Huỳnh Phương Ngọc (Danlambao) - Trong thời điểm cuối năm 2013 và đầu năm 2014, Ngành y tế, chăm sóc sức khỏe tại Việt nam đã dấy lên hồi chuông báo động và đánh dấu bằng những vụ “tai nạn” chết người do sử dụng các dịch vụ y tế tại các đơn vị Y tế hàng đầu của Quốc Gia.
Mở màn là các vụ sốc thuốc, vắc xin phòng dịch cho trẻ em, tiêm nhầm thuốc,… gây nên các vụ tử vong với con số đáng báo động.
Có 20 trẻ em tử vong do tiêm vắc xin Quinvaxem theo thống kê sơ bộ.
Nhiều ca sinh đẻ do tắc trách của bác sĩ và kíp trực mà gây chết cả mẹ lẫn con, hay trẻ em bị bác sĩ yêu cầu đem về lo hậu sự khi em bé vẫn còn sống
Và rồi, trong những ngày đầu tháng 4/2014 có hàng trăm trẻ em bị tử vong do bệnh dịch Sởi, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội. Hằng ngày Bệnh Viện Nhi Trung ương tiếp nhận hàng ngàn ca nhiễm sởi ở trẻ em dưới 5 tuổi, với các biểu hiện suy hô hấp, và tử vong sau vài ngày điều trị.
Tính đến nay, số ca nhập viện là 7000 và ca tử vong đã lên đến 111 trẻ. Trước đây bệnh sởi đã từng là đại dịch cho trẻ em Việt nam cũng như trên Thế giới, thế nhưng hậu quả của nó không đến mức gây tử vong với con số lớn như hiện nay. Đứng trước tình cảnh đau thương khi có nhiều vị cha mẹ phải ôm xác con bé bỏng còn nóng trên tay để mang về chôn cất.
Bên cạnh đó còn có sự che dấu thông tin:
1) Bấy lâu nay họ công bố chương trình tiêm chủng vắc-xin miễn phí mà các tỉnh báo cáo lên toàn đạt 90%-100% nhưng khi dịch bùng lên thì mới biết là có rất nhiều trẻ em chưa tiêm phòng vắc-xin sởi, không ít trẻ mới tiêm 1 mũi và thậm chí trẻ đã tiêm rồi vẫn mắc bệnh. Thực tế này tố cáo thành tích ảo của bộ máy y tế;
2) Việt Nam đã cam kết với Tổ chức Y tế Thế Giới, WHO đến năm 2012 là hoàn toàn xóa được bệnh sởi và đã được nhận tiền để làm việc đó. Nay là năm 2014 mà vẫn có dịch thì việc không công bố là điều dễ hiểu.
Những câu trả lời không hợp lòng dân và làm dân chúng hoài nghi trước trình độ của một vị Tiến Sĩ ngành y và lớp nhân viên dưới sự lãnh đạo của bà. Sự phẫn nộ của dân chúng ngày càng mãnh liệt. Cụ thể là một số nhóm người lập nên Thỉnh nguyện Thư yêu cầu bà Bộ Trưởng Y tế phải từ chức khi không làm tròn nhiệm vụ và y đức của một người bộ trưởng. Dân mạng phản đối việc lưu vị của bà Kim Tiến bằng các hoạt động khẩn thiết yêu cầu bà rời ghế và thay thế bởi một người có trình độ, y đức và lương tâm với nghề.
Y tế, giáo dục là các hoạt động cần được chú trọng ở tất cả các quốc gia hiện nay, số tiền Thuế mà người dân hằng ngày đóng góp cũng nhằm để có một môi trường Y tế giáo dục nghiêm chỉnh và hoàn thiện, Ấy vậy mà những con số đáng báo động về việc tử vong ở lứa tuổi trẻ em tại Việt Nam do tiêm nhầm thuốc, sự tất trách của nhân viên ngành y... hằng ngày làm cho người dân bất mãn về cách thức hoạt động cả một hệ thống ngành y của Nhà nước.
Mỗi ngày chúng ta đều có nguy cơ gặp tai nạn hay bệnh tật và phải đến các trung tâm y tế, bệnh viện để khám chữa bệnh, thế nhưng sự lơ là, coi thường bệnh nhân, hách dịch, cửa quyền, thủ tục rườm rà,... luôn là những rào cản lớn nhất để con người tiếp cận với các dịch vụ y tế mà họ đáng được hưởng. Mỗi người dân đều đươc khuyến cáo mua bảo hiểm tự nguyện hay bắt buộc để tham gia khám chữa bệnh, thế nhưng sự khác biệt trong cách đối xử với người bệnh và cách thức chăm sóc, điều trị bệnh cũng khác nhau cho mỗi đối tượng có Bảo Hiểm và khám tự nguyện.
Tôi xin đưa ra một ví dụ mà bản thân đã là nạn nhân của việc sử dụng bảo hiểm để khám chữa bệnh: Bố tôi – ông bị đau dạ dày cấp và được đưa lên bệnh viện Thành phố để khám trong tình trạng cấp cứu. Kíp trực hôm ý rất khẩn trương đẩy bố tôi vào khám, sau đó Bác sĩ đã yêu cầu bố tôi phải mổ gấp. Khi chuẩn bị thủ tục thì cô y tá hỏi tôi là có bảo hiểm không? Tôi đưa các giấy tờ tùy thân và có cả Bảo hiểm của bố. Thế là đối nghịch hoàn toàn với sự nhanh chóng, vội vã cứu người như lúc trước, Cô ấy ra vẻ thờ ơ trông thấy rõ, Cô yêu cầu tôi chuyển bố sang phòng khám để chẩn đoán như những người bệnh thông thường đến khám. Tôi hốt hoảng và hỏi cô ấy vì sao lại có chuyện đổi ngay từ mổ gấp sang khám lại? cô ấy trả lời, có Bảo hiểm thì phải khám rồi mới biết có nên mổ hay không?
Hoàn toàn bất lực vì sinh mạng của người thân mình lúc này không thể do mình định đoạt, tôi nhanh chóng rút lại thẻ bảo hiểm và yêu cầu mổ gấp cho bố tôi. Thế là xong, chúng tôi tự thanh toán các khoản phí về ca mổ, không có sự san sẻ chi phí vì không dùng bảo hiểm.
Đó chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện nơi bệnh viện. Sự lơ là tất trách, lộng hành của nhân viên y tế ăn lương của dân nhưng không bị bất cứ hình thức chế tài nào đã tạo nên nhiều hậu quả khủng khiếp ảnh hưởng đến sinh mạng của một con người.
Và đây là câu chuyện của đôi vợ chồng tôi quen biết do ở cùng địa phương: Chị ấy đi sinh tại bệnh viện trong tình trạng vỡ ối sớm, khi đến nơi bác sỹ tiến hành giải phẫu mang em bé ra ngoài, bé rất yếu không khóc được và bác sĩ khuyên vợ chồng anh ấy mang về chôn cất vì bé đã chết!?. Nhưng khi chuẩn bị mọi thứ cho hậu sự thì thấy em bé ngo nguẩy và bắt đầu khóc.
Đến bây giờ em ấy vẫn sống nhưng bị bại não và mắc các bệnh về tâm thần!
Bên cạnh đó, cách thức hoạt động mờ ám, gây hoài nghi của các bệnh viện như: Không cho phóng viên tác nghiệp, không đưa tin chính xác về con số tử vong và công bố bệnh sởi đã thành Dịch mặc dầu đã có sự khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới WHO.
Bệnh viện yêu cầu người nhà bệnh nhân mang xác con mình đi cửa sau để về chôn cất thể hiện sự vô lương tâm, thiếu nhân đạo và sự tôn trọng đối với con người.
Quyền được sống và sử dụng các dịch vụ y tế là quyền cơ bản của con người và cần phải được Nhà Nước bảo hộ và trợ giúp. Đối với việt nam tôi nhận thấy mức đầu tư về nhân lực và vật lực cho ngành này còn quá nhiều hạn chế và yếu kém không tương xứng với khả năng. Hậu quả tang thương như đại dịch Sởi gây ra hiện nay là trách nhiệm của Bộ y tế ngay từ bước tiêm phòng chống dịch. Từ bước tiêm phòng đã gây ra nhiều sự hoài nghi lo lắng cho các bậc phụ huynh vì đợt tiêm chủng nào cũng có trẻ em chết làm nhiều bậc cha mẹ không dám cho con tiêm chủng!
Đến khi bệnh tràn lan gây tử vong thì điều trị chậm trễ và không đúng mức, làm bùng phát dịch, sự làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệmvà lương tâm của Ngành Y đã gây nên nhiều kết cục bi thãm của nhiều gia đình.
Hiện nay chúng ta được sống trong một quốc gia không có chiến tranh, không có nổ súng, nã bom, thế nhưng con số thiệt mạng là rất lớn do việc sử dụng các phương tiện Y tế được cung cấp bằng số tiền Thuế trưng thu từ nhân dân không hiệu quả và mờ ám là điều rất gây phẫn nộ.
Sự can thiệp của Y học để cứu lấy sinh mạng của con người là điều hiển nhiên thế nhưng bây giờ tại Việt nam, các bậc cha mẹ khi đưa con vào viện thì đều ngồi khẩn cầu sự may mắn, sự chiếu cố của thần linh, các thế lực vô hình làm thay đổi tình trạng bệnh của con cái theo chiều hướng tốt – đó là điều đau lòng nhất hiện nay.
Qua những sự việc trên và thực tế về tình hình y tế của Việt nam hiện nay tôi cảm thấy lo sợ và bất bình khi sinh mạng của chúng ta và con cái, người thân bị đặt trong tay của những bác sỹ thiếu chuyên môn nghiệp vụ, tất trách, vô lương mà không bị chế tài đã gây ra nhiều cái chết đau thương cho những người vô tội.
Tam kỳ, ngày 20/4/2014