Nghĩ gì về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama? - Dân Làm Báo

Nghĩ gì về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama?

Nguyễn Lộc Yên (Danlambao) - Chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, sẽ như làn gió mát làm dịu bớt nỗi xót xa giữa hai nước cựu thù nhưng rất khó để tạo được thành quả quan trọng. Vì lẽ, nhà cầm quyền Việt Nam bị “Bùa Thập lục tự” (16 chữ vàng) của Trung cộng yểm chưa gỡ được. Nghĩ xem, Tôn Ngộ Không chỉ bị một lá “Bùa Lục tự” (bùa 6 chữ) mà bị Ngũ Hành Sơn đè tới 500 năm không thoát được, huống chi Đảng CSVN lại bị Trung cộng yểm nặng hơn, đấy là “Bùa Thập lục tự”?!. 

*

Sau Đệ nhị thế chiến (1939-1945) các nước phe Trục bị bại và bị kiệt quệ, nước Đức đầu hàng Đồng minh ngày 8-5-1945, Nhật bị hai quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, phải ký văn kiện đầu hàng Đồng minh ngày 2-9-1945. Thế mà, nhân dân và các nhà lãnh đạo các quốc gia vừa bị chiến bại, đã sáng suốt và uyển chuyển thích nghi: “Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”, nước Nhật đã nhờ tướng McArthur của Mỹ tận tình giúp đỡ, Tây Đức cũng như một số nước Châu Âu được sự giúp đỡ của Mỹ thông qua viện trợ kinh tế có tên “Kế hoạch Marshall” nên đất nước của họ đã phát triển về khoa học, kinh tế kể cả tự do, nhân quyền rất rực rỡ. 

Mỹ trước đây cũng là kẻ cựu thù của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN), liệu rằng CSVN có đủ sáng suốt để thoát Trung và uyển chuyển để phát triển đất nước, giữ vẹn toàn bờ cõi không?!. Trong thời cơ Mỹ đã/đang lưu tâm đến Việt Nam: 

- Năm 1995, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Hoa Kỳ bắt đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau 20 năm (1975-1995) kết thúc chiến tranh. 

- Đến năm 2000, Tổng thống Bill Clinton chính thức thăm Việt Nam. 

- Năm 2006, Tổng thống George W. Bush tiếp tục viếng thăm Việt Nam. 

- Nay Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Việt Nam, theo lịch trình: Máy bay Tổng thống (Air Force One) đến sân bay Nội Bài lúc nửa đêm 23H55 rạng ngày 23-5, rời Hà Nội đi Sài Gòn lúc 13H30, rời Sài Gòn đi Nhật lúc 12H40 ngày 25-5-2016. Chuyến đi của TT Obama mong củng cố chính sách xoay trục sang châu Á; muốn thắt chặt mối quan hệ về an ninh, kinh tế với một đối tác có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Vì sao Mỹ lưu tâm đến Việt Nam? Vì Trung cộng là quốc gia đã/đang tranh giành quyền lợi gay gắt với Mỹ và độc chiếm biển Đông. Trung cộng là kẻ vong ơn bội nghĩa, trong Đệ nhị thế chiến, cả Quốc Dân đảng và Tàu cộng đã hợp tác chống Nhật, cả hai được quân đội Mỹ tận tình giúp đỡ vũ khí, huấn luyện và cứu thương. Sau đấy, nhờ Mỹ mà Nhật đầu hàng, nhờ vậy nước Tàu mới không bị Nhật đô hộ. Thứ đến, vào năm 1972, Tổng thống Nixon tới Thượng Hải, Mỹ trong vị thế một siêu cường số một, Tàu là một quốc gia đông dân, cả triệu dân nhưng yếu kém về kinh tế. Tổng thống Nixon đã ký kết thông cáo chung Thượng Hải đánh dấu bước khởi đầu bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung. Sau đấy, Trung cộng được Mỹ hỗ trợ nên phát triển vượt qua cả Nam Hàn và Nhật, trở thành nước có nền kinh tế mạnh thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ. Thế mà, Trung cộng lại cố ăn cắp kỹ thuật của Mỹ: “Su Bin từng làm việc trong ngành hàng không và hàng không vũ trụ. Anh ta đã đánh cắp dữ liệu liên quan đến phi cơ vận tải chiến lược C-17 và một số phi cơ chiến đấu quân sự, theo thông báo từ Bộ Tư pháp (1)”. Trung cộng làm thực phẩm giả, tác hại đến người tiêu thụ, trong đấy có nhân dân Mỹ: “Sứa, trứng, sữa bột trẻ em, rượu là những mặt hàng được làm giả một cách tinh vi ở Trung Quốc và có thể dễ dàng đánh lừa nhiều người tiêu dùng (2)”. Còn nữa, năm 2013, tờ Global Times còn xuất bản một bài báo mô tả những đòn tấn công hạt nhân sẽ giết chết 12 triệu người Mỹ như thế nào (3)”.

Mỹ muốn trừng trị kẻ phản bội và hung bạo cần có “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”. Trung cộng đã làm trái đạo trời (vừa ghi trên) nên yếu tố “Thiên thời” đã có. Các nước: Nhật, Úc, Philippines, Ấn Độ... sẵn sàng hỗ trợ Mỹ để trừ kẻ hung bạo, do đấy yếu tố “Nhân hòa” đã sẵn sàng. Còn yếu tố “Địa lợi” thì nhìn chung chỉ có đất nước Việt Nam về địa lý ảnh hưởng nhiều nhất với nước Tàu, chỉ có người Việt mới chống trả quân Tàu nhiều nhất và bền bỉ nhất. Sử Việt đã chứng minh rằng: 

- Ngày 21 tháng chạp, Giáp Thân (1284), tại Hồ Quảng, Thái tử nhà Nguyên là Thoát Hoan thống lãnh 50 vạn quân Nguyên (Tàu) xâm lăng Đại Việt, nhà Trần triệu tập ngay các bô lão và quần thần tại điện Diên Hồng hỏi hòa hay chiến và sau đó mở tiếp hội nghị Vạn Kiếp, bàn bạc chiến lược chống giặc và kiểm điểm tất cả binh sĩ được 20 vạn, dù quân số chưa bằng một nửa quân số của giặc, vẫn đồng tâm đánh đuổi giặc tan tành vào năm 1285 (4). 

- Vua Quang Trung chỉ có 10 vạn quân, vẫn đánh tan tác trên 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh (Tàu) tại Thăng Long vào năm 1789 “Xuân Kỷ Dậu” (5). 

Như vậy, Tiền nhân Việt Nam dù lấy một đánh hai với Tàu, vẫn đem về chiến thắng vẻ vang. Vì thế, Mỹ cần liên hệ mật thiết với Việt Nam để tách Việt Nam ra khỏi Trung cộng, nhưng ngại ngùng thay, ngày 14-3-1988, quân Trung cộng đánh cướp đảo Gạc Ma của Việt Nam thì Đại hèn tướng CSVN là Lê Đức Anh đang làm Bộ trưởng Quốc phòng đã ra lệnh oái oăm: “Không được nổ súng trong trường hợp Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma hay bất kỳ một đảo nào ở Trường Sa”?!. Còn nữa, Hội nghị Thành Đô tại Tứ Xuyên, nước Tàu, trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990, ở đấy CSVN đã thần phục Trung cộng những gì, vì sao nội dung Hội nghị này lại giấu giếm (6)?!. Thế nên, liệu rằng Mỹ có tách được Việt Nam ra khỏi Trung cộng không?. Vậy chúng ta “Nghĩ gì về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama” trong vài ngày sắp tới, TT Obama sẽ thảo luận với nhà cầm quyền Việt Nam những điều thiết yếu nào? Xin thưa:

1- Nhân quyền: Nhân quyền là vấn đề Mỹ luôn đề cập đến, Ông Daniel Russel là Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, trong cuộc họp báo sáng ngày 10-5-2016, tại Hà Nội, đã nói rằng chuyến đi của TT Obama sẽ quan tâm đến "vấn đề cải cách pháp luật" và "nhân quyền". Tuy nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam luôn nói tráo trở rằng: “Tại Việt Nam không có tù nhân chính trị mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam?!” Dù vậy, người viết nghĩ rằng Mỹ cần đối tác quan trọng hơn, sẽ xem nhẹ vấn đề nhân quyền.

2- Bán vũ khí sát thương: Trong tình hình tại biển Đông, Trung cộng đã lấn chiếm, đắp đảo, lập sân bay phi pháp trên các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, ai là người Việt không muốn có vũ khí sát thương để ngăn ngừa ngoại xâm. Tuy nhiên, theo Tạp chí The Diplomat của Nhật Bản đã cảnh báo:“Có trên 70% vũ khí Trung Quốc sản xuất được sao chép từ Nga, đây là kết luận về chương trình phát triển vũ khí gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc (7)”. Việc Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, để Việt Nam có vũ khí chống xâm lăng giữ biển Đông mà Trung cộng lại hoan hô việc Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là cớ gì?! Từ đấy, liệu rằng CSVN sau khi mua được vũ khí sát thương có đem loại vũ khí này trình cho quan thầy Trung cộng không? Tuy vậy, người viết nghĩ rằng Mỹ không bán vũ khí sát thương loại thượng đẳng của mình cho bất cứ quốc gia nào. 

3- Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement: TPP), Hiệp định TPP gồm có 12 quốc gia (ghi thứ tự: ABC): Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Malaysia, Mexico, Nhật Bản, Peru, Singapore, Tân Tây Lan, Úc và Việt Nam đã được ký ngày 4-2-2016, tại Auckland, New Zealand. Ông Daniel Russel đã đề cập về Hiệp định TPP: "Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ khả năng Việt Nam thực hiện hiệp định quan trọng này." Xin lưu ý rằng mục tiêu của TPP là nâng cao mức sống xã hội, 12 quốc gia hội viên của TPP phải cam kết cùng xây dựng và phát triển một hệ thống thương mãi công bằng và thịnh vượng. Muốn vậy, Việt Nam phải thành lập công đoàn độc lập cho công nhân, Việt Nam còn phải sửa đổi luật pháp cho phù hợp với luật TPP và Việt Nam phải là xã hội dân chủ nhân quyền, liệu rằng nhà cầm quyền Việt Nam thực thi được không? Cho nên, Hiệp định TPP như chiếc du thuyền lộng lẫy, người có khả năng sử dụng thì sẽ được thoải mái, kẻ không đủ khả năng sử dụng thì du thuyền sẽ bị chìm không biết lúc nào?! 

4- Biển Đông: Biển Đông chẳng những là mối quan tâm của các nước có chủ quyền đang tranh chấp mà còn là vấn đề lớn của cả thế giới, mà chủ yếu là Hoa Kỳ. Vậy Tổng thống Obama với tư cách là một nhà lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới khi gặp gỡ các giới chức chóp bu: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc... có đủ bản lĩnh bàn bạc để đưa đất nước thoát Trung, gìn giữ vẹn toàn cương thổ hay những nhân vật này vẫn loay hoay trong thân phận của một quan Thái thú của Bắc Kinh?! 

Vấn đề bàn bạc về biển Đông, người viết nghĩ rằng hai bên sẽ thảo luận rất kỹ lưỡng. 

Nói về biển Đông, không thể quên vịnh Cam Ranh là một trong 3 hải cảng tốt nhất thế giới: Cam Ranh, San Francisco và Rio de Janeiro. Vịnh Cam Ranh, được hai nhánh núi che chắn tạo thành, ngoài cửa vịnh có các đảo và cù lao chắn gió, nên bên trong vịnh gió yên sóng lặng, tàu lớn ra vào trọng tải tới 100.000 tấn. Vịnh Cam Ranh có địa thế yếu hiểm, cửa vào vịnh thu nhỏ, nên kẻ thù khó tấn công, ta dễ phòng thủ, có ưu thế về địa lý và vị trí quan trọng về chiến lược. Ngày nay, có nhiều quốc gia chú ý đến cảng Cam Ranh, vì cảng Cam Ranh chiếm vị trí trung tâm chiến lược, là căn cứ tốt để chống lại tham vọng bành trướng của Trung cộng trong cuộc tranh chấp về chủ quyền tại biển Đông. Nếu ai làm chủ vịnh Cam Ranh có thể khống chế được toàn khu vực biển Đông. Trung cộng luôn mong muốn làm chủ vịnh Cam Ranh, hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam đủ sáng suốt, không để kẻ thù truyền kiếp chiếm đóng quân cảng quan trọng của nước nhà. 

Cũng xin thưa thêm: Trung cộng luôn rình rập xây dựng các đảo với mục đích “Cứt trâu để lâu hóa bùn” nhưng tránh né chiến tranh, còn Mỹ dù phô trương lực lượng nhưng cũng đắn đo, lo ngại chiến tranh. 

Ngoài ra, vấn đề tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA) luôn là khúc mắc mà các nhà lập pháp và các quan chức quân đội Mỹ không thể nào quên, nên Tổng thống Obama cũng không thể không đề cập đến khi hội họp, khi đấy nhà cầm quyền Việt Nam cũng sẽ yêu cầu phía Mỹ giúp làm sạch tàn dư chất độc da cam (Agent Orange). 

Còn vấn đề “Cá chết 4 tỉnh miền Trung”, Tòa Bạch Ốc đã nhận hơn 100 nghìn chữ ký của đồng bào Việt Nam ở khắp mọi nơi trên trang web “We the People”, TT Obama cũng không thể lơ là.

Nhìn chung, chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, sẽ như làn gió mát làm dịu bớt nỗi xót xa giữa hai nước cựu thù nhưng rất khó để tạo được thành quả quan trọng. Vì lẽ, nhà cầm quyền Việt Nam bị “Bùa Thập lục tự” (16 chữ vàng) của Trung cộng yểm chưa gỡ được. Nghĩ xem, Tôn Ngộ Không chỉ bị một lá “Bùa Lục tự” (bùa 6 chữ) mà bị Ngũ Hành Sơn đè tới 500 năm không thoát được, huống chi Đảng CSVN lại bị Trung cộng yểm nặng hơn, đấy là “Bùa Thập lục tự”?!. 

20-5-2016 


_____________________________________ 

Chú thích: Các link dưới đây tác giả đã tham chiếu, nếu độc giả muốn xem mời click vào link.









Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo