Câu chuyện về đảng cũ và ước mơ về đảng mới của tôi trong tương lai - Dân Làm Báo

Câu chuyện về đảng cũ và ước mơ về đảng mới của tôi trong tương lai

Nguyễn Chí Đức (Danlambao) - Bữa qua, đọc trên Internet đọc thấy 2 trường hợp tuyên bố bỏ đảng của ông Lê Hiếu Đằng (1) và thủ tục muốn ra khỏi đảng của ông Phạm Chí Dũng (2) khiến tôi bồi hồi nhớ lại chuyện cũ của chính mình năm 1999. Ngay cả vào lúc khi đang phấn đấu trở thành người đảng viên của đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCS) thì tôi vẫn nhận thức chuyện đa đảng là tự nhiên. Xin nói thêm là vào năm 1999 thì Internet chưa phổ cập và cuộc sống, kinh nghiệm của tôi cũng chỉ từ nhà đến trường là chủ yếu bên cạnh vài hoạt động xã hội kiểu sinh viên.

Về khía cạnh lịch sử không tính đến ĐCS vì được đề cập quá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cũng lẻ tẻ nhắc đến các anh hùng Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu là những thủ lĩnh của các đảng phái yêu nước, ngoài ra cha tôi kể thêm có 2 đảng Dân Chủ và Xã Hội bị cưỡng bức khai tử trong quá khứ gần kiểu như Viện IDS (3) phải tự sát mới đây. Về mặt trực quan tôi nhận thấy trong trường học có khoa này khoa kia, trong một đất nước có nhiều sắc tộc, thực vật/sinh vật có nhiều chủng loài, nhìn lên bầu trời có vô số vì sao….Đại khái là đa dạng thực thể từ vi mô đến vĩ mô.

Đó là lý do một cách rất tự nhiên như hơi thở cuộc sống trong đơn xin vào ĐCS của tôi dù có một số dòng phải viết có tính bắt buộc thì tôi vẫn chêm vào dòng “…với tư cách là đảng cầm quyền, đảng CSVN…” Vì tôi ý thức được rằng đã có đảng cầm quyền thì chắc hẳn cũng phải có đảng không cầm quyền nôm na như 2 mặt đối lập, có âm thì phải có dương, có Đông thì phải có Tây. Ngay cả trước khi được kết nạp đảng theo thông lệ sẽ có một người đại diện đảng ủy nhà trường khi đó là thầy hiệu phó kiêm bí thư đảng ủy trắc nghiệm vài câu hỏi. Phải qua được vòng này mới chính thức được chuẩn y việc kết nạp sau khi các thủ tục khác đã hoàn tất, thường thì thủ tục này mang tính hình thức là chính. Tuy nhiên tôi cũng rất hồi hộp khi được đảng ủy gọi lên vì nghĩ mình là sinh viên sợ có điều gì thất thố với thầy giáo. Thầy cũng hỏi câu này câu kia có tính xã giao xong thầy có hỏi 1 câu nghiêm túc đại ý:

“Cái việc em hoạt động, tham gia này kia và cũng những việc đó nhưng của những người không có ý định vào đảng hay của những người theo tôn giáo khác nhau ở chỗ nào?”

Câu trả lời của tôi rất nhanh và tự nhiên: “Sự khác nhau là ở chủ thuyết”

Thầy không trả lời mà gật đầu. Không bao giờ tôi quên được cái gật đầu của một vị giáo sư giữ chức vụ bí thư đảng ủy. Càng lớn lên thì tôi ngẫm lại chứng tỏ trong giới khoa học, trí thức nói chung là họ cũng biết nhiều thứ chứ không phải không biết, có điều họ có dũng cảm nói ra hay không mà thôi.

Từ cái ngày đó cho đến những năm 2003-2004 khi tôi bắt đầu mơ hồ thấy không hợp với chủ nghĩa Mác-Lê của ĐCS thì tôi vẫn luôn ý thức cái chuyện đa đảng là tất yếu. Tôi cũng biết rằng cái suy nghĩ này của tôi cũng giống như nhiều người lao động bình thường khác mà hầu như họ chỉ dám đề cập lúc trà dư tửu hậu. Tìm hiểu trên Internet, tôi thấy từ suy nghĩ cho đến thực tế cái việc đa đảng ở Việt Nam không dễ dàng gì. Còn tại sao không dễ dàng thiết nghĩ những người quan tâm đến chính trị cũng thừa hiểu. Miễn bàn!

Giờ đây đã trưởng thành có nhận thức hơn tuy cũng chẳng có tài cán gì nhưng tôi vẫn có ước vọng được đứng trong hàng ngũ của một đảng phái Quốc Gia, một chủ thuyết do chính người Việt Nam xây dựng lên. Đảng này lớn hay nhỏ, cầm quyền hay không cầm quyền với tôi không phải là vấn đề quan trọng vì tự thấy mình bình thường nên cũng chẳng dám ham hố gì. Chỉ cần sống đúng ước mơ, lý tưởng có tính nội tại của con người mình. Dĩ nhiên đã là một chính đảng thì phải đi vào thực tế, hiến ích cho xã hội chứ không chỉ mỗi việc tập hợp/tụ tập nhau lại nhằm tuyên bố lấy le thiên hạ cho oai rồi “đánh trống bỏ dùi” thì tôi không hưởng ứng. Hơn nữa bản lãnh chính trị, đời tư, trình độ, uy tín của những người cốt cán cũng phải khả dĩ nhằm thu hút đám đông chứ không thể lôm nhôm hoặc quá mong đợi chuyện lập đảng/mở hội rồi vội vã hưởng ứng sau đó nhận ra thiếu sót ở chỗ này, chỗ kia làm trò cười cho những người muốn phá hoại nhưng quan trọng hơn là mất đi niềm tin của những người có thiện chí nhưng chỉ theo dõi âm thầm.

Không thể ngờ là cái suy nghĩ trong sáng, giản dị của tôi năm xưa về chuyện đa đảng lại là một vấn đề có tính hệ trọng của dân tộc Việt Nam, có tính chất đấu tranh tư tưởng giữa một bên là thế lực bảo thủ và một bên là những người ưu tư với thời cuộc. Tôi mong rằng một ngày nào đó trong tương lai tôi sẽ đứng trong hàng ngũ của một chính đảng nào đó mà tôi thấy phù hợp. Và các bạn cũng có quyền ước mơ một tổ chức nào mà thấy ưng ý để tham gia và cống hiến.

Biết bao giờ nhỉ? Bao giờ cho đến bao giờ???


_________________________________

Chú thích:




Đơn xin vào đảng Cộng Sản Việt Nam của tác giả viết năm 1999




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo