Tại sao đã có Trần Dân Tiên lại phải có thêm T.Lan? Hay: Những sai sót không thể có của Trần Dân Tiên về “chính mình” - Nguyễn Ái Quốc?! - Dân Làm Báo

Tại sao đã có Trần Dân Tiên lại phải có thêm T.Lan? Hay: Những sai sót không thể có của Trần Dân Tiên về “chính mình” - Nguyễn Ái Quốc?!


Đi về vùng sâu vùng xa với Trần Dân Tiên và T.Lan

Chúng ta thường cho rằng Hồ đã dùng bút danh Trần Dân Tiên (TDT) để bắc ống đu đủ tự thổi mình thành Nguyễn Ái Quốc từ năm 1949 bằng cuốn “tự truyện” “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch”, vì chính CSVN đã tuyên truyền như vậy. Có điều là, cuốn sách đó được viết bằng tiếng Tàu và in lần đầu ở Thượng Hải năm 1949 ngay sau khi Tàu cộng đuổi được Tàu Tưởng ra Đài Loan, rồi in lần 2 ở tận Paris, còn tác giả TDT thì vẫn không không thấy? Ngay Hồ và CSVN khi đó thì còn đang phải “cầm cự” - chạy dài trong “cuộc kháng chiến chống Pháp” đến tận 1950 mới được quân Tàu cộng mở biên giới và tiếp đạn tiếp quân đánh Pháp cho nên sau 1958 mới rảnh mồm “ỡm ờ” nhận Hồ là TDT.

Chỉ mãi sau 1954 “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” của TDT mới được CSVN dịch ra tiếng Việt và xuất bản phổ biến “thử nghiệm” ở Việt Nam. Sở dĩ tôi nói “thử nghiệm”, là vì dù TDT đã khẳng định và “chứng minh” Hồ là Nguyễn Ái Quốc (NAQ) hay Nguyễn Tất Thành (NTT) hay Nguyễn Sinh Cung, rất “rõ ràng trong mây”, thì chính Hồ (được cho cũng chính là TDT) ngoài đời vẫn phủ nhận mình là NAQ/NTT đến tận những năm 1958-1960 mới rón rén nhận mình là NAQ/NTT? Có lẽ do phản ứng xã hội sau cuốn “Những mẩu chuyện...” của TDT rất “thắng lợi”, thuận lợi cho Hồ, làm Hồ từ khoảng 1958-1960 mới bắt đầu công khai nhận mình là NAQ/NTT?

Thắng lợi đến nỗi, Hồ với bút danh Trần Thắng Lợi đã đủng đỉnh kể chuyện “Nguyễn Ái Quốc và tôi...” là hai trong 7 hay 8 người dự và chủ trì họp thành lập đảng Cộng sản Đông Dương ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng, rồi quên luôn!!!

Thế nhưng, những tưởng chuyện về tiểu sử Hồ thế là TDT đã giải quyết ổn thỏa, vì “nguyên nhân rất đơn giản: “Chủ tịch không muốn nhắc lại thân thế của mình” (TDT), từ 1962 Hồ lại thông qua báo đảng Nhân dân (không phải qua nhà xuất bản Tàu ở Thượng Hải nữa) cho đăng một loạt bài về thân thế của mình (mà Hồ “rất không muốn nhắc lại thân thế của mình”) dưới tên mới là T.Lan và tên loạt bài là “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, và sau được đảng in thành cuốn sách nhỏ cùng tên của T.Lan - tại sao vậy?

Tại sao “bức tường” Hồ - “không muốn nhắc lại thân thế mình” mà TDT đụng vào ngày 3/9 năm 1945 lại tự đục thủng một lỗ to tướng cho T.Lan - cũng chính là Hồ, chui qua chui lại bao nhiêu lần năm 1962 vậy?

Tháng 6/2015 vừa qua, tôi có hai tuần phải đi “tư tác” tại một vùng “khá sâu khá xa” và không thể mang theo laptop, ở đó tôi rất bận rộn và cũng khó có mạng cho tôi “ngồi thiền”, thế là tôi chỉ biết nhét vào ba lô vài cuốn sách mỏng, trong đó có hai cuốn sách của TDT và T.Lan về Hồ với dự định lúc rảnh sẽ ngâm cứu “văn phong tự thổi rốn mình” của Hồ Tàu nó ra làm sao - thú thực là tôi chưa bao giờ đọc nghiêm túc hai cuốn đó dù đã bị nhồi nhét về chúng từ bé!

Trong khi đọc và lập ra danh sách dài những từ ngữ, câu cú, cách suy nghĩ, lập luận, cả cách dùng ngạn ngữ... không phải của người Việt, mặc dù đó là tiếng Việt, trong hai cuốn sách trên của TDT và T.Lan, tôi đã nhanh chóng phát hiện ra một loạt sai sót nghiêm trọng về các sự kiện lịch sử của TDT và T.Lan về tiểu sử của chính mình (của Hồ) so với bộ tiểu sử chính thức của Hồ do nhà XB Chính tri Quốc gia tại Hà Nội của CSVN công bố sau này như tài liệu sử chính thống.

Và tôi chợt hiểu, tại sao ngay sau khi cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của TDT được dịch và phổ biến ở miền Bắc VN và đạt được sự đón nhận thành công nồng nhiệt mỹ mãn của cả xã hội VN lúc đó rồi, thế mà Hồ vẫn phải viết thêm ngay cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” với bút danh T.Lan vào 1962, và lần này Hồ xuất hiện đàng hoàng trên báo đảng Nhân dân - để xóa nhòa TDT đi, để phủ nhận TDT là Hồ, và để bổ sung điều chính một số chi tiết mà TDT chưa biết về NAQ/NTT.

Về lại Sài Gòn, kiểm tra lại những ghi chép về Hồ - TDT và T.Lan trong chuyến đi vùng sâu vùng xa của mình, tôi tạm gác lại ý định viết về văn phong đặc Tàu của TDT và T.Lan trong hai cuốn tự truyện về mình của Hồ trên, mà viết ra bài này: những sai sót trầm trọng của TDT về “tiểu sử của chính mình” khiến T.Lan phải cấp tốc xuất hiện và chỉnh lại, còn CSVN thì cố lờ tịt TDT đi, chỉ chính thức công nhận có mình T.Lan thôi (nhưng T.Lan vẫn dành 80% là chép lại chuyện và khung sườn của TDT? - thật là dấu đầu hở đuôi!)

Bốn sai sót trầm trọng của TDT về tiểu sử của “chính mình” - Nguyễn Ái Quốc

Nhận xét chung của tôi về tác phẩm của TDT: ngoài văn phong và từ ngữ Tàu tệ hại của nó mà bất cứ người Việt nào cũng có thể nhận ra ngay và khó mà ngửi được, thì đó là một tiểu sử a-ma-tơ nhất về một lãnh tụ mà một tác giả dám tự nhận nó là tiểu sử, vì không ngày tháng, không tên tuổi lịch sử (không có đích danh ai) - toàn nhân vật ảo xung quanh Hồ, không địa danh nào cụ thể, mọi sự kiện đều lờ mờ, lộn xộn và rất chung chung, không có chứng cớ hay tài liệu gì và không thể kiểm chứng ở đâu. Tóm lại là bịa như tiểu thuyết, vô lý như truyện thần thoại cho trẻ con. 

Đọc xong hai tác phẩm của TDT và T.Lan “về chính mình”, tôi nghĩ ngay đến Trần Đĩnh tác giả Đèn Cù, kẻ được coi là tác giả Tiểu sử các lãnh tụ CSVN trong đó có cả Hồ. Làm sao Trần Đĩnh có thể viết tiểu sử Hồ mà không xuất phát từ TDT và T.Lan và không phát hiện chúng chứa toàn điều mâu thuẫn, vô lý không thể chắp ghép lại nhỉ? Hỏi là lời: Trần Đĩnh cũng chỉ là tên bồi bút hèn chuyên bịa chuyện theo lệnh thôi, như bịa ra “Bất khuất” vậy. Thế mà cũng vỗ ngực là sử gia, là người viết tiểu sử lãnh tụ!

Còn TDT, hắn tuyên bố huỵch tẹc cách viết tiểu sử Hồ kiểu Tàu của hắn như sau: “Một câu châm ngôn Trung quốc nói: 'Một nhà họa sĩ vẽ giỏi không bao giờ vẽ nguyên cả một con rồng, mà vẽ con rồng khi ẩn khi hiện giữa những đám mây'”. TDT không biết còn có một câu “châm” ngôn khác của người Việt về những kẻ chuyên “vẽ mây vẽ rồng”, đó là “Đừng có vẽ rồng phun mây ra!” - tức là “Đừng có mà bịa chuyện ra thế chứ!” Ở đây là, đừng có mà xuyên tạc lịch sử!

Dù tìm ra hơn chục điểm sai sót của TDT, sau đây, tôi chỉ xin chỉ ra bốn sai sót không thể có của TDT vể tiểu sử của Hồ kèm theo là phần sự thật theo chính Lịch sử đảng CSVN ghi chép lại và thêm nhận xét của tôi cho từng chi tiết hay nội dung, sự kiện sai lệch đó.

Sai sót thứ nhất: Thời gian NAQ đến Nga lần đầu tiên. Chúng ta hãy đọc xem TDT kể về sự kiện này thế nào:

Trích 1 từ TDT: “Tuyết xuống nhiều phủ một lớp dầy trên chiếc tàu Xô viết tên là X., chiếc tàu vừa thả neo trước cửa bể Lêningờrát. Vị thuyền trưởng đưa cho một người Á Đông trẻ tuổi một bộ áo quần lông và vừa nói vừa cười: “Anh tạm dùng, sẽ trả lại tôi khi nào anh không cần đến nữa.
...

Đến trụ sở thì một cán bộ ra tiếp, mời ngồi, mời một điều thuốc là Nga, dài bằng khoảng hai ngón tay, và nói:

- Xin đồng chí cho biết tên.

- Tôi là Nguyễn.

- Đồng chí muốn đi đâu?

- Tôi muốn đến đây, đến Nga.

- Đến có việc gì, đồng chí vui lòng cho biết?

- Để gặp đồng chí Lê-nin.

- Rất đáng tiếc không thể gặp đồng chí Lê-nin, vì người vừa mất hôm kia - người cán bộ vừa nói vừa lau nước mắt.

- Trời ơi! Đồng chí Lê-nin mất rồi sao?

Ông Nguyễn sửng sốt và vô cùng cảm động. Người cán bộ hỏi tiếp:

- Theo lời thuyền trưởng, đồng chí đi tàu... không có có giấy phép?

- Đúng, tôi bí mật.

- Và đồng chí cũng không có giấy tờ gì cả?

- Không.” (hết trích)

Qua đoạn văn bịa như thật trên của TDT chúng ta có thể để ý thấy các chi tiết “bịa” sau: Nguyễn đến Lê-nin-grad vào mùa đông (tuyết rơi rất dầy), xưng tên là Nguyễn, đến để gặp Lê-nin, vào đúng hai ngày sau khi Lê-nin chết tức vào ngày 23/1/1924 (Lê-nin chết ngày 21/1/1924), Nguyễn đi thuyền không có giấy phép, không mang theo giấy tờ gì...?!

Trích 1 từ T.Lan: “Bác đến Nga vào mùa Đông. Mọi vật đều bị tuyết phủ trắng xóa như một thế giới bằng bạc. Có ngày rét đến 42 độ dưới 0...” (hết trích).

Sự thật 1: Sự thật thì lịch sử các đảng CS ghi nhận lại như sau: Nguyễn Tất Thành vào năm 1923 là đảng viên đảng Xã hội Pháp theo Quốc tế 3 (cộng sản) và được đảng CS Pháp cử đi dự Đại hội quốc tế Nông dân tại Moscow (có giấy tờ) vào mùa hè năm 1923 dưới tên đi đường là Chen Wang, đến Saint Peterburg ngày 30/6/1923 (mùa hè) theo Thị thực nhập cảnh số 361370 cấp tại đại diện toàn quyền Xô-viết tại Berlin ngày 25/6/1923...

Sau đó, ngày 16/10/1923, tại Đại hội Quốc tế Nông dân, NTT được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân (có 52 thành viên), và ngày 17/10/1923 được bầu vào Đoàn Chủ tịch QTND (cố 11 thành viên). Ở Moscow NTT được CS Nga trả lương khoảng 60 rúp/tháng, nhưng lại kiện cáo và không chịu trả tiền thuê phòng ở khách sạn (khoảng 11 -13 rúp/tháng).

Còn với T.Lan thì, lịch sử Moscow chỉ có một mùa đông lạnh đến âm 42 độ C là năm 1940, sau năm 1924 những hơn một phần tư thế kỷ cơ... (nhưng, T.Lan/HCM là cộng sản, sai số 10% trong “lời nói mắm muối” là “lý tưởng” lắm rồi!)

Nhận xét 1: Tại sao cả TDT và T.Lan đều viết sai kiên quyết thế về lần đến Nga đầu tiên của NAQ? Là vì, giai đoạn này NAQ/Kuok chưa thực sự là cộng sản, dù là đảng viên CS Pháp nhưng Pháp chỉ cử Kuok đi dự Quốc tế Nông dân, ở đó Kuok chỉ gặp các đại biểu của Quốc dân đảng Tàu (Tưởng Giới Thạch và Trương Thái Lôi...) là lực lượng bị Lenin/Stalin xếp vào phong trào nông dân thôi. Thậm chí Tàu Tưởng không được Lê-nin/Stalin cho vào Đoàn chủ tịch của QTND (mà Kuoc lại được!), chứng tỏ Nga sô lúc đó rất ghét Quốc dân đảng của Tàu Tôn-Tưởng. Ngay cả chuyến đi Tàu đầu tiên của Kuok theo Borodin cũng thế, là để giúp Quốc dân đảng của Tưởng với tư cách đại diện QTND mà Kuok là một trong hai người châu Á duy nhất trong Chủ tịch đoàn QTND (người kia là K.Hayasi từ Nhật).

Mùa đông 1924 khi Le-nin chết LX không tổ chức được Đại hội Quốc tế Cộng sản V ngay, phải hoãn đến tháng 6/1924, và dịp này (Lê-nin chết) Kuok mới gặp các đại diện của đảng CS Tàu (Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân...). Có lẽ chính vì TDT và T.Lan “thật” (tức tình báo Hoa Nam của CS Tàu) đã nghe mấy người CS Tàu (Chu Ân Lai và Lý Phú Xuân) về dự ĐH QTCS lần V gặp Quok ở đám tang Le-nin, nên chúng nhất quyết “bác đến Nga vào mùa đông 1924”. Sau này, có chứng cớ rõ ràng ghi lại sự kiện “bác” đến Nga vào hè 1923 (từ 30/6/1923) thì chúng đành im re hay gân cổ lên ca bài ca mùa đông cho to hơn, vì đã quá muộn! Hồ/TDT/T.Lan và Hoa Nam chỉ mong dân Việt 30 triệu (nay đã lên đến 90 triệu) ngu lâu không để ý đến thôi. Mà ngu lâu thật, tôi đã U60 mới đọc lại “tác phẩm trứ danh” của TDT và T.Lan và giật mình! Còn các “nhà nghiên cứu” sử đảng chuyên nghiệp như Trần Quốc Vượng, Trần Đĩnh, rồi Dương Trung Quốc... họ có nghĩ gì không nhỉ!?

Sai sót thứ hai: Lý do và công việc của NAQ ở TQ/Quảng Châu lần đầu 1924-1927.

Trích 2 từ TDT: “Bây giờ ông Nguyễn ở Trung Quốc, ông bắt đầu đi bán thuốc lá và bán báo để sống.

Đọc quảng cáo trên tờ Quảng Châu Nhật báo, ông tìm đến làm phiên dịch cho ông Borodin, cố vấn chính trị của bác sĩ Tôn Dật Tiên và chính phủ Quảng Châu.” (hết trích)

Trích 2 từ T.Lan: “Sau Đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản, Bác còn dự các cuộc Đại hội Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Nông dân, Quốc tế Phụ Nữ, Quốc tế Thanh Niên, Quốc tế Cứu tế Đỏ (Nopr)...

Sau các cuộc đại hội đó, Bác bí mật sang Trung Quốc. Ở Quảng Châu Bác làm phiên dịch cho đồng chí Borodin vừa phụ trách mục tuyên truyên trong tờ Canton Gazeta- báo bằng chữ Anh của Trung ương Quốc dân đảng.

... Năm 1925, Bác rời Liên Xô đi Trung quốc.” (hết trích)

Sự thật 2: Kuoc vào phút chót bất ngờ được tham gia phái đoàn của Borodin đi Tàu làm cố vấn cho Chính phủ Trung hoa Dân quốc của Tôn/Tưởng, từ tháng 11/1924 đến tháng 5/1927 (không cả kịp báo cáo và chào, bàn giao công việc với sếp trực tiếp của Kuoc ở QTND là ông Domban, nơi trả lương 60 rúp cho Kuoc). Vị trí của Kuok trong đoàn là phiên dịch, và kiêm đại diện Quốc tế Nông dân. Kuok có lương và có tiêu chuẩn mới trong đòn và trong tổng hành dinh của Borodin, không phải “đi bán báo và thuốc là kiếm sống” như TDT (Hoa Nam) đã nói sai bét. Thực tế, Kuoc còn kiếm tiền bộn bằng cách bán đứng cụ Phan Bội Châu cho Pháp (cùng Lâm Đức Thụ lấy 150,000 bạc/piast Đông Dương mà Pháp treo thưởng). Kuoc càng không phải “nhờ đọc quảng cáo trên báo ở Quảng Châu” mà Kuoc “xin làm phiên dịch cho Borodin” như TDT nói quá sai.

T.Lan cũng nói sai về thời gian Kuoc đến Tàu lần đầu, nói là năm 1925, trong khi đó là tháng 11 năm 1924 - tại sao thế?

Nhận xét 2: Sang Quảng Châu, đoàn của Borodin là đối tác - cố vấn chính trị của chính phủ Tôn-Tưởng thôi, đối thủ trực tiếp của CS Tàu, nên CS Tàu không biết rõ về Kuoc giai đoạn này, cũng giống giai đoạn mùa hè 1923 chỉ bọn Tàu Tưởng gặp Kuoc khoảng trước và trong tháng 10/1923 thôi. Toàn bộ hoạt động chính thức của Kuoc trong thời gian từ tháng 11/1924 đến tháng 5/1927 là với Quốc dân đảng Tàu vì Kuoc là thành viên đoàn Borodin và thành viên Chủ tịch đoàn của QTND mà Quốc dân đảng là hội viên. 

Năm 1924-1926 đảng CS Tàu chỉ có khoảng 4-6 ngàn đảng viên so với hàng triệu đảng viên QDĐ Tôn-Tưởng, Mao thì chưa có quyền lực gì, chỉ là anh nông dân Tàu trong ban lãnh đạo đảng, Chu Ân Lai là du học sinh từ Anh quốc về dự ĐH QTCS lần V và gặp Kuoc ở đó năm 1924 mới thực sự có quyền hành, nên thực sự CS Tàu chưa dám đối đầu Tưởng mà chỉ xin hợp tác Quốc-Cộng. 

Song song, các hoạt động “phụ” của Kuoc là với người Việt (thành lập VN TNCM ĐC hội, mở lớp đào tạo, ra báo Thanh Niên) và với đảng CS Tàu (lấy vợ Tàu là Tăng Tuyết Minh do Chu và vợ là Dĩnh Siêu giới thiệu và tỗ chức cưới cho). Đến lúc này CS Tàu mới bắt đầu để mắt đến “thằng hề ngu hám tiền hám gái” NAQ/Kuoc/Lý Thụy và tìm cách thao túng Kuoc, nên các thông tin về Kuoc của Cs Tàu về Kuoc giai đoạn này và trước đó còn chưa đủ và chính xác. Cả TDT và T.Lan đều cũng một lỗi này như nhau là vì thế! Tức là, CS Hoa Nam đến tận 1949 và 1962 chỉ biết về Kuok (đã chết) có chừng đó để gắn với Hồ Tàu “trong mây” thôi, nhất là giai đoạn trước 1926 khi Kuoc còn chưa bị CS Tàu lôi kéo.

Dù sao, Hoa Nam hay TDT/T.Lan cũng đã làm được việc lớn sau 20 năm (từ khoảng 1940 đến 1960) là biến Hồ Tàu thành người Việt, giúp Hồ mạnh dạnh tự tin hơn khi ỡm ờ nhận mình là Kuoc xứ Nghệ. Việc lớn, là vì đó là Hoa Nam phải lừa bịp và dẫn dắt dư luận của hơn hai chục triệu người Việt miền Bắc ngu muội hoặc/và cuồng điên trước/với Hồ Tàu.

Sai sót thứ ba: Cuối 1929 tại sao Hồ vội từ Xiêm về Tàu, để làm gì?

Trích 3 từ TDT: “Ông biết rõ tình hình trong nước. Việc thứ nhất là cuộc bạo động của Quốc Dân đảng đang được chuẩn bị. Nhận xét cuộc bạo động ấy quá sớm và khó thành công, ông muốn bàn lại kế hoạch với anh em Quốc dân đảng.

Nhưng đường đi từ Xiêm đến Trung Quốc xa xôi. Trong khi ông đang trèo non vượt biển thì cuộc bạo động đã xảy ra...” (hết trích).

Còn T.Lan viết về việc này như sau: 

Trích 3 từ T.Lan: “Ở Xiêm khoảng một năm, Bác được tin hội “Việt nam Thanh Niên Cách mạng đồng chí” chia rẽ thành ba phái và tổ chức ba đảng cộng sản khác nhau. Nóng ruột, Bác lại bí mật trở về Trung Quốc, và mời đại biểu ba phái đến Hương cảng họp hội nghị. Đến dự hội nghị có Bác và các đồng chí Hồ Tùng mậu, Lê Tản Anh, Nguyễn Đức Cảnh...” (hết trích).

Sự thật 3: Từ tháng 11/1929 Hồ đã rời Xiêm đi Tàu, đến Noel 23/12/1929 thì đã đến nơi. Trong khi đó cuộc Khởi nghĩa Yên Bái của Quốc Dân đảng VN nổ ra sớm hơn dự kiến là vào ngày 11/2/1930, do bị lộ. Và Hồ dự cuộc họp hợp nhất ba đảng ở Hương cảng ngày 3/2/1930 (trước khởi nghĩa Yên Bái một tuần). 

Nhận xét 3: Chắc chắn trong cuộc họp thành lập đảng CSĐD Hồ đã đem vụ QDĐ VN sẽ nổi dậy và sẽ thất bại ra để tiên đoán và dọa dẫm các đồng chí mình (vì Hồ đã báo vụ đó cho Pháp biết trước hớn tháng trời rồi!)? Vì khi được các đại diện các đảng hỏi ủy quyền của QTCS cho Hồ hợp nhất các đảng CS thành lập đảng CSĐD đâu thì Hồ câng câng: “Các đồng chí nghĩ nếu tôi giữ ủy quyền đó thì có thể ngồi đây với các đồng chí sao?” - Thật là trâng tráo và vô lối, vô nguyên tắc, thế mà các đảng viên cũng im re? Là vì họ đã bị Hồ dọa cho “sợ sún dái” về vụ QDĐ VN rồi?

Tôi có mấy câu hỏi ở đây cho TDT. Tại sao TDT chỉ nhắc đến lý do “không yên tâm về cuộc bạo động của QDĐ” nên phải vội “về” Tàu? Tại sao lại “về” Tàu để cản anh em QDĐ chứ không phải là về nước VN vì lãnh đạo QDĐ ở trong nước kia mà? Và, tại sao TDT lại nói dối là mình còn đang trên đường “về” Tàu “thì cuộc bạo động đã xảy ra” trong khi thực tế là Hồ về đến Tàu trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra những một tháng rưỡi?

Với T.Lan thì câu hỏi là: Tại sao T.Lan đổi lý do về Tàu của Hồ từ lo cho QDĐ sang chỉ là lo cho đảng CS?

Cách đây 1-2 năm tôi đã có viết một hai bài về TDT nghiêng về giả thiết chính Hồ vội vã về Tàu để báo cho Pháp biết trước về cuộc bạo động dự kiến của QDĐVN. Thực tế lịch sử đã chứng minh giả thiết đó là hợp lý nhất: 23/12/1929 Hồ về Tàu báo cho Pháp về cuộc khởi nghĩa đang được chuẩn bị của QDĐ VN; Suốt tháng 1/1930 Pháp tăng cường và ráo riết đàn áp và bắt bớ các lực lượng và càn bộ đang chuẩn bị khởi nghĩa của QDĐ VN; Ngày 11/2/1930 cuộc Khời Nghĩa Yên Bái của QDĐ VN đã nỏ ra và ngay lập tức bị Pháp dìm trong máu.

Như vậy, một lý do quan trọng mà phải có T.Lan “đục tường khiêm tốn” chui ra sau TDT là để T.Lan viết lại câu chuyện Hồ từ Xiêm về Tàu, không phải vì lý do QDĐ như TDT nói nữa, mà chỉ vì VNTNCMĐCH mà thôi. 

Tôi cho rằng TDT đã trung thực hơn T.Lan về sự kiện này, vì: 

Thứ nhất, đến 1930 hay đến chết thì NAQ trên danh nghĩa vẫn chỉ là người của Quốc tế Nông dân phụ trách và quan tâm đến các “phong trào nông dân” của các đảng như QDĐ chứ không phải các đảng CS; 

Thứ hai, chính Lý Thụy/NAQ ngày 3/1/1925 đã thành lập Quốc Dân Đảng Đông Dương với 3 đảng viên (rồi bỏ bê luôn không bao giờ nói đến?), đến 21/6/1925 mới thành lập VNTNCM ĐCH và đồng thời ra báo Thanh Niên, chứng tỏ Hồ rất quan tâm đến QDĐ và vị trí QTND của mình? Chỉ sau khi được đảng CS tàu tặng vợ trẻ thì Kuoc mới bắt đầu hợp tác với đảng CS Tàu và nhờ có đảng CS Tàu mà lập ra VBN TNCM ĐCH và báo Thanh Niên? 

Thứ ba, lý do Hồ nhận chỉ thị của QTCS hợp nhất các đảng CS là “bịa” vì QTCS không lưu lại một hồ sơ nào như thế, còn chính Hồ ở Hương cảng ngày 3/2/1930 cũng không đưa ra được bất cứ chứng từ nào để chứng minh mình là đại diện QTCS; Và,
Thứ tư, Hồ đi Xiêm bằng tiền công tác của QTND và của đảng CS Pháp, và đó cũng là hai cơ quan cấp trên mà Hồ báo cáo về, chứ Hồ không chịu sự chỉ đạo trực tiếp của QTCS. Hồ làm việc trong Ban Phương Đông của Quốc tế Nông dân! (Như công đoàn hay hội nông dân hiện nay của CS vậy).

Thỉnh thoảng, giai đoạn 1926-1930 Hồ có gửi báo cáo về cho “một đồng chí trong Quốc tế CS” ở Moscow (ngoài các báo cáo cho ông Domban ở QTND và cho đảng CS Pháp) thì nhiều khả năng đó là đại diện của đảng CS Tàu trong QTCS mà Hồ được CS Tàu móc nối cho. Trước kia, nhiều sử gia cho rằng “một đồng chí trong QTCS” là người Pháp, nhưng tôi cho rằng đó là người Tàu của đảng CS Tàu, vì từ thời gian này Hồ đã lấy vợ Tàu và hợp tác ngoài luồng (không đúng theo nhiệm vụ) với CS Tàu… Đó cũng là lý do tại sao kể từ khi ở Xiêm tôi gọi Hồ là Hồ (Tàu) chứ không gọi là Kuoc được nữa... Kuoc là người Việt, Hồ là người Tàu, trẻ hơn Kuoc đến 9-10 tuổi.

Sai sót thứ tư: Các chi tiết xung quanh vụ án Tống Văn Sơ ở Hong Kong 1931-1933

Trích 4a từ TDT: “Ông Nguyễn may có được sự giúp đỡ của một luật sư Anh rất tốt, ông Lôdơbi (Loseby). Ông (Lôdơbi) nói với ông Nguyễn: 

Bác sĩ Tôn Dật Tiên được một người Anh cứu thoát. Tôi cũng ra sức cứu ông, ông hãy tin ở tôi. Ông hãy nói cho tôi nghe những điều gì có thể giúp trong việc bênh vực ông. Tôi không muốn hỏi ông nhiều hơn, vì mỗi người cách mạng đều có bí mật riêng của họ” (hết trích).

Từ nội dung trên của TDT chúng ta thấy Ls Loseby biết rõ mình đang cãi cho một người Tàu, nên mới lấy gương Tôn Dật Tiên - cựu Chủ tịch nước Trung Hoa Dân Quốc mới chết cách đó vài năm ra để nói với Tống Văn Sơ. Mặt khác, ông ta không tiện nói mình được Công hội Đỏ thuê và trả tiền cho vụ cãi này rồi.

Trích 4a từ T.Lan: “Bác vào trại giam vài hôm, thì đồng chí Hồ Tùng Mậu bị đưa ra nhà giam để “trục xuất cảnh”. Nhân dịp đó, đồng chí Hồ Tùng Mậu báo cho luật sư Lôdơbi (chư nhiệm Công ty luật sư RUSS, của người Anh) biết tin Bác bị bắt, và nhờ ông ta giúp Bác.

Ông Lôdơbi vào nhà giam gặp Bác và nói ông sẽ ra sức cãi hộ cho Bác.

Bác nói không có tiền để trả phí tổn cho công ty.

Ông Lôdơbi nói: “Tôi biết ông là một lãnh tụ cách mạng Việt Nam. Tôi cãi hộ ông vì danh dự chứ không nhất thiết vì tiền…”” (hết trích)

Nhưng nội dung QTCS/Công hội Đỏ thuê Ls Loseby cãi cho Tống Văn Sơ đó lại bị T.Lan sửa lại hoàn toàn thành “Hồ Tùng Mậu báo cho luật sư Lôdơbi” và “nhờ ông ta giúp Bác”. Câu nói của Ls Loseby về Tôn Dật Tiên từng được người Anh cứu cũng bị T.Lan biến thành “ông là một lãnh tụ cách mạng Việt Nam”. Tại sao vậy?

Sự thật 4a: Vụ án Tống Văn Sơ ở Hồng Kông là vụ án của một người Tàu xử theo luật Hông Kông/Anh quốc. Ông Loseby là luật sư ở HK được Ban Phương Đông của QTCS thông qua Công Hội Đỏ ở London thuê để cãi cho Tống Văn Sơ –- điều này đã được ghi nhận lại trong hồ sơ QTCS, và chỉ có thể do “một đồng chí” trong QTCS của Hồ/Tống Văn Sơ (lúc này đã là người Tàu đích thực) tác động, chứ không thể do Hồ Tùng Mậu “nhờ Ls Lôdơbi giúp Bác” được!

Trích 4b từ TDT: “Nhờ sự nỗ lực của luật sư Xtapho Cơrít, sau một ngày biện luận, tòa án hoàng đế Anh ở Luân Đôn kết luận rằng phải thả ông Nguyễn, vì không thể kết án ông Nguyễn vào tội gì. Thứ nhất: tuyệt đối không có gì chứng tỏ rằng ông Nguyễn là một tay sai của Liên-Xô. Thứ hai: không có chứng cớ ông Nguyên muốn phá hoại Hương Cảng. Thứ ba: cộng sản hay quốc gia, điều đó không phải tội lỗi trước pháp luật Anh.

Thế là ông Nguyễn thắng lợi.” (hết trích)

Như vậy, theo TDT, “ông Nguyễn thắng lợi” là vì không phạm tội, không là tay sai Liên xô, không muốn phá hoại Hương cảng, không phạm luật Anh khi là cộng sản...

Trích 4b từ T.Lan: “Lý lẽ của các thầy kiện tóm tắt là: 

Việc bắt giam Bác là trái phép, vì Bác bị bắt giam từ hôm 6 tháng 6 năm 1931, nhưng đến hôm 12 tháng 6 tổng đốc Anh mới ký lệnh chính thức cho phép bắt. 

Người công chức lấy cung đã làm trái phép vì y đã hỏi bác những điều ngoài khuôn khổ pháp luật đã qui định hỏi. 

Buộc Bác phải đáp tàu đi về Đông dương, tức là cố ý giao Bác cho Pháp để chúng giết Bác, thế là trái phép. 

Khoảng cuối tháng giêng năm 1933, gần Tết âm lịch, Hội đồngnhà Vua “ xóa án và ra lệnh: Cho phép Bác tự do đi đâu thì đi, miễn là ra khỏi Hương Cảng.

Thế là thắng lợi bước đầu!” (hết trích)

Ta thấy, theo T.Lan, các luật sư của Tống Văn Sơ đã cãi cho TVS được tha là dựa trên Luật tố tụng của Anh và việc giới chức Hồng Kông đã phạm Luật đó, chứ không phải Tống Văn Sơ không phạm tội, không phá hoại như TDT nói (là theo Luật Hình).

Nhận xét 4a/b: Tại sao TDT và T.Lan lại đối chọi nhau chan chát về các nội dung chính xung quanh vụ án Tống Văn Sơ ở Hồng Kông vậy?

Có hai lý do chính: 

Thứ nhất, do TDT kết thức cuốn tiểu sử “rồng-mây” cho Hồ năm 1948 là lúc CS Tàu và tình báo Hoa Nam chưa thắng Tàu Tưởng nên CS Tàu chưa thể có điều kiện tra cứu các tài liệu vụ án kỹ càng được. Việc này chỉ có thể làm được cẩn thận sau 1949 khi nước Tàu cộng ra đời. Vì thế, T.Lan viết đúng hơn về lý do tại sao Tống Văn Sơ được tha (về cách bào chữa của các luật sư). 

Thứ hai, TDT đã trung thực hơn về lý do Ls Loseby cãi cho TVS, còn T.Lan lại nhừơng công trạng đó cho Hồ Tùng Mậu là để tránh lộ “một đồng chí” bảo hộ cho Hồ trong QTCS và đã yêu cầu Công hội Đỏ London thuê Ls Anh cãi cho TVS.

Sở dĩ TDT không thể khơi khơi nhường công trạng cứu Hồ cho Hồ Tùng Mậu là vì đến lúc đó (1948) Hồ chưa “xử lý” được “ân nhân” Hồ Tùng Mậu và cả con trai là phó bí thư tỉnh ủy Nghệ An Hồ Xuân Mỹ. Chỉ sau khi Hỗ Xuân Mỹ chết do Hồ gọi ra Việt bắc năm 1949 và Hồ Tùng Mậu chết do “Pháp bắn” năm 1951 thì T.Lan mới biến H.T.Mậu thành “ân nhân cứu mạng” Hồ! Trong khi đó, từ 1945 đến 1951 Hồ không bao giờ thèm gặp “ân nhân” Hồ Tùng Mậu, và Mậu cũng không bao giờ nói với ai về công trạng cứu bồ của mình với Hồ “năm đó”!? Vì Mậu có biết Loseby với Tống Văn Sơ là ai đâu?!

Cái đểu của Hồ/T.Lan ở đây là, sau khi giết chết hết cả người cha Hồ Tùng Mậu và con là Hỗ Xuân Mỹ (cha của Hồ Đức Việt, Ủy viên BCT CSVN sau này, thày giáo dạy Toán cơ Đại học THHN của bạn tôi, cũng bị Cs giết chết oan trước ĐH 11), Hồ lại gắn cho “bạn thân” H.T.Mậu công đã nhờ Loseby cứu mình ở Hương Cảng! Một cách xử lý bạn bè rất đặc thù của Hồ và CS nói chung!

Còn gì nữa về Trần Dân Tiên và T.Lan? Đó không phải là Hồ, mà là Hoa Nam!

Để kết thúc bài bài này, tôi xin giải thích tại sao tôi chọn 4 nội dung trên để trình bầy về sự bịp bợm trong tiểu sử Hồ bởi TDT và T.Lan - cũng chính là Hồ mà cũng không phải Hồ - vì Hồ Tàu đâu có nhiều thời gian làm các công việc nghiên cứu và viết lách về “chính mình” đó!

Tôi chỉ chọn 4 nội dung trên (mà đã quá dài) trong tổng số trên một tá (12) nội dung mà TDT đã sai về Hồ (sơ với tiểu sử chính thức của Hồ do CSVN công bố) là vì đó là 4 sự kiện có gắn với các đối tác khác của Hồ và các sự kiện khách quan khác nên bạn đọc có thể kiểm chứng, như: 1) Kuoc sang Nga lần đầu và cái chết của Le-nin 21/1/1924; 2) Kuoc sang Tàu lần đầu cuối 1924; 3) Hồ về Tàu Từ Xiêm cuối 1929; 4)Vụ án Hồ ở HK năm 1931/1933.

Sau vụ đọc kỹ lại TDT và T.Lan, việc mà trước kia tôi rất ghét vì khó chịu nên chưa bao giờ đọc kỹ, Tôi thấy dân tộc Việt mình (toàn những người như tôi sao?!) dễ tính đến ngu muội, để Hồ và bọn Tàu nó lừa bịp dễ dàng thế, cả dân tộc suốt hơn 70 năm qua, mà chả ai “thèm” lên tiếng! Nếu ngay từ những năm 50s rồi 60s người Việt đọc và chỉ ra những điều vô lý, bịp bợm của Hồ/TDT, của Hồ/T.Lan... thì hôm nay nước Việt sẽ ra sao nhỉ?

Thôi, muộn còn hơn không, nên tôi đã và đang lập một Viện nghiên cứu sự bịp bợm của Hồ và đảng CSVN tại nhà, từ mấy năm nay rồi. Với tư cách Viện trưởng và nhân viên duy nhất, tôi xin thỉnh thoảng sẽ công bố các kết quả nghiên cứu của Viện cho bạn đọc lề dân!

Mong các bạn ủng hộ về tinh thần!

PS: Sau này nước nhà được giải phóng khỏi cộng sản Việt và Tàu, tôi sẽ xuất bản các kết quả nghiên cứu của Viện, cả phần đã và chưa công bố trên lề dân, tôi sẽ kính đề tặng những nạn nhân Việt của cộng sản Việt...

14.07.2015

Cùng tác giả:




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo