Chai dầu cù là mới nhất - Dân Làm Báo

Chai dầu cù là mới nhất

Phạm Hồng Sơn - Dù đã dự đoán trước, nhưng tôi vẫn giật mình khi xem bản điếu văn do ông Huỳnh Tấn Mẫm đọc trong lễ truy điệu ông Lê Hiếu Đằng, ngày 26/01/2014. Giật mình là vì, ngoài việc không dám nhắc tới sự kiện ông Lê Hiếu Đằng đã đàng hoàng công khai từ đảng Cộng sản Việt Nam trước khi qua đời (song, điều này có thể thông cảm được phần nào), điếu văn đó có thần thái và phần lớn nội dung giống y bản biện hộ, vinh danh chính người đọc (hay soạn) điếu văn. Xin trích:

“Qua mấy nét tiểu sử trên đây, chúng ta thấy xuyên suốt cuộc đời Anh, vận mệnh của đất nước là điều không lúc nào rời khỏi sự bận tâm suy nghĩ của Anh. Thái độ đó đã thể hiện rất sớm khi Anh mới chỉ là một học sinh trung học và có lẽ rất sớm như vậy vì đã diễn ra trong hoàn cảnh một đất nước liên tục bị các thế lực bên ngoài xâm lược thống trị, mà vào thời Anh lớn lên là tình thế tổ quốc bị chia đôi sau 1954: do không thống nhất được trong hòa bình, những xung đột tiềm ẩn nội tại đã bùng lên với sự can thiệp trực tiếp của chính quyền Mỹ bấy giờ, cuối cùng phát triển thành một cuộc đối đầu quân sự vô cùng tàn khốc, có nguy cơ đẩy cả dân tộc vào một thảm hoạ hủy diệt chưa từng có. Sự chọn lựa chính trị của Anh đã phát sinh từ tình thế đó và thường được giải thích như một thức tỉnh mang tính truyền thống của những thanh niên trí thức trước họa ngoại xâm. Nhưng như tất cả chúng ta đều biết: sự chọn lựa của Anh không dừng lại ở tình tự yêu nước tự nhiên đó mà lại được bồi đắp cho mạnh mẽ hơn bằng một niềm tin mới mẻ, hấp dẫn hơn nhiều lần: đó là niềm tin vào một thứ chủ nghĩa cộng sản nào đó mà Anh tin rằng sau này khi nước nhà đã độc lập trong thống nhất, hoà bình, nếu đem ra áp dụng, chúng ta sẽ kiến tạo nên được một xã hội tốt đẹp bội phần. Anh đã gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam cũng vì niềm tin ấy, sống chết với đảng Cộng sản suốt 45 năm kể từ ngày Anh gia nhập cũng vì niềm tin ấy... Cũng chính vì vậy mỗi khi có dịp nhắc lại những tháng ngày gian khổ cũ của mình như một tổng kết về cuộc sống, Anh không hề tỏ ra tiếc nuối với những gì đã làm để phải trách móc bản thân hay “sám hối” với ai khác cả.”

Áp nội dung này với thân thế, sự nghiệp của ông Huỳnh Tấn Mẫm, và tạm đặt bối cảnh tang lễ của ông Lê Hiếu Đằng ra một bên, khó ai có thể nghĩ rằng ông Huỳnh Tấn Mẫm đã đọc điếu văn cho người khác.

Ngày 13/02/2014 tôi lại thấy tên ông Huỳnh Tấn Mẫm xuất hiện trên công luận, đứng đầu danh sách ký tên của LỜI KÊU GỌI NHÂN KỶ NIỆM 35 NĂM ĐÁNH TAN CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIÊN GIỚI PHÍA BẮC NƯỚC TA 17.2.1979.

Bản văn này có tinh thần rất căm hờn, phẫn uất đối với quân xâm lược Trung Quốc, khơi lại cả tinh thần cổ kim của dân ta trong việc chống quân xâm lược hèn hạ từ phương Bắc và còn có một nhận định mạnh mẽ:

"Nhưng, cũng sẽ là hèn hạ không kém nếu không dám công khai và quyết liệt vạch trần tội ác xâm lược của kẻ thù, càng phi đạo lý hơn nữa khi thỏa hiệp với luận điệu xảo trá về cái gọi là "giữ gìn đại cục", chui đầu vào thòng lọng của mười sáu chữ lừa bịp để tự trói tay, trói chân mình, quay lại đàn áp nhân dân mình biểu tỏ lòng yêu nước, lên án giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc."

Tuy nhiên, đoạn này có một sự thừa là chữ “sẽ”, nhưng lại thiếu hẳn một từ quan trọng về văn phạm, là chủ từ - ai, kẻ nào (?). 

Ai còn chút trí nhớ thì sao có thể quên chỉ cách đây chưa đầy một tháng, ngày 19/01/2014, chính cái nhà nước hiện tại đã dành một lối hành xử hạ cấp cho những người muốn tưởng nhớ tới các chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh trong việc bảo vệ một “lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc” - Hoàng Sa. Ngay việc tôn vinh chính người dân mình mà họ còn không dám ủng hộ thì làm sao họ lại dám để lên án quân xâm lược – đã trở thành bạn bốn tốt của họ rồi.

Thế mà trong dòng đầu tiên cho xướng suất về việc tưởng niệm, Lời kêu gọi lại vẫn dành để xới lên sự tin tưởng, kỳ vọng vào cái nhà nước đó và những tổ chức tay chân của nó: “Trước hết, đề nghị Nhà nước tổ chức trên quy mô cả nước và các địa phương. Cũng có thể do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể các cấp từ trung ương tới địa phương tổ chức để đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.”

Đối với những đề xuất tưởng niệm khác của Lời kêu gọi như “Mỗi cá nhân, mỗi gia đình có thể tổ chức tưởng niệm tại nhà riêng của mình theo hoàn cảnh và sáng kiến như trước đây chúng ta đã làm: thắp một nén nhang trên bàn thờ với khẩu hiệu: Đời đời đời nhớ ơn chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược trên biên giới phía Bắc 17.2.1979. Khẩu hiệu này có thể dán trước cổng nhà, trước cửa ra vào nhà, trước bàn làm việc, đeo trên mũ, trước ngực khi đi ra đường trong một tuần kể từ ngày 17.2.2014…”, chỉ nội trong vài ngày qua đã liên tiếp xảy ra những vụ trấn áp, khủng bố dân lành giữa thanh thiên bạch nhật thì những đề xuất đó liệu có khả thi, thiết thực?

Hay chúng chỉ có tác dụng như việc một danh y đưa ra chỉ định: Hãy trân trọng biếu một chai dầu cù là (loại mới) cho người đang mắc trọng bệnh?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo