Bài thi viết Cộng sản và Tôi: Bà tôi bị chôn sống - Dân Làm Báo

Bài thi viết Cộng sản và Tôi: Bà tôi bị chôn sống

Nguyệt Anh (Danlambao) - Là người ai cũng phải chết, đó là quy luật của thiên nhiên, có những cái chết tựa như lông hồng, ngược lại có những cái chết thật là đau đớn - chết vì bị chôn sống - đó là bà nội tôi.

Bà nội tôi người Phan Rang, về làm dâu dòng họ Lê ở Kim Châu, Bình Định, ông nội tôi mất sớm để lại cho bà hai người con, ba tôi và cô Hồ, bà tôi nổi tiếng, vì đã thắng chính phủ Pháp về mặt pháp lý, chính quyền đô hộ cấm người dân không được phép nấu rượu, đặt quyền này chỉ dành cho người Pháp, nhưng bà tôi không chấp hành luật của nhà cầm quyền đương thời (Việt Nam vẫn còn thuộc địa Pháp trước1954).

Một hôm chính quyền Pháp đến nhà để kiểm tra, bà tôi biết họ đến ngoài cổng, nên đã vội vã đổ tất cả rượu đang nấu xuống nền đất, người Pháp phải đuối lý, vì không có bằng chứng, dù họ đã thấy rượu đổ ra linh láng trong nhà.

Ngược lại Việt Minh biết bà tôi là người có tiền vì có nghề nấu rượu, thường đến nhà vào ban đêm xin tiền ủng hộ. Là người công giáo, bà tôi biết Việt Minh là một hiểm họa cho dân tộc, không bao giờ cho tiền dù một hào. Vì thế bà tôi bị Việt Minh bắt đi lên núi, từ đó không biết sống chết như thế nào. Ba tôi phải xếp bút nghiên đi tìm tung tích của bà nội tôi, nhưng vẫn biệt tăm. Ông bỏ nơi chôn nhau cắt rún - Kim Châu, Bình Định vô Nha Trang trở về trường lớp - dòng Giuse Cầu Đá. Nhưng cái chết của bà tôi đã làm thay đổi cuộc đời ông. 

Năm 1954 đất nước chia đôi, ông đã gia nhập đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Nhu, và là một trong những người đầu tiên hưởng ứng Ấp Chiến Lược của cựu tổng thống Ngô Đình Diệm.

Diên Khánh là nơi ông được phân công nhiệm vụ về chương trình Ấp Chiến Lược. Tại đây ông đã gặp mẹ tôi, 7 chị em chúng tôi đã sinh ra ở Diên Khánh.

Ông biết những ổ nằm vùng của Việt Cộng như trong lòng bàn tay, nắm toàn bộ những gia đình đi tập kết ra Bắc, và những gia đình bị Việt cộng lén về làng ban đêm để xin viện trợ. Nhưng không ai bị đi tù, vì cha mẹ ông bà của họ theo Việt Cộng ra Bắc hoặc leo núi. Ngược lại, ba tôi kết nghĩa chị em với dì hai Toát có chồng đi tập kết ra Bắc để lại hai đứa con trai, họ được đến trường học như những đứa trẻ khác, không có sự phân biệt. Anh Hùng con đầu dì Toát là sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng anh phải đi học cải tạo, sau ngày 30-4-1975, dù anh đã gặp lại cha mình, sau những năm đi theo Cộng Sản, nhưng ông cách mạng này phó thác con mình cho đảng lo, từ đó tôi hiểu thêm về tình phụ tử, giữa người Cộng Sản và người Cộng Hòa không giống nhau, có lẽ vì nền giáo dục và hai chế độ khác nhau. Cuối cùng mẹ anh đã chết sau nhiều lần đi thăm nuôi anh vì bịnh thì ít, mà buồn thì nhiều. 

Tôi biết Việt Cộng ác, nhờ các chàng trai cô gái lần lượt xuống thành phố để tị nạn ban đêm ở nhà tôi, vì họ không muốn mình là nạn nhân của những cái chết vô cớ, hoặc bị bắt lên núi. Tôi đã thấy chị Hay, đầu bị chặt và treo ngược lên cành cây vì tội làm nhân dân tự vệ ở thôn Vườn Trầu.

Ba tôi biết Cộng Sản chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân sẽ đưa đất nước đến bờ vực thẩm, vì thế suốt đời ông luôn tìm cách bảo vệ miền Nam, không để cho Việt Cộng lén về những thôn làng hẻo lánh xa xôi. Ông không những thuyết phục những người có gia đình bị Cộng Sản tuyên truyền, mà còn giúp họ hiểu căn nguyên và nguồn gốc của Cộng Sản. Có nhiều người đã chiêu hồi, không ai bị đem chôn sống dù họ có đặt bom mìn hoặc giết người vô tội. Thầy Andre bề trên dòng Giuse Cầu Đá Nha Trang là họ hàng tôi bị chết vì mìn của Việt Cộng đặt trên đường năm 1974. Dĩ nhiên có nhiều người bị đi tù nhưng phải qua tòa án xét xử. Điển hình là ông Huỳnh Tấn Mẫm sinh viên Y Khoa trước 1975 đi tù vì tội chống chính quyền miền Nam và đốt xe lính Mỹ.

Ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, có để lại một câu nói 'Ngày 30-4 có hàng triệu người vui và cũng có hàng triệu người buồn.' Tôi thấy ông ăn gian về con số và tính từ vui, buồn. Chỉ có kẻ cướp mới vui vì chiếm được chiến lợi phẩm - Miền Nam Việt Nam có chủ quyền theo hiệp định Genève 1954. Ngược lại hàng triệu người miền Nam phải bán sống bán chết để đi tị nạn vào ngày 30-4-1975. Việt Cộng đến đâu, là người dân sợ hãi, bỏ của chạy lấy người như thác đổ. Nếu vui tại sao người dân phải bỏ quê hương ra đi trên con thuyền mong manh giữa biển khơi dù tiếng súng không còn trên quê hương. Vui tại sao có từ BOAT PEOPLE ra đời. Ngược lại ông cố thống Nguyễn văn Thiệu để lại một câu nói: 'Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, hãy nhìn những gì Cộng Sản làm.' Hai cơ chế khác nhau, nên ngôn ngữ không giống nhau. Xin dành cho độc giả đánh giá, ai là người nói chính xác khi nhìn thực trạng đất nước hôm nay.

Tại sao chúng ta biết nguyên nhân đến từ đâu? Và hậu quả là con cháu chúng ta nhận lãnh - trước mắt là đạo đức bị suy đồi, chủ quyền của quốc gia bị cắt xén. Thử hỏi ai là người giúp chúng ta tránh cái hậu quả này. Chẳng lẽ kêu trời giúp. Tôi tin rằng Trời không giúp chúng ta, vì Trời đã ban cho ta bộ óc và con tim. Chỉ có người Việt Nam phải gánh trách nhiệm này - giải thể cái cơ chế Cộng Sản đang hiện hành. Bằng cách nào, tùy khả năng của mọi người. Nếu như chúng ta quyết và muốn.

Thế kỷ 21, internet là phương tiện hữu hiệu nhất giúp chúng ta khám phá những điều thâm cung bí sử trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Muốn biết sự thật không khó, chỉ ngại mình không thích đọc sự thật. Hơn nữa Dân Làm Báo là chiếc cầu đã nối liền mọi người qua những bài viết rất hay của nhiều tác giả - đã phô bày bộ áo quần của chính quyền Cộng Sản. Chẳng lẽ một chàng trai ngoài ba mươi tuổi Đặng Chí Bình, hấp thụ nền giáo dục ở miền Bắc, lại dạy các ông lão thành cách mạng phải làm gì ư?

Tôi không biết mấy ông lão thành cách mạng có thật sự là yêu nước hay không? Nếu một người thật sự yêu nước, biết và thấy Hồ Chí Minh giết những ân nhân - những người đã giúp và cưu mang cái đảng Cộng Sản chưa có chỗ nương tựa trong thời gian được gọi là đánh Pháp. Điển hình nhất là bà Nguyễn thị Năm bị bắn một viên đạn để trả ơn cho những ngày đã che chở và giúp tiền vàng cho cái đảng cướp. Tại sao mấy ông lão thành cách mạng không tìm cách cứu bà, và nếu không biết cách thì nên xa lánh cái đảng mà ông Hồ đang làm lãnh chúa, như ông Nguyễn Hữu Loan đã vứt thẻ đảng (tác giả bài thơ Màu Tím Hoa Sim), tôi nghĩ nếu có nhiều người như ông Nguyễn Hữu Loan, thì đảng Cộng Sản không có dịp làm nhiều điều ác. Ngược lại, họ không xa lánh mà luôn ủng hộ, vì thế cái đảng này mới có cơ hội để tồn tại đến ngày nay. Không phải chỉ một mình ông râu chịu trách nhiệm về những cái chết rất thương tâm của hàng triệu người, trong đó có phần góp sức không nhỏ của các ông lão thành cách mạng. 

Năm 1994 gia đình tôi quyết định bỏ vùng kinh tế mới, trở về quê ngoại Nha Trang. Vì qua rồi, cái thời kỳ con gì cũng ăn. Hơn nữa mẹ tôi bị lao phổi - vì phải tần tảo nuôi con, nuôi chồng. Nhất là gia đình tôi đã được viện trợ từ đế quốc tư bản giãy hoài mà chưa chết.

Mẹ và em tôi được sống ngược thời gian trước 1975, được nhìn hình ảnh và tiếng nói phát ra từ tivi phế thải của Nhật, được nghe tiếng điện thoại reo của chị em tôi gọi về từ bên kia Thái Bình Dương.

Ba tôi có chiếc radio Sony của Nhật, ông mở suốt ngày đêm để nghe tin tức, mẹ tôi phải tắt khi ông ngủ quên, ngược lại khi nghe tiếng nói từ tivi phát ra, ông cúp một cái rụp. Mẹ và em tôi chỉ được xem tivi khi ông vắng nhà.

Vì thế em tôi thường nói tại sao ba không thích Cộng Sản mà vẫn sống với Cộng Sản, nếu ba đi theo Cộng Sản thì chị em con không bị xét lý lịch và không bị đì. Ông rất phẫn nộ nhưng chỉ nói: 'Bà nội con bị Việt Cộng giết vì không chịu cho những gì mà bọn nó yêu cầu. Vì thế cả cuộc đời ba, quyết không để bọn Việt Cộng xâm chiếm miền Nam, ba đã từng ở trên tàu Mỹ, nhưng vì các con và mẹ còn ở lại Cam Ranh, nên đành phải xuống tàu, vì tình cha con, nghĩa vợ chồng. Việt Cộng đã thắng, vì tụi nó biết lợi dụng tình cảm.'

Mẹ tôi vừa làm cha và làm mẹ chăm sóc chị em tôi, để ba tôi dành trọn thời gian làm nhiệm vụ. Dù bị ở tù nhiều lần, nhưng trong gia đình tôi không được phép kêu Hồ Chí Minh là bác, hoặc có hình ông râu treo trong nhà.

Thế rồi một hôm có một người đàn ông tuổi trên dưới 70, đến nhà tôi giới thiệu là người Bình Định. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông nói: 'Tôi rất vui vì đã tìm ra con của bà Ngô thị Bốn, nếu không, tôi sẽ ân hận không nhắm mắt trước khi chết. Và tôi có lời thành thật xin ông bà và các cháu tha thứ cho tôi. Chính tôi là một trong những người bị Việt Minh bắt đi cùng thời gian với bà Bốn, họ bắt tôi phải đào hố chôn sống bà, vì bà kháng cự lại bọn họ. Tôi không còn lựa chọn nào khác. Sau khi tôi đã lấp đất chôn sống bà Bốn, lương tâm tôi bị ray rứt, ánh mắt của bà như van xin một điều gì. Nhờ phép lạ đã giúp tôi trốn tụi Việt Minh, tôi sống hơn một tuần trên núi, cuối cùng đã tìm đường về làng, và vội vã rời bỏ quê hương, nếu Việt Minh tìm được tôi thì số phận tôi không khác gì số phận của mẹ anh. Tôi chọn Nha Trang làm quê hương thứ hai, và có ước nguyện tìm thân nhân của bà Bốn xin một lời tha thứ.'

Cả gia đình tôi lạnh xương sống khi nghe ông ta thuật lại câu chuyện năm xưa. Ba tôi nhờ ông vẽ lại sơ đồ nơi bà tôi bị chôn sống. Ông ta trả lời không thể nào nhớ vì đã gần 50 năm. Ước nguyện của ba tôi muốn tìm xương cốt của mẹ mình. Nhưng chúng tôi đành chịu.

Vì cái cơ chế này sống quá dai, nên đất nước bị thua kém về mọi mặt, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đã gần 40 năm chiếm trọn miền Nam, nhưng chưa có một tác phẩm về văn học nào cho ra hồn, hoặc một công trình gì có giá trị.

Thử hỏi mấy ông cách mạng theo ông Hồ vì yêu nước hay vì thích lạm dụng từ yêu nước cho oai? Để đẩy hàng triệu thanh niên vô tội chết một cách oan uổng - sinh Bắc tử Nam.

Mỗi năm vào tháng Tư, tôi nhớ đến ba tôi, ông mất ngày 27-4. Có lẽ ông chết ngày này để cho trọn với tình quê hương. Ba tôi chỉ là một công dân bình thường trong chế độ Cộng Hòa, nhưng suốt cả cuộc đời của ông không ngồi yên, dù ông được cảnh cáo nhiều lần bởi những tên vô loại. Cuối cùng ba tôi phải chết vì bị bọn xấu gây tai nạn đụng xe năm 2000.



________________________________________



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo