Stalin muôn năm! - Dân Làm Báo

Stalin muôn năm!

Pëllumb Kulla - Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Báo luôn luôn về làng Gollokamie muộn một ngày. Người ta đồn Stalin lâm trọng bệnh, nhưng chẳng ai dám đề cập đến cái chết chung cuộc của ông. Mọi người đều tin chắc ông sẽ đi đứng trở lại bình thường và thoát chết một lần nữa.

Đàn ông ở làng tập trung tại hội trường trường học. Ông tôi ngồi ở trên hàng ghế đầu. Dù già cả, ông vẫn phải đứng lên khi Rako Baruti và người đàn ông từ thành phố bước vào phòng. Đại biểu này được Đảng cử xuống đã đi ô tô suốt từ tận thủ đô về làng để khích lệ mọi người trong những ngày rất đau buồn này cho tất cả mọi người Albania. Vị khách ném chiếc cặp đen lên bàn, và nói to lên trong lúc vẫn còn đứng rằng bọn địa chủ đừng mơ tưởng viển vông vào cái chết của nhà lãnh tụ Xô viết vĩ đại.

Như thường lệ, ngay khi ai đấy thốt ra từ "địa chủ", ánh mắt mọi người từ khắp nơi đều đổ dồn về hướng Maqo Bezhani, người mà, sau này họ biết ra, chỉ mới vừa nghe bệnh tình của Stalin ở trong buổi họp. Địa chủ Maqo cúi mặt xuống và nhìn đăm đăm vào mũi giày của mình.

Đồng chí từ thủ đô đến nhắc nhở mọi người bè lũ phản động trên thế giới đang háo hức chờ Stalin chết để bọn chúng cuối cùng thâu tóm cả thế giới trong tay. Trong lúc ấy Maqo Bezhani, đại biểu Quốc tế Phản động duy nhất của Gollokamie, chưa kịp thở lại bình thường.

Để nhấn mạnh hơn điểm quan trọng này trong bài phát biểu của mình, đại biểu ho đúng điệu để hắng giọng, và nói tiếp:

"Những ngày này trên khắp cả nước Albania tràn ngập những cuộc mít tinh và tuần hành. Những lời chúc mau lành bệnh thân thương nhất từ nước bạn bè nhỏ bé này đang bay về hướng Mạc tư khoa, nơi Stalin vĩ đại đang nằm đau đớn trên giường bệnh. Trẻ em, người già và tất cả những người khác, đều sẵn sàng cho lãnh tụ anh minh những năm của đời mình. Vâng, những năm còn lại của cuộc đời họ! Nhân dân trên khắp cả nước đang viết thư cho ông. Nhưng lá thư và điện tín này đều có ý nghĩa thực sự, chứ không phải sáo rỗng! Chẳng hạn họ viết rằng "Chúng tôi, dân làng nào đó, cho lãnh tụ vĩ đại bao nhiêu năm cuộc đời!" Hiển nhiên đây chỉ là một hành động tượng trưng. Đây chỉ là sự khích lệ tinh thần, sự bày tỏ tình cảm... Đừng nên hiểu sai rằng những năm đã cho ấy sẽ sẽ không bị mất đi; chúng sẽ được tính vào tương lai của hợp tác xã của bà con, tương lai của làng hợp tác xã cộng sản!"

Rồi, lấy từ trong cặp ra tờ giấy trắng, ông nói tiếp:

"Vậy làng Gollokamie ta sẽ tham gia đợt vận động này chứ?"

Một hồi lâu chẳng ai nói lời nào.

"Chúng tôi không hiểu thật sự ông muốn gì ở chúng tôi," Bobo Rredhi, người mập mạp ngồi kế bên ông tôi, hơi nhỏm người lên nhưng tấm thân đồ sộ của ông vẫn dính chặc vào ghế, nói. Rako Baruti, chủ tịch Hội đồng Nhân dân làng Gollokamie, cố gắng bày tỏ rất rõ ràng:

"Chúng ta phải cho những năm của cuộc đời chúng ta để Stalin có thể sống thọ hơn!"

Lần này, mọi người đều nghe to và rõ ràng lời ông ta nói. Họ hiểu đúng, đó chỉ là biểu hiện của hy vọng, sự thể hiện tình cảm, thể hiện lòng trung thành, và là lời cầu nguyện Chúa." Tôi sẽ xung phong đầu tiên," Chủ tịch Rako Baruti nói. " Tôi cho Stalin hai mươi năm đời tôi!"

Mọi người hiện diện bất ngờ vỗ tay hoan hô trong lúc đồng chí từ thủ đô đến ghi tên của Rako Baruti và số năm ông ta cho Stalin ở đầu danh sách."

"Tôi cũng vậy! Tôi cho hai mươi năm!" Bobo từ chỗ ngồi nói thật to."Kèm theo lời cầu chúc của tôi!"

Rako Baruti nhìn ông ta với vẻ rất không hài lòng, và mọi người hiểu rằng họ không nên tranh đua về sự hào phóng với đồng chí chủ tịch. Kế tiếp, một người ở những hàng ghế sau chỉ cho Người đau khổ vĩ đại của nước Nga tám năm và kẻ hà tiện ấy đã khiến cho cả hội trường ghê tởm

"Tôi cho Stalin mười năm của đời tôi, ước gì ông ấy sống mười năm này trong ánh sáng!" Sejmi nói.

"Ngày trước tôi đã sung sướng hiến dâng toàn bộ đất đai và gia súc cho hợp tác xã này," ông nói tiếp." Bây giờ cũng với tất cả nhiệt tình ấy tôi cho Stalin mười năm trong cuộc đời còn lại của tôi. Thật sự mà nói, tôi sẵn sàng chết cho ông ấy ngay tại đây, ngay tại chỗ này... Ngay trước mắt bà con!"

Khi số năm làng Gollokamie cho đã lên đến tổng cộng độ một ngàn một trăm năm, địa chủ Maqo Bezhani đứng lên nói: "Hãy ghi cho tôi hai mươi năm!"

Cả phòng chợt im lặng như tờ. Tưởng chừng như sét đánh ngang tai chính ngay lúc đó, dân làng còn ít sửng sờ hơn là khi nghe những lời nói ấy.

"Chúng tôi không cần những năm đê tiện của ông," Rako Baruti trả lời một cách khinh bỉ. Rồi ông quay sang đại biểu nói thầm lý do vì sao không nhận.

Thái độ của Rako thật đáng khinh, nhưng Maqo muốn cho những năm của đời mình cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Nhiều người có cùng ý kiến với chủ tịch. Nhưng chẳng bao lâu trong phòng có nhiều tiếng nói bất mãn biểu lộ giận dữ. Nói thay cho nhóm này, một người ở hàng ghế sau vạch ra rằng thật là một chủ trương hết sức ngu xuẩn khi chấp nhận những năm cuộc đời của bần nông nhưng lại không nhận những năm cuộc đời của bọn địa chủ giàu có. Nếu cứ làm theo cách của Rako, chẳng mấy chốc người nghèo nằm chật hết đất nghĩa địa còn bọn địa chủ giàu có tiếp tục sống nhởn nhơ chờ cho đến lúc bọn chúng lấy lại toàn bộ đất đai. Kẻ bất mãn ấy chưa kịp nói hết câu thì hàng chục người tức giận la hắn:" Câm miệng lại, đồ ngu! Đây chỉ là tượng trưng!"

"Tượng trưng, hiểu chưa? Chẳng lẽ ông tưởng cho thật à?"

Trong lúc ấy, địa chủ Maqo nhất định không ngồi xuống trừ phi họ phải giải thích cho ông biết lý do họ đã bác bỏ những năm đời của ông.

"Vậy tại sao ông không chấp nhận những năm của tôi?"

'Vì chúng tôi không cần chúng!" Rako đáp mà thậm chí chẳng nhìn về hướng ông.

"Như vậy tại sao ông bắt tôi đến đây làm quái gì?" Maqo tức giận hỏi lại.

"Khi làng nhóm họp, ông cũng phải tham dự. Còn những năm của ông, đồng chí Stalin chẳng thèm dùng đến!"

Maqo đứng lên, sắn sàng rời khỏi phòng, nhưng Rako chặn ông lại.

"Ngồi xuống! Ở lại đây mà xem đồng bào của ông không ngần ngại gì hy sinh những năm tháng cuộc đời họ cho Stalin!"

Rồi phát biểu với đám đông, Rako nói tiếp:

"Nhanh lên nào bà con, giờ chúng ta hãy nghe lớp trẻ nói! Đến lượt họ!"

Địa chủ Maqo ngồi xuống. Đám trẻ hơn thực sự chứng tỏ cho ông ta thấy họ nhiệt tình hăng hái như thế nào. Người thì dũng cảm cho mười năm, kẻ thì cho mười lăm năm vân vân. Không có ai trong họ "ngần ngại gì". Trong khi ấy, ông tôi cho tới lúc đó vẫn không thốt ra một lời nào. Ông đang mải cố gắng tính nhẩm trong đầu tất cả số năm cuộc đời mà dân làng đã dâng lên Người vĩ đại nhất của nước Nga. Nhưng đối với Rako sự im lặng của ông tôi đáng lưu ý.

"Còn bác thì sao, bác Melis?" ông nói."Chúng tôi đang chờ nghe bác nói đấy! Chắc bác biết mọi người kỳ vọng nhiều ở gia đình bác? Vào thời chiến tranh, bác quay lưng lại với phong trào giải phóng và cũng chẳng góp chút công sức nào! Bây giờ hòa bình rồi, ít ra bác cũng cho gì đi chứ."

Ông tôi ngập ngừng trước khi trả lời:

"Ông muốn tôi làm gì?" ông cuối cùng hỏi.

"Bác sẽ cho Stalin bao nhiêu năm trong cuộc đời còn lại của bác?"

Ông già nhún đôi vai chín mươi tuổi với vẻ lo lắng.

"Ông muốn tôi cho ông ta bao nhiêu? Tôi không biết còn sống bao lâu nữa. "Ông muốn tôi chỉ đoán đại cho xong chăng?"

"Cụ cứ đóng góp phần của mình," đại biểu của Đảng từ thủ đô đến gợi ý. " Hãy biểu lộ sự đoàn kết!"

Ông tôi nghĩ trước tiên toàn bộ chuyện này thật là hết sức ngu ngốc. Nhưng ông không muốn làm ai tức giận.

"Vậy một trăm năm được không? Ông thấy thế nào?"

Rako nhảy đựng lên.

"Nói chuyện vô lý quá! Bác lấy ra đâu một trăm năm nữa? Bác năm nay chín mươi! Gần xuống lỗ rồi!"

"Thì, ông thấy đấy, tôi đâu biết sống bao năm nữa..."

Ông muốn ngồi xuống nhưng Rako không cho ông ngồi.

"Bác đoán thử! Cố lên đi chứ, bác Melis!"

"Mười hai năm!" ông già nói.

Dân làng bắt đầu tranh cãi về số năm hợp lý ông tôi may ra có thể còn sống. Còn ông già chẳng bận tâm gì trước chuyện cãi nhau này. Ông tôi chỉ đứng đấy, nghiêng người một cách căng thẳng sang bên phải và bên trái để cung cấp thông tin cần thiết về mình cho tất cả những ai muốn biết để họ cố đoán xem bao lâu nữa ông sẽ qua đời và từ giã họ. Mùa đông vừa qua đối với ông là một mùa đông thử thách và từ dạo đấy sức khỏe ông suy sụp rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người tin bác Melis sẽ vượt qua được và sống đến trăm tuổi. Những người khác đánh cuộc rằng, vì ông không còn ăn uống lành mạnh như ngày xưa, lâu nhất hai mùa đông như mùa đông này ông sẽ lên bàn thờ ngồi.

Họ hỏi người ông đáng thương của tôi dồn dập:

"Bác Melis, trong đời bác bác có hút thuốc nhiều không?"

"Không bao giờ!"

"Bệnh thấp khớp của bác giờ sao rồi?"

"Hễ trời sắp mưa là mình mẩy lại đau nhức."

Mọi người lắc đầu nhún vai.

"Bác Melis, Vậy cuối cùng bác cho bao nhiêu? Bao nhiêu năm cho Stalin?"

"Mười hai năm."

Rako giận dữ đấm tay xuống bàn.

"Bác nên nghiêm túc nếu không, nhân danh lý tưởng cộng sản, tôi sẽ... Bác đang nói về "mười hai năm" nào? Bác đang mê sảng hay sao?"

Ông tôi cuối cùng hết còn nhẫn nhục nỗi. Mọi người quanh ông tranh cãi om sòm đến mức ông ông quay sang họ trước tiên:

"Mấy người im miệng lại được chưa?"

Rồi ông quay về hướng bục và phát biểu với những người đang chủ trì cuộc họp.

"Quý vị quan chức làm ơn ra lệnh cho tôi sống được bao lâu để tôi còn biết mà nói chứ? Nếu các ông quyết định tôi còn sống được mười năm nữa, tôi sẽ cho Stalin năm năm. Còn nếu các ông nói tôi sống chỉ thêm được hai năm thôi, tôi sẽ cho ông ta một năm!"

Dân làng lẳng lặng lắng nghe người ông nhân hậu của tôi khi ông đang tức giận.

"Cho ông ta hết, thì tôi chẳng còn gì. Nhưng nếu tôi không cho gì, thì các ông lại xỉa xói vào mặt. Trời đất nào chịu nỗi!"

Rako và đại biểu từ thủ đô đến ghé tai vào nhau thì thầm thảo luận một hồi lâu xem ông tôi còn sống được bao lâu. Cuối cùng, đại biểu nói:

"Bác Melis, cho bao nhiêu cũng được mà... cho tượng trưng thôi bác. Bác nói đúng. Đôi lúc đồng chí Rako phản ứng quá đáng."

Mọi người nín thở, chờ nghe ông tôi trả lời.

"Hai tuần!" ông già nói xong rồi ngồi xuống.

Dân làng lắc đầu. Rako nhìn ông với vẻ rất không hài lòng và nói lẩm bẩm gì đấy vẻ khó chịu. Tuy nhiên, đại biểu từ thành phố đến thì nghĩ cho ít ỏi như thế cũng hào phóng rồi liền ghi xuống cho ông tôi hai tuần. Tối hôm ấy ông tôi mất. Ông mất vào ngày sáu tháng Ba, năm một ngàn chín trăm năm mươi ba.

Stalin chết vào ngày hôm trước. Nhưng báo luôn luôn về làng Gollokamie muộn một ngày.


Pëllumb Kulla là nhà văn Albania.

Nguồn:

Từ tác phẩm "The Storks Won't Be Back Again", nhà xuất bản Arberia, Tirana 2003, Era Makoci dịch sang tiếng Anh.

Truyện được đăng lại trên blog Eastern European Messenger 4/12/2009.



Bản tiếng Việt:





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo