giai đoạn này tuổi trẻ VN mà cụ thể là SVHS về ý thức hệ, về khuynh hướng chính trị hầu như không có một phương hướng nào rõ ràng. Có thể gọi là mù mờ trên mọi chiều của ý thức hệ. Thế rồi mỗi ngày chiến tranh về chính trị và chiến tranh bom đạn ở chiến trường lớn dần theo ngày tháng như vết dầu loan...

Rồi những hình ảnh và âm thanh “...Đại bác đêm đêm dội về thành phố...người phu quét đường dừng chổi đứng nghe...” rồi “...Rừng núi dang tay...”“...Nếu là người tôi xin chết cho quê hương...” mỗi ngày thấm vào tâm hồn, vào trái tim tuổi trẻ VN một cách tự nhiên và cũng cướp đi cái hồn nhiên tươi trẻ và cả những bước chân tiến về tương lai của đội ngũ kế thừa rường cột của Quốc Gia.

Thế rồi những mùa hè cũng lại đến với sân trường...Những cảnh ngậm ngùi chia tay ngày bế giảng không còn rạo rực man man với những cánh Phượng đẫm sân trường với bao nỗi lòng...không thiếu những dòng nước mắt cùng những trang lưu bút đượm tình mà thay vào đó là những cuộc bãi khóa xuống đường, giăng đầy biểu ngữ phản chiến, lập lại hòa bình, chống Mỹ Ngụy...v.v...

Thật tình mà nói rằng, lúc bấy giờ đại đa số SVHS Miền Nam VN xuống đường đấu tranh đòi hòa bình, phản chiến chỉ là sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ nhằm phản lại chiến tranh, chết chóc ly tan, vãn hồi hòa bình đem lại tiếng chim hót cho bầu trời, cánh bướm cho cành hoa...chứ không hề là đấu tranh ý thức hệ. Mặc dù ngầm bên trong là có thành phần xúi dục, giật dây, châm ngòi nổ cho phong trào vì mục đích chính trị của tập đoàn cộng sản Bắc Việt. Thêm vào đó trong những cuộc xuống đường đầy hào hứng, sôi nổi mà không bị những cảnh đàn áp dã man nhuộm màu máu lửa hay ngục tù cho các SV tham gia, chỉ ngoại trừ một số đảng viên cs cốt cán lồng vào chỉ đạo và một số cam tâm làm tay sai cho cộng sản đã bị lộ hình hài. Nhưng dưới chế độ Pháp trị, tam quyền phân lập, thượng tôn pháp luật của chính phủ VNCH, không xử sự theo kiểu luật rừng “bắt lầm hơn bỏ sót”, do đó dưới sức ép, đòi hỏi của các đoàn thể, SVHS...và cuối cùng các phần tử cs đó cũng được trả tự do và tiếp tục tự do thực hiện mưu đồ của đảng. Nơi đây, trong bài này tôi không đi sâu vào nội tình chính trị đất nước trong giai đoạn trước năm 1975 nữa vì tôi cũng đã viết khá kỹ trong loạt bài “Trí thức VN trước nội tình đất nước” (ba bài) đã được đăng trên DLB trước đây rồi.

Nơi đây tôi chỉ lược sơ về tình cảnh SVHS, tuổi trẻ VN qua nhiều giai đoạn lịch sử. Giai đoạn này tuổi trẻ VN đậm chất Bi-Hùng với sự cuồng nhiệt của tuổi thanh xuân nhưng có biết đâu trong cái slogan đầy lý tưởng mà bọn cs nằm vùng trương lên đã hướng lực lượng SVHS, thanh niên tuổi trẻ VN đi vào con đường hy sinh vô nghĩa, nhằm phục vụ cho ý đồ đen tối bẩn thiểu của csVN. Trong hoàn cảnh đó ta phải nhìn nhận rằng đội ngũ SVHS, các hội đoàn tôn giáo đứng lên chống chiến tranh, đòi hòa bình không phải là theo cộng sản, chống Mỹ...mà chỉ có một ý thức duy nhứt là chống chiến tranh, chết choc điêu tàn, ly tan và vãn hồi hòa bình mà thôi. Tuy nhiên song song với chiều hướng đó có một số đã bị cộng sản lợi dung, dụ dỗ mê hoặc và sau đó họ cố tình làm tay sai cho csVN như một số gọi là trí thức hiện đang cầm thẻ đảng trong tay, trong đó có số vẫn đang cúc cung tận tụy làm nô lệ đến cùng, số thì phản biện trong đảng một cách ởm ờ cho có lệ vì dù sao cũng đánh động được lương tâm của người trí thức nên trong một phút giây nào đó cũng tự cảm thấy hổ ngươi thầm nhưng cố cho qua ngày đoạn tháng mà lãnh sổ hưu.

Nói chung trong giai đoạn này bức tranh màu hồng của tuổi trẻ VN đã bị nhòe đi một góc bởi những gam màu u tối của bối cảnh lịch sử VN lúc đó làm hoen ố.

Bước qua giai đoạn sau mùa xuân 1975. Bây giờ tôi nghe lại lời ca “...Vui sao nước mắt lại trào???” nó hàm chứa một ý nghĩa khác mà lúc đó có lẽ nhạc sĩ Xuân Hồng không hề nghĩ tới. Ngày ấy như ông Võ văn Kiệt nói “...Có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn!” trong ngữ cảnh này Ns Xuân Hồng chỉ giới hạn những giọt nước mắt của triệu người vui mà không hề thấy những giọt lệ đó cũng của triệu người buồn!. Đơn giản Xuân Hồng là bên thắng cuộc.

Thế rồi thời gian trôi qua, trôi qua thật êm đềm vì nắng gió của bầu trời mà tạo hóa thiên nhiên đã ban cho loài người mà ở đất nước VN đã bị một mái che màu đỏ bao trùm và cướp mất. Nắng vàng, gió nồm heo may, Phượng hồng, Bằng Lăng tím, dã ngoại đắm mình trong tình yêu đất nước, quê hương không còn được tự nhiên, trong trắng như tâm hồn sẵn có của tuổi xuân. Đâu rồi những lời và hình ảnh mượt mà trong nắng mới, với những giọt sương đêm còn đọng lại trên bờ cỏ dọc đường, tiếng reo của lúa vàng trong hơi thu của buổi tựu trường mà nhà văn Thanh Tịnh đã vẽ nên thay vào đó là những chiếc khăn quàng đỏ siết cổ đời em, với những bài văn con trâu, con ong đánh Mỹ mà từ trong huyền thoại các em cũng chưa hề nghe thấy. Rồi từng đêm, từng đêm với những giấc mơ tự tạo ra và tự thấy một lão già nào đó tùy theo tưởng tượng và cho là “ bác Hồ”. Cái buổi đầu tiên bước chân vào đời, vào trường lớp đã bi bô ngọng ngịu hai tiếng “dối lừa”...rồi vang xa với bản trường ca trăm năm trồng người mà gieo những hạt mầm cho loài hoa độc trái đắng lan tràn khắp non sông.

Bức tranh “vân cẩu” biểu tượng cho xã hội không phải của loài người rồi gió cũng đánh tan đi.

Thế hệ tuổi trẻ thanh niên thời hiện đại tôi phải nói lên một điều rằng tôi vô cùng ngưỡng mộ và chân thành biết ơn các em tuy nhiên xã hội nào mà không có những hạt bụi, rác rưởi ở một góc khuất, ngõ hẹp của cuộc đời. Thế nhưng với ánh hào quang rực rỡ, với những tấm lòng và những đôi tay thánh thiện thì rác rưởi nào, trở lực nào mà các em chẳng vỗ yên quét sạch!

Ở đây tôi xin nói thêm một điều rằng “Tôi yêu các em quá” yêu ở sự hy sinh cái phần linh hồn trong trắng của các em lẽ ra phải tươi hồng giữa bầu trời lộng gió như thế hệ của chúng tôi trước kia được hưởng.

Ngày xưa chúng tôi có xuống đường biểu tình chăng nữa cũng chỉ với một mục đích là phản chiến, yêu hòa bình...với niềm tự hào của tuổi trẻ mà lòng không một chút nghi ngại bị lợi dụng hay đánh lừa...Trong tâm hồn mọi thanh niên tuổi trẻ SV đều có lòng yêu nước ẩn chứa bên trong đó là vốn quí của mọi người VN chúng ta. Sau những buổi xuống đường là thanh niên SV hiên ngang tự hào là một người yêu nước, đồng thời được dân chúng bên đường, trên phố đón chào hoan nghênh và ủng hộ với lòng ngưỡng mộ mến yêu.

Bây giờ cũng trong tinh thần đó, tình yêu đó các em lại bị xem là “phản động” là “thế lực thù địch” và sau đó là trói còng, hành hung đánh đập. Nữ SV thanh niên thì bị xúc phạm thân thể, làm nhục gây hậu quả cho sức khỏe về sau, tù tội, giam cầm không từ nan một hình thức man rợ nào. Gia đình người thân, bạn bè và đồng bào có âu lo, thương cảm tỏ lòng sẻ chia thì phải lén lút, thập thò như phường trộm đạo. Tệ hại hơn là thể hiện lòng yêu nước chống kẻ thù đang xâm lăng bờ cõi từng giờ, giết hại đồng bào từng phút...các em nặng một mối căm hờn...trăn trở cho vận nước đang hai đầu thọ địch giặc ngoài thù trong mà phải chịu dập vùi nơi ngục thất, hay bị truy đuổi khủng bố trên vạn nẻo đường, bị hành hung bẩn thỉu dã man...mà vẫn ngẩng cao đầu không hề khuất phục với lời thề cho tổ quốc cho non sông. Ngày xưa chúng tôi có xuống đường chăng nữa thì cũng chỉ chống chiến tranh đòi hòa bình chứ không chống ngoại xâm nào, giặc thù nào hay chống một thế lực cường quyền nào đan tâm bán nước như ngày nay. Rõ là các em: “Hai vai gánh nặng con đường thời xa...”

Tuổi hai mươi ngày xưa chúng tôi ngồi ở giảng đường xây bao ước mộng tương lai mà không một áng mây nào làm tăm tối, che mờ...Nhìn những dòng sông xanh trong mát mà lòng không một chút vấn vương... khi đêm về nhìn sao trời như trẩy hội...

Tuổi hai mươi ngày nay các em lần mò từng quãng đường trong đêm tối mịt mù...một khát vọng tự do cũng không hề có được cho dù là cái vươn vai hít thở để lấy bình sinh mà hát lên bài ca Dân Chủ-Nhân Quyền mà đời các em chưa có được.

Tôi thương các em đầy dũng lược, can trường trước thế nước tình, nhà, tôi thương các em không ngại gian nguy mà xông vào lửa đỏ đốt cháy thân mình để làm chất màu cho Tổ Quốc Giang San.

Mùa hè năm nay lại đến, những ngày đầu tháng Sáu lại gợi nhớ trong tôi những phút giây hào hùng ở hai đầu Tổ Quốc hai năm về trước. Ngày 5/6/2011 rồi kế tiếp là 11 ngày chủ nhật cùng nhau đến hẹn lại lên, các em lại xuống đường đòi vẹn toàn biên cương lãnh thổ, chống ngoại xâm, chống bạo cường cướp nước. Thế rồi bọn bán nước lại hành hạ tra khảo các em, các bạn...kẻ vào tù người mang bệnh. Năm nay những ngày đầu tháng Sáu lại về. Ngày mai chủ nhật 2/6/2013 các em, các bạn lại sẽ xuống đường? Tôi tin chắc một điều rằng mỗi ngày trôi qua là lòng yêu nước của các em, các bạn được nhân lên gấp bội. Lửa quật cường trong mọi trái tim dân tộc VN ngùn ngụt bùng lên thiêu rụi mọi cường quyền, dã tâm cướp nước và bán nước Việt Nam.

Ngày 1/6/2013



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo