Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi": Ông tôi và cái chết đau thương do CS - Dân Làm Báo

Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi": Ông tôi và cái chết đau thương do CS

Người Nam gốc Bắc (Danlambao) - Kính dâng Hương Hồn Ông Bà và Dì thương yêu!

Ông tôi đã mất cách nay hơn sáu mươi năm rồi, với một cái chết thương đau do CS gây ra, và đó cũng là động lực đẩy đưa bà tôi bỏ mồ mả tổ tiên, nhà cửa ruộng vườn, đem tôi di cư vào Nam, lúc tôi chỉ mới 7 tuổi! Sáu mươi năm qua, tôi vẫn không quên được ông nội tôi, vì cái chết của ông đã khắc ghi trong tâm khảm tôi quá sâu, và mỗi lần nhớ tới ông, tôi không khóc thì cũng rơi nước mắt!

Từ khi CS có mặt trên quê hương, hầu hết các gia đình VN đều trở thành nạn nhân, kể cả nhiều gia đình đảng viên CS, nhưng vì sợ hay vì lợi riêng, họ đã theo kẻ tàn bạo từng gây khổ đau cho họ, điển hình như các con cháu của bà Nguyễn Thị Năm, một nhà tư sản ở Hà Nội, đồng thời là ân nhân của đảng CS VN, người đã được chọn nhận những phát súng đầu tiên mở màn cho cuộc đấu tố mang tên “cải cách ruộng đất” năm 1954 tại miền Bắc, và được CS “trả ơn nuôi đảng” bằng một một cái quan tài ván tạp nằm không lọt, phải năm bảy kẻ đứng trên xác đạp cho gãy nát xương kêu răng rắc, mới lọt được vào! 

Quê tôi là một địa danh vinh dự có tên trong văn học sử VN, nhờ bài thơ nổi tiếng của vua Lê Thánh Tông đã sáng tác để ca tụng đức hạnh của một người phụ nữ VN: Thiếu phụ Nam Xương! Tích kể rằng ở huyện Nam Xương quê tôi, thời chinh chiến chống ngoại xâm phương Bắc, một chàng trai làng tên là Trương Sinh đã đáp tiếng gọi non sông, gia nhập nghĩa quân đi chống giặc, để lại người vợ trẻ đang mang thai. Ở nhà nàng sinh được một con trai. Đứa trẻ lớn lên hỏi mẹ: “Cha con đâu?”, người mẹ nói “Cha con đi làm đến tối mới về”! Mỗi tối thắp đèn lên, người mẹ chỉ vào bóng mình và con in trên vách rồi nói: “Cha con đó! Cha rất thương con và mẹ, nên mẹ con mình đi đâu cha cũng đi theo!”. Đứa trẻ thơ tin lời mẹ. Khi tàn chinh chiến, chàng Trương trở về, lúc người vợ vắng nhà, anh bồng con và xưng cha với đứa bé nhưng nó không cho, nói cha tôi tối mới về! Khi vợ về, gặp chồng mừng tủi, thì chồng sinh nghi sự thủy chung của vợ nên nhiếc mắng thậm tệ. Nàng cố minh oan mà chàng không tin. Quá uất ức và tủi hận, nàng chạy ra sông trầm mình tự vẫn! Dân làng tiếc thương đã vớt xác lên chôn bên bờ sông , còn người chồng sau đó hiểu ra sự việc, đã ân hận lẫn tiếc thương, cùng dân làng lập miếu thờ nàng tại đó. Khi thuyền kinh lý của vua Lê Thánh Tông qua khúc sông này, ngài nghe kể đã dừng lại và đề thơ vào miếu, bài thơ thất ngôn bát cú có cái tựa là “Đề miếu Bà Trương”, như sau:

“Nghi ngút đầu gềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương? 
Ngọn đèn dù tắt, đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng! 
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt, 
Giải oan chi mượn đến đàn tràng! 
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương kéo phũ phàng!”. 

Năm 1954, CS đã đặt ách cai trị lên làng tôi. Lúc đó ông nội tôi làm trùm làng, và trùm một họ đạo nhỏ, gia cảnh trung bình, có được một nếp nhà 5 gian và một ít ruộng vườn. Ông bà nội tôi chỉ có bố tôi là con độc nhất, và tôi là đứa cháu đầu của ông bà! Bố tôi được ông bà cho đi học và làm việc ở Hà Nội. Vì thế khi Việt Minh về, ông bà tôi bị gán cho 2 cái tội: ĐIỀN CHỦ BÓC LỘT và CON THEO GIẶC, bị đưa vào danh sách đấu tố! 

Bố tôi sau bị Việt Minh bắt giam trong rừng sâu núi thẳm gọi là Khu Tư, mà không có tin tức gì về nhà, khiến ông bà và mẹ tôi khóc hết nước mắt ròng rã nhiều năm trời, vì có tin bố tôi đã bị Việt Cộng giết! Sau bao năm biệt tích, bỗng một đêm bố tôi trở về như kẻ chết sống lại! Ông bà tôi vô cùng mừng rỡ, nhưng từ đó, cuộc “tử nạn” của ông tôi bắt đầu!

Ông bà tôi lúc đó kinh hãi lắm, vì sợ đứa con duy nhất sẽ bị CS giết hay bắt lần nữa, nên đã tìm dì ruột của tôi đang đi buôn ở Thái Bình, về bàn cách đưa bố tôi đi Nam Định để tìm đường trốn vào Nam, vì dì tôi rành đường xá. Một đêm trời tối, dì tôi và một người nữa trong gia đình đưa bố tôi băng ngang sông cái sang làng khác bên kia sông để đi. Một người đi kèm bố tôi, một người đi trước dò đường, họ đi sát bờ sông để tránh bị phát hiện! Bên bờ sông bên đây, một lũ cán bộ và các cháu của ông tôi, cầm đuốc sáng rực đi lục soát, chúng la lên: “Nó đi lối này! Nó đi lối này!” Chúng chạy rầm rập như đi bắt cướp, khiến những người đang tẩu thoát bên kia sông nhiều lần phải trầm mình xuống nước hay núp vào bụi rậm để tránh chúng phát hiện, vì dù là sông cái, nhưng cũng có đoạn thu hẹp. May trời thương che chở, bố tôi đã xuống được Nam Định, ở nhờ một người quen để chờ ra Hải Phòng theo tàu di cư vào Nam, còn hai người đưa quay trở về ngay trong đêm! Khi bố tôi đi rồi, thì ở nhà ông bà tôi bị bao vây canh chừng từng bước, và lũ cán bộ đấu tố luôn khủng bố tinh thần ông bà, nhất là ông! Chúng nói với ông tôi: “Thằng C. con của mày bị thằng Mỹ đưa lên tàu há mồm đổ xuống biển cho cá ăn thịt rồi! Còn mày thì cũng sắp ra đồng!”. Ông tôi thật sự bị hoảng loạn!

Với cái bản án đã ra cho ông tôi, lại nhờ sự “huấn luyện” tinh vi và bất nhân của CS, những kẻ tố ông tôi hầu hết là các cháu họ của ông bà, là những người ông bà đã giúp đỡ công việc làm và cả cơm gạo trong lúc khó khăn. Không ngày nào những kẻ này không ghé vào nhà tôi hăm dọa ông bà tôi, hay đi ngang qua ngõ nhà tôi mà la to cho ông bà tôi nghe: Thằng “Đ”, mày sắp phải mang ra “đồng xưa” (nghĩa trang của làng tôi ngoài cánh đồng) để bắn! Ông bà, nhất là ông tôi, mỗi ngày một hao mòn vì sợ hãi! Ban ngày ông ôm một cái hũ sành trống rỗng ra giấu ở gốc cây ngoài vườn, tối lại bê vào nhà. Mỗi tối đọc kinh trước khi đi ngủ, ông tôi thường khóc rất to, và nói với bà đang ẵm tôi trong lòng: “Bà ơi! Tôi sắp bị chúng nó mang ra đồng bắn! Tôi chết rồi bà và cháu ở với ai? “. Và ông kêu tên bố tôi: “Con ơi! Bây giờ con ở đâu? Còn sống hay đã chết rồi? Con ôi! Thày đã dại dột giữ con của con lại không cho nó đi theo con, bây giờ thày chết, ai sẽ lo cho con của con?!”. Bà tôi ôm tôi khóc lóc thảm thương, nhưng cũng cố mà an ủi ông tôi: “Ông cố gắng lên đi ông, và hãy cậy trông vào Chúa thôi!”.

Quá khủng hoảng, ông tôi đã mất trí! Một buổi sáng sớm chủ nhật sau khi dự lễ ở nhà thờ họ, lúc trời còn tờ mờ sáng, ông tôi ra khu vườn của nhà thờ, đập một chai thủy tinh và tự vẫn bằng cách rạch bụng, máu ra chan hòa. Bà con phát hiện đưa ông tôi xuống bệnh viện Nam Định cấp cứu, nhưng đã muộn vì máu ra gần hết! Bệnh viện kêu người nhà đưa ông tôi về để kịp chết tại quê nhà! Khi ông tôi về thì sức đã đuối lắm, mọi người đưa tôi lên để ông gặp trước giờ ra đi, nhưng tôi quá sợ hãi, dù rất thương ông! Tôi cứ bám chặt cái cột nhà bếp và khóc kêu ông chứ không dám lên, vì trước đó đám cháu khốn nạn của ông tôi đã nói với tôi: “Ông mày sẽ lấy ruột quấn vào cổ mày cho đến chết!”. Thật là những con người quá tàn ác và mất nhân tính, do CS đã uốn nắn họ thành súc vật! Đưa đám tang ông tôi chỉ có bà tôi và người trong nhà, còn tôi thì được dắt đi theo quan tài mà kêu gào thảm thiết! Sau khi chôn cất ông tôi, nhà chỉ còn bà với cháu, ôm nhau khóc lóc và sợ hãi, cả ngày rúc trong xó nhà không dám ra đường, vì đi đâu cũng bị lũ quỷ đỏ đeo theo chửi bới và hăm dọa. Thời gian này bà và tôi sống không bằng chết! Tôi nhớ thương ông tôi vô cùng! Tôi là đứa cháu đầu mà ông bà rất thương yêu chiều chuộng, đến nỗi bố mẹ tôi ra Hà Nội sinh sống, thì ông bà tôi đã không cho mang tôi theo. Suốt tuổi thơ tôi sống bên ông bà, được ông bà chăm sóc dạy dỗ và cưng chiều. Bà đi chợ thì luôn có quà về cho tôi; ông đi đám cưới, đám giỗ cũng mang phần về cho tôi. Ông đi đâu cũng dẫn tôi theo. Ngày nào ông cũng mang cần câu ra ao câu cá về cho bà làm món ăn riêng cho tôi, ông bà chỉ ăn phần thừa còn lại. Thỉnh thoảng ông còn đi câu ếch cho bà thay đổi món ăn cho tôi; bà cũng nuôi những ổ gà lấy trứng cho tôi ăn. Hàng tối tôi ngồi trong lòng ông hay bà để người kia vừa quạt, vừa kể chuyện cổ tích có ý nghĩa cho tôi nghe, và kèm thêm lời dạy dỗ. Khi ngủ tôi được nằm giữa ông và bà, hai chân gác lên hai người. Tôi mà bị hu hi nóng sốt thì ông bà tôi lo lắng vô cùng, đôn đáo chạy thày thuốc cho tôi, và chăm sóc kỹ càng, có khi còn hơn cả bố mẹ tôi, nên tôi thường nhận là con của ông bà. Vậy mà giờ này tôi bị mất ông! Một sự thiếu vắng khủng khiếp đối với tôi không gì có thể bù đắp nổi! Hàng ngày hàng đêm, bà tôi và tôi như hai cái bóng đơn côi trong ngôi nhà trống vắng u buồn. Bà tôi âm thầm khóc nhiều lắm, nhưng ít dám khóc trước mặt tôi vì sợ tôi khóc theo. Một thân một mình trong cảnh sống đầy đe dọa, chắc bà cũng lo sợ lắm, nhưng không dám nói ra! Việc chợ búa bà tôi bỏ hết, chỉ nhờ các dì tôi giúp. Vết thương lòng của tôi quá sâu, giờ đây khơi lại nước mắt nước mũi tôi tràn trụa, nếu không gắng kềm chế, tôi sẽ không thể viết tiếp nữa, dù cả ông và bà tôi đã mất hơn nửa thế kỷ qua!

Ở Hải Phòng hay tin ông tôi mất, bố mẹ tôi không dám trở về chịu tang vì về chắc chắn sẽ bị bắt! Trước khi lên tàu vào Nam, bố tôi đã nhờ người về tìm dì là em mẹ tôi, nhờ dì bằng bất cứ giá nào, phải đưa được bà và tôi ra Hải Phòng để đi chuyến tàu chót vào Sài Gòn. Cuộc di tản của chúng tôi vô cùng gian nguy, dì tôi giả làm con buôn, tay dắt tôi, tay xách bị hàng hóa vớ vẩn để ngụy trang, vượt qua từng chặng đường, cho đến khi ra được Hải Phòng, gửi tôi trọ ở nhà người quen, cũng chuẩn bị di cư, rồi dì trở về còn đón bà. Ở đó ngày nào tôi cũng ra ngõ đứng trông chờ bà và khóc sưng mắt vì lo bà không đến với tôi! Cả nửa tháng sau dì tôi mới đưa được bà tôi vào bằng con đường khác, nhưng dì thì bị bắt nhốt tù, còn bà già thì được tha, vì bị tịch thu hết quần áo, bạc tiền, may nhờ có người lãnh ra và đưa bà về chỗ tôi đang ở trú! Bà và tôi đi theo gia đình người quen xuống tàu di cư vào Nam. Suốt cuộc hành trình, bà tôi bị say sóng nằm bẹp dưới sàn tàu, còn tôi thì như đứa trẻ lạc loài giữa đám đông không quen biết, đến giờ thì người ta cho tôi ăn, uống. Tàu không đưa tôi ra Nha Trang nơi bố mẹ tôi đang sống, nhưng chở chúng tôi vào Sài Gòn, đưa đến một trại định cư tên là Đức Hòa. Bà và tôi bị lạc ở đó hơn ba năm trời, sống nhờ chính phủ VNCH lo cho ăn, ở. Bố tôi đã đăng báo tìm kiếm mãi, sau nhờ vị Linh Mục ở cùng trại trông nom chúng tôi ngài đọc được, và viết thư cho bố tôi vào đón bà và tôi ra Nha Trang. Nhờ vậy tôi được học hành, nếu không thì giờ này tôi đã trở thành một người nông dân của vùng Đức Hòa – Đức Huệ ở Long An rồi!

Tuy được sống bên bố mẹ, bà và em, nhưng hình ảnh thân yêu và tình thương của ông tôi, cùng với cái chết bi thương của ông, là một khối đau thương lẫn nhớ nhung trong lòng tôi không thể nào nguôi! Thời ấy, tôi mới học lớp 2, lớp 3 tiểu học, mà đã in sâu trong tâm hồn non nớt một mối căm thù CS! Cứ mỗi lần nghe đài phát thanh phát lên bài “Hướng về đất Bắc” với lời ai oán não nùng, tôi còn nhớ sơ sài: “Nơi xa vời, vọng về đất Bắc xa xôi, buồn ngày đất nước chia đôi, sầu hận réo nơi nơi! Khắp phố phường, Hà Nội ủ rũ phai mầu, Hải Phòng ngơ ngác âu sầu, lòng dân vui về đâu? Con sông dài Nhị Hà lớp sóng tang thương, chập chùng dãy núi mây vương, hận sầu khách ly hương! Những cánh đồng miền Trung xơ xác hoang tàn, người dân đau xót vô vàn, cuộc sống ôi lầm than! Vương thương về miền quê xa lắc! Ta mang ra đi bao niềm đau thương! … Muôn dân ngóng về đô thành lạc hướng! Mong sao chóng về giải phóng quê hương… Ngày Trung- Nam- Bắc thống nhất khắp giang sơn, kinh thành chào đón lớp người tha hương… Muôn dân kết đoàn, chờ mong ngày Bắc tiến, mong sao chóng về giải phóng quê hương…”, hay những bài hát tương tự, với những câu ca sầu hận: "Oán thù, giặc Cộng mãi dâng cao, chia đôi nước non, chia dòng máu đào, gieo tang tóc lên miền Bắc quá nhiều, ôi tìm ngày mai chốn nào?", là nước mắt tôi tuôn chảy dầm dề không ngớt, vì nhớ quê nhà, nhớ các cậu dì, bà ngoại tôi còn ở lại với kiếp sống lầm than cơ cực, nhất là nhớ ông tôi! Quê hương ơi! Người thân ơi! Bao giờ gặp lại?! 

Không ngờ sau 20 năm, đất nước lại “thống nhất” trong tang thương điêu tàn như hôm nay, đến nỗi sau bao năm chia cách, giờ gặp lại mà những người thân nhiều khi không còn muốn nhìn nhau, và đầy nghi kỵ, ngờ vực, vì CS đã thật sự chia cắt lòng người! Phải chi mà miền Nam giải phóng miền Bắc, thì tình hình đất nước đã khác hẳn, và hạnh phúc của người dân hai miền sẽ dâng trào. Người hai miền sẽ thân thương và cùng chung tay xây đắp quê hương VN giàu mạnh, như nước Đức hay còn hơn thế, vì người miền Nam sống trong tự do, trù phú và giàu tình cảm, sẽ sẵn lòng san sẻ đỡ nâng người thân, đồng bào của mình đã bị ngập chìm trong khổ đau lâu dài. Với trình độ, với sức người sức của, miền Nam sẽ vực dậy mau chóng phần quê hương nghèo nàn khổ đau miền Bắc, chứ không phải như miền Bắc “đốt chết” miền Nam bằng lửa máu! Đồng bào Bắc như được mô tả cô đọng trong những câu ca dân gian của chính họ: “Mỗi năm mấy tấc vải thô! Làm sao che đủ “cụ hồ” em ơi!”, thì làm sao tiếp sức cho miền Nam? Nhiều người miền Bắc cũng mong Bắc tiến, vì khi quân cán chính VNCH bị đưa ra Bắc tù đày, đã bị dân Bắc ném đá và chua chát nói: “Sao không ra giải phóng chúng tôi, mà lại để CS chiếm miền Nam để chết cả nút à?”! Tôi biết sẽ làm nhiều bà con miền Bắc không vui vì những câu trích dẫn này, nhưng nó được người miền Bắc tự “mô tả” về mình, chứ miền Nam nào biết gì! Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, mọi người thường nói “người Bắc nhận hàng, người Nam nhận họ”, và anh lính “cụ Hồ” được định nghĩa: “Bộ là đi bộ, đội là đội đồ! Bộ đội là đi bộ từ miền Bắc vào, rồi đội đồ từ miền Nam ra”! Những câu nói dân gian này, không rõ xuất xứ từ miền nào, nhưng nó là thực tế! Người miền Nam khi nghe thì buồn cười, nhưng cũng đầy chua xót và cảm thông chứ không trách cứ gì! Tuy nhiên, nếu vì hoàn cảnh mà không giúp được nhau thì không có gì đáng nói cả, nhưng nếu nghiệm ra còn chua xót hơn: hình như người Bắc dù có dư giả, nhưng tinh thần chia sớt lại hiếm hoi hơn người miền Nam. Cứ xem những con số của các cuộc cứu trợ thì thấy rõ! Cũng không nên trách người Bắc, nhưng đáng đau lòng là vì cái nền giáo dục XHCN nó đã tạo nên con người ích kỷ và ít quan tâm đến tha nhân, trong khi nền giáo dục của miền Nam thì mang tính vị tha, thúc đẩy tinh thần nhân ái tương thân, hơn hẳn nền giáo dục mà người Bắc bị nhận từ CS. Đó cũng là những mất mát to lớn về tinh thần của dân tộc ta, do CS gây nên, vì thực chất người miền Bắc khi chưa bị CS, thường tế nhị và sâu sắc hơn người miền Nam với bản chất xuề xòa dễ dãi. Nhưng nay thì CS đã thủ tiêu đi những đặc tính tốt này của người cả hai miền, thật đáng buồn! Không nói đâu xa, trong họ hàng thân thuộc của tôi cũng thế, dù chúng tôi đã bị CS cưỡng chiếm, cướp của qua những lần đánh tư sản, chúng tôi đã bị te tua tan nát, nhưng thực tế thì người ở miền Nam vẫn thường “tiếp tế” cho thân nhân ở miền Bắc, chứ không thấy ngược lại, dù hoàn cảnh sống của họ thuận lợi hơn, vì họ ở “bên thắng cuộc”. Nếu tôi có nói chưa đúng với một số bà con ở miền Bắc, thì xin thứ lỗi, vì tôi chỉ nhìn thấy thế nên nói thế.

Bi thương! Ai oán! Uất hận! Ôi một định mệnh nghiệt ngã của dân tộc! “Cái cột đèn mà chạy được, nó cũng chạy CS rồi, chứ đừng nói là con người!”: đó là câu nói của nhiều cửa miệng từ Bắc vào Nam!

Nhà nước này nói là hòa giải hòa hợp dân tộc, nhưng người miền Nam chúng tôi muốn quên cũng không quên được, với những tuyên truyền ra rả của nhà cầm quyền CS gian dối và cao ngạo, ngày giờ này mà họ vẫn gọi chúng tôi bằng cái tên “ngụy quân ngụy quyền”, và sống sượng gán cho chúng tôi cái tội danh “bán nước”, trong khi chính CS miền Bắc mới bán nước, bán một cách trắng trợn bằng văn bản và trên thực tế; chính CS mới là kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”, đem đất đai, biển đảo dâng cho Tàu cộng để thủ lợi riêng và làm nhục Quốc Thể! Còn quân dân miền Nam mới thực sự là yêu nước thương nòi và bảo vệ Tổ Quốc! Cứ cái luận điệu giả trá điêu ngoa này, thì CS sẽ làm cho lòng người dân Việt tiếp tục bị chia rẽ, không chỉ Bắc Nam, mà ngay những người thân trong một gia đình, giữa anh em cũng không thể “thống nhất” chứ đừng nói dân tộc!

Nhà Việt Nam yêu dấu ơi! Bao giờ sẽ được “phục sinh”, để linh hồn những người Việt bị chết ức oan vì CS như ông tôi và hàng triệu sinh linh khác được mỉm cười, và để đất nước được thực sự thống nhất, từ giang sơn cho đến lòng người, để dân Việt mọi miền cùng một suy nghĩ, một tâm tình, một sự cảm thông và gắn bó, chứ không phải sự “thống nhất” giả tạo này, với hàng triệu người vui bên cạnh hàng triệu người buồn, mỗi dịp 30 tháng tư đen về! Suy ra thì kẻ vui cũng có lý của họ, và người buồn càng có lý hơn. Họ vui vì đã cướp được miền Nam trù phú, với bao chiến lợi phẩm đem về, đó là phía nhà cầm quyền, còn với người dân Bắc thì nhờ tận mắt nhìn thấy được sự phát triển và trù phú của người miền Nam, với một nền văn hóa và nhân bản cao, nên họ mới hiểu được thế nào là tự do dân chủ, thế nào là tư bản, và họ mới bừng mắt nhận ra sự thật là họ đã bị lừa gạt bao nhiêu chục năm về cái chủ nghĩa CS ác nhân gian tà, và hiểu ra rằng xương máu của họ đổ ra, chỉ để phục vụ cho một bọn cướp quỷ quyệt, một chủ thuyết gian tà, chứ không cho họ và cho đồng bào miền Nam! Còn kẻ buồn là chúng tôi, những người đang sống trong tự do no ấm, nhân bản nhân quyền, đời sống vật chất và tinh thần rất sung túc ấm êm, nay bị CS cướp mất, bị tròng gông lên cổ , bị trói buộc tay chân bằng bạo lực bất nhân, bị nhà tan cửa nát, chết chóc, ly tán! Nếu sự hy sinh này để GIẢI PHÓNG ĐƯỢC ĐỒNG BÀO THÂN YÊU MIỀN BẮC, khiến họ nhìn được chân trời tự do dân chủ, cứu họ khỏi kiếp lầm than, và từ đó họ bung ra khỏi cái cũi sắt của CS, thì chúng tôi cũng đành chấp nhận, vui lòng chấp nhận để có ngày đất nước quang vinh, Nam-Bắc một nhà, thanh bình hạnh phúc và vươn lên, đó là diễm phúc cho dân tộc Việt! Nhưng đừng có tiếp tục phỉnh lừa, trân tráo mà chụp mũ chúng tôi là phản động hay bán nước, tội đó đã dành riêng cho các người, hỡi CS! Và khi dân hai miền đã biết rõ sự thật, hiểu được tự do-nhân quyền, thì chắc chắn các người sẽ bị đào thải, vì sự hy sinh của chúng tôi, nhất thiết phải đạt được kết quả, chứ không thể vô ích! Thượng Đế sẽ ở bên chúng tôi! Chúng tôi tuyệt đối tin như thế, và hẳn đồng bào miền Bắc cũng đồng lòng với chúng tôi, vì NƯỚC VN LÀ MỘT, DÂN VN LÀ MỘT, CHÂN LÝ NÀY SẼ VĨNH VIỄN TRƯỜNG TỒN! 



____________________________________________



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo