Lê Hồ huyết kỳ bí phổ - Dân Làm Báo

Lê Hồ huyết kỳ bí phổ

Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - “Vả lại, chính báo Nhân Dân đã dạy em “sự thật rất cứng đầu cứng cổ, người ta không thể tha hồ sắp xếp nó theo trình tự lớp lang nào tùy ý muốn của mình”. Nếu “nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng nửa sự thật đã là lời nói láo trọn vẹn”, thì việc chọn lọc ghi chép một nửa quá khứ của một phụ mẫu chi dân, một nửa lịch sử của một triều đại lại là sự lừa đảo cả một dân tộc.”

*

Đã có rất nhiều phản ứng đa dạng và nước-lửa về việc lập tân chính đảng của luật gia Lê Hiếu Đằng, dù sự kiện chỉ mới được khơi mạch từ Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh... và Những điều nói rõ thêm.., cộng với sự đồng tình, cổ xúy để Phá xiềng của nhà báo kỳ cựu Hồ Ngọc Nhuận; đặc biệt các phản biện liên hoàn cực kỳ công bằng, hết mực lịch sự, vạn lần dân chủ của chư vị ‘chính nhân quân tử bằng cao chức trọng’ u ê trên ‘một bộ phận không nhỏ’ báo nhớn của dân, do dân, vì dân như Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Nhân Dân... Cá nhân Hải Ý em đã trộm đọc tất, trộm suy nghĩ lung lâu, nay quyết ghi ra nhưng xin nói ngay đây là ngay đi đọc xong em đã coi như nơ-pa đống chữ tanh tính đảng trong các báo nhớn kể trên, nó chỉ được cái là xui em loáng thoáng nhớ lại vụ việc mấy thành-lão-trí-thức-học-giả-Hồng-vệ-bút-Nhạc Bất Quần như Phong Lê, Nguyễn Ngọc Thiện..., nổi bật là Chu Giang Nguyễn Văn Lưu manh tâm như đít kim khâu ‘bề tập thể’ luận văn Mở Miệng (1) của chị Đỗ Thị Thoan tức nhà văn trẻ, đẹp, tài và, đáng quí nhất là tấm đan tâm trong văn phong trên Blog: Nhã Thuyên.

Em thì em khuyến khích ý tưởng lập đảng / lập hội mới của luật gia Lê Hiếu Đằng vì rõ ràng chiếu theo Điều 69 Hiến pháp 1992 - sửa đổi, bổ sung năm 2001, hiện hành ở nước ta (2) thì không ai, không thế lực nào ngáng trở việc cụ thể hóa ý tưởng của bác Đằng được. “Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm” (3). Huống hồ Vương triều Xã nghĩa Việt Nam ta vốn nổi tiếng giữa Đất-Trời-Người về tính thượng tôn Hiến pháp, Luật pháp và Công lý, thì chẳng đời nào vì tính đảng cục bộ của một tập thể 3 triệu trên tổng số gần 90 triệu người mà Vương triều ta cù nhây lườn lẹo như tụi giãy hoài mà cứ nhởn nhơ trơ gan cùng tuế nguyệt. Nhưng tuyệt đối em không gia nhập đảng ấy dù nó núp dưới bất cứ nhân danh nào, dù “đứng vào hàng ngũ Đảng Dân chủ Xã hội mới ngày nay là yêu nước” (sic)! Lập đảng / lập hội là quyền Hiến định. Gia nhập đảng đó hoặc ủng hộ nó hay không là quyền của mỗi người trưởng thành, dù có đủ tâm xung phong đủ tầm dân trí hay không, để nhận định và quyết định, đồng thời mỗi đương sự phải dũng cảm chịu trách nhiệm trước hết và sau cùng đối với nhận định và quyết định của mình, kể cả hậu quả của nhận định và quyết định đó. Chứ chơi lối đổ vạ cho đảng xúi mình chấm chấm như đồng chí X thì, nói thật lòng, Hải Ý em đây dư xăng làm Thủ tướng của Vương triều Xã Nghĩa Việt Nam, và em còn thừa quỹ thời gian để khiêm nhường hy sinh ngồi ưởn vòng 1 trên cái ghế đó dài lâu, xin lỗi, chí ít cũng gấp 1 lần rưỡi nhiệm kỳ của người đã ký Công Hàm 1958!

Cứ tưởng tượng tuế tóa là hai bác Đằng-Nhuận thành công trong việc kêu gọi tập thể đảng viên Sao vàng Bảng đỏ bỏ đảng không vì đã sang giàu mà vì dân vì nước, tự do lập đảng mới, “chẳng hạn như đảng Dân chủ Xã hội” mà hai bác tưởng tượng - sau khi cả hai đã lăng ba vi bộ lướt đạp qua ma trận “bỏ bóng đá người”, an nhiên tự tại, phớt tĩnh ăng-lê trước cuộc “lên đồng tập thể” dưới thắt lưng đối tượng của chính bè đồng chí, đồng đội ruột thừa của hai bác - công khai quyết tâm bảng-đỏ, phổ biến lập trường, mục tiêu, cương lĩnh hành động - lại vì “cứu nước cứu dân và cứu cả chính mình” - rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tất nhiên trên mạng là gọn nhẹ nhất, thì cá nhân Hải Ý em đây sẽ là người đầu tiên ngoài đảng đó chúc mừng, hồ hởi phấn khởi cực kỳ, bởi chưng: 

1- Sự ra đời của đảng mới đồng nghĩa với sự tiêu vong của Điều 4 trong HP 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), dự kiến cả trong HP 2013 sắp tới đây; cũng có nghĩa là ngày khánh thành bảng hiệu đảng Dân chủ Xã hội sẽ trùng khít với bi hài kịch “tự sát” của nhà hùng biện số dzách, kiêm chiêm tinh gia số dzách Nguyễn Cu Ba, và chữ Trùng này sẽ giống hệt chữ Trùng trong mồng 2 tháng 9, tức Trùng gở ấy mà; 

2- “Tự do (lập đảng) là một loại cây, một khi đã bắt rễ, thì phát triển rất nhanh / La liberté est une plante qui croît vite une fois qu'elle a pris racine.” (George Washington).

Còn lý do tại sao em sẽ không bao giờ gia nhập đảng Dân chủ - Xã hội Made by Đằng-Nhuận? Em xin thưa:

1- Ngày xưa có câu “nhất sự bất tín, vạn sự bất tin”. Ngày nay, em học được thêm từ Internet câu “gây niềm tin không khó, phá vỡ niềm tin không khó, lấy lại niềm tin thì không dễ”. Em quan niệm: bác Đằng và bác Nhuận không nên đòi hỏi hay yêu cầu người khác những điều mà trong gần nửa thế kỷ, chính hai bác đã toa rập với bạo quyền cướp đoạt của họ, trong đó có gia tộc em.

Trước màn ảnh vi tính, thay chút lòng thành em thề sẽ đấu tranh kỳ cùng để hai bác đạt quyền thực hiện những ý tưởng của hai bác, mạo muội tự nguyện phụ bác Đằng tăng thêm tí tốc độ (“thanh toán”, “tính sổ” lại tất cả một cách minh bạch, sòng phẳng để từ đây thanh thản dấn thân vô cuộc chiến mới); cũng như em sẽ hỗ trợ bác Nhuận từ xa chóng hoàn tất rốt ráo việc “tính toán nợ nần với quá khứ lịch sử, với giòng tộc, với chính mình; giũ sổ với đảng cầm quyền toàn trị; mở một trang mới cho tương lai dân tộc.”

Khi ý tưởng hay Dân Xã khúc tưởng tượng kia biến thành hiện thực, có thể hai bác sẽ tri hành hiệp nhất, thể hiện những gì hai bác vẫn tin và gieo rắc lại niềm tin ấy vào đại chúng, nhưng chớ mong em đây tin hai bác thêm một lần nữa. Dẫu có ngậm hột soàn 16.4 cara thuyết giảng em, cũng sẽ vĩnh viễn như nước đổ đầu vịt. “Trong hơn 13 tháng bị ‘đá qua đá lại’ 18 nhà lao của bọn Tưởng” (4), bác của hai bác từng hiện thực than:

“Đau khổ chi bằng mất tự do,
Đến buồn đi ỉa cũng không cho.
Cửa tù khi mở: không đau bụng,
Đau bụng: thì không mở cửa tù!”

Riêng đối với em, đau khổ nào bằng đau khổ mất niềm tin! Công lao hai bác hùn hạp làm thui chột niềm tin của tuyệt đại đa số thế hệ chúng em nói riêng đâu phải ít. Họa là phường ăn cháo đái bát mới phủ nhận trí tuệ của hai bác đã giúp “đảng Cộng sản có điều kiện độc tôn độc quyền cai trị đất nước trong nhiều chục năm qua”.

2. Ai cũng biết, trước 1975 bác Lê Hiếu Đằng và bác Hồ Ngọc Nhuận đều là công dân nước Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam, Quốc gia dân chủ) nhưng lại thuộc tộc Tốp-pờ (Taupe) của nước đối-nghịch-xâm-lăng là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Miền Bắc, Cọng sản độc tài); trước khi qua đời ông nội người viết bài này gọi đó là tộc “Ăn cơm Sài Gòn, đi ngoài Hà Nội”. Sau 30-04-1975, bác Đằng và bác Nhuận thuộc tộc công thần chánh tam phẩm của Vương triều Xã Nghĩa Việt Nam, đã có cống hiến không nhỏ (nghĩa là rất lớn) trong đại sự phù phép đất nước ta, xã hội ta và 54 dân tộc anh em “rơi vào một cuộc tổng khủng hoảng sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lãnh vực mà nhiều chuyên gia, nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo trong cũng như ở nước ngoài đã phân tích”, cảnh báo từ nhiều năm qua trên mạng nên em xin không nhắc lại.

Nay cả hai bác đã là nguyên là, đã là thành lão cách mạng nhưng chưa cam tâm vui thú điền viên như Nguyễn Thánh Gióng ngày lại ngày trong cái chòi trông yến, như cựu Vương nông đức mạnh mông tiêu tao quỹ thời gian còn lại, hưởng phước trên mảnh vườn cũ của Nông Thái tử v.v... Do đó mà cả hai, nhất là bác Đằng, mới ước ao đặt móng cốt tre lại cho những thứ cốt sắt - tuy bấy giờ còn mỏng mảnh - mà chính cả hai đã tận tình góp sức triệt tiêu trong “thời trai trẻ”, tại nơi đã cưu mang hai bác từ thuở mới oe oe, chính danh là nước Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập được Liên Hiệp Quốc công nhận, chứ không phải là “chế độ cũ hay chính quyền Sài Gòn” như ‘bên thắng cuộc’ vẫn kiên định ngu trung giả mù sa mưa lu loa ngoa ngụy chẳng chút ngượng với mồm, với bàn phím vi tính; chẳng chút hổ thẹn với hai chữ Hoàng Sa!

Ở ta ôi sao lắm chuyện phi phàm. Đơn cử một đặc sản ở ta: khi ‘chủ nhân’ bị đày làm đồng chí ‘đầy tớ’ thì vì lương tháng ngáng lương tâm quay qua trù úm lời nói thẳng nói thật hướng thượng của ‘chủ nhân’, thấy những cảnh “chướng mắt nhưng không dám nói” chỉ vì sợ cái ghế phế cái bàn tọa hoặc sợ cái sổ hưu bổng dưng ngưng thở...; đến khi được giải phóng về làm ‘chủ nhân’ trở lại mới tự ngộ ra rằng:

- “Lý tưởng thời trai trẻ (của mình) hiện nay đã bị phản bội”

- Rằng Vương triều đỏ mà mình phục vụ gần cả kiếp người là “một nhà nước độc tài toàn trị”

- Rằng “trong chế độ này không có chỗ cho người trung thực mà chỉ dành cho những người nói láo, tránh né đấu tranh”

- Rằng “đảng cộng sản chuyên quyền chủ trương xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa muôn vạn lần dân chủ láo, trên nền móng cướp đoạt mọi quyền cơ bản của người dân”... 

Và nguyên ‘đầy tớ’ đó dòm trước ngó sau dỏ dẹ tiếng bấc tiếng chì khi phải nghe nhìn mãi chương trình Thời sự "esthétisée», chương trình Phỏng vấn Bộ trưởng trực tuyến... ‘à la récitation’ trên mấy cái VTV; đọc hoài đống chữ ‘perroquet’ từ các đương kim ‘đầy tớ’ Tiến sĩ chuyên ngành lưỡi gỗ! Thật đúng là “quen chăn nhẵn rận”, chỉ có chồng mới biết vợ có mấy cái thẹo nơi chốn thâm cung bí cốc, và ngược lại. Cái lưỡi của tộc ‘chủ nhân’ vốn bẩm sinh đa dụng, nhưng cái lưỡi của tộc ‘đầy tớ’ nguyên cũng như đương thì vô số dụng bởi nó được tôi bằng nửa tự trọng, trăm vô sỉ.

*

Việc bác Đằng manh nha lập đảng mới - sau 45 năm cúc cung phụng sự Vương triều đỏ, đã làm Hải Ý em hồn nhiên liên tưởng tắp lự tới Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông, cha đẻ tuyệt kỹ Song Thủ Hỗ Bác trong 2 bộ kiếm hiệp Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung tiên sinh mà cách nay khá lâu, cụ Xẹ - bạn cụ nhà văn tập kết Nguyễn Quang Sáng, đã giải độc cho đám choai choai chúng em nghe. Hôm đó cụ Xẹ kể, đại ý:

- Tao nói lược lược cho tụi mày dễ hiểu. Đặc trưng của Song Thủ Hỗ Bác là cách luyện phân thân và phân tâm, tức là từ tay phải tống ra một chiêu, ví dụ Mê Lạc Chủ Không Phóng Giải chưởng, cùng lúc từ tay trái ngoáy ra một kiếm thức như Du Chẩn Xa Ngã Hộ Y. Cái hay của bí chiêu này là khi bí, có thể dùng tay trái đấu với tay phải để giải khuây, tương tự Đông Ấp Diên Tân lão quái nằm chơi cờ tướng một mình ở Tinh Đàm từ gần 40 năm mà vẫn chưa xong một ván, song xem ra trò tiêu khiển của Lão Ngoan Đồng ác liệt hơn nhiều. Để tao nhắc lại cho tụi mày dễ xâu chuỗi cốt chuyện. Châu Bá Thông vốn là sư đệ của Vương Trùng Dương, Giáo chủ Toàn Chân phái. Châu Bá Thông bị Hoàng Đông Tà lừa, lạc vào Bát Trận Đồ trên Đào Hoa đảo, bị giam lỏng trong đó suốt thời trai trẻ. Trong lúc bí quẩn mà Châu Bá Thông nghĩ ra trò chơi này. Nhưng khi thực thụ tỷ thí tay đôi trên giang hồ thì trò chơi này biến thành tuyệt kỹ, chẳng khác gì hai người đánh một người.

Cụ Xẹ ngừng lời. Bất ngờ cụ buột mồm: Đà mú! Tụi bây biếc mờ, hai guýnh môộc, hổng chôộc cũng guè.

Nghe cụ Xẹ văng chữ đúng giọng Nam bộ lục tỉnh, bọn em khoái chí ré cười như nắc nẻ.

Cụ Xẹ đưa tay trái lên, dùng ngón trỏ gõ gõ vào cái miệng móm sọm, ra hiệu bọn em thôi cười, giữ im lặng. Cụ nhấp một ngụm Quốc lũi, a hèm mấy cái để lấy lại giọng bắc… Nghệ An, quê ngoại em, mở sách đọc tiếp, nguyên văn: (“Qua vài hôm. Quách Tĩnh đã hiểu được thuật Song Thủ Hỗ Bác. Châu Bá Thông cả mừng, nói:

- Nào nào, tay phải ngươi và tay trái ta là một phe, tay phải ta và tay trái ngươi là địch nhân, đôi bên đấu võ nghệ với nhau.

Quách Tĩnh còn trẻ, đối với những trò chơi này há lại không thích thú? Lúc ấy tay phải y và tay trái Châu Bá Thông liên kết với nhau đánh tay trái y và tay phải Châu Bá Thông. Trận đánh này rõ ràng trong đời y chưa từng nhìn thấy, cũng chưa từng nghe qua. Lúc đánh nhau Châu Bá Thông lại không ngừng giảng giải tấn công thế nào cho lợi hại, phòng thủ thế nào cho chắc chắn. Quách Tĩnh nhất nhất đều ghi nhớ trong lòng. Châu Bá Thông chỉ thấy trò chơi này thú vị nào ngờ qua lần này Quách Tĩnh lại học được một công phu kỳ quái ngàn năm chưa từng có. Một hôm y chợt nghĩ:

- Nếu hai chân cũng có thể đánh nhau, thì ta và y hai người há lại không chơi được trò tám người đánh nhau sao?

Nhưng biết nói ra câu ấy ắt gặp đại họa nên rốt lại y vẫn nhịn không nói ra.”) (5)

*

Trên kia là cụ Xẹ đọc chuyện của người khác. Dưới đây là cụ nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể về thời con nít của cụ Xẹ:

(“Sau trận gà năm đó, nó (tức cụ Xẹ) kể. Con gà thắng trận là con gà ô Cao Lãnh. Con gà tuyền một màu đen, cựa cong như lưỡi hái.

- Cựa đó là cựa móc họng - Nó nói. Nhưng con ô Cao Lãnh thắng không phải nhờ cái cựa móc họng đâu!

- Vậy nó đá con kia giãy tê tê là nhờ cái gì? - Một thằng hỏi.

Thằng Xẹ nghiêng mặt ngó tôi (tức cụ Nguyễn Quang Sáng) nhưng lại nhìn thằng vừa hỏi rồi nó ra vẻ bí mật:

- Nó là con gà lai.

- Nó lai Tàu!

- Lai Tàu thì vô nồi. Nó lai rắn. Con ô đó cha rắn, mẹ gà.

- Trời đất! Bọn tôi (tức đám bạn đồng lứa của cụ Nguyễn Quang Sáng) sửng sờ.

Như đắc thắng, nó nghênh mặt, ngó bên này, nhìn bên kia, làm cao:

- Bữa khác!”)

(“Năm sau, cũng sau ba ngày Tết, xác pháo còn đầy đường và trời cũng se lạnh, sân chơi lại tấp nập với trường gà.

Ngay ngày đầu, thằng Xẹ chạy tìm bọn tôi. Bọn nhóc chúng tôi lại túm tụm dưới gốc cây trứng cá như mọi năm. Nó báo một tin giật gân:

- Con gà lai rắn độc nhứt vô nhị bị gục rồi!

- Con gà đá gục con lai rắn nó lai con gì?

- Lai cọp hả?

- Xạo! Cọp làm sao ngủ với gà?

- Hay là nó uống rượu hổ cốt?

- Xạo hết!

- Vậy thì làm sao nó đá gục con gà cha rắn mẹ gà?

- Vậy mới nói! - Bọn tôi sốt ruột. Thằng Xẹ từ từ ngồi xuống, bọn tôi cũng từ từ ngồi xuống theo nó, nó bắt đầu:

- Con gà lai rắn đá đâu thắng đó khắp vùng Cao Lãnh. Trong khi đó, ông chủ gà lai rắn nghe đồn có một con gà bên xứ Nha Mân cũng đá đâu thắng đó, chủ gà Nha Mân nhắn ông thách đấu.

Ông (chủ gà lai rắn) thấy ông Nha Mân có hai con nòi giống hệt nhau. Rồi ông nghe nói đó là cặp gà sanh đôi.

Ông gà Cao Lãnh vỗ vai ông Nha Mân:

- Tôi nghe ông nhắn thách đấu với con ô của tôi.

- Dạ đúng! Nghe con ô vang danh quá, tôi muốn cho gà tôi thử sức.

- Tôi không chạy, nhưng gà ông là gà sanh đôi, hai con thay nhau đá một con, con nào chịu nổi.

Bị lộ, ông Nha Mân tái mặt, chối quanh co, Ông Cao Lãnh nói:

- Ông thách, tôi không chạy. Con anh hay con em, con nào cũng được, nhưng khi ra đấu trường, ông cho con anh ra đấu thì tôi bồng con em, nếu con em đấu thì tôi bồng con anh.

Không đợi ông Nha Mân trả lời, ông gà Cao Lãnh nói:

- Sau Tết tôi bồng con ô đến trường đấu, tôi chờ cặp gà sanh đôi của ông.

Ông gà Nha Mân ôm cặp gà sanh đôi đến trường đấu.

Ông gà Cao Lãnh hỏi:

- Ông cho con anh hay con em?

Ông gà Nha Mân:

- Nó nở một lượt, tôi không biết con nào anh, con nào em. Ông chọn con nào tôi thả ra con đó.

Giao kèo xong, ông gà Cao Lãnh liền bồng một con. Trận đấu thật mê hồn. Hết cây nhang thứ nhứt, con gà sanh đôi thương tích đầy mình, lông lá tơi tả. Không chịu nổi con gà lai rắn, con gà sanh đôi xụi đuôi, rót chạy. Con gà sanh đôi trong tay ông gà Cao Lãnh nó dựng lên, cất tiếng kêu "ót ót" mấy tiếng, lập tức con gà sanh đôi kia quay lại như hồi mã thương, dập liền mấy cái. Con gà lai rắn chồm lên, từ trên cao mổ xuống như con rắn, con gà sanh đôi ở trong lại "ót ót", lập tức con gà sanh đôi ở trong như quỳ xuống, thấp hơn, rồi vung hai chân đá ngược, cái cựa của nó phập ngay cái cổ họng con gà lai rắn. Con gà lai rắn quỵ xuống, giãy đành đạch.

Ông gà Cao Lãnh mặt xụi lơ:

- Cặp gà sanh đôi của ông lợi hại quá. Con trong nó mách nước con ngoài.

Ông gà Nha Mân:

- Làm gì cũng phải có chỉ huy chớ anh!”) (6)

*

Đầu bài Suy nghĩ... bác Lê Hiếu Đằng quyết (“thanh toán”, “tính sổ” lại tất cả) - em hiểu “tất cả” tức bao gồm cả Lịch sử trong đó, nhưng gần cuối bài bác Đằng lại có câu “đừng loay hoay những chuyện đã qua mà làm suy yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy để con cháu chúng ta làm nhiệm vụ đánh giá lịch sử”; còn bác Hồ Ngọc Nhuận ở giữa bài Phá xiềng, viết: “Đứng vào hàng ngũ đảng mới để tính toán nợ nần với quá khứ lịch sử, với giòng tộc, với chính mình”. Lời hai bác làm em hoang mang quá.

Như Hải Ý em đã khẳng định, em ủng hộ vấn đề lập đảng mới song chẳng bao giờ là thành viên của đảng đó. Nguyên nhân chính là vì niềm tin trong em đối với “tất cả” những gì liên quan tới Cọng sản / Xã hội chủ nghĩa đã nhờ hai bác góp phần thúc mà phá sản; nguyên nhân phụ nhưng quan yếu nhất là Hải Ý em tuy có lập trường chính trị dứt khoát rặt ròi: Không chống Cọng, vì Cọng còn đâu mà chống; chống Vương triều Xã nghĩa treo đầu dê bán thịt chó, có nói không-không nói có, nói một đàng làm một nẻo, nói như rồng leo làm như mèo mửa, bốc khí một tấc thấu trời...; nhưng, noi gương cụ Nguyễn Hiến Lê, em nguyện cả đời giữ mình làm người phi đảng phái. Nội hàm bài này của em, dù muốn dù không, cũng mật thiết với bốn chữ Quá khứ-Lịch sử. Và từ khi hành nghề tay phải để nuôi nghề tay trái là viết để học-học để viết, em ‘chuyên tu’ kỹ nhất là Việt sử từ thời điểm người ta cướp chính quyền hợp hiến Trần Trọng Kim năm 1945 rồi gọi bừa là Cách mạng tháng 8, qua âm mưu cưỡng chiếm nước Việt Nam Cộng Hòa lại tru tréo là Giải phóng, bỏ tù không xét xử Quân-Cán-Chính VNCH thì rêu rao là Học tập cải tạo, v.v... và v.v... Thế hệ em thuộc thế hệ @, thế hệ con cháu của hai bác cho nên hôm nay, ngay bây giờ và trong những ngày tháng tới, không ai hay không thế lực nào cản được việc em tự cho phép “làm nhiệm vụ đánh giá lịch sử”, “tính toán nợ nần với quá khứ lịch sử, với giòng tộc” theo quan điểm của riêng em và em đứng thẳng, ngửng cao đầu chịu trách nhiệm trước công luận về những gì mình viết ra.

Thời xưa xét Sử thì chày,
Thời nay xét Sử chỉ tày gang tay.

Những câu chữ của em trong bài viết tất nhiên có gay gắt, có đắng cay, có u mặc... song nhất định không có ý hận thù. Nhất định không! Quá khứ là quá khứ, lịch sử là lịch sử, phải được ghi lại đúng như nó vốn là, đúng như nó vốn có. Như thế mới là sự thật. Vả lại, chính báo Nhân Dân đã dạy em “sự thật rất cứng đầu cứng cổ, người ta không thể tha hồ sắp xếp nó theo trình tự lớp lang nào tùy ý muốn của mình” (7). Nếu “nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng nửa sự thật đã là lời nói láo trọn vẹn / Une demi-baguette est toujours du pain, mais une demi-vérité était un mensonge entier” (8) thì việc chọn lọc ghi chép một nửa quá khứ của một phụ mẫu chi dân, một nửa lịch sử của một triều đại lại là sự lừa đảo cả một dân tộc.

Về vấn đề bầu bán thực sự dân chủ, bác Đằng nghĩ rằng “trong một thời gian dài ĐCS vẫn sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được”. Em cũng nghĩ như bác, chắc chắn có 1 khối người cũng nghĩ như vậy, nhưng đó chỉ là phần tự do suy đoán... bừa của bác, của em và của khối người khác nào đó. Dân số nước ta hiện có ngót ngét 60 triệu người đủ tiêu chuẩn đầu phiếu, bao gồm 3 triệu đảng viên ‘còn đảng còn mình’. Vậy cần phải công minh ‘thử lửa’ mới biết ‘vàng thau’ chứ! Nếu em là đương kim Tổng Nguyễn Vương và Bộ sậu thập ngũ Phó vương, em chả bao giờ để một dúm lạc quan tếu như chúng ta kích-thổi đến độ nhất thời ngu trung công khai chấp nhận trò chơi dân chủ ‘đầy tớ biến thành chủ nhân’ này! Bác Đằng và bác Nhuận hẳn nắm rõ hơn ai, ‘đầy tớ’ trẻ cũng như già ở ta đều là cha hay là mẹ của đại chúng ‘chủ nhân’ mà. Em nhớ rõ hồi tháng 10 năm 2004 tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ, mệ Tôn Nữ Thị Ninh (năm 2004 mới 57 tuổi) đã máy dật như... rứa! (9)

“Trong tình hình đặc biệt cần có những biện pháp đặc biệt”, cho nên theo lời bác dạy, cu ki kết hợp nhuần nhuyễn Song Thủ Hỗ Bác với Nha Mân Hiệp Đấu và “vận dụng sáng tạo Suy Nghĩ cách Phá Xiềng, Hải Ý em đẻ ra một “liệu pháp sốc” và đặt tên nó là Lê Hồ Huyết Kỳ Bí Phổ, tương đương với Phù Tần Liên Hoành Chưởng, chứ không phải Hợp Tung Liên Minh Kiếm. Úm ma ni, úm ma ni, hô biến!



___________________________________

Chú thích:

(1) Tựa đầy đủ của bản luận văn Thạc sĩ này là “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”. 

(2) Điều 69 HP 1992: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

(2) Những câu in nghiêng trong ngoặc kép trong bài là từ Suy nghĩ... + Những điều nói rõ thêm... của tác giả Lê Hiếu Đằng và Phá xiềng của tác giả Hồ Ngọc Nhuận.

(4) Hồ Bá Thâm: Tư duy triết lý nhân văn và tư duy nghệ thuật của HCM (qua thi phẩm Nhật ký trong tù). Gốc 6 chữ "bác bị đá qua đá lại» vốn xuất hiện lần đầu trên QĐND trong bài "Nhật ký trong tù: Bức chân dung của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng», hiện giờ đã... băng hà. Ngày nay câu này trên trang ĐCSVN đã được ‘biện chứng’ thành "bác bị chúng giải tới giải lui". Nhưng gốc nó vẫn nhăn răng sống ở đây, ở đây, ở đây, ở đây và sorry, trong 4 USB của HY em!

(5) Kim Dung: Xạ Điêu tam bộ khúc.

(6) Trích lược từ Nguyễn Quang Sáng: Truyện ngắn chọn lọc - Gà sanh đôi – Nxb Văn Học, Thành Hồ 1999, trang 232-237.

(7) Báo Nhân Dân, ngày 29 tháng 5 năm 1978: Hãy bảo vệ tình hữu nghị quý báu của chúng ta, in lại trong tập Nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình, hữu nghị - Nxb Sự Thật, Thành Hồ 10-1978, giá 0,40đ.

(8) A half of bread is always bread, but the half of truth was a whole lie.

(9) Tôn Nữ Thị Ninh: "... Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, đứa cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi". Thêm ở đây. Suy rộng câu này ra thì hàm nghĩa là ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ… của Thị Ninh tỏ ra "hỗn láo, bướng bỉnh" thì Thị Ninh cũng sẽ "đóng cửa lại trừng trị chúng nó"! Quả không hổ danh là con của ‘cha già dân tộc’, cháu của bác ‘vĩ đại’.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo