Bước Chân Tuổi Trẻ - Dân Làm Báo

Bước Chân Tuổi Trẻ



Thư Cho Con

Giáo Già (Danlambao) - Ngày 4 tháng 12 năm 2013

H,

Ngày 7-11-2013, tại New York, đại diện CHXHCNVN ký vào bản “Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác” (United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment: gọi tắt là UNCAT). Bản công ước được Ðại hội đồng LHQ thông qua ngày 10-12-1984 và có hiệu lực từ ngày 26-6-1987. (Danh sách cập nhật, xem United Nations Treaty Collection). Hơn 15 năm sau, CSVN mới ký vào văn kiện nầy.

Ðược biết UNCAT nằm trong nhóm những công ước được soạn thảo nhằm bảo vệ nhân quyền của cộng đồng quốc tế. Tuy được Liên Hiệp Quốc thông qua từ năm 1984, có hiệu lực từ năm 1987, nhưng Việt Nam vẫn thuộc một nhóm rất nhỏ không tham gia vì không tham gia đồng nghĩa với không phải thực hiện, không bị giám sát, chế tài, dẫu cho mục tiêu của UNCAT chỉ là phòng chống tra tấn, đối xử tàn bạo làm mất phẩm giá con người. Việt Nam không tham gia UNCAT vì UNCAT cấm tuyệt đối việc tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, xúc phạm phẩm giá con người. UNCAT đòi các quốc gia cam kết thực thi phải có những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, chống tra tấn. Phải xem tra tấn là tội hình sự. Kẻ tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, xúc phạm phẩm giá con người sẽ bị dẫn độ để xét xử tại một quốc gia khác nếu quốc gia kẻ đó cư trú không làm việc này. Ðồng thời nghiêm cấm các quốc gia trả ai đó về nguyên quán nếu có lý do để tin rằng, ở đó, họ sẽ bị tra tấn, ngược đãi.

Bên cạnh UNCAT còn có một Nghị định thư tùy chọn về “Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Ðối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác”, được gọi là OPCAT. OPCAT được Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hồi năm 2002, có hiệu lực từ tháng 6 năm 2006, quy định về việc thành lập “một hệ thống các chuyến viếng thăm thường xuyên do các cơ quan độc lập quốc tế và quốc gia thực hiện tại những nơi có người đang bị tước quyền tự do, để ngăn chặn việc tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác”. OPCAT được giám sát bởi một “Tiểu ban Phòng chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác”. Trong những tuyên bố mới nhất về việc tham gia UNCAT, không thấy Việt Nam đề cập đến OPCAT.

Ðây là hành động đầu tiên để Cộng sản Việt Nam vận động cho được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HRC) với cam kết 14 điều như sau:

Thực hiện chính sách, biện pháp và tăng cường nguồn lực để bảo đảm tốt hơn cơ bản về kinh tế, xã hội, văn hoá , dân sự và quyền chính trị của con người phù hợp với những tiêu chuẩn được quốc tế công nhận.

Ðạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, củng cố các tổ chức quốc gia bảo vệ nhân quyền, trong đó có thể thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia.

Thực hiện chính sách, biện pháp và tăng cường nguồn lực để bảo đảm tốt hơn về an sinh xã hội, phúc lợi và công lý, đặc biệt là quyền của các nhóm dễ bị xâm phạm như phụ nữ ,trẻ em, người già, người khuyết tật và dân tộc thiểu số.

Tăng cường giáo dục và đào tạo về nhân quyền, nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan thi hành pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền và tự do cơ bản của người dân.

Tiếp tục thực hiện các khuyến cáo mà Việt Nam nhận được trong chu kỳ UPR (Universal Periodic Review=Thẩm định định kỳ phổ quát) đầu tiên trong năm 2009, tham gia một cách có trách nhiệm và xây dựng trong chu kỳ UPR thứ hai.

Tăng cường nền tảng dân chủ và sự tham gia của nhân dân vào sự lập kế hoạch và thực hiện các chính sách, cải thiện việc Việt Nam tham gia trong các tổ chức chính trị, xã hội trong lĩnh vực nhân quyền.

Tham gia một cách tích cực, xây dựng và có trách nhiệm trong các công tác của Hội đồng (NQ) để góp phần làm gia tăng hiệu năng và hiệu quả của Hội đồng, tính minh bạch, khách quan và cân bằng, trong tinh thần đối thoại và hợp tác.

Tăng cường hợp tác và đối thoại với cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, đặc biệt là các cơ quan điều ước quốc tế và Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền về các thủ tục đặc biệt, bao gồm cả lời mời thêm các nước thăm viếng Việt Nam.

Hỗ trợ và tích cực tham gia tham vấn liên chính phủ về nâng cao năng lực và hiệu quả của cơ quan điều ước quốc tế về quyền con người.

Tham gia và đóng góp vào việc thúc đẩy sự hợp tác nhân quyền ASEAN, đặc biệt là trong khuôn khổ AICHR và trong việc thực hiện các tuyên bố nhân quyền ASEAN.

Duy trì đối thoại nhân quyền song phương và các cơ chế hợp tác với các nước đối tác, với mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

Hoàn thành thủ tục sớm gia nhập Công ước chống tra tấn.

Làm thủ tục cho việc phê chuẩn Công ước về Quyền của Người khuyết tật.

(Xin xem bản Anh ngữ trong phần phụ đính 1; trích từ Ðàn Chim Việt Online Edition)

Do vậy, tin RFI cho biết ngày 12/11/2013 Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HRC) cho dù có nhiều tổ chức phi chính phủ phản đối. Hội đồng Nhân quyền sẽ hoạt động từ ngày 1 tháng Giêng năm tới, sẽ là một trong những Hội đồng chia rẽ nhất kể từ khi tổ chức này được thành lập vào tháng 3/2006. Mục đích của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là “đề cập đến tình hình vi phạm nhân quyền và đưa ra những khuyến cáo”.


Phát biểu sau khi có kết quả, Ngoại trưởng Cộng sản Việt Nam Phạm Bình Minh [xem hình] nói “Việt Nam sẽ thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc”.

Ngoài ra, phát ngôn viên ngoại giao Cộng sản Việt Nam, Lương Thanh Nghị, cũng nói “Việt Nam muốn đóng góp tích cực hơn vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới”. Hôm 7/11 tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngoại ông này khẳng định “Việt Nam tin tưởng vào khả năng của mình đảm đương vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền và cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng để nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.”

Nhưng, Richard Gown, giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế của New York University nhận định: “Từ khi thành lập, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã tiếp nhận khá nhiều chế độ trấn áp. Cách đây vài năm, không ai quan tâm đến các cuộc bầu cử này. Nhưng Hội đồng Nhân quyền đã tỏ ra tích cực một cách bất thường trong phong trào Mùa xuân Ả Rập, và đã thông qua một loạt các nghị quyết lên án chế độ Syria, trong khi Hội đồng Bảo an bị Nga và Trung Quốc trói tay”.

Trong khi đó, cùng ngày 7/11, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho phổ biến một bản thông cáo báo chí với nội dung cơ bản là “Việt Nam cần phải chấm dứt ngay việc đàn áp những tiếng nói đối kháng và ngay lập tức phải có những biện pháp bảo vệ các nhà đấu tranh khỏi sự sách nhiễu hay bỏ tù, chỉ bởi họ lên tiếng thực hiện quyền của mình”.

Bà Isabelle Arradon [xem hình] phó giám đốc của Ân Xá Quốc Tế phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nêu quan điểm: “Lý do mà chúng tôi phổ biến bản thông cáo này là vì chúng tôi rất quan ngại về tình hình tại Việt Nam vài năm qua khi ngày càng có nhiều nhà đấu tranh dân chủ, chính trị bị bắt giữ chỉ với nguyên nhân là họ có những ý kiến đối kháng... quan trọng hơn đây là thời điểm mà Việt Nam đang kiếm tìm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ và cam kết thực hiện đầy đủ những điều luật quốc tế về nhân quyền. Việt Nam cần phải đảm bảo rằng Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Vì vậy, giờ là lúc đòi hỏi Việt Nam cần phải tuyệt đối tôn trọng những nghĩa vụ về nhân quyền quốc tế.”

Phần Bà Julie Gromellon [xem hình], đại diện Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneva, phát biểu với VOA Việt ngữ rằng: “Việt Nam đã không chứng tỏ những cam kết cải thiện nhân quyền trước khi trở thành thành viên của Hội đồng. Cho nên, chúng tôi không nghĩ rằng một khi được ghế rồi thì họ sẽ cải thiện. Thậm chí, thành tích nhân quyền của Hà Nội còn có thể sẽ tệ đi vì họ sẽ cảm thấy thuận tiện đàn áp hơn nữa một khi đã lọt được vào Hội đồng. Tôi không nghĩ thực trạng nhân quyền Việt Nam sẽ sớm có những thay đổi.” Bà Gromellon cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực để buộc Việt Nam trong tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền phải cải thiện chính thành tích nhân quyền của mình trước khi nói tới chuyện tham gia bảo vệ hay kêu gọi các nước khác bảo đảm nhân quyền.

Mới đây, Bà Farida Shaheed [xem hình], Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các quyền văn hóa, lần đầu tiên có chuyến thăm Việt Nam trong tháng 11. Sau chuyến thăm 12 ngày tới nhiều vùng nông thôn, miền núi và thành thị ở Việt nam, bà Farrida Shaheed đưa ra bản Kết luận và Kiến nghị sơ bộ, bày tỏ lo lắng về một số vấn đề như tự do sáng tạo, quyền văn hóa của con người (đặc biệt là các dân tộc thiểu số), và giáo dục lịch sử. Bà cho rằng “Việt Nam cần đảm bảo tự do hơn cho các biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo, tuân theo tiêu chuẩn quốc tế”. Bà bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc trước tình trạng một số nghệ sỹ bị theo dõi, sách nhiễu, hoặc bị giam giữ”. Bà nói: “Trong các cuộc thảo luận của tôi với chính quyền, tôi đã nêu ra những trường hợp bị kết tội theo điều 88 Bộ luật Hình sự do 'tiến hành tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.'” Bà cũng nêu ra trường hợp “người dân ở giáo phận Cồn Dầu, Ðà Nẵng bị cưỡng chế di dời cho một dự án phát triển nhà tư nhân lớn”. Bà cũng nói tới trường hợp “VN chỉ dùng duy nhất một bộ sách dạy lịch sử, trong khi đây là môn học khuyến khích cho cách tư duy phê phán, học bằng phân tích và tranh luận, so sánh đa chiều “hơn là ấn trẻ em vào quan điểm đơn chiều”. Cũng được biết thêm là Báo cáo và Khuyến nghị này được đề cặp tới vào lúc chính quyền Hà Nội gia tăng trấn áp những tiếng nói độc lập trên mạng xã hội, với việc ban hành Nghị định 174/2013/NÐ-CP do Thủ tướng ký ngày 13/11/2013 sẽ có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2014 dự trù phạt từ 70 đến 100 triệu đồng những ai chỉ trích chính quyền trên mạng. Nó sẽ được bà Farida Shaheed trình bày trước Hội đồng Nhân quyền vào tháng 3/2014 tại Geneva.

Ðiều khiến dư luận không thể không quan tâm là chỉ một ngày sau khi Việt Nam gia nhập Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác (UNCAT), hôm 8/11, ông Trương Văn Dũng, một nạn nhơn của “tra tấn và đối xử tàn nhẫn” đã trả lời phỏng vấn của đài BBC qua điện thoại, nói rằng ông “bị gần 10 công an còng tay và đánh hội đồng trong đồn công an phường Thụy Khuê”. Vụ việc xảy ra khi ông Dũng định chụp lại những hình ảnh mà ông nói cho thấy cách hành xử “thô lỗ” của công an với người dân tới đòi lại một số tài sản họ bị công an đang giữ hồi cuối tháng 10. Theo đài BBC “Công an phường Thụy Khuê từ chối cung cấp thông tin qua điện thoại và người trực ban Nguyễn An Huy cũng không nói ai phụ trách việc phát ngôn của công an phường”. Ông Dũng cũng cho biết thêm là ông đã bị công an “đánh” bốn lần từ trước tới nay, trong đó có lần ông bị chảy máu đầu ở trại giam Lộc Hà, khi đi biểu tình chống Trung Quốc. [Xem hình Ông Dũng từng bị đánh chảy máu đầu khi biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng 6 và bị thương do công an Phường Thụy Khuê Hà Nội đánh đập dã man vào ngày 25 tháng 10].


Ngoài ra, biên tập viên Mặc Lâm của RFA trong bản tin ngày 21/11/2013 cũng cho biết thêm: Vào ngày 19 tháng 11 vừa qua Luật sư Lê Thị Công Nhân cùng chồng là ông Ngô Duy Quyền, anh Trương Văn Dũng, Lê Hùng và bà Trần Thị Nga đã đến công an Phường Thụy Khuê Hà nội để khiếu nại về việc công an tại đây đã đánh đập dã man anh Trương Văn Dũng vào ngày 25 tháng 10 vừa qua. Những người đòi công bằng một lần nữa bị công an và côn đồ Thụy Khuê hành hung tồi tệ. Luật sư Lê Thị Công Nhân cho biết thêm diễn tiến câu chuyện với Mặc Lâm sau đây. Trước tiên LS Lê Thị Công Nhân cho biết:


“Chúng tôi đến để tố cáo và yêu cầu gặp những ngườicông an đã đánh đập dã man anh Trương Văn Dũng và những người bạn của anh Dũng là Lê Thiện Nhân và Bùi Thị Minh Hằng khi họ đến đây để đòi lại xoong nồi, lều bạt mà họ đã đi kêu gọi và mang đến giúp cho những người dân tộc H’mong. Vào ngày 25 tháng 10 họ bị những người công an phường đánh đập gây thường tích. Do vậy, tôi nghĩ tôi cần phải có một hành động thiết thực đó là lên tiếng về sự việc dã man đã xảy ra với những người bạn của tôi.”

Theo lời LS Công Nhân [xem hình] thì không những nhóm bạn bè của anh Trương Văn Dũng tới đòi lại công lý mà họ còn gặp rất nhiều dân oan tới khiếu nại việc họ bị xô đuổi hay hành hung khi tạm trú tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Những khuôn mặt dân oan khắc khổ ấy đã đề lại trong lòng người gặp một cảm giác khó tả, LS Lê Thị Công Nhân cho biết:

“Sau đó có một toán người dân oan họ đến. Họ vào trong phòng trực ban và đề đạt những yêu cầu của họ. Khi tôi nghe thì tôi biết là họ đã bị đánh đập rất nhiều, bị cướp tài sản. Ðó là các bà, các cô rất là lớn tuổi, trông họ rất là nghèo khó, đau khổ.”

Khi được hỏi động cơ nào khiến nhóm bạn anh Dũng không sợ hãi đã dám đối mặt với công an tại trụ sở của họ để đòi hỏi những điều mà ai cũng thấy là khó đạt được kết quả, LS Công Nhân giải thích:

“Chúng tôi muốn đất nước Việt Nam này trở nên văn minh và chúng tôi mang chính chúng tôi ra làm gương với các cách hành xử như vậy. Chúng tôi đến đồn công an và yêu cầu gặp tên công an đã đánh anh Trương Văn Dũng và những người bạn để nói chuyện cá nhân với nhau chứ không phải để kiện cái đồn công an Thụy Khuê. Chúng tôi nói rõ như vậy. Chúng tôi thấy cách hành xử như vậy rất hiếm khi xảy ra ở đất nước Việt Nam. Thường khi một nạn nhân bị công an đánh đập oan ức như vậy, thậm chí là đánh chết thì ít khi nào có người nhà đến tận nơi xảy ra sự việc để gọi mặt chỉ tên những kẻ đã đánh mình và yêu cầu là giải quyết sòng phẳng ở góc độ cá nhân trước.”

Cuối cùng LS Lê Thị Công Nhân chia sẻ việc làm của mình và nhóm bạn của anh Dũng:


“Những người như chúng tôi mà còn không dám yêu cầu những điều đó trực diện thì tôi thiết nghĩ ai sẽ dám làm những điều đó? Ðơn giản vậy thôi, chúng tôi đem chúng tôi ra làm gương trong sự việc như vậy. Hậu quả đáng sợ của kịch bản thì chúng tôi cũng đã hình dung. Mặc dầu đã hình dung trước nhưng sự thật vẫn rất là kinh hoàng. Chúng tôi không phải là những kẻ ảo tưởng và hão huyền. Chúng tôi làm là chúng tôi muốn tạo ra một cái tiền lệ cho những người khác. Ở Việt Nam chúng ta có vô vàn dân oan; Tự họ, họ mạnh mẽ lên; Tự họ có những ý tưởng để giải quyết những vấn đề của riêng họ. Chúng tôi xét thấy rằng những người dân oan Việt Nam đợi đến lúc liên kết lại với nhau thành một phong trào lớn để mà có thể nói lên một tiếng nói mạnh mẽ ở diện rộng, cùng lúc, cùng thời điểm.... mang tính tổ chức cao thì e rằng rất là khó và còn rất lâu. Trong lúc chờ đợi làm được việc đó thì từng gia đình có người thân bị tra tấn, đánh đập, oan sai bị chết bởi công an thì từng nhóm bạn bè thân hữu của họ hãy đứng lên yêu cầu giải quyết sòng phẳng của riêng mình. Ðó chính là điều chúng tôi muốn khi làm việc này.” [Xin xem thêm bài viết: “Quay Ðầu Là Bờ” của Luật sư Lê Thị Công Nhân trong phần phụ đính 2].

Bên cạnh ông Trương Văn Dũng bị tra tấn ở Hà Nội, tại Sài Gòn, công an Phường 5, quận 8, đã đánh hội đồng một số thanh niên tham gia luyện tập khí công Pháp Luân Công tại công viên. Ðiều này đã được chính miệng công an thốt ra khi bắt ông và hỏi cung tại đồn công an. Theo bản tường thuật của anh Trần Quốc Sơn (kỹ sư môi trường mới ra trường) trên mạng Dân Làm Báo hôm Thứ Bảy, anh và một thanh niên khác tên Nguyễn Ðức Nam (kỹ sư xây dựng), đã bị Công an đánh đập tra tấn dã man bằng những thủ đoạn hiểm độc và tàn ác dù họ không có hành vi, cử chỉ gì nguy hại đến ai. Hai anh trong nhóm 10 người, khi đang luyện tập Pháp Luân Công ở một công viên trong thành phố buổi chiều ngày 25/11/2013, thì bị khoảng 40 đến 50 Công an và dân phòng đủ loại vây bắt và lùa lên hai chiếc xe ô tô chở về trụ sở Công an Phường. Anh Sơn nói:

“Ðối với bản thân tôi, sau khi đưa tôi vào phòng thì khoảng 6-7 người không mặc cảnh phục ra vào tra hỏi và đánh đập tôi liên tục với hình thức: Một hay hai người tra hỏi còn người kia thì đánh.” Anh Trần Quốc Sơn kể. “Với ba người đầu tiên, vì thấy họ không mặc cảnh phục nên tôi hỏi danh tính của họ thì họ liền dùng hai tay đấm liên tục vào mặt và thái dương của tôi, sau đó họ yêu cầu cung cấp thông tin về cá nhân tôi và việc tôi tập luyện Pháp Luân Công” [Xem hình Kỹ sư Trần Quốc Sơn bị Công an đánh mặt mũi sưng húp].

Anh Sơn kể lại:

“Vì tôi thấy mình không vi phạm pháp luật nên tôi chỉ trả lời một số vấn đề, còn những vấn đề riêng tư tôi không trả lời thì họ cho người khác (người tự xưng là Vũ Văn Bình mặc quần đùi áo thun tự xưng CATP vào dùng giẻ cuộn tay để đấm liên tục vào mắt, hai bên thái dương, quai hàm, bụng, sườn, thúc gối vào bụng tôi. Vì thấy tôi vẫn không nói gì, người hỏi bước ra ngoài để người này ở lại dùng ghế xếp bằng inox phang liên tục vào đầu và mặt tôi hết cái ghế này đến cái ghế khác, đồng thời thêm một người nữa nhảy lên bàn và đá liên tục vào mặt tôi.”

Tương tự như anh Sơn, anh Nguyễn Ðức Nam được kể lại chuyện anh đã bị công an

“Dùng nắm đấm và cùi chỏ đánh bất ngờ vào thái dương, gáy, mắt, và những yếu huyệt trên cơ thể tôi, khiến tôi nhiều lần bị văng khỏi ghế ngồi. Khi thấy mắt tôi đầy tia máu, họ dừng lại và dùng ống sắt cuốn vào gối để đánh tiếp (mục đích để hạn chế gây chấn thương bên ngoài), còn người ngồi thẩm vấn thì quay mặt và che miệng cười.”

Do vậy, dư luận đã không ngần ngại nói nếu như từ năm 1982 Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và gần như không làm gì cả, thì việc ký kết Công ước quốc tế chống tra tấn gần đây và tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng chẳng qua là hoạt động mang tính chất hình thức mà thôi. Ký là một chuyện, còn làm là một chuyện khác. Nó khiến người ta nhớ lại câu chuyện mang tính khôi hài đen. Chuyện nói rằng:

Cả thế giới đều phải kiêng nể người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm.

Nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm rồi mới nói.

Người Nhật lại sợ Trung Quốc vì Trung Quốc không nói mà làm.

Nhưng rồi tất cả đèu sợ nhất Việt Nam vì Việt Nam nói một đằng làm một nẻo...

Cũng phải thưa thêm là Việt Nam ở đây là bọn Cộng sản cầm quyền, chớ người dân Việt Nam không có như vậy.

Vấn đề được đặt ra khiến dư luận không thể không nghĩ tới thái độ của Hoa Kỳ khi nhì vào nội vụ. Ðúng vậy, tin được Hoài Hương cho đăng trên VOA ngày 25/11/2013 cho biết: “...Một trong những nhân vật được Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ Nhân quyền và Lao động Scott Busby tiếp xúc là Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, người sáng lập Cao Trào Nhân Bản, người từng bị Cộng sản Việt Nam bỏ tù nhiều lần, thời gian bị giam cầm tổng cộng lên tới 20 năm.. Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế cho biết đây là một cuộc tiếp xúc rất bất ngờ bởi vì ông Busby chỉ gọi cho ông sau khi đã tới Saigon, giờ hẹn đã phải dời lại 2,3 lần và rốt cuộc hai ông đã phải nói chuyện qua điện thoại. Dịp này Bác sĩ Quế cho biết:

“Chúng tôi chỉ còn một vũ khí chiến lược để đấu tranh thiết lập nền dân chủ tại Việt Nam. Ðó là internet, và bằng mọi giá, chúng tôi phải chiến thắng bằng được trận chiến này. Cái nhân quyền hàng đầu cần nhất lúc này ở Việt Nam là tự do thông tin, tự do phát biểu, và tự do đòi nhân quyền và dân chủ.”

Cũng được biết thêm là trước khi sang Việt Nam, ông Scott Busby đã cùng hai nhà ngoại giao khác của Mỹ là Ðại sứ Daniel Sepulveda, phối hợp viên phụ trách thông tin quốc tế và chính sách thông tin, và Christopher Painter, Phối hợp viên của Bộ Ngoại giao về các vấn đề Không gian Ảo, đã dự một hội nghị về tự do internet toàn cầu ở Indonesia. Vì thế, một trong những vấn đề mà Bác sĩ Quế đề cập tới trong cuộc tiếp xúc là nghị định 72 của Việt Nam, quy định việc quản lý, cung cấp, và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Ngoài ra, Ông Scott Busby cũng đã tổ chức một buổi họp báo tại Washington DC ngày 25/11/2013 [xem hình Ông Scott Busby tại buổi họp báo hôm 25/11/2013 ở Washington DC. RFA PHOTO]. Tham gia cuộc họp báo sau 2 ngày đến thăm Hà Nội và một ngày rưỡi thăm Sài Gòn, phóng viên RFA Vũ Hoàng có được cuộc phỏng vấn và ghi lại lời của ông như sau:

“...Mục đích chính của tôi (Scott Busby) là muốn được biết thêm về những khó khăn trong vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, cũng đồng thời là để tiếp xúc với chính phủ Việt Nam, trao đổi về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền là một trong những vấn đề tối quan trọng của quan hệ đôi bên như lời nhận xét của nhiều giới chức ngoại giao cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ, vấn đề nhân quyền tại Việt Nam cũng sẽ góp phần vào thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Mục đích thứ ba trong chuyến đi của tôi là để nói chuyện trực tiếp với các nhóm xã hội dân sự, các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam muốn cho họ biết sự ủng hộ của chúng tôi đối với họ, và muốn biết cách mà chúng tôi có thể giúp họ là như thế nào... Tôi không muốn nêu tên của những nhóm xã hội dân sự độc lập này để bảo vệ sự hoạt động của họ. Nói chung là tôi gặp gỡ với các nhà hoạt động nhân quyền, những người tự đứng lên bảo vệ quyền của cá nhân họ, hoặc quyền của những người khác tại Việt Nam. Vì thế, những người tôi gặp gỡ là những luật sư, những người đại diện cho những nhân vật bị sách nhiễu, bị truy tố về những tội danh khác nhau chẳng hạn như lật đổ chính quyền, sử dụng internet, facebook, blog& ngoài ra, tôi cũng gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo... tôi được nghe về những khó khăn mà họ đang gặp phải và những gì chúng tôi có thể giúp họ... Rõ ràng là vẫn còn những vấn đề lớn về nhân quyền đang tồn tại ở Việt Nam, người dân vẫn chưa có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, người ta vẫn chưa hoàn toàn được quyền tự do tụ tập hay lập hội, cũng như chưa hoàn toàn được tự do thờ phụng. Phải nói là, rất nhiều người Việt Nam dũng cảm và toàn tâm toàn ý muốn thực hiện các quyền của mình, vì thế, tôi lấy làm cảm kích vô cùng khi thấy nhiều người không ngại ngần chia sẻ quan điểm của họ trên facebook, truy nhập vào internet và sẵn lòng chia sẻ các thông tin mà họ tìm thấy trên internet cho bè bạn. Tôi cũng rất cảm phục những người thúc đẩy xã hội dân sự ở Việt Nam phát triển, những người tìm cách thông qua xã hội dân sự để giải quyết các vấn đề từ môi trường, y tế, tôn giáo cho đến nhân quyền, giáo dục...”

Trả lời câu hỏi “Ông có một kế hoạch cụ thể hay một chương trình nào để trợ giúp cho những nhân vật mà ông mới gặp ở Việt Nam không ạ?”, Ông Scott Busby nói:

“Trước hết là chúng tôi sẽ nêu lên những quan ngại với Chính phủ về việc thực hiện các quyền ở Việt Nam đang bị hạn chế, chẳng hạn như Nghị định 72 mà Chính phủ Việt Nam mới ban hành, chúng tôi nêu lên những trường hợp cụ thể mà các công dân Việt Nam bị bắt giữ, truy tố hay bị bỏ tù vì họ thực hiện các quyền bày tỏ ý kiến hay lập hội. Ðồng thời, chúng tôi cũng thảo luận với những người này một cách cụ thể để xem chúng tôi có thể giúp gì cho họ... về chiếc ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ mà Việt Nam mới dành được, tôi hi vọng rằng điều này sẽ cho thấy việc cam kết toàn diện của Việt Nam vào mọi mặt của vấn đề nhân quyền. Ðây sẽ là cơ hội cho Chính phủ Việt Nam giải quyết những khó khăn lớn mà Việt Nam đang có về mặt nhân quyền... mới đây Việt Nam vừa ký kết Công ước của LHQ về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá (gọi tắt là Công ước chống tra tấn). Ðể chuẩn bị làm việc này, chúng tôi đã đưa một phái đoàn Việt Nam đến Hoa Kỳ để cho họ thấy cách chúng tôi đã cam kết vào Công ước này ra sao. Ngoài ra, chúng tôi cũng giúp Việt Nam chuẩn bị những công ước khác tương tự như vậy... Lần này, tôi thấy thực sự cảm kích trước sự dũng cảm, toàn tâm toàn ý hay sức mạnh mà tôi được tận mắt chứng kiến của rất nhiều người đang muốn mang đến sự dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Thực sự đó là những điều bất ngờ mà tôi hoàn toàn không trông chờ trước chuyến đi của mình, vì thế, tôi rất hi vọng rằng những nhân vật đó sẽ giữ nguyên ngọn lửa nhiệt tình, sự cam kết đang có để đấu tranh cho một nền dân chủ và thúc đẩy phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam.”

Trở lại trường hợp “Internet là vũ khí chiến lược để đấu tranh thiết lập nền dân chủ tại Việt Nam” được Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế nói với Ông Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ Nhân quyền và Lao động Scott Busby người ta nhớ ngay tới trường hợp fabooker Nguyễn Lân Thắng loan báo tin tức mình bị chính quyền cầm giữ sau chuyến quốc tế vận kéo dài 3 tháng mang Tuyên bố 258 của Mạng lưới Blogger Việt Nam tới các quốc gia ở Châu Á và Châu Âu, trao tận tay các tổ chức bảo vệ nhân quyền có uy tín trên thế giới trong đó có Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc để phản đối điều luật 258 về tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ vốn bị giới hoạt động quốc tế cho là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của công dân, để đòi Cộng sản Việt Nam hủy bỏ điều luật 258 này. Tin tức được loan báo qua mạng trước khi anh về tới phi trường Tân Sơn Nhứt [xem hình Blogger Nguyễn Lân Thắng trao tuyên bố 258, cho văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền] đã giúp một số lớn các fabooker thân hữu, các blogger trong Mạng Lưới Blogger biết tin và cùng đến ngay phi trường đòi công an phải trả tự do cho anh, như trước đó họ đã đòi trả tự do cho các blogger bị bắt ở phi trường Tân Sơn Nhất sau khóa học Xã hội Dân sự tại Philippines [xem hình các blogger ở phi trường Tân Sơn Nhất]



Trong cuộc trao đổi với Trà Mi của Tạp chí Thanh Niên VOA ngày 8/11/2013, anh Thắng nói anh không hề nao núng trước những cách đáp trả của nhà cầm quyền. Anh khẳng định truyền thông xã hội là sức mạnh của người dân trước những sự đàn áp hay bất công và kêu gọi mọi người tận dụng hữu hiệu công cụ này để phát huy dân chủ và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Ðược biết, về tới Việt Nam anh Thắng bị câu lưu từ 8 giờ tối ngày 30/10 cho tới 2 giờ chiều hôm sau để làm việc với cơ quan an ninh về các hoạt động của anh trong chuyến đi vận động. Anh Thắng nói với Trà Mi:

“Họ muốn tìm hiểu tất cả những vấn đề có liên quan đến chuyến đi, xem có đảng phái, tổ chức chính trị nào đứng sau hoạt động này không và ai là người tổ chức tất cả những chuyện này. Họ xoáy sâu vào những vấn đề đó. Chúng tôi đã có buổi làm việc căng thẳng nhưng cũng tương đối cởi mở giữa hai bên. Ðương nhiên tôi sẽ còn tiếp tục bị theo dõi. Tôi cũng không ngại việc này vì các hoạt động của tôi từ trước đến nay đều là công khai.”

Anh Thắng nói dù biết chắc sẽ gặp rắc rối khi về nước sau chuyến đi và dù có nhiều cơ hội ở lại nước ngoài, nhưng anh vẫn quyết định trở về với mong muốn tạo ra những sự thay đổi bằng những hành động ngay trên đất nước mình, giúp đánh động nhận thức của người dân về quyền và ý thức đóng góp cho xã hội.

Chuyện anh Thắng nhắc người ta nhớ tới ảnh hưởng của Internet, nhớ tới phương tiện truyền thông mau lẹ trong giới trẻ mà hình ảnh nổi bật ai cũng thấy là hình ảnh những người trẻ trong chiếc ao thun trắng có biểu tượng 258 gạch chéo và hình của Ðinh Nhật Uy với dòng chữ “Tự do cho Ðinh Nhật Uy” đứng đến trước cổng Tòa án Tân An trong phiên xử người thanh niên vô tội này. Không thân quen ngoài đời, họ thường chỉ biết nhau qua mạng xã hội, nhưng họ bên nhau, đoàn kết, thân ái và hết lòng che chở nhau khi hoạn nạn. Họ gặp nhau ở lòng yêu nước, ở tinh thần tranh đấu vì dân chủ và tự do và vì bảo vệ lẽ phải, công bằng xã hội. Không tổ chức nào. Không ai lãnh đạo. Tự nguyện. Một thứ tự nguyện thiêng liêng và cao cả. Ðó là những Ðào Trang Loan (Hư Vô), Nguyễn Nữ Phương Dung (chị của UY), Nguyễn Cao Cường (từ Vinh, Nghệ An), Trương Thị Quang, Phạm Nhật Thúy Vượng, Hoàng Dũng, Nguyễn Phương Uyên, Lê Doãn Cường, Trương Trường Bình, Ðỗ Văn Xinh, Nguyễn Hồng Kỳ, Nguyễn Hoàng Vi (An Ðỗ Nguyễn), Bùi Thị Nhung (Bé Mập Lai), Vũ Sỹ Hoàng (Hành Nhân), Lê Hồng Phong (Lê Thiện Nhân), Nguyễn Thị Yến Trang (Mí Rưỡi), Nguyễn Thị Kim Thủy, Peter Lâm Bùi, Nguyễn Thị Nhan Hương, Lưu Trọng Kiệt, Trần Ðình Kế (Tâm Kế), và nhiều người khác không thể kể hết... để cuối cùng Ðinh Nhật Uy được... tự do... rời nhà tù như Nguyễn Phương Uyên trước đó, cũng tại nơi này.

Như vậy, cho tới nay, những người trẻ đã vừa âm thầm vừa năng động bước những bước đầu... làm lịch sử. Ðiều được mọi người cùng thấy là trong vụ bảo nhiệt đới Haiyan tàn phá Philippines ngày 8-11-2013 với sức gió kinh hoàng 320km/h, đã tàn phá miền trung Philippines tan tành, gây thiệt hại về nhân mạng và tiền của rất khủng khiếp, khiến cả thế giới bàng hoàng. Ngày 11-11-2013, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã điều động hàng không mẫu hạm USS George Washington với đông đảo quân nhân tới Philippines lo việc cứu trợ. Chính phủ Hòa Kỳ còn cho biết sẽ cấp 20 triệu USD để cứu trợ nhân đạo, khắc phục khó khăn sau siêu bão Haiyan. Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron thông báo sẽ điều tàu khu trục HMS Daring và máy bay vận tải C-17 của Không quân Hoàng gia tới Philippines để cứu trợ. Ðồng thời, nước Anh cũng sẽ cứu trợ cho Philippines 10 triệu bảng Anh (khoảng 15,86 triệu USD) để khắc phục hậu quả thiên tai. Thủ tướng Ðức Angela Merkel, tuyên bố chính phủ Ðức viện trợ khẩn cấp 500.000 Euro cho Philippines. Ngày 11-11-2013, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon phát biểu trước báo giới đã quyết định chi khẩn cấp 25 triệu USD, để trợ giúp các nạn nhân của siêu bão Haiyan ở Philippines. Ngoài ra, Nhật Bản cứu trợ 10 triệu USD và cử 25 nhân viên y tế đến giúp các nạn nhân, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất đã tuyên bố sẽ cứu trợ trị giá 10 triệu USD. Úc cứu trợ 10 triệu USD, Ủy hội Châu Âu cho biết sẽ dành 4 triệu USD để cứu trợ.... Trong khi ấy, Tàu Cộng chỉ cứu trợ trị giá 100 ngàn USD, bị chỉ trích dữ đội... Còn Cộng sản Việt Nam thì ngậm miệng chờ “cái gì?”...

Nhưng tuổi trẻ Việt Nam, tuy chưa lên tiếng cứu trợ vật chất, cũng đã mau lẹ ngồi lại bên nhau cầu nguyện cho những nạn nhơn của quốc gia đã từng cho họ đến tham dự khóa huấn luyện nửa tháng về Xã hội Dân sự theo lời mời của tổ chức Asian Bridge. Họ gồm những bạn trẻ, những blogger ở Sài Gòn đã hẹn nhau vào tối 12/11/2013, ở công viên Gia Ðịnh để tiến hành thắp nến cầu nguyện cho đất nước bạn. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan buổi lễ đã không diễn ra được như mong muốn, họ đã mau lẹ kiếm một địa điểm khác cho buổi lễ cầu nguyện này. Ðó là một quán cafe thuộc quận Gò Vấp, buổi lễ cầu nguyện đã diễn ra thật nghiêm trang và xúc động. Mỗi người, mỗi tôn giáo đều cầu nguyện theo cách riêng để hướng về đất nước và người dân Philippines [xem hình các blogger tham dự buổi lễ, một số không được lên hình]. Cũng được biết thêm là 13 blogger Việt tham dự khóa huấn luyện về Xã hội Dân sự đã được hướng dẫn đi thăm và tìm hiểu công việc của rất nhiều tổ chức dân sự phi chính phủ, được học hỏi kinh nghiệm từ các diễn giả danh tiếng từng tích cực giúp đỡ những người dân không có tiếng nói trong đó có đại diện của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Hỗ trợ Pháp lý Nhân đạo của Philippines, Liên minh Các Hội Nông dân và Ngư dân Philippines, cùng các thượng nghị sĩ, luật gia Philippines.


Tuy về đến Việt Nam, tất cả đều bị câu lưu và phải trải qua các cuộc chất vấn của an ninh kèm theo những lời cảnh cáo mang tính đe dọa ngay khi đặt chân xuống phi trường; nhưng tất cả đều được các bạn, qua các mạng Internet, ồ ạt đến phi trường đòi trả tự do nên họ đã được tự do. Sau đó, các vụ bắt giữ này đã khiến tổ chức Asian Bridge có mục tiêu kết nối các xã hội dân sự ở châu Á lên án là “rất đáng quan ngại” và kêu gọi Việt Nam “tôn trọng các quyền cơ bản của công dân để họ có thể tự do đi lại và tìm hiểu về sự phát triển của xã hội dân sự tại các quốc gia trong khu vực” thay vì “gieo rắc sự sợ hãi”.

Cộng sản Việt Nam tưởng rằng bắt giữ họ là “gieo rắc sự sợ hãi”, nhưng họ đã không “sợ hãi”. Ðiều này đã khiến họ, tiếp theo sao Tuyên Bố 258 khiến Cộng sản Việt Nam lo sợ và được quốc tế ngưỡng mộ, ngày 14/11/2013 họ mạnh dạn cùng nhau phổ biến tiếp bản “Thông báo của Mạng Lưới Blogger Việt Nam về việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc”. Bản Thông báo viết rằng:

“...Theo nghị quyết 60/251 của UNHRC, với vai trò thành viên, quốc gia Việt Nam trong đó bao gồm cả chính quyền lẫn hơn 90 triệu công dân phải có nghĩa vụ gìn giữ những giá trị nền tảng cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như tôn trọng những điều khoản mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết. Nghĩa vụ này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh xác nhận sau khi Việt Nam đắc cử vào UNHRC: ‘thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia là thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liệp Hiệp Quốc’... Ðể thật sự xứng đáng là một thành viên của UNHRC, Việt Nam phải thực hiện những nghĩa vụ và cam kết này bằng những hành động cụ thể và không chỉ dừng lại ở những tuyên bố của một số quan chức chính phủ... Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) sẽ tham gia, đóng góp vào việc gìn giữ những giá trị nền tảng cao nhất trong việc đẩy mạnh và bảo vệ nhân quyền cũng như tôn trọng những điều khoản mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết. Cụ thể là [Xin xem toàn văn bản Thông báo trong phần phụ đính 3].

Với bản Thông báo này, sau ngày Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc, 10 tháng 12 năm nay [2013], khi Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) công khai và chính thức ra mắt, khởi xướng lời kêu gọi sự tham gia của mọi tầng lớp công dân Việt Nam, thì mọi người dân Việt đều thấy mình có quyền và có nghĩa vụ báo động, cảnh tỉnh, lưu ý, tố cáo, lên án... các hành vi của Nhà nước Việt cộng các cấp vi phạm lời hứa và cam kết của Nhà nước về tôn trọng, bảo vệ nhân quyền. Mọi người hãy mạnh dạn tố cáo ngay trước các trụ sở đảng, chính phủ, quốc hội, các bộ công an, lao động, tòa án, thanh tra chính phủ... với trùng trùng biểu ngữ, khẩu hiệu, hình ảnh của các cô Ðỗ Thi Minh Hạnh đang rên xiết ốm đau do bị tra tấn, bạc đãi trong nhà tù. Hãy lên tiếng đòi tự do cho Ðỗ Thi Minh Hạnh [xem hình do Họa sỹ: Trần Thúc Lân, Paris, họa], người sinh viên có đến 5 tiêu chuẩn về nhân quyền phải được bảo vệ ưu tiên, như quyền một nữ sinh viên đang học được học tiếp, quyền người tù phải được đối xử nhân đạo, quyền người ốm phải được chăm sóc, quyền người bị án oan chỉ vì lên tiếng bảo vệ công nhân bị chủ nước ngoài bạc đãi, đòi lập công đoàn tự do để bảo vệ công nhân... phải được tự do. Mới đây, ngày 19/11/2013, ông Hayes [xem hình], dân biểu ở tiểu bang NSW, đã có bức thư gửi tới Ngoại Trưởng Úc về vấn đề của tù nhân lương tâm Ðỗ Thị Minh Hạnh đang bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vi phạm các điều luật về giam giữ và nhân quyền. Trong thư ông Hayes bày tỏ sự quan ngại của mình đến bà Ngoại Trưởng Úc về vấn đề của Ðỗ Thị Minh Hạnh đang bị nhà cầm quyền cộng sản bắt bỏ tù vô vớ, công an đánh đập Hạnh trong tù, bị còng tay còng chân trên suốt đường chuyển từ tù trong Nam ra Bắc gần đây khiến cô bị sỉu lên sỉu xuống trong chuyến đi, và tuy cô cùng gia đình yêu cầu được đi bệnh viện khám bệnh hiểm nghèo nhưng bị bác. Ngoài ra, trong thư ông Hayes cũng nhấn mạnh việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tham gia Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Ông Hayes viết, bà Ngoại Trưởng Úc Julie Bishop nên yêu cầu đòi tự do cho tù nhân lương tâm Ðỗ Thị Minh Hạnh.


Hãy đòi hỏi tự do ngay tức khắc cho gần 100 tù chính trị, từ Mai Thị Dung cho đến Ðiếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Ðinh Nguyên Kha... Ðến ngày kỷ niệm Tuyên Ngôn Nhân quyền sắp tới (10/12/2013), nếu như những Minh Hạnh, Mai Thị Dung, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Huy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Lý, Lê Quốc Quân... không được tự do sẽ là điều vi phạm rất nặng nề cam kết của Ðảng và Nhà nước đối với cả LHQ và dân Việt.

Nhận thấy như vậy cũng chưa đủ, tại Sài Gòn, ngày 27/11, một nhóm 40 nhà trí thức gồm những tên tuổi quen thuộc như giáo sư Tương Lai, phó giáo sư Ðào Công Tiến các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, các cựu tù chính trị Cao Lập, Hạ Ðình Nguyên, nhà báo Tống Văn Công, Huy Ðức... cùng ký kiến nghị yêu cầu thành lập những hội đồng để thúc đẩy nhân quyền. Họ đề nghị hãy lập những “hội đồng nhân quyền” ngay trong guồng máy nhà nước, trong các tổ chức được nhà nước bảo trợ hoặc cho phép. Họ dựa vào “14 điều cam kết” mà Nhà nước đã ký kết khi nộp đơn ứng cử vào Hội Ðồng Nhân Quyền để đề nghị tổ chức những nhóm bảo vệ nhân quyền của dân. Họ muốn các nhóm đó sẽ lo phổ biến, truyền đạt kiến thức, tổ chức hội thảo về nhân quyền cho dân Việt Nam hiểu; đồng thời, “cập nhật và quảng bá thông tin về tình hình thực thi nhân quyền tại Việt Nam.

Nhưng, đó chỉ là “kiến nghị”, một hình thức “xin cho”, từng đã bao nhiêu lần bị Ðảng và Nhà nước để “ngoài tai”, nên một nhóm phụ nữ, hầu hết là trẻ tuổi trong Mạng Lưới Blogger Việt Nam, gồm trước hết là 35 người đã trưởng thành, có trí tuệ và tin tưởng vào giá trị của những quyền con người nhận thấy bây giờ không còn là lúc ký “kiến nghị”, xin phép hay chờ được “giúp đỡ” rồi mới hành động. Họ họp lại lấy danh hiệu là “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam” và bắt đầu hành động bằng “Tuyên Cáo Thành Lập Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam” [Xem toàn văn trong phần phụ đính 4].

Bản tin được thông tín viên Tường An đưa lên đài RFA ngày 28/11/2013 cho biết Xã hội dân sự Việt Nam vừa có thêm một thành viên mới: đó là một nhóm có tên gọi là: “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”. Nhóm được thành lập ngày 15 tháng 11 vừa qua với lời kêu gọi được đăng trên trang mạng vnwhr.net như sau:

“Chúng ta được sinh ra làm con người, chỉ riêng điều đó khẳng định giá trị tự thân và quyền bình đẳng cố hữu của chúng ta khi so sánh với những người đồng loại khác. Mỗi cá nhân trong xã hội loài người được phân biệt dựa vào vai trò, nhiệm vụ chứ không phải dựa vào phẩm giá. Do đó, với tư cách là những thực thể hiện hữu có phẩm giá, chúng ta có những quyền bất khả xâm phạm mang tính phổ quát. Và chừng nào chúng ta còn được xác định là con người, chúng ta không thể nào chấp nhận sự bất bình đẳng về Nhân phẩm, Nhân quyền và vai trò xã hội.” [Xem hình các vận động viên và thành viên của nhóm “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”. Courtesy vnwhr.net]


Nhóm đã chính thức ra đời với mục tiêu:

Lên tiếng bảo vệ những người phụ nữ bị xúc phạm nhân phẩm, bị xâm phạm nhân quyền.

Hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất cho những người phụ nữ là mẹ, vợ và con& của những nhà bất đồng chính kiến bị sách nhiễu và đàn áp.

Bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội.

Phổ biến kiến thức về nhân quyền, đặc biệt là những phụ nữ không có điều kiện để tiếp cận.

Phổ biến kiến thức về nhân quyền, đặc biệt là những phụ nữ không có điều kiện để tiếp cận.

Cô Huỳnh Thục Vy [Xem hinh: Huỳnh Thục Vy, Jean Phillipe Gavois DSQ Phap, và Dương Thị Tân], một trong 9 vận động viên nói rằng:

“Trước nay, những nhà đấu tranh bảo vệ Nhân quyền ở Việt Nam luôn bị động trước những đàn áp của chính quyền. Nhưng từ nay chị em chúng tôi muốn chủ động đối phó. Chúng tôi đã có những kênh liên lạc cần thiết với các NGO Nhân quyền quốc tế, các Tòa Ðại sứ và các báo đài. Việc lên tiếng với truyền thông và các nhà ngoại giao là việc đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng. Sau đó thì tùy tình huống chúng tôi sẽ xử lý. Trợ giúp tài chính, viếng thăm thân nhân của người bị đàn áp là việc tiếp theo. Cuối cùng nếu một người bị bắt, chúng tôi sẽ tìm kiếm luật sư và vận động các nhà ngoại giao các quốc gia tự do áp lực chính quyền trả tự do cho người bị bắt.”

Phụ Nữ Nhân quyền khởi đầu với 35 thành viên là người trong nước, nhưng chị Tân cho biết Phụ Nữ Nhân quyền không phân biệt thành phần xã hội và sẽ không có biên giới địa lý cho những phụ nữ từ 18 tuổi trở lên muốn trở thành thành viên:

“Hôm qua thì đã có một số chị em ở bên ngoài gọi về muốn xin tham gia vào Phụ Nữ Nhân quyền. Chúng tôi sẽ mở rộng rất nhiều ra mọi hướng, kể cả là cho những người phụ nữ đang làm việc cho nhà nước, nhưng họ cos ý thức bảo về quyền con người, họ có ý thức bảo về chị em phụ nữ bị xâm hại, họ có ý thức bảo vệ quyền cho phụ nữ thì chúng tôi vẫn mời gọi. Và đương nhiên là chúng tôi có mời gọi chị em phụ nữ ở hải ngoại tham gia cũng chúng tôi vấn đề này.”

Trong một chuyến đi vận động, chị Tân, vợ của người tù lương tâm Ðiếu Cày, đã nói với Nhân viên Toà đại sứ Úc tại Hà Nội rằng:

“Quý vị biết Việt Nam có một hồ sơ Nhân quyền tồi tệ nhưng quý vị đã bầu cho Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền liên hiệp quốc thì quý vị phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Từ nay trở đi, nếu có một trường hợp người Việt nam nào, đặc biệt và phụ nữ Việt Nam, bị sách nhiễu hoặc bỏ tù thì người đó chính là nạn nhân của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.”

Kết luận bài viết trên đài RFA Tường An cho rằng: “Sự ra đời của Phụ Nữ Nhân Quyền là một thách thức và cũng là một cơ hội để Việt Nam chứng tỏ mình xứng đáng với vai trò thành viên của Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trong 3 năm sắp tới”. Từ đó, nhìn chung dư luận không ngần ngại cho rằng họ là những bà Aung San Suu Kyi của nước Việt Nam

Nhiều chuyện dồn dập xảy ra cho thấy những người trẻ khởi đầu những bước đi lịch sử đó khiến người theo dõi không thể không nghĩ tới lịch sử Việt Nam đã từng có những cuộc khởi nghĩa đầu tiên “chống Tàu xâm lược” do phụ nữ lãnh đạo:

“Hai Bà Trưng ở Mê Linh cầm đầu cuộc dấy binh kéo theo 65 thành cùng nổi dậy chống quân Hán; hai thế kỷ sau, bà Triệu Thị Trinh ở Cửu Chân được quân và dân suy tôn là Bà Vua, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô. Hai Bà Trưng và Bà Triệu là những phụ nữ dưới 30 tuổi; riêng Bà Triệu tuổi mới ngoài 20”.

Ở nhóm “Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam” các cô Huỳnh Thục Vy, Lê Thị Công Nhân, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Hoàng Vi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Thảo Chi, Phạm Thanh Nghiên... cũng bắt đầu biết tranh đấu cho quyền làm người vào lớp tuổi đó.



Chuyện những người trẻ ở quốc nội đang bước những bước đầu đi vào lịch sử đó khiến Giáo Già nghĩ tới những người trẻ ở hải ngoại cũng đang từng bước gặt hái những thành quả khích lệ. Mới đây, Hằng Trần [xem hình], 27 tuổi, vừa chính thức trở thành nghị viên gốc Việt đầu tiên tại thành phố Morrow sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba, 5 tháng 11/2013. Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo chí, cô cho biết ngoài nỗ lực hoàn tát trách nhiệm của một nghị viên cô thổ lộ mong ước cô dành riêng cho cộng đồng người Việt Nam tại đây là: “Xây dựng một tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ ngay tại Morrow”. Cô đặc biệt nhắn gửi lớp trẻ: “Gia đình các bạn, có lẽ cũng như bố và các chị của Hằng, đã hy sinh rất nhiều cho chúng ta có cơ hội được thành đạt tại Mỹ. Khi đã thành đạt rồi, chúng ta có trách nhiệm phải giúp lại cộng đồng, tạo ra cơ hội tốt hơn cho các thế hệ sau này.”


Bước qua thành phố Houston của Tiểu bang Texas, cuộc bầu cử cộng đồng cũng đã mang lại thắng lợi vẻ vang cho các bạn trẻ. Trúng cử với 52%, so với 48% của ông Hàng Duy Hùng, ông Richard Nguyễn, người có phương tiện hết sức hạn hẹp đã ráo riết trong cộng đồng người Việt với thái độ chính trị dứt khoát với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

Ông Richard Nguyễn đã xác định rõ ràng là không có sự thoả hiệp với Việt cộng. Mọi sự đối thoại là không thích ứng và vô nghĩa khi họ vẫn giữ chế độ độc quyền cai trị. Ông khẳng định sự đắc cử của ông phần lớn là do sức mạnh của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại Houston. Ông nói: “Nếu không có cái thúc đẩy đó, không có cái sức mạnh đó thì làm sao tôi có thể thành công được”. Với thắng lợi của người trẻ Richard Nguyễn, những người sống ở Houston thực sự hài lòng, họ cảm thấy trút được mối bực tức tưởng như không thể.


Sau khi Richard Nguyễn đánh bại Hoàng Duy Hùng, Cộng Ðồng người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Houston, đặc biệt là giới trẻ, đã một lần nửa chứng tỏ tinh thần chống Cộng triệt để và sáng suốt trong việc lựa chọn Ban Ðại Diện Cộng đồng người Việt tỵ nạn (CÐ NV TN) tại Houston với 6467 cử tri đi bầu, và Liên Danh HỢP NHẤT với thành phần trẻ, 11 người, trung Bình 37 tuổi, đã đắc thắng với số phiếu 4380 Vs 2087. Ðó là một kết quả chưa từng có và cũng là một niềm vui, một hy vọng chung cho tất cả mọi người Việt Nam tỵ nạn tại Houston và vùng phụ cận... khiến đám theo đuôi Hoàng Duy Hùng và bợ đỡ Việt cộng âm thầm chìm vào bóng tối [xin xem danh sách gồm hầu hết những người trí thức trẻ có trình độ].

Sự thành công và dấn thân của lớp người trẻ từ quốc nội đến hải ngoại khiến Giáo Già nhớ lại lời nhà dân chủ Ba Lan Adam Michnik: “Mọi cuộc cách mạng đều bắt đầu từ một nhúm người”.

Hẹn con thư sau,



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo