Bài không tên số 2 - Dân Làm Báo

Bài không tên số 2

Đặng Xương Hùng - Sau ngày 1/7/2014 năm nay, phần lớn người Việt hải ngoại chỉ còn được gọi là những người có gốc Việt Nam. Nhưng hầu như chắc chắn rằng 4,5 triệu người gốc Việt ấy hàng ngày vẫn sẽ thầm mong trong lòng: "Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ. Cho tôi xin lại một đời, một đời sống giữa quê hương. Cho tôi xin lại đoạn đường, hàng cây vươn dài bóng mát. Cho tôi xin lại cuộc đời, bên bờ đê vắng làng tôi".

30/4/1975 là một ngày đặc biệt trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ngày mà "vĩ tuyến 17" không còn nữa, nhưng đau thương chưa chịu rời bỏ đất nước này, thay vào đó lại là một "vĩ tuyến vô hình" ngăn cách những đứa con cùng giòng máu con Lạc cháu Hồng, đứng về một trong hai phe tách bạch.

Phe thắng cuộc gọi ngày đó là "ngày vui đại thắng", trong khi đó phe thua cuộc đau thương, uất hận, chua xót với "Sài gòn ơi, ta đã mất người trong cuộc đời". Để rồi trong ngôn ngữ nhân loại xuất hiện cụm danh từ mới: "thuyền nhân".

30/4/1975, tại Sài Gòn, Trịnh Công Sơn tràn đầy khích lệ, òa lên một niềm ao ước lớn lao: "Rừng núi giang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối Sơn Hà". 

Trong khi đó, ở đầu Hà Nội, Văn Cao cũng cùng một hy vọng tràn trề : "Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người".

Nhưng rồi người đã không nắm tay người, để có vòng tay lớn nối dài Sơn Hà. Và rồi người cũng chẳng biết thương yêu người, mùa xuân mơ ước đó đã không đến được với dân tộc Việt Nam.

Giả như, người không bắt người phải xác định "giai cấp" của mình. Giả như, Tự do không thay bằng Đồng Khởi, Công lý không thay bằng Nam kỳ khởi nghĩa. Giả như, bên thắng cuộc cử xử một cách quang minh như lời Tướng Trần Văn Trà nói với Ông Dương Văn Minh "Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta chiến thắng đế quốc Mỹ". Thì ngày 30/4 có lẽ dễ trở thành ngày Quốc Khánh mới của một nước Việt Nam thống nhất, và ước ao của Ông Lý Quang Diệu, muốn Singapore đuổi kịp Sài gòn sẽ khó thành hiện thực. 

Đã 39 năm trôi qua, thời gian đủ để mọi mặt Thật - Ảo - Xấu - Đẹp - Sang - Hèn - Chính - Đại - Quang minh - U mê dần dần bộc lộ. Thời gian đã trở thành thước đo mọi giá trị. 

Thời gian đã cho ra đời những "Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên, "Truyện kể năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn, "Thiên đường mù" của Dương Thu Hương, "Ngàn giọt lệ rơi" của Đặng Mỹ Dung.

Thời gian đủ để con người hồi tưởng và suy ngẫm lại thời cuộc với các "Hồi ký" của Trần Quang Cơ, của Ngô Điền, của Nguyễn Trung, của Nguyễn Trọng Vĩnh. Thời gian đủ để độc giả chiêm nghiệm những suy tư, những khát khao của "Tổ quốc ăn năn" của Nguyễn Gia Kiểng, "Chia tay ý thức hệ" của Hà Sĩ Phu. Đặc biệt với những ghi chép công phu trong "Bên thắng cuộc" của Huy Đức.

Thời gian đã khẳng định Đinh Đăng Định là một thày giáo nghèo giàu lòng yêu nước. Thời gian chứng minh sự hèn hạ của chế độ. Ông đã ra đi nhưng Bô xít - Đắc Nông vẫn còn đó, để hậu sinh phát xét.

Thời gian đủ để thử chí bền gan, quả cảm của người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu. Với 37 năm tù, kể từ sau ngày đặc biệt 30/4 liên quan đến Ông, cũng không làm suy xuyển ý chí của Ông. Vừa ở tù ra, Ông đã “khỏe re như con bò kéo xe”.

Đặc biệt, thời gian làm lộ nét bạn thù. Món lẩu thập cẩm 4 tốt, 16 chữ vàng, chỉ đánh lừa khẩu vị của các nhà lãnh đạo. Thời gian đã để họ gậm nhấm của Tổ quốc ta bao nhiêu đất đai, biển đảo và đang "đầu độc" một cách âm ỉ đến tất cả các lĩnh vực đời sống của dân tộc ta.

Hơn nữa, thời gian cũng đủ để xói mòn toàn bộ niềm tin chân thành của đông đảo người dân. Thời gian đã đẩy chính quyền và người dân làm hai thái cực khác nhau: "Anh đi bằng nhịp điệu Một hai ba bốn năm. Tôi đi bằng nhịp điệu Sáu bảy tám chín mười. Ta đi bằng nhịp điệu Nhịp điệu không giống nhau. Ta đi bằng nhịp điệu Nhịp điệu sao KHÁC MÀU. Sông cạn đá mòn làm sao ta gặp được nhau".

Thời gian đã đẩy bất cứ ai, cả trong và nước ngoài, mong muốn ở Việt Nam có Nhà nước Pháp quyền đều bị coi là "phản động". Các thế lực "phản động" và lực lượng "dân oan" đang ngày càng đông đảo.

Thời gian là thước đo mọi giá trị.

Dù sao đi nữa, thời gian nhất định sẽ mang đến cho ta điều tốt lành. Một mùa xuân mơ ước, một mùa xuân đầu tiên sẽ đến với dân tộc Việt Nam ta. Mẹ Việt Nam đang trìu mến nhìn chúng ta nắm tay nhau:

"Con xin hát lên một bài.
Bài ca con Lạc cháu Hồng
Con xin hát lên một bài
Bài ca Việt Nam yêu thương
Con xin xóa hết hận thù
Người Việt nhìn chung một hướng
Dân ta trên khắp địa cầu
Nối vòng tay xây nước Nam mạnh giầu".

Facebook

_______________________


Ghi chú của DLB: Ông Đặng Xương Hùng từng giữ nhiều vị trí quan trọng như:  lãnh sự Việt Nam tại Geneva từ năm 2008 đến 2012, vụ phó bộ ngoại giao Việt Nam. Vào tháng 10/2013 ông đã chính thức tuyên bố bỏ đảng CSVN và nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Thụy Sỹ.  

Trong bức thư tuyên bố ra khỏi đảng, ông Đặng Xương Hùng viết:“Gần đây những bí mật của ông Hồ Chí Minh đã bị phơi bày. Chúng tôi, hầu hết là đảng viên, vẫn thường vui vẻ đùa cợt có những bài vè chế giễu, nhưng rất đúng về nhân vật này. Ông Hồ Chí Minh đã bị nghi ngờ là một người Trung quốc, có tên là Hồ Tập Chương, do Quốc tế cộng sản dựng lên, thay thế cho Nguyễn Ái Quốc, người đã chết năm 1932.


Mọi niềm tin đã bị đánh cắp. Tôi tuyên bố ra khỏi đảng.”


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo