Tại sao không thể cho phá sản các ngân hàng ở VN? - Dân Làm Báo

Tại sao không thể cho phá sản các ngân hàng ở VN?


Thủ tướng và chủ trương rất “dũng” và “cảm”...

Hệ thống gần 40 các NHTM VN năm 2014 đang có nạn dịch ung thư nợ xấu từ nhiều năm nay mà đợt sát nhập các NH yếu kém dạng “ép hôn” với các NH chưa yếu kém” do NHNN đạo diễn “chủ hôn” 2-3 năm nay vẫn chưa “dập” được dịch, dẫn đến những cái chết “tiền lâm sàng” của một số ngân hàng lớn như Agribank và nhỏ như NH Xây dựng...

Hơn thế nữa, nạn dịch đó còn bùng phát trong số các NH “hùng mạnh” lâu nay “nổi danh” với bao nhiêu “danh hiệu và giải thưởng quốc tế” như nhóm 8 NH: Vietinbank, Vietcombank, ACB, Military Bank, Eximbank, BIDV và SHB, cùng Agribank tạo nên Nhóm G(8+1) nổi danh...

Trong tình hình đó Thủ tướng đã “sáng suốt” ra chủ trương rất “dũng” và “cảm” là cho phá sản các NHTM yếu kém. Chủ trương rất “dũng” thì rõ rồi, vì đó là lời Thủ tướng, còn “cảm” (sốt) là vì: việc đó có luật điều tiết chứ, sao lại phải có chủ trương? Nền kinh tế này hóa ra không hoạt động theo luật, mà theo chủ trương thôi ư?

Thế mà, sự “sáng suốt” vừa “dũng” vừa “cảm” đó lại không khả thi, vì mấy nguyên nhân cộm cán sau:

Luật phá sản hay Luật cấm phá sản?

Dù VN đã có Luật phá sản doanh nghiệp (DN) từ lâu, nhưng trong suốt những năm qua mới chỉ có khoảng trên 100 DN phá sản theo luật, trong khi mỗi năm có hàng trăm ngàn DN chết lâm sàng hay “biến mất”... tức là chết không được chôn. Tại sao vậy?

Nguyên nhân đầu tiên là Luật phá sản chí có tác dụng cấm cản phá sản, và trên phương diện đó nó đã rất thành công, xứng đáng được cả thế giới đến VN học hỏi – vì ít DN phá sản tức các DN đều phát triển tốt, kinh tế lành mạnh XHCN!

Với 9 chương và gần 100 điều khoản, Luật phá sản đã dựng lên vô số rào cản và hù dọa thành công (bằng luật hình sự) để những người muốn bảo vệ quyền lợi của mình bằng biện pháp cuối cùng bất đắc dĩ là kiện DN phá sản phải phá sản ý định dùng luật phá sản bảo vệ quyền lợi của mình. Nó, Luật phá sản của VN, cũng thành công trong việc đẩy hoàn toàn hệ thống Tòa án các cấp tỉnh, huyện về phía DN và bảo vệ sự tồn tại của nó, bất cần sự tồn tại đó có lành mạnh cho nền kinh tế hay không.

Nền kinh tế hầu như không có DN phá sản, như là cơ thể không có bài tiết tự nhiên (không đại tiểu tiện) và càng không có phẫu thuật cắt các khối u ung thư di căn?! Nhưng đó chính là hình ảnh “đẹp thơm nhất thế giới” của nền kinh tế Việt Nam hôm nay!

Đối với chủ trương “dũng và cảm” của ông Thủ cũng thế, lấy ai dũng cảm đứng ra nộp đơn phá sản cho các NHTM đã và đang chết đây, và có đủ lực và dũng cảm nhiều hơn nữa để đi qua rừng thủ tục phá sản mà Luật phá sản do chính VPCP của Thủ đã đệ lên cho QH “gật qua”?! Khó! Quá khó! Đó là lý do thứ nhất.

Chính phủ đã đẩy các NHTM đến bệnh dịch ung thư vô phương cứu chữa

Trong khoảng 5-7 năm trở lại đây có ba “chính sánh lớn” để siết chặt và củng cố chất lượng hệ thống NHTM thì hậu quả của cả ba chính sách đó để lại hiện nay làm cho chủ trương “cắt khối u” tức “cho phép” phá sản NHTM trở nên bất khả thi. Nói cách khác, không NHTM nào sẽ được chết, vì nếu thế thì chúng sẽ chết hàng loạt và cả hệ thống mất, tức cả nền kinh tế...

Đó là...

Thứ nhất, chính sách tăng vốn Điều lệ bắt buộc... buộc NH phạm luật

Đã là chính sách thì phải khả thi, và muốn biết có khả thi thì phải khả kiểm. Đầu tiên, chính phủ bắt buộc các NHTM phải có vốn góp trên 1,000 tỷ. Đó là chính sách khả thi, nhưng khả thi rất khó khăn (đã đến giới hạn của các NH và xã hội nếu đó là góp tiền tươi thóc thật...), nhưng các NHTM lại đã hết sức cố gắng và hầu như vượt qua hết, bằng mọi cách, mọi giá..., 

Nhưng chính phủ lại không có kiểm tra sâu sát việc thực thi lệnh đó của các NH, xem họ làm nó ra sao, đúng hay sai luật, có khó khăn gì, đã hết sức chưa... nên CP tưởng xã hội VN là mỏ vàng ngon ăn. Ngất ngây với thành công đó, chỉ khoảng 1 năm sau chính phủ đã nâng hạn mức vốn huy động của các NHTM lên ngay 3,000 tỷ đồng.

Lần này thì chỉ có khoảng 30-40% số NHTM có đủ sức thực hiện (đó là các NHTM nhà nước và 1-2 ngân hàng CP tư nhân thôi), nhưng không NH nào muốn chết hay bị sát nhập cả. Họ “bắt buộc” phải tăng vốn ảo, bằng nhiều cách, bằng mọi cách. Và hầu như tất cả cũng đã “đạt yêu cầu CP”...

Ví dụ, một ông bạn tôi có chân trong HĐQT một NHTM CP “nhớn”, có cổ đông là cả tư nhân và các tập đoàn nhà nước như Bảo Việt và tập đoàn NN mà ông bạn tôi là đại diện, đã thật thà tâm sự như sau: "Lấy chó tiền đâu mà nâng vốn “đùng một cái” từ 1,000 tỷ lên 3,000 tỷ! Vẽ cũng không kịp, vì đó là kế hoạch 5 năm, có khi 10 năm của NH, vì vừa mới cố chết nâng vốn lên 1,000 tỷ xong. Thế nên chúng nó – HĐQT NH - đi học các NH khác, chia và giao trách nhiệm cho các cổ đông chính tự nâng vốn của mình lên theo tỷ lệ “được chia” sao cho tổng vốn mới nâng thêm là 2,000 tỷ, ảo! Ví dụ, tập đoàn tớ đã góp 100 tỷ giữ 10% vốn điều lệ NH thì sẽ cử một công ty con đứng ra vay NH 200 tỷ “để kinh doanh”, rồi công ty con đó phải nộp lại ngay cho tập đoàn, rồi tập đoàn “góp vốn bổ sung nâng vốn” vào NH. Bằng cách đó, hàng loạt công ty “khách hàng” khác của các cổ đông khác cũng được chỉ định đứng ra “vay kinh doanh” rồi nộp “góp vốn” lại NH, các cổ đông tư nhân cũng thế - được chỉ định người nhà đứng ra “vay kinh doanh-góp vốn” như thế. Bằng cách đó chúng tớ vẫn giữ nguyên 10% cổ phần NH nay đã có vốn 3,000tỷ mà chả có thêm đồng nào, chỉ ôm thêm một khối nợ ngoài ý muốn và chưa biết bao giờ mới trả được...” Tôi thắc mắc: “Thế người ta không kiểm tra cách các ông lấy tiền đâu ra mà nâng vốn nhanh như... thánh thế à?” “Có chứ, nó kiểm tra sổ sách ở NH thôi, còn các công ty mới góp vốn nó không kiểm tra. Nó thừa biết mẹo lừa vặt của bọn tao, vì hầu như NH nào cũng phải làm thế, nên bọn tao chỉ cần “lót tay” chúng nó – bọn thanh tra NHNN ấy mỗi thàng một phong bì khoảng chục ngàn đô với ba bữa đi nhậu tới bến, là xong!”...

Tóm lại, chính sách tăng vốn điều lệ NHTM bất chấp khả năng thật của thị trường vốn cho NH của chính phủ đã đẩy các NHTM "bắt buộc" phạm luật vì góp vốn ảo và ôm một đống nợ thật cùng hai hệ thống sổ sách đều... "thật" để theo dõi!

Thứ hai, chính sách nới lỏng hạn mức huy động vốn tín dụng lên 20 lần

Chính sách nới lỏng hạn mức huy động vốn tín dụng lên 20 lần của chính phủ cho các NHTM (từ mức trước đó là 14?) đã giúp các NHTM “phóng tay” cho vay, nhất là cho vay BĐS, vì sợ “dư tiền”, cho DNVVN vay kinh doanh thì “mệt” và đòi lâu, khó đòi... và thành tích tổng tín dụng kém.

Đối tác hàng đầu mà các NHTM “phóng tay” cho vay là chính các cổ đông đã “có công” góp vốn tăng lên 3,000 tỷ, và họ cần thêm vốn để kinh doanh kiếm lời để... nộp vốn thật! Thế là các NHTM hàng 5-7 năm qua đều rất nhàn nhã với hai nhóm khách hàng đó (BĐS và các DN tay trong) mà tăng trưởng tín dụng cao, lợi nhuận cao, lương khủng... cho đến khi các khoản phóng tay cho vay đó nhiều khoản sẽ không bao giờ trở về! Và đó là tình trạng nợ xấu của các NHTM hiện nay.

Đặc điểm chung và xấu của nợ xấu của các NHTM và NHĐT ở VN hiện nay là người cho vay và người vay thường là thân quen, ràng buộc với nhau, hay thậm chí là cùng một chủ, cùng một nhóm chủ đi vay và cho vay đó, còn tiền dùng “tạo nên nợ xấu” là huy động từ dân đen...

Vì thế nợ xấu ở VN đều là cực xấu - người cho vay không muốn đòi và kẻ đi vay không hề muốn trả! Kể cả khi NH cho vay phải phá sản họ cũng vẫn “toàn thắng”...

Thứ ba, chính sách luôn ứng cứu, ép sát nhập các NHTM yếu kém

Chính sách luôn ứng cứu, ép sát nhập các NHTM yếu kém của chính phủ VN những năm qua do NHNN đạo diễn, tạo ra thông lệ và thói quen là các NH khó khăn sẽ được ứng cứu bằng tiền chính phủ.

Tại sao chính phủ luôn làm vậy? Bởi vì trong số cổ đông của tất cả các NHTM CP của VN đều có các công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước và các nhóm lợi ích của các thế lực trong đảng, chính phủ, quân đội, công an... nên chúng đều không thể chết. Nếu chúng lỡ bị “yếu kém” thì NHNN sẽ ép các NHTM chưa yếu kém khác hành đơc, sát nhập... làm thành các cuộc ép duyên triền miên, nếu không thì... tất cả chúng ta cũng chết! Nếu các NHTM khác không cứu nổi thì chính NHNN sẽ phải cứu, bằng tiền chính phủ in ra...

Tóm lại, lợi ích của chính phủ và NHNN là trong việc ứng cứu các NH yếu kém, không phải để cho chúng phá sản, cho nên chúng càng không thể phá sản!

Cái kết... bị kẹt không muốn nói ra!

Cuối cùng thì ai sẽ phải phá sản ở đây? Dân đen thôi. Vì nếu có vượt qua rừng luật cấm phá sản thì các NH cũng sẽ phải lộ ra hai hệ thống sổ sách phạm pháp “thực” của mình với những đống vốn ảo, cổ đông ảo và con nợ ảo...

Rồi vì phá sản, phải phơi ra hết các “khách hàng thân hữu” là chính cad cổ đông ngân hàng và các nhóm lợi ích trong chính phủ, đảng, quân dội, công an...

Và hơn nữa, một NHTM chết thật sẽ kéo chùm các NH khác phải chết, vì chả lẽ NH của công an lại chết mà nhân hàng quân đội không sao? Chả lẽ ngân hàng của nhóm lợi ích trong chính phủ đổ bể mà nhân hàng của đảng không chịu sứt mẻ gì?

Thôi thì chúng ta cũng sống, để “nhân dân Việt Nam dũng cảm” chịu chết vậy!

Sao thủ tướng không huỵch toẹt ra là đảng và chính phủ luôn luôn có chủ trương cho phép toàn dân đen tự do phá sản nhỉ?! Chứ các NH thì “cho phép phá sản” làm sao được, vì chúng còn phải cùng chính phủ phục vụ nhân dân tiếp nữa chứ?! 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo