Thân quen với 'quan' mới xin được việc ở cơ quan Nhà nước - Dân Làm Báo

Thân quen với 'quan' mới xin được việc ở cơ quan Nhà nước

Nguyễn Đông (VnExpress) - Kết quả từ một cuộc khảo sát xã hội học quy mô lớn cho thấy, nhiều người dân cho rằng quan hệ thân quen với người có chức quyền là yếu tố quan trọng khi xin việc vào khu vực nhà nước.

Ngày 2/7, tại TP Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu lập pháp và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo báo cáo chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 - đo lường từ trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền. 
Người dân ở Đà Nẵng được hướng dẫn tra cứu thủ tục 
hành chính và chấm điểm công chức qua mạng. Ảnh: Nguyễn Đông 

Là khảo sát xã hội học quy mô toàn quốc, từ năm 2010 đến nay, nhóm điều tra đã phỏng vấn trực tiếp 32.500 người dân với sáu trục nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. 

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Quảng Bình được người dân đánh giá cao ở hầu hết trục nội dung, song cần cải thiện "kiểm soát tham nhũng". Đà Nẵng cũng nằm trong nhóm dẫn đầu nhưng còn tồn tại điểm yếu về "tham gia của người dân ở cấp cơ sở" và "công khai, minh bạch". 

Tây Ninh có thứ hạng thấp ở cả hai năm 2011 và 2012 nhưng lại ghi điểm cao ở trục "thủ tục hành chính công". Xếp cuối bảng là Khánh Hòa, tuy nhiên địa phương này vẫn được người dân đánh giá khá hiệu quả ở nội dung "cung ứng dịch vụ công". 

Báo cáo chỉ số PAPI cho thấy, gần 80% người dân không biết gì về quy hoạch sử dụng đất đai của địa phương, 17% được biết nhờ thông báo của chính quyền và 3% biết qua nguồn tin khác. Thiếu công khai, minh bạch về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nguyên nhân dẫn tới nhũng nhiễu trong quản lý đất đai ở địa phương. 

80% người dân cho biết họ không biết gì về quy hoạch 
sử dụng đất đai của địa phương mình. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông 

Theo báo cáo chỉ số PAPI, gần 50% số người được hỏi cho biết quan hệ thân quen với người có chức quyền là yếu tố quan trọng khi xin việc vào khu vực Nhà nước như vị trí nhân viên, công an xã/phường, công chức địa chính, giáo viên trường tiểu học công lập, công chức tư pháp. Tham nhũng vặt và hối lộ là những vấn đề thường trực ở nhiều lĩnh vực và có chiều hướng gia tăng khi người dân xin việc vào khu vực nhà nước, khám chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện, làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Người dân lựa chọn không tố giác do cái giá phải trả cho việc tố giác có thể lớn hoặc chưa tin vào hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng hiện nay có thể bảo vệ cho họ. Các địa phương kiểm soát tham nhũng công thấp nhất là Điện Biên, Khánh Hòa, Lai Châu, Ninh Thuận và Cao Bằng. 

Cũng theo kết quả khảo sát, mức độ phổ biến và hiệu quả của Ban thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng khá mờ nhạt khi lần lượt 66% và 83% người dân được hỏi cho biết ở xã/phường của họ không có hoặc không biết hai ban này tồn tại hay không. 


http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/than-quen-voi-quan-moi-xin-duoc-viec-o-co-quan-nha-nuoc-2841748.html

*

Lạng Sơn: Lộ mặt nhiều đường dây lừa 'chạy' công chức

TP - Lợi dụng tâm lý muốn dùng tiền lo lót, chạy chọt vào công chức nhà nước, nhiều đường dây lừa đảo xin việc xuất hiện ở Lạng Sơn, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của các nạn nhân.

Bà Hà là một mắt xích trong đường dây “chạy” công chức lớn ở Lạng Sơn. Ảnh: D.C. 

Sáng 28/6, TAND tỉnh Lạng Sơn xét xử vụ án cưỡng đoạt tài sản đối với bị cáo Bế Anh Tuấn (SN 1958, ở phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn). Cùng ngày, TAND TP cũng đưa bị cáo Đinh Thị Thu Hà (SN 1983, một cựu giáo viên) ra xét xử sơ thẩm về hành vi chạy công chức trong ngành giáo dục. Trước đó, bà Hà tham gia vào đường dây “chạy” việc tiền tỷ.

Thi nhau “chạy” việc

Theo cáo trạng, ông Bế Anh Tuấn nguyên là cán bộ một Cty thương mại đã nghỉ hưu, do có mối quan hệ rộng nên được nhiều người nhờ vả xin việc cho con, cháu. Thấy kiếm tiền dễ dàng, ông Tuấn nhận tuốt các loại hồ sơ thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp, chạy công chức, chuyển công tác. Từ năm 2002 đến 2011, ông Tuấn chiếm đoạt trên 1 tỷ 250 triệu đồng của 43 người.

Một cán bộ công tác lâu năm trong ngành Văn hoá - Thông tin Lạng Sơn ngậm ngùi: “Xin việc ở Lạng Sơn rất khó khăn, tôi có thằng con trai tốt nghiệp sư phạm, ra trường lâu năm chưa xin được việc, thấy có người mách bèn mang 30 triệu (thời điểm năm 2007-PV) nhờ ông Tuấn. Sau đó, ông Tuấn khất lần rồi biến mất”. Tương tự, ông Tuấn ra giá mỗi “suất” chạy công chức từ 30 triệu đến 50 triệu đồng, tuỳ theo từng vụ việc và giá tăng dần theo từng năm.

Còn bà Đinh Thị Thu Hà nguyên là cán bộ Văn phòng UBND huyện Cao Lộc. Sau khi dính án kỷ luật, cuối năm 2012 bà Hà về công tác tại Trường THCS Song Giáp, Cao Lộc. “Ngựa quen đường cũ”, bà Hà hứa hẹn với anh Nông Tuấn Khanh (SN 1978, bán hàng tại chợ Phú Lộc, TP Lạng Sơn) xin việc cho vợ anh Khanh vào ngành sư phạm. Hà ra giá 20 triệu đồng, nhận tiền rồi cắt liên lạc với nạn nhân. Tương tự, Hà lừa xin việc để nhận 20 triệu đồng của bà Hoàng Thị Nghị (SN 1970, ở đường Bà Triệu, TP Lạng Sơn). Ngoài ra, Hà còn vay mượn, chiếm đoạt trên 300 triệu của nhiều nạn nhân khác rồi bỏ trốn.

Một trường hợp khác vừa bị cơ quan pháp luật ở Lạng Sơn phát hiện, xử lý là Triệu Văn Phong (SN 1986, ở xã Tràng Phái, huyện Văn Quan). Mặc dù chỉ học hết lớp 9, vợ cũng chưa có công ăn việc làm, song Phong đã lừa chạy việc cho 4 người, chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng.

Xử lý không nghiêm?

Phần lớn gia đình các bị hại là những hộ dân nghèo, ở vùng sâu, vùng xa. Tại phiên xét xử bị cáo Hà, bị hại Hoàng Văn Phúc trình bày: “Tôi thuộc hộ nghèo ở xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, phải đi làm thuê, vợ con đau ốm liên miên. Khi bà Hà hứa xin được việc, tôi phải vay hàng xóm 20 triệu đồng để lo cho con. Vậy mà tiền mất tật mang”.

Sau khi TAND TP Lạng Sơn tuyên phạt bị cáo Đinh Thị Thu Hà 9 tháng tù giam, một bị hại là bà Hoàng Thị Nghị cho biết sẽ kháng án. Bà Nghị nói: “Hà lừa tất cả 11 người, có 2 người mất tiền để chạy công chức, số còn lại bị lừa hùn vốn làm ăn, mua xe nhưng cơ quan pháp luật lại cho rằng đó là quan hệ dân sự, không xử lý”.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, vụ án trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bà Hà là mắt xích quan trọng trong một đường dây chạy công chức lớn ở Lạng Sơn. Ngoài bà Hà, còn có một số cán bộ công chức trong ngành giáo dục liên quan, trong đó có Lê Hoàng Tuyến (nguyên Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn), Dương Thị Phương Liên (Trường CĐ Sư phạm Lạng Sơn). Công an huyện Cao Lộc đã vào cuộc điều tra, nhưng sau đó lại chuyển về các cơ quan chủ quản để xử lý hành chính.

Kết cục, cả 3 cá nhân trên chỉ bị cảnh cáo về mặt đảng và chuyên môn. Ông Tuyến được điều chuyển về công tác tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Cao Lộc, bà Hà về Trường THCS Song Giáp. Sau đó bà Hà xin nghỉ ốm, ra bán hàng tại chợ Phú Lộc 4, TP Lạng Sơn. Tại đây, bà Hà tiếp tục lừa chạy việc như đã kể trên.

Dư luận cho rằng, một phần do vụ việc lần trước xử lý không nghiêm, phần khác do các bị hại liên tiếp uy hiếp đòi nợ nên Hà nhắm mắt làm liều. Bà K. (Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn, mẹ của Hà) có đơn gửi cơ quan công an, đề nghị đảm bảo tính mạng con gái mình, đồng thời yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây chạy công chức xảy ra trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Nhóm PV

http://www.tienphong.vn/Phap-Luat/634690/Lo-mat-nhieu-duong-day-lua-chay-cong-chuc-tpp.html


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo