Minh Huyền (Bạn đọc Danlambao) - Mạo muội viết những dòng này với hy vọng chia sẻ phần nào những gì mà gia đình đang chịu đựng. Tôi đã đau đến quặn lòng khi đọc bài "Tình trạng khẩn cấp của thầy giáo Đinh Đăng Định" dù vẫn biết tình trạng gần đây của Thầy đang rất nguy kịch. "Lực bất tòng tâm", chúng tôi (những người nghĩ như tôi) đều ít nhiều bất lực trước sự kiện đau lòng này. Thấy, biết nhưng không làm gì để thay đổi được là một dằn vặt ghê gớm cho những trái tim còn thổn thức với nỗi đau nhân loại (!) Duy chỉ có đôi lời cùng gia đình như sau:
1. Thầy Định là người như thế nào chắc không cần phải nhắc lại, nhưng tôi thiết nghĩ thời gian không còn nhiều nữa, chúng ta hãy hy sinh (tôi tạm gọi như vậy) một chút để cho Thầy nếu có ra đi cũng sẽ ra đi một cách thanh thản nhất có thể (!) Sự hy sinh đó là gì? Hãy nén lòng mình lại! Đừng khóc mà hãy cười thật tươi khi đứng trước người chồng, người cha yêu dấu của mình, vì điều đó sẽ làm cho Thầy nhẹ đi nỗi đau hay sự giày vò (nếu có) là đã mang sự đau thương, buồn khổ cho những người thân yêu nhất của mình. Dù Thầy biết không ai trách mình vì lý tưởng mình chọn nhưng hai chữ "trách nhiệm" cũng sẽ đeo mang cái gánh nặng với vợ, con dù họ luôn một dạ cùng chung lý tưởng với mình đi chăng nữa.
2. Nếu ai đã từng đọc quyển sách viết về nhà bác học Marie Curie sẽ thấy khi Piere Curie (chồng bà) mất vì tai nạn, bà đã đau khổ ngồi bên lò sưởi đốt những mảnh áo còn dính máu của ông và... không khóc. Khi Diana (Lady Di) mất, hai cậu con trai trong Hoàng gia Anh của cô cũng đã được cha dặn: "Đừng khóc khi đưa tiễn Mẹ!". Điều đó thể hiện sự mạnh mẽ của nội tâm mà tôi luôn vị nể. Chúng ta hãy cứ khóc cho thật hả hê (nếu muốn) nhưng cố tránh đừng khóc trước mặt người mình yêu kính sắp ra đi và tuyệt đối ĐỪNG BAO GIỜ CHO KẺ THÙ THẤY MÌNH KHÓC. Đừng cho chúng có được sự hả hê, thỏa mãn khi thấy ta đau khổ. Hãy cho chúng thấy ta mạnh mẽ và kiên cường vì đó là sản phẩm của lòng căm thù, uất hận được chúng trao tặng (!)
3. Thảo ơi, ngày ba cô mất vì tai biến, cô đang mang thai bé sau 6 tháng và cái cảm nhận sắp mất một người cha thật là đau đớn (đó là ba cô không bị như Thầy) nên cô rất hiểu con à! Ngày đó, cô đã đứng dưới gầm cầu thang khóc thật nhiều, có vài người tới hỏi han, khuyên nhủ nhưng cô chỉ biết khóc. Khóc xong cô lên lau mình cho ông với đôi mắt ráo hoảnh và hôn ông lần cuối.
Hãy can đảm lên các con! Mong chị và các cháu thật nhiều nghị lực trong những ngày đầy buồn tủi, đau đớn này. Trân trọng!