Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - 43 năm từ khi nó sinh ra, không biết bao nhiêu lượt, thêm một lần nữa “phó nhòm” Nick Út lại vác đứa con của mình “Em bé Napalm” ra khoe với thiên hạ để tìm thêm một hào quang thắng lợi. Lần này là tại Hà Nội. Vì vậy nghẫu nhiên khiến người ta nghĩ đến lời nhận xét về thắng lợi của một ông Tướng CSVN người Hà Nội: “Nhiều người nói rằng đảng CSVN ăn cái sái (sái thuốc phiện) của thắng lợi quá nhiều lần. Người ta ăn sái thuốc phiện đến sái 3 sái 4 là hết, còn sái thắng lợi thì “đảng ta” ăn đến sái thứ 100 rồi mà vẫn chưa chán...” (Tướng Trần Độ - nhật ký Rồng Rắn).
Giống như vậy, “phó nhòm Nick Út” ăn cái sái thắng lợi Pulitzer từ năm 1973 đến nay không biết có tới lần thứ 100 chưa những chắc là khá nhiều bởi đánh hơi chỗ nào vào mùa “thu hoạch nhiếp ảnh” là ông rinh “Em bé Napalm” như cầm cái liềm để xin gặt ké như tại Sigma Delta Chi, George Polk Memorial (1972), Overseas Press Club, National Press Club, The Lucie, Associated Press, Managing Editors, London (Anh), Đại học Columbia v.v... Dù có nơi phó nhòm Nick Út cứ tưởng bở là “trúng mùa” bỏ vốn in ấn banner, poster, thư mời ầm ỉ nhưng cuối cùng “lỗ nặng” vì bị đuổi đi phải tủi thân lặng lẽ gói ghém cái tác phẩm “ruột” Em bé Napalm, rồi phát ngôn chữa cháy hờn dỗi với báo chí cứ như Pulitzer là hàng hiếm đệ nhất thiên hạ: “lần sau họ có mời tôi cũng sẽ từ chối”!? (1)
Ở mọi cuộc triển lãm, phó nhòm Nick Út luôn tuyên bố là phó nhòm chuyên nghiệp qua ống kính phổ biến hình ảnh nạn nhân của chiến tranh, nhưng cùng thời điểm Nick Út bấm máy “Em bé Napalm” vào năm 1972 thì tại Quảng Trị trên “đại lộ kinh hoàng” cũng có hàng trăm “xác em bé 130ly” phải chết thê thảm vì pháo 130ly của cộng sản Bắc Việt từ trên núi bắn xuống ngăn chặn khi các em chạy trốn cùng cha mẹ. Cường độ chết chóc của các em bé này còn thê thảm còn gấp trăm lần hơn “Em bé Napalm”, tuy nhiên không thấy phóng viên nào lấy đó tìm vinh quang cho riêng mình, bởi họ nghĩ dù có là Pulitzer thì vòng nguyệt quế ấy cũng tanh tưởi mùi máu của đồng loại.
Cùng thời điểm - Những xác “em bé 130 ly” bởi pháo binh Việt Cộng,
không còn cơ hội sống như “Em bé Napalm” của Nick Út.
Và vì vậy nhiều bậc trưởng thượng Việt Nam phía dưới vĩ tuyến 17 còn sống sót hôm nay đã ví “tác phẩm” Em bé Napalm của phó nhòm Nick Út cũng tương đồng với tác phẩm “đấu tố” (CCRĐ) của Hồ Chí Minh, vì cả hai cũng nhân danh điều tốt đẹp vì con người nhưng bản chất thì ngược lại...
Nick Út và Tác phẩm “Em bé Napalm” tại Hà Nội ngày 12/6/2015.
Hồ Chí Minh và Tác phẩm “đấu tố” 172.000 mạng người (CCRĐ).
Có một điều người ta muốn hỏi ông phó nhòm Nick Út, trong seri ảnh 4 tấm mà ông bấm máy về “Em bé Napalm” cho thấy khi từ vùng lữa bom chạy ra em Kim Phúc đã được những người lính Việt-Mỹ chăm sóc cứu thương chữa phỏng tại chỗ tạm thời (Kim Phúc ở trần) và sau đó một người lính VNCH hối hả dẫn đường cho các em chạy ra xa vùng chiến trận.
Hình ảnh dẫn chứng rất khách quan, trong đạn bom
cũng còn đó lòng nhân ái của tình người từ những người lính Việt-Mỹ.
Nếu hãng tin Associated Press (AP) và chính cá nhân phó nhòm Nick Út trung thực có trách nhiệm trưng ra đầy đủ seri ảnh chứ không phải duy nhất tấm hình bé Kim Phúc đang chạy thì góc nhìn toàn cảnh cũng như chiều sâu của bản chất tấm hình nó sẽ khác đi rất nhiều so với ngôn ngữ mà phó nhòm Nick Út muốn chuyển tải qua bức ảnh đó là: Quân đội Mỹ và VNCH gieo đau đớn bằng bom đạn cho người dân Việt Nam.
Thêm nữa nếu có lòng tự trọng và biết liêm sỉ thì phó nhòm Nick Út nên gói ghém lại cái tác phẩm “Em bé Napalm” để cất nó vào quá khứ làm kỷ niệm hơn là cứ mãi ăn mày dĩ vãng tìm cách đánh bóng nó. Bởi vì trọng tâm của bức ảnh “Em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc sau khi đào thoát thành công xin “tỵ nạn chính trị” (không phải định cư) tại Canada qua một bài viết của chính mình có tựa đề: “Chúng ta hãy quên nó đi” trong đó bằng Anh Ngữ cô viết rằng: “The Communists had other plans, and used me as a propaganda tool” (người cộng sản có kế hoạch khác, và họ dùng tôi như là một công cụ để tuyên truyền) Xem toàn bài viết của chính Phan Thị Kim Phúc ở đây (2).
Kim Phúc cùng con trai và chồng (phía sau). Năm 1992, nhà nước Việt Nam đưa sang Cuba học ngành Dược, trong một chuyến đi qua Moscow, Nga, trên đường về Cuba, máy bay dừng lại tại Newfoundland, Canada, để tiếp nhiên liệu. Lợi dụng cơ hội này, hai người đã đào thoát xin tị nạn chính trị và được CP/Canada chấp thuận, vợ chồng Kim Phúc xin định cư tại Ajax, Ontario, Canada.
“Em bé Napalm” Kim Phúc, người trong cuộc gánh đau thương còn kêu gọi “Chúng ta hãy quên nó đi” có nghĩa là: “đừng dùng tôi như là một công cụ để tuyên truyền” (Kim Phúc) (2). Hy vọng đôi tai của “phó nhòm ” Nick Út còn tốt! Chưa điếc.
Cuối bài viết xin nhắc lại câu này của ông “phó nhòm” Nick Út nói với các thành viên hội nhiếp ảnh TP/HCM: “lúc nào tôi cũng tự nhủ tôi là người Việt Nam, tôi yêu quê hương tôi, yêu mảnh đất này” (1).
Vậy sao ông Nick Út không mạnh dạn nhanh chóng về nước đi để làm người Việt Nam, được thưởng thức một nền tự do dân chủ XHCN/CS gấp vạn lần dân chủ kiểu Mỹ, ông sẽ khỏe re trên quê hương ông khi đi bầu cử các cấp sẽ có người chọn trước cho ông và nhất là nghề “phó nhòm ” với cái Pulitzer ảnh báo chí chắc chắn ông sẽ được cất nhắc vào bưng bê trà nước cho Chủ Tịch /Hội nhiếp ảnh TP/HCM hay Hà Nội - ông sẽ cảm nhận được giá trị của cái Pulitzer nhiếp ảnh báo chí liền.
20.06.2015
_______________________________________