Nguyên Thạch (Danlambao) - Tuy còn sống nhưng tôi luôn có cảm nhận rằng mình như một hồn ma bên lề cuộc đời, đôi khi tôi muốn nhập cuộc nhưng đời sống này lại không chấp nhận những con ma không ma mãnh như tôi. Nhiều khi tôi ước ao được rời khỏi cảnh khổ não muộn phiền này để được ngàn thu về nơi miên viễn thanh tịnh nhưng có thể nơi ấy cũng sẽ không chấp nhận những con người mà lại có tâm hồn của loài ma như tôi, bởi vậy những con người ma như thế này đành phải bị kẹt cứng trong bối cảnh của một xã hội được mệnh danh một cách phổ quát là Xuống Hàng Chó Ngựa.
Một xã hội mà mọi giá trị của nhân văn, đạo lý, tri thức và sự tự do căn bản của con người đều bị từ khước một cách thiển cận cùng sự cực kỳ thô bạo của nó. Một xã hội mà hầu hết thành viên thuộc cơ chế cầm quyền đều biến thể từ người thành con, những con thú dữ dằn hung bạo sẵn sàng ăn tươi nuốt sống đối thủ của mình một cách thản nhiên cho dẫu rằng những con mồi yếu ớt không nanh vuốt và bất cân bằng về thể lực.
Tập quần mãnh thú này tuy không nhiều và nếu tính theo số lượng thì cũng chẳng là bao nhưng sự rình mò cùng tiếng tru gầm của chúng khiến cả 90 triệu con trâu ngu ngơ phải khiếp vía để rồi chỉ biết thoát chạy để giữ lấy sự sống của riêng mình mà không thể có được mối liên kết hợp quần với khối sừng nhọn cùng sức mạnh vốn có để đối chọi lại với thiểu số nhỏ nhoi kia. Và cứ thế theo dòng trôi, những con trâu hữu dõng vô mưu này dần dà hao mòn theo năm tháng để vỗ béo những con mãnh thú ngày càng thêm đông đảo và lớn mạnh.
Trong cuộc sống có lắm cuộc giao tiếp và quan hệ, nhiều người thường có cảm nhận và bộc lộ với tôi rằng với một người có tâm tư sáng suốt cùng tấm lòng nhân hậu, tôi có thể có được sự phản ứng nhạy bén, mẫn cảm của một nhà chính trị hay là một người lãnh đạo xứng tầm, hoặc giả nếu trong quân đội, tôi sẽ là một tướng lãnh cương nghị. Nói về mình là những điều không hay và sẽ dễ bị nhận lại sự phản cảm, nhất là nói về những ưu điểm cá nhân nhưng tôi lại muốn xác định cái bản ngã của mình là tôi rất khinh thường những hàng lãnh đạo đần độn, hèn hạ và tham lam luôn đặt vị thế cá nhân của mình trên các vị thông minh tài ba khác về các sách lược quốc kế dân an và xem trọng tiền tài vật chất hơn cả tương lai của nhiều thế hệ của một đất nước có những quá trình lịch sử quí giá lâu đời.
Một đất nước mà có quá nhiều người với tâm tư chán nản để rồi từ đó dẫn đến trạng thái thờ ơ bất mãn thì con đường đi lên để phát triển đất nước là những điều viển vông và không tưởng. Một quốc gia mà cướp bóc nhũng nhiễu tràn lan cùng thái độ ngang tàng độc đoán của giới lãnh đạo thì chế độ ấy sẽ đi đến sụp đổ là lẽ đương nhiên.
Tôi vẫn đi bên lề cuộc sống với đầy dẫy những tâm tư ngao ngán cùng sự trăn trở khôn nguôi và tôi tin rằng vô số người cũng cùng mang chung những nỗi niềm ưu tư ấy. Khi nghe tiếng vỗ cánh với âm hưởng khô khan nhưng không kém phần hung bạo của bầy đàn quạ đỏ, khi nhìn ánh mắt của đám kên kên nhơ nhớp bẩn thỉu đang chực chờ một cách thèm thuồng khối thân xác tiều tụy của hơn 90 triệu hình hài đang trong cơn hấp hối tàn hơi để được rút, được rỉa làm tôi cảm thấy đau đớn trong tận cùng của tuyệt vọng.
Cộng sản, bạo lực chuyên chính, côn an, quân đội, cán bộ, đảng viên đã và đang hoành hành trên quê hương tôi một cách dai dẳng và thô bạo, họ thản nhiên, họ vô tâm như bầy thú hoang dã nhằm bảo tồn sự sống của riêng mình, họ se sua, họ tự mãn... mặc cho nỗi đau của đồng loại. Mức độ tàn phá mùa màng của loài côn trùng sâu bọ này vô cùng khủng khiếp khiến nông dân, giới chân lấm tay bùn phải hôm đói sáng lo, trơ dòng nước mắt trên mảnh đất vốn dĩ đã cằn khô. Ngày hôm nay, dưới sự lãnh đạo của một đảng phái chính trị vô trách nhiệm, không ai là không chạnh lòng lo lắng vì thấy rằng tài nguyên quốc gia đã lâm vào cảnh cạn cùng tận tiệt.
Xã hội này sẽ không bao giờ thay đổi, tôi luôn có góc nhìn như vậy bởi lẽ nếu có thì đất nước của chúng ta đã không thê thảm như là hôm nay. Học sinh, Sinh viên, Luật gia, Doanh nhân, Trí thức... Lớp quân nhân với những con tim và chí khí của Trần Quốc Toản, của Hưng Đạo Vương, của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, của bao tiền nhân vị quốc vong thân, để hôm nay chúng ta đành lòng sao quay lưng cúi mặt trước nguy cơ mất trắng sơn hà để muôn dân phải nặng vai è cổ quằn quại dưới ách tròng nô lệ?
Để góp phần cho cuộc thi này, tôi xin được gởi gắm tâm tư của mình qua 2 bài thơ sau đây hầu thúc giục nhau rằng với cơ chế độc tài toàn trị này, chúng ta không còn bất cứ một sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận hy sinh nếu chúng ta không muốn thấy mình hoàn toàn bị mất nước.
Tôi Đã Thấy
Tôi đã thấy những bàn tay gầy yếu
của em thơ và của những cụ già
ngón run run vạch mái lá thò ra
xin trợ giúp những phần quà mì gói.
Tôi chứng kiến... những bà mẹ mang bầu, bụng đói
lặp cặp lạnh run trong tiếng nói vô thần
tôi đã làm những gì có thể làm để chia sẻ với người dân
tình hải ngoại... mối ân cần, xa vạn dặm.
Lũ tràn về miền Trung
gây tang thương lắm
lũ hoành hành
lũ ngập cả trời quê.
Lũ chặn tương lai
lũ chắn cả lối về...
Lũ vô cảm mải mê trong tham vọng.
Tôi đã thấy cũng như tôi đã sống
kiếp nhọc nhằn vô vọng của dân đen
lối tương lai như ngõ tối không đèn
đường nô bộc, dần quen đời trâu ngựa!.
Tôi cũng thấy, nơi thị thành, quán bar, nhà chứa
những thằng tham quan
những đứa lộng hành
bày vẽ cuộc chơi... gái trẻ lầu xanh
còn trẻ lắm, học hành chưa hết lớp.
Khách sạn bốn năm sao, rượu bia choáng ngợp
chúng thi nhau vung vãi đổ trên đầu
đèn phố rực chưng
mờ dấu những vùng sâu
Việt Nam đó, đỏ ngầu con nước cuộn.
Họa thiên tai cứ triền miên giáng xuống
bọn tham quan vẫn ăn uống tiệc tùng
nỗi đau này
nào phải nỗi đau chung!
Dân khốn khổ bần cùng đành gánh chịu.
Bao nghịch lý, muôn vạn điều khó hiểu
đau dân tôi
nước nhược tiểu nhọc nhằn!
Tròng ách trên đầu, khó khăn nối tiếp vạn khó khăn
ngô khoai độn, miếng ăn còn cơ nhọc.
Biến cố tai ương chỉ dân nghèo đùm bọc
chắt chiu san sẻ từng nắm thóc cọng rau
trong khi những thằng quan thì xe xanh, xe đỏ, gái đẹp... kín rào
lộng lẫy biệt thự
mặc niềm đau đồng loại.
Tôi đã thấy cùng muôn ngàn điều muốn nói
đời lang thang, dân đói cả ba miền
uống máu của dân, quan các cấp sống như tiên
vàng thành khối gởi tiền ra ngoại quốc.
Dòng đời trôi, dân nghèo lê chân đất
bọn nhà quan thì no giấc chăn lành
lũ tràn về cuốn thóc lúa lẫn chòi tranh
Việt Nam hỡi!
Trời hành thêm oan nghiệt.
Nghĩa đồng chủng... dẫu tha hương nhưng lòng luôn tha thiết
tình anh em trong nước Việt tang thương
tôi đã thăm, đã nhìn thấy Quê Hương
nên mong đợi... mai con đường Dân Chủ.
Việt Nam ơi bao giờ tan con lũ?.
***
Tiếng hí sa trường
"Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi? " (*)
Ta trót sinh ra làm kiếp ngựa
Nhận nỗi oằn đau... dấu vết hằn
Đồng xanh một dải niềm mơ ước
Cho vơi phận số… kiếp nhọc nhằn
Mắt ta đã bịt theo ý chủ!
Nào thấy chi đâu ở bên đường
Những chuyến xe đời... trong hối hả
Hóa bầy vô cảm... chẳng luyến thương!
Ai khéo bày chi lắm cuộc trần?
Thân ta kéo nặng gánh oằn thân
Khốn khổ... tưởng chừng như đứt ruột
Niềm mơ... mong được chết một lần.
Bên kia góc phố ta nào biết!
Ngát cảnh đồng xanh, cỏ đơm bông
Có tiếng chim ca, lời ríu rít
Vang điệu thanh nhàn, khúc tự do...
Một chiều, ta bỗng nghe tiếng giục
Chiến mã vó câu dặm sa trường
Trên lưng hào khách... đường chinh chiến
Dẫu biết ngày mai chẳng trở về.
Tôi luôn ước mơ và luôn cầu nguyện ở đấng nhiệm mầu vào một thời gian không lâu sẽ hướng dẫn loài người văn minh ở một nơi nào đó trên hành tinh này có đủ trí tuệ và sức mạnh để tiêu diệt được lớp cộng sản hung hãn này để dân nước tôi có cơ hội trở lại thành người theo đúng nghĩa.
(*) Lương Châu Từ - Vương Hàn
_____________________________________
...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 25/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: