Kinh tế lạc quan (?) - Dân Làm Báo

Kinh tế lạc quan (?)

Nguyên Anh (Danlambao) - Trích: Kinh tế Việt Nam nhìn từ Thế giới

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tụt dốc và suy thoái, tuy nhiên một số so sánh nhỏ dưới đây sẽ mang đến một góc nhìn khác về nền kinh tế hiện nay, để chúng ta thấy rằng lạc quan về kinh tế Việt Nam là điều hoàn toàn có cơ sở. 

Ở góc độ thứ nhất, tình trạng rơi tự do của giá vàng không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và tập đoàn tài chính mà còn lan rộng đến ngành khai thác và sản xuất vàng trên thế giới. Khiến cho Công ty khai thác mỏ, thăm dò và sản xuất vàng Newcrest (người khổng lồ) trong giới khai thác vàng có nguy cơ bị thâu tóm. Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng tại Trung Quốc, thước đo độ sẵn sàng về tiền mặt của các ngân hàng, tăng lên đột ngột làm dấy lên nỗi lo hệ thống ngân hàng đang rất mong manh. Người ta cũng e ngại, bong bóng tín dụng khổng lồ ở Trung Quốc có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào và hậu quả của nó sẽ vô cùng khủng khiếp. 

Lạc quan về kinh tế Việt Nam là điều hoàn toàn có cơ sở. 

Trong khi đó, tại Việt Nam, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã có hiệu lực hơn một năm. Sau rất nhiều băn khoăn, lo ngại với những phân tích trái chiều. Đến nay, phương thức quản lý mới này dường như đã giúp giải quyết một số bất ổn của thị trường. Hiệu quả đầu tiên của Nghị định 24 là đã không còn tình trạng sốt giá ảo, khiến các nhà đầu tư cá nhân đổ xô đi mua vàng. Thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều đợt giá vàng tăng giảm mạnh tới hàng triệu đồng mỗi lượng nhưng cảnh chen chúc mua vàng không diễn ra nhiều. Cần ghi nhận hoạt động mua bán vàng miếng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, với số lượng điểm bán giảm mạnh. Việc chuẩn hóa các điểm mua bán vàng miếng được kỳ vọng là sẽ tránh được tình trạng bất ổn về giá, cũng như bất ổn về tuổi vàng. 

Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã giúp giải quyết một số bất ổn của thị trường. 

Ở góc độ thứ hai, trong những năm qua, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế đang diễn ra ngày càng sôi động, tham nhũng đã trở thành vấn nạn nhức nhối của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. 

Ngay tại Trung Quốc, một trong những nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì tham nhũng hiện đang là vấn đề hết sức nóng bỏng và nhức nhối, khi mà không ít cán bộ tìm cách làm giàu cho bản thân bằng những việc làm bất chính. Chỉ trong vòng một năm, các nhà kiểm toán Trung Quốc đã phát giác 4, 36 tỷ USD trong các quỹ bất chính hợp pháp lưu hành trong Đảng và cán bộ lãnh đạo. 

Cựu Giám đốc Năng lượng Trung Quốc bị “sờ gáy” vì tham nhũng 

Ở Việt Nam, theo kết quả công bố của Tổ chức minh bạch thế giới (Transparency International) về chỉ số nhận thức tham nhũng 2012, Việt Nam đứng ở vị trí 123/176 quốc gia được khảo sát về tình hình tham nhũng. Trước vấn nạn trên, chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật trong chống tham nhũng, điển hình là Luật Phòng chống tham nhũng (2005). Đồng thời, ký kết tham gia Công ước Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng đẩy mạnh và tăng cường khả năng phòng chống tham nhũng của các quốc gia thành viên này từ tháng 12/2013. Ngoài ra, Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương cũng đã được thành lập cho thấy chủ trương quyết liệt trong đấu tranh đẩy lùi tham nhũng ở nước ta hiện nay. 

Ở góc độ thứ ba, Theo C.Mác: Lạm phát là sự tràn đầy các kênh lưu thông những tờ giấy bạc thừa, gây ra sự mất giá của đồng tiền và sự phân phối lại sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân. Singapore được biết đến là một trong số những nước có tỉ lệ lạm phát tăng cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Lạm phát của hòn đảo này đã có lần vượt quá 4% mỗi tháng kể từ tháng 11/2010, tăng hơn gấp đôi so với mức trung bình 1, 9% trong hai thập kỷ qua. Nguyên nhân được cho là chi phí nhà ở, kinh doanh cùng với giao thông tăng cao. Còn tại Trung Quốc, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Châu Tiểu Xuyên nhận định rằng lạm phát sẽ là một loại rủi ro dài hạn và chủ yếu đối với người dân Trung Quốc khi nước này đang “hạ cánh mềm” và có sự chuyển giao quyền lực lãnh đạo đất nước cho thế hệ mới. 

Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Công ty quản lý tài sản Quốc gia (VAMC) 

Trong khi đó ở Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng trong năm 2012, lạm phát thấp hơn tương đối so với các năm trước có thể là một điểm sáng. Do thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn tiếp tục đóng băng, một mức lạm phát vừa phải có thể giúp làm xói mòn mức giá danh nghĩa trên các thị trường này, vốn tương đối kém linh hoạt và điều này có tác dụng góp phần đẩy nhanh quá trình tan băng trên thị trường. Do đó mức lạm phát khoảng 10% trong năm 2012 là có ý nghĩa. Để vực dậy thị trường bất động sản, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt các biện pháp mạnh. Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Công ty quản lý tài sản Quốc gia (VAMC) vào tháng 5/2013, có hiệu lực vào tháng 7/2013 và một bước tiến quan trọng trong việc vực dậy thị trường BĐS đang suy thoái. Những bước đi cũng như giải pháp của Việt Nam về cơ bản gần như giống với Thái Lan trong công cuộc xử lý nợ xấu vào những năm 1997, VAMC mua lại nợ xấu từ các TCTD bằng giá trị sổ sách, VAMC phát hành trái phiếu cho ngân hàng. Ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho khoản nợ xấu này hàng năm. Khi trái phiếu hết hạn trong 5 năm thì nợ xấu không xác lập. Cũng giống với những giải pháp tháo gỡ của Thái Lan, thị trường BĐS Việt Nam kỳ vọng sẽ vượt qua được khủng hoảng để đi lên bền vừng hơn, chuyên nghiệp hơn trong những năm tới. 

Ở góc độ thứ tư, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đẩy hệ thống ngân hàng ở Châu Âu rơi vào cảnh lao đao, hàng loạt các ngân hàng lớn có tên tuổi của Mỹ như Continental Illinois National Bank (CINB), Lehman Brothers, Fannie Mae và Freddie Mac bị sụp đổ… đã ảnh hưởng nặng nề đến các nước trên thế giới, thì Việt Nam là nước thoát khỏi khủng hoảng nhanh nhất và một trong những người tạo nên bước ngoặt này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông đã kịp thời có những chính sách linh hoạt, đúng đắn bằng cách chọn mức tăng GDP 2011 là 5, 8 – 6% trong khi mục tiêu của 2012 là 6%; chỉ đạo tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế để thích ứng với khó khăn như, cắt giảm đầu tư công, giữ vững mức tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiếm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, Thủ tướng đã đưa ra các giải pháp tái cơ cấu hệ thống tài chính – ngân hàng; cắt giảm đầu tư công đối với một số công trình kém hiệu quả (cao tốc Trung Lương; Láng – Hòa Lạc, Cầu Thanh Trì…); tiến hành cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh; Hợp nhất ba ngân hàng có trụ sở chi nhánh tại TP.HCM là Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Thương mại cổ phần Sài Gòn; Điều chuyển quyền đại diện vốn Nhà nước Công ty cổ phần Hàng không Jetstar ASCII Airlines (JPA) sang Tổng công ty Hàng không Việt Nam… Kết quả, tín dụng tăng trưởng khoảng 12 – 13%; các mức lãi suất trên thị trường tiền tệ đã dần ổn định; bước đầu đã kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; năm 2012 xuất siêu đạt 284 triệu USD, sau 20 năm kể từ 1993 nước ta xuất siêu trở lại, những tín hiệu lạc quan này cũng là thông điệp chính mà Thủ tướng gửi đến các nhà đầu tư. 

Một trong những tiêu chí đánh giá một nền kinh tế năng động, đang phát triển mạnh hay không là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP). Trong suốt 20 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng hơn 7%. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng – không quá nóng đến mức lo ngại và cũng không quá thấp đến mức ì ạch. Một nền kinh tế đi lên gần như từ số 0 sau chiến tranh, không thể phủ nhận đó là thành tựu đáng ghi nhận. Nếu chỉ tính trong giai đoạn khủng hoảng 5 năm gần đây, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thuộc tốp khá của thế giới và thuộc tốp cao ở khu vực. 

Tuy có những góc nhìn rất lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian qua và triển vọng phát triển lâu dài của Việt Nam trong thời gian tới, nhưng chúng ta cũng vẫn nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục để nâng cao hơn nữa lợi thế so sánh của mình. Nếu những hạn chế, yếu kém trên sớm được khắc phục, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam chắc chắn sẽ được nâng lên. Điều quan trọng là khi môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, các nguồn lực trong nước cũng sẽ bung ra mạnh mẽ hơn. Đó sẽ là “bệ phóng” vững chãi đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn. 


Nghe Thảo Nguyên bưng bô thật là hài vãi! 

Một bài viết lên gân nền kinh tế VN lạc đề, lạc điệu và lạc hậu. 

Trong bài viết tác giả cho rằng nhìn nền VN ở 4 góc độ, và góc nào cũng lạc quan: 

1. Thị trường vàng nhờ có nghị định 24 nên bình ổn nhưng thực tế giá vàng VN lúc nào cũng cao hơn thế giới (!) 

Điều đó cho thấy gì? 

Những băng nhóm nhà nước độc quyền thu gom vàng và đầu cơ trên đầu người dân VN mà cụ thể người phải chịu trách nhiệm là Thống Đốc Nguyễn Văn Bình. 

2. Vấn đề tham nhũng tại VN tác giả so sánh với Trung Quốc và cho rằng VN hơn hẳn nhờ xây dựng được Luật phòng chống tham nhũng 2005, tham gia công ước LHQ nên chúng ta ưu việt hơn vì chúng ta kiên quyết... phòng chống hơn (!) 

Thực tế cho thấy chúng ta TỒI hơn cả TQ khi những ổ nhóm tham nhũng không ai dám đụng tới có thể kể ra Thống đốc Lê Đức Thúy nhiệm kỳ trước in tiền ăn hối lộ công ty Úc cả chục triệu đô la mà không ai dám nói, ăn chận nguồn vốn ODA của Nhật của quan chức thành Hồ Huỳnh Ngọc Sỹ và khuôn mặt chưa ra ánh sáng, hay ngay chủ trang web mà tác giả viết bài, 3 Ếch.org làm thủng chiếc thuyền VINASHIN, VINALINE với số tiền 4, 5 tỷ usd mà vẫn an nhiên tại vị. 

Trong tất cả giao dịch tại VN đều có bóng dáng tham nhũng, từ ban phát quyền lực, đầu thầu cho đến tên côn an đứng đường (có thể dễ dàng tìm thấy trên báo chí lề đảng hàng ngày.) 

Tham nhũng đã trở thành điều bình thường! 

3. Lạm phát: tác giả đem số 4% của TQ so sánh và ngược ngạo cho rằng VN với 10% vẫn an toàn! 

Thật buồn cười cho một kẻ thiểu năng trí tuệ, góc độ này xin dành cho bạn đọc bình luận tuy nhiên chắc chắn con số 10% là con số bị bưng bít! 

4. Tỷ lệ tăng trưởng của VN tăng 7% hàng năm, tác giả hào phóng hơn anh 3 Ếch tuyên bố trước toàn dân là 5% khi kinh tế thế giới suy thoái đỉnh điểm (!) 

Nhưng tăng trưởng đâu không thấy mà chỉ thấy cả trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, người thất nghiệp đầy đường! 

Trong 4 góc độ nói về kinh tế VN tác giả đã cho người đọc thấy được cái tuyên truyền xuyên tạc của mình khi nói về nền kinh tế một cách phiến diện. 

Nền kinh tế VN thực tế là gì? 

Là một quốc gia không có thành phẩm nào xuất khẩu mà chỉ có những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, nông lâm thủy hải sản, bán nguyên liệu thô! 

Và nước VN cho đến ngày hôm nay ở thế kỷ 21 phi thuyền lên vũ trụ mà vẫn chưa sản xuất được một chiếc xe gắn máy! 

Với cách làm manh mún, giới cầm quyền chỉ nghĩ kinh tế là tiền, làm ra tiền bằng cách mua vàng thế giới rẻ về bán lại cho người dân kiếm lời và chấm hết! 

Họ được một số người ca ngợi như tác giả! (tất nhiên phải có phong bì) và nhắm mắt làm ngơ trước đại bộ phận dân chúng nghèo đi vì bị bóc lột! 

Đó là cái đạo đức rởm của nhà báo nước CHXHCNVN trong đó có Thảo Nguyên! 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo