Phạm Trần (Danlambao) - Những phiên chợ chiều ở vùng quê Việt Nam thuở xưa thường có 2 hình ảnh nổi bật: Một là người bán không rao giá cao để bán cho nhanh các món hàng. Hai là người mua thì cũng không muốn kỳ kèo lâu sợ trễ bữa cơm chiều xum họp quan trọng của gia đình. Do vậy mà chợ chiều chì dài từ 2 đền 6 giờ tối là nhiều.
Có nơi người ta gọi cảnh sinh hoạt mua bán nhanh chóng này là “phiên chợ vét”, ai nhanh chân thì được lợi nhưng cả kẻ mua và người bán đều thỏa mãn với quyết định của mình trong tình làng nghĩa xóm.
Trong chính trị thì khác. Khi những kẻ cầm quyền mà làm “chuyến tàu vét” thì chỉ có 2 lý do: Biết trước sẽ mất nên phải vơ bèo vợt tép cho cạn tàu ráo máng, không để cho các phe khác nhảy vào ăn ké; hay biết không vững được lâu nên phải gom góp bề tôi để bảo vệ cái đang có trước khi nó vuột khỏi tầm tay bởi sức mạnh lật đổ của quần chúng, hay quân đội.
Đấy là những dấu hiệu đang diễn ra ra ở Việt Nam trước thềm Đại hội đảng XII, dự trù diễn ra vào đầu năm 2016. Căn cứ theo hai diễn biến chưa hề có trong lịch sử bầu chọn các Ủy viên Trung ương đảng thì công tác chọn người cho khóa XII có nhiều điều không bình thường:
Thứ nhất, sau 8 kỳ họp, từ Hội nghị quan trọng hàng đầu của khóa XI, Trung ương 4 (“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, từ ngày 26 đến ngày 31 tháng 12 năm 2011) đến Hội nghị Trung ương 12 (“Bàn về Nhân sự đảng Khóa XII”, từ ngày 05 đến chiếu 11/10/2015) đảng vẫn chưa giải quyết được Quốc nạn tham nhũng và suy thoái tư tưởng, đạo đức của đảng viên. Đảng viên, kể cả một số không nhỏ cấp lãnh đạo then chốt đã phải "tự phê bình và phê bình lẫn nhau" để sửa mình nhưng chuyện đâu vẫn không những còn nguyên mà còn nghiêm trọng hơn.
Bốn (4) nguy cơ trước mắt là: “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch” , lần đầu tiên xác nhận tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (thời Đỗ Mười) từ ngày 20 đến 25-1-1994 tại Hà Nội.
Đến gần hết khóa đảng XI, Chủ tịch nước Trương Tấn Sáng đã cảnh báo chúng “vẫn còn nguyên” và lại đẻ ra thêm 2 nguy cơ nữa là “Tự diễn biến” và “Tự chuyển hóa”
Đến bây giờ, ngay trước ngày khai mạc Đại hội toàn quốc khóa đảng XII thì nhiều đảng viên, kể cả trong Lực lượng võ trang là Quân đội và Công an đã coi chuyện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” để tự làm, tự nói cái gì mình thích là chuyện bình thường và dân chủ, không cần phải bàn cãi.
Nhưng không chỉ mất đinh hướng mà có nhiều người còn công khai chống lại Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh mà Bộ Chính trị đã kiên quyết buộc mọi đảng viên phải tuyệt đối trung thành, và phải lấy đó làm nền tảng để xây dựng đất nước.
Nhưng đảng viên ngày nay không còn lạch hậu, khờ khạo, bảo sao nghe vậy như trong Thế kỷ 20. Nhiều người trong họ đã biết mở mắt trước sự tan rã thê thảm của Thế giới Cộng sản do nước Nga lãnh đạo từ 1989 đến 1991 ở Đông Âu và ngay tại Moscow.
Ngay cả Cộng sản Trung Quốc cũng đã lột xác và thay áo Mác-Lênin-Mao Chủ tịch bằng chiếc áo mới mang tên “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Người Trung Hoa không giải thích “đặc sắc” là gì, nhưng ai cũng biết họ muốn ấm ớ nói “theo kiểu của người Tầu”.
Đảng CSVN cũng bắt chước làm theo, hay bị buộc phải noi theo, từ sau Hội nghị “bán mất danh dự” ở Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc) năm 1990 giữa các Lãnh tụ Giang Trạch Dân-Lý Bắng (Trung Hoa) và Nguyễn Văn Linh-Đỗ Mười-Phạm Văn Đồng (Việt Nam).
Mấy ông CSVN không muốn làm bản sao “đặc sắc” mà gọi là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đề tiếp tục “quá độ lên xã hội Chủ nghĩa” theo kiểu Việt Nam không có trong đời sống.
Chính ông Tổng Trọng cũng đã ngán ngẩm nói rằng: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.” (Báo Tuổi Trẻ, 23/10/2013)
Như vậy thì công tác tìm cho ra nhân sự khóa XII phải là những người tuyệt đối “trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp…. kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH” như ông Trọng và Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đưa ra tại Hà Nội ngày 28/05/2015 thì có khác nào đưa nhau vào chốn âm ti hoang tưởng?
Do đó mà vẫn còn nhiều bất đồng ý với nhau về tiêu chí chọn nhân sự, nhất là thành phần Lãnh đạo chiến lược gồm Bộ Chính trị, Ban Bí thư và 4 chức danh chủ chốt gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng chính phủ. Lãnh đạo đảng của Thủ đô Hà Nội, và Thành phố thương mại đứng đầu nước Hồ Chí Minh cũng phải đợi chọn ra từ các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.
Lãnh đạo đảng bộ nhiệm kỳ 2016-2020 của Lực lượng võ trang gồm Quân đội và Công an cũng chưa ngã ngũ. Tin Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI), Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quanh Thanh, 67 tuổi vào năm 2016, sẽ nghỉ hưu vì lý do sức khỏe đang lan nhanh ở Hà Nội đã không bị cải chính.
Đại tướng Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu Trưởng Đỗ Bá Tỵ có nhiều hy vọng thay tướng Thanh cả trong Bộ Chính trị lẫn Bộ Quốc phòng.
Mục tiêu chuẩn
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị với “cán bộ toàn quốc triển khai phương hướng công tác nhân sự và quy trình giới thiệu nhân sự tham gia BCH TƯ Đảng khóa 12” ngày 28/05/ 2015, ông Rứa nói: “BCH TƯ phải thật sự là một tập thể đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới; có cơ cấu, số lượng hợp lý đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tính kế thừa và phát triển.”
Nói thì dễ mà làm thì còn lắm chông gai như quyết định của Bộ Chính trị đã lên kế hoạch Trung ương phải họp thêm 2 lần nữa (Trung ương 13 và 14) may ra mới thống nhất thành phần lãnh đạo XII. Như vậy, Đại hội XII sẽ phải lùi lại sau tháng 1/2016 là sớm nhất.
Nhưng các Ủy viên Trung ương mới phải “trong sạch” đến cỡ nào thì được chọn mà sao không thấy phổ biến các bản “kê khai tài sản” của những người đã được các đảng bộ bầu vào Ban Chấp hành, hay nằm trong Danh sách được cử đi dự Đại hội XII?
Nhân dân có hay biết gì đâu. Hai ban kiểm tra đảng và nhà nước cũng nín thinh thì ai đo lường được mức độ “trong sạch” của họ?
Tiêu chuẩn chung cho các Ủy viên tương lai, nhất là thành phần của Bộ Chính trị và Ban Bí thư là đội ngũ nắm đầu cả nước, dù chả có ai bầu họ, được Bộ Chính trị quy định phải có “tầm trí tuệ, tư duy chiến lược, khả năng nắm bắt, đề xuất, giải quyết những vấn đề mới; về đạo đức cách mạng, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng”.
Sau những lời đu đưa nhiều lý thuyết hơn thực tế của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng lên lớp giảng cán bộ toàn quốc: “Tinh thần của những người cộng sản là đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên hết, trước hết, không vì cá nhân, lợi ích cục bộ, phải trong sáng, công tâm, khách quan, với mong muốn xây dựng cơ quan lãnh đạo cao nhất ở các cấp và đặc biệt là ở Trung ương phải thực sự trong sạch vững mạnh, là một tập thể đoàn kết thống nhất cao, đủ trí tuệ, phẩm chất, năng lực, quan hệ tốt với dân, không tham nhũng tiêu cực, không vướng vào lợi ích nhóm… cố gắng không để lọt vào cơ quan lãnh đạo của Đảng cả ở cấp Trung ương và địa phương, những đối tượng mắc một trong các khuyết điểm đã nêu.”
Nhưng “cố gắng” bằng cách nào khi nhân dân và nhiều “lão thành cách mạng” đang vò đầu, bứt tóc tìm câu trả lời cho thắc mắc: tại sao một cán bộ hạng trung mà có nhà tiền tỷ, hay nhiêu nhà, nhiều đất, nhiều xe ôtô láng coóng và có tiền gửi con đi học nước ngoài?
Nếu không tham nhũng và trong sáng như đòi hỏi của hai ông Rứa và Trọng thì tiền chùa ở đâu mà chui vào túi cán bộ nhiều như thế? Bằng chứng Ủy ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng do ông Trọng đứng đầu từ sau Trung ương 5 đã làm được gì mà lúc nào đảng cũng nói “tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”?
Bằng chứng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người từng giữ chức “Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng” trong 7 năm, trước khi bàn giao qua ông Trọng, đã báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp 10, khai mạc ngày 20/10/2015: “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu.”
Tại sao lại “chưa đáp ứng yêu cầu” khi nhà nước đã có Luật phòng, chống tham nhũng từ năm 2005 rồi có thêm hàng hà sa số văn kiện, nghị quyết, nghị định v.v... phòng chống mà sao đến giờ này Tham nhũng đã leo ngồi cười toe trên đầu đảng ?
Vì vậy mà khi nghe ông Trọng nói nhiều đến tiêu chuẩn “trong sáng” để chọn nhân sự thì ai cũng biết ông là người lý luận giỏi nhưng làm thì chẳng được bao nhiêu, sau 5 năm làm Tổng Bí thư.
Tính của ông Trọng là cứ nói cho hay, đúng bài bản rồi tính sau.
Ông bảo cán bộ: “Trong thực tế công tác cán bộ khó nhất là có trong sáng, công tâm hay không? Có quán triệt đúng tiêu chuẩn, yêu cầu, nguyên tắc hay không? Nếu không trong sáng thì nhìn tiêu chuẩn sẽ khác, đến khi làm cũng không đúng quy trình, dễ luồn lách để đạt được mục đích, tham vọng cá nhân, bất chấp nguyên tắc, quy chế của Đảng...”
Con ông cháu cha thắng to
Thứ hai, khi nói đến chuyện “dễ luồn lách” thì không hiểu ông Trọng có nghiên cứu, xem xét đến đến trường hợp mới bầu chọn những người có liên hệ gia đình, dòng tộc của đương kim và nguyên lãnh đạo đảng vào các chức Bí thư hay Ủy viên Ban chấp hành các đảng bộ địa phương?
Trong số này có 4 người tiêu biểu là các ông Nguyễn Văn Anh, tân Bí thư Đà Nẵng là con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Nguyễn Văn Chi.
Cũng tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Cảnh, sinh năm 1983, con trai của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, nguyên Trưởng ban Nội Chính Trung ương được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020.
Nhưng đáng chú ý hơn phải kể đến người con trai trưởng của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị, 39 tuổi, nắm chức Bí thư Tỉnh ủy của Kiên Giang.
Ông Nghị được bầu vào Ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương XI cùng lượt với Nông Quốc Tuấn, con trai Tổng Bí thư đảng hai khóa IX và X, Nông Đức Mạnh. Ông Tuấn đang giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Sau cùng là người con út trong gia đình Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Minh Triết, 24 tuổi cũng lọt vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015.
Như vậy, chắc là những “con ông cháu cha, được ngồi mát ăn bát vàng” này cũng phải hội đủ những điều kiện do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đưa ra tại Hà Nội ngày 28/05/2015?
Nhưng có ai, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng bảo đảm được họ là những cán bộ “trong sáng”, có thực tài, được kiểm tra bầu cử minh bạch và đã không phải gửi gắm bởi các ông bố quyền thế, hay là họ cũng đã được cha mẹ vẽ đường cho biết cách “luồn lách” vào những địa vị béo bở?
Chuyện lớn như thế mà cả nước, cả Quốc hội cũng không ai dám nêu thắc mắc với ông Trọng xem bằng cách nào mà các con ông cháu cha này đã lên chức lên bậc ngon ơ như thế?
Hay là họ đã được chọn để đồng hành với các nhóm lợi ích trên chuyến tầu chót của đảng CSVN? -/-
(10/015)