Câu chuyện nhỏ về chữ Nguyên - Dân Làm Báo

Câu chuyện nhỏ về chữ Nguyên

L. Trân Ký (Danlambao) - Trong xã hội Việt Nam trước và bây giờ, ngoài chữ Trung, chữ Hiếu, thì chữ Nguyên vẫn gây ra nhiều hoài nghi, tranh cãi về giá trị của nó. Nguyên ở đây chính là chữ Nguyên trong cụm từ “Nguyên là Đại tá X/ Chủ tịch Y/ Bộ trưởng C/ Thủ tướng Z” trên các mặt báo. Chữ Nguyên này thường được báo chí truyền thông trích dẫn trong những vấn đề nóng của xã hội. Nơi mà người đọc có thể thấy phần lớn sự nóng thẳng, nói thật các mặt của vấn đề.

Ví dụ: Nguyên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An đã từng đăng đàn nói: Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời CH XHCN.

Đó là một trong những chữ Nguyên mang dấu ấn đậm nét của báo chí, con người chế độ XHCN. Nó cho thấy, sự ràng buộc về mặt chức vụ, với dây mơ rể má, khiến con người đương chức quyền hiếm khi được phép nói thật, làm thật. Để tồn tại và giữ được cái ghế hoặc lên lên chức vụ cao hơn, họ thuộc lòng ba không: Không nói, không nghe, không biết các vấn đề mang tính nhạy cảm/ nóng của xã hội. Các vấn đề đó bao gồm từ chuyện cải cách thể chế, vấn đề xây dựng XHCN cho đến chuyện cái nhà vệ sinh ngàn tỉ, cải cách giáo dục, biển Đông, cách hành xử với Trung Quốc, sở hữu đất đai, trung lập quân đội, báo chí tư nhân, tham nhũng...

Những vấn đề đó mang tính gốc rễ, do chính cái gốc xã hội - chính trị (thể chế) làm nảy sinh.

Do đó, đảng viên nằm trong cơ chế, được thụ hưởng các giá trị cao hơn giá trị lao động trở nên lười biếng trong giá trị sản xuất, chỉ siêng về mặt cơ hội - thu vén lợi nhuận bất chính (lậu). Chính những người làm việc trong nhà nước từ minh bạch trở thành thiếu minh bạch, họ gắn liền với thể chế như một mối quan hệ cộng sinh không tách rời. Trong trường hợp nếu họ muốn đối mặt và tách hẳn ra khỏi cái gốc vốn dung dưỡng họ thì họ dễ dàng sẽ bị các thực thể cơ hội/bòn vén/chủ nghĩa xung quanh đấu tố dưới các mác “phản đảng”; “suy thoái đạo đức, tư tưởng”.

Cho nên ở chế độ XHCN mới sinh ra chữ Nguyên - khi mà họ đã về hưu - các vấn đề liên quan quyền lực đã suy giảm 2/3, họ có đủ động lực và dũng cảm hơn để nói thật. Họ trả lời phỏng vấn, viết sách, ngỏ thư, kiến nghị về các vấn đề nóng trong chính trị/ xã hội.

Và chữ Nguyên nó khôn khéo ở chỗ, vẫn giúp cho chế độ tạo một luồng thông tin trái chiều nhưng lại không còn hiệu lực để người nói có thể thực thi. Đó đơn giản là luồng ý kiến tham khảo, đọc-nghe cho biết. Tuy nhiên, dù có cũng đỡ hơn là không có, vẫn có nhiều ý kiến gai góc đánh mạnh vào sự bất công của thể chế và sự góp mặt của các nguyên là lão thành cách mạng/ nguyên là cán bộ cao cấp đã đem lại sức nặng cho các phản biện xã hội.

Tuy nhiên, cũng là chữ Nguyên, nhưng có người cho phép mình nói thật - đối diện với chính gốc rễ xã hội - chính trị mà họ đã nhận ra từ lâu. Tuy nhiên, con số này khá ít, thường là những con người còn có chút lương tâm, lương tri lẫn lý tưởng. Phần còn lại, đều không dám hy sinh nốt 1/3 quyền lực còn lại để nói thật, đối diện thật với thể chế. Một phần vì họ còn muốn giữ chút quyền lực đó để cơ cấu nốt cho con cháu với các mối quan hệ đan xen lợi ích; một phần vì họ tham quyền cố vị - muốn hưởng lộc, ngồi trốc trên với phần lương hưu của chế độ thay vì nói thật khiến cái phần lợi lộc về già đó bị ảnh hưởng. Và họ cũng không đủ sự can đảm để đối diện cái án treo “phản đảng, suy thoái” khi về nhà.

Và thế là phần đông áp đảo những người đã-đang phục vụ trong công quyền hoặc đã về hưu vẫn ngày đêm tìm cách “ngậm miệng ăn tiền”, vẫn không muốn nhìn, chỉ và nói ra cái sự thật về thể chế XHCN. Họ vẫn cần mẫn vun vén tiền bạc, của cải cho mình, cho gia đình, người thân trước sự làm ngơ của thể chế, họ làm thế đơn giản vì thể chế đã tạo điều kiện cho chính họ và họ không được phép đi ngược đường. Họ không được phép làm bất cứ điều gì tổn hại đến sự tồn tại của thể chế, vì khi làm như vậy, họ cũng trực tiếp đánh vào mối quan hệ cộng sinh ấy, đánh trực tiếp vào quyền lợi mà họ được thể chế cho thụ hưởng, sự thụ hưởng chỉ dành cho một nhóm người... Và tất nhiên, sự thụ hưởng đó, quyền lợi đó, nhóm người đó không đem lại giá trị cho sự đi lên của toàn xã hội.

Há miệng mắc quai

Chữ Nguyên có giá trị kinh hồn đến thế. Nhưng có một số người khi chưa đến Nguyên đã dám nói thẳng - nói thật về các vấn đề do thể chế nảy sinh. Ngoài một vài ngôi sao hiếm hoi, đơn lẻ như ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thì còn có ông Nguyễn Bá Thanh (đương chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương).

Ông Thanh có rất nhiều lần đối thoại thẳng - thật với dân, cán bộ và được lòng không ít dân Quảng Nam - Đà Nẵng (gần đây lan rộng ra cả nước do báo đài thông tin). Và trong lần phát biểu trước 4.500 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên toàn thành phố: “Đưa con, đưa cháu, đưa rể, đưa dâu vô cơ quan. May ông này không làm cấp cao nhà nước, chứ không ổng đưa cả họ vô thì chết...” đã làm râm ran dư luận, bầu xã hội như được hôm nóng. Ông được nhiều người nâng lên thành Thánh/Idol.

Chuyện cũng chẳng có gì, nếu như mới đây, người con trai của ông là Nguyễn Bá Cảnh (1983) được đưa BCH Đảng Bộ Tp. Đà Nẵng chỉ sau 1 năm làm Bí thư Đoàn thành phố.

Câu chuyện này một lần nữa làm lao xao dư luận, có người phản đối cho rằng COCC, là con vua lại được làm vua, là thái tử đỏ. Nhưng có người ủng hộ vì nghĩ rằng, do cả hội đồng đồng ý phê duyệt/ hổ phụ sẽ sinh hổ tử/ COCC mà được đào tạo bài bản ở phương Tây thì ít nhiều cũng hấp thụ tinh hoa Âu, Mỹ, sẽ thổi lồi gió mới cho đất nước/ ở Mỹ cũng Bush cha, Bush con đấy thôi...

Tôi thấy niềm tin không chịu đóng thuế, nên ai tin thì cứ để họ tin. Còn với tôi, tôi nghĩ rằng, cái thể chế mới là cái vấn đề của mọi vấn đề hiện tại. Trong một thể chế với đầy cạm bẫy, mật ngọt quyền lực thì con người dễ thoái hóa lý tưởng vì nước - vì dân. Thể chế XHCN dễ khiến cho người có tâm có tầm dễ chột lụi, thay vì đó vấn nạn cơ cấu, đề cử, bầu cử với kết quả trước ngày một tinh vi hơn/ khéo léo hơn. Cái thể chế đó đã triệt tiêu cái hấp thụ tinh hoa phương tiêu như ở Singapore, hổ phụ sinh hổ tử hay một Bush con như ở Mỹ.

Thể chế biến người tài và tâm lẫn tầm thành người con người biết luồn cúi, nịnh bợ và dối trá. Nó không chừa ai, kể cả các vị học ở trong nước lẫn du học từ bên ngoài về. Đó cũng là lý do vì sao ¾ những thí sinh đạt giải Olympic sau khi đi du học thì đã định cư thay vì về lại quê hương phục vụ Tổ Quốc. Trừ phi họ về và được cơ cấu vào các chức vị nào đó đảm bảo có lương + lậu và quyền. Vị trí giúp họ được thể chế dung dưỡng với các mối quan hệ dây mơ rễ má, và họ giúp thể chế tiếp tục tồn tại vì nó đang dung dưỡng họ và những người thân của họ.

Do đó, mới nảy sinh ra chuyện buồn cười ở trên, ngoài ra, khi ông Thanh lên chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông đã nổ phát súng: “Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều.” Nhưng vấn đề ông lại nằm trong số đó, cái cơ chế mà ông đã luồn cúi phục vụ, nó đã dung dưỡng ông - và ông cũng đồng ý nó dung dưỡng con ông, thì làm sao ông có thể bắt, hốt nhốt ai được?

Vì thế, ông Nguyễn Bá Thanh mới “há miệng mắc quai”, trường hợp ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với “quyết tâm chống tham nhũng” cũng chả khác gì mấy.

Vậy nên, muốn tránh há miệng mắc quai thì tốt nhất, nên về lại chữ Nguyên. Còn nếu muốn được nói thẳng - nói thật mà không muốn chờ đến chữ Nguyên thì tốt nhất hãy đứng trực diện - đấu tranh với chính bản thân mình trước sức ì, và sự lôi kéo ngọt ngào của thể chế. Chứ không vì Đại hội Đảng kỳ sắp tới, hay vì muốn leo cao chức vụ mà giở thủ đoạn mị dân, PR chính trị thông qua những lời nói “đanh thép” trước dân, trước truyền thông thì... sớm muộn gì cũng ê mặt, dân lại được dịp cười chê.

Thật vậy!

Thế nên, hãy là chữ NGUYÊN khi còn ĐƯƠNG CHỨC, và hãy SỐNG THẬT - NÓI THẬT khi là chữ NGUYÊN. 

Còn không làm được vậy, thì hãy theo lời khuyên của ông Trần Xuân Giá. Âu lại hay! Lại tốt! Tránh được cả Nguyên lẫn cả bệnh “há miệng mắc quai”. 



_________________________________________
- Gốc: là Đảng cử dân bầu, là TW, là thể chế XHCN. Là bản chất thực sự và riêng biệt của chế độ XHCN. 

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. 

- PR chính trị: Là thể hiện mình có tâm với đất nước, trong sạch, liêm khiết, nói chuyện đạo đức trước dân mà sau lưng thể hiện ngược lại. Hiện tại, ông Đinh La Thăng có vẻ đang đi vào con đường đó. Trước đó có ông Sầm Đức Xương (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang); Trần Văn Truyền (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ)...

- Ông Trần Xuân Giá (Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong lần trả lời báo Vietnamnet đã chia sẻ lời khuyên con mình: 1. Không theo chính trị; 2. Không làm việc trong hệ thống nhà nước; 3. Không làm ông chủ. Hãy làm thuê mà sống. 


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo