Formosa trả đũa: Nhà nước CSVN đã cấm 4 lãnh đạo đầu não của Formosa xuất cảnh để giữ làm con tin nhằm đòi bồi thường - Dân Làm Báo

Formosa trả đũa: Nhà nước CSVN đã cấm 4 lãnh đạo đầu não của Formosa xuất cảnh để giữ làm con tin nhằm đòi bồi thường

Danlambao - Ngoài việc Phó chủ tịch tập đoàn Formosa ông Hồng Phúc Nguyên phủ nhận Formosa là nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường (1), một bài báo khác đã được Formosa tung ra nói rằng 2 giám đốc của họ đã bị nhà nước Việt Nam gây sức ép để Formosa phải chịu nhục bồi thường 500 triệu USD.

“...chính quyền Việt Nam còn nói rằng nếu như hai bên không đàm phán được kết quả thì đừng nghĩ tới việc rời khỏi Việt Nam... Không những thế, bốn nhân viên đầu não của nhà máy Formosa Hà Tĩnh còn bị cấm xuất cảnh, làm cho hơn 1000 cán bộ nhân viên nhà máy và người nhà họ cảm thấy bất an. Đây rõ ràng là bắt giữ người lấy tiền chuộc, bắt buộc doanh nghiệp đưa tiền chuộc lấy nhân mạng...” (2)

Sau đây là bản dịch của bài báo bằng tiếng Hoa được đăng trên trang appledaily.com

Nội tình việc Vương Văn Nguyên, Vương Thụy Hoa bị sức ép, Formosa Việt Nam chịu nhục bồi thường 16.1 tỉ Đài Tệ

2016年07月06日06:30

Hồ Như Ý (Danlambao) dịch - Vào thứ 5 tuần trước (30/6) là một ngày đen tối đối với cự đầu công nghiệp Đài Loan là tập đoàn Formosa, bởi vì vào ngày hôm đó, Tổng giám đốc Formosa Hà Tĩnh Trần Văn Thành cùng với toàn thể nhân viên nhà máy xin lỗi người dân Việt Nam; Đồng thời chính phủ Việt Nam cũng tuyên bố Formosa Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm cho sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam bởi nước thải của nhà máy thép xuống biển, hơn nữa Formosa còn phải bồi thường 500 triệu USD. Tin tức này đã làm kinh động khắp nơi.

Kỳ thực nửa tháng trước đó, nhà máy thép Formosa nằm ở Hà Tĩnh Việt Nam với quy mô lớn gấp 5 lần nhà máy thép của công ty China Steel đều nằm dưới một bầu không khí bất an, các nhà cung ứng nhận được thông báo rút nhân viên đợt đầu tiên vào ngày 23/6; từ ngày 10/7, ngoại trừ nhân viên của nhà máy thép, toàn bộ người của các nhà thầu phụ không được đi vào khu vực nhà máy, tin đồn về việc chính quyền Việt Nam đóng cửa nhà máy không ngừng được truyền đi giữa những nhà thầu của nhà máy thép, những bức ảnh cảnh sát chống bạo động tiến vào nhà máy được truyền ra, không ngừng được phổ biến trên mạng xã hội, tuy nhiên phía Formosa đều phủ nhận tin đồn đóng cửa nhà máy.

Vào 2 tuần trước đó, tại đại hội cổ đông của Formosa, Chủ tịch Formosa là Lâm Kiến Nam còn tự tin rằng mời phía chính phủ Việt Nam tìm kiếm các chuyên gia quốc tế điều tra, trả lại trong sạch cho Formosa. Không ngờ rằng không đến nửa tháng, sự tình nghịch chuyển, Formosa bị chính phủ Việt Nam yêu cầu nhận trách nhiệm và bồi thường, hơn nữa còn công khai lên tiếng nhận trách nhiệm, xin lỗi công chúng.

Theo báo chúng tôi điều tra, từ khi Formosa kêu oan cho tới khi thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm gây ô nhiễm nguồn nước “bởi nhà thầu phụ tắc trách, gây rò rỉ nước thải”, phải bồi thường 500 triệu USD. Sự chuyển biến 180 độ này kỳ thực có nguyên do khó nói, đó là những người nắm quyền sinh sát của Formosa bao gồm giám đốc và phó giám đốc của tập đoàn này là Vương Văn Nguyên, Vương Thụy Hoa đã trải qua một ngày nhiều sóng gió ở Việt Nam.

Năm 2007, Formosa quyết định đặt nhà máy thép ở Hà Tĩnh, đầu tư vào đây 250 tỉ Đài Tệ, Formosa Hà Tĩnh là nhà máy thép lò cao lớn nhất khu vực Đông Nam Á, giai đoạn một với hai lò cao đi vào hoạt động sẽ cho công suất 7.1 triệu tấn thép, vốn được lên kế hoạch đi vào hoạt động vào tháng 6 năm nay, Vương Văn Nguyên, Vương Thụy Hoa đầu tháng 6 tới Việt Nam vốn là để bàn bạc về lễ khánh thành, không ngờ lại trở thành “dê vào miệng hổ”.

Vương Văn Nguyên, Vương Thụy Hoa đồng loạt vắng mặt trong cuộc họp cổ đông vào ngày 17/6, phản ứng của tập đoàn Formosa là thông báo tổng giám đốc và phó tổng có việc quan trọng, đi ra nước ngoài giải quyết, thực ra lúc đó 2 người đang đi Việt Nam. Theo tìm hiểu, do ảnh hưởng bởi sự kiện cá chết hàng loạt, chính quyền Việt Nam lần lữa không đồng ý khánh thành hoạt động dây chuyền sản xuất, cuối cùng phía chính quyền Việt Nam đưa ra điều kiện nói Vương Văn Nguyên, Vương Thụy Hoa phải đích thân tới Việt Nam bàn bạc về kế hoạch khánh thành dây chuyền sản xuất.

“Không ngờ rằng, sau khi đi tới văn phòng của phía Việt Nam, họ mới biết rằng phía Việt Nam căn bản không muốn bàn tới việc khánh thành dây chuyền sản xuất, mà từ đầu đến cuối chính là yêu cầu bồi thường như thế nào đối với sự kiện cá chết. Đồng thời chính quyền Việt Nam còn nói rằng nếu như hai bên không đàm phán được kết quả thì đừng nghĩ tới việc rời khỏi Việt Nam”. Một nguồn tin từ giới doanh nghiệp Đài Loan cho biết.

“Không những thế, bốn nhân viên đầu não của nhà máy Formosa Hà Tĩnh còn bị cấm xuất cảnh, làm cho hơn 1000 cán bộ nhân viên nhà máy và người nhà họ cảm thấy bất an. Đây rõ ràng là bắt giữ người lấy tiền chuộc, bắt buộc doanh nghiệp đưa tiền chuộc lấy nhân mạng” nguồn tin này nói.

Người dưới cường quyền không thể không cúi đầu, nhà máy thép Formosa vốn dự kiến sẽ làm lễ đốt lửa lò cao vào ngày 15/6 không những bị hủy bỏ, cuối cùng Vương Văn Uyên, Vương Thụy Hoa không thể không cúi đầu nhẫn nhục chấp nhận điều kiện của phía Việt Nam, kí vào hiệp định bồi thường 500 triệu USD, hơn nữa chủ tịch Formosa Hà Tĩnh là Trần Nguyên Thành sẽ lên truyền hình xin lỗi người dân Việt Nam. 

“Đừng nghĩ rằng như thế là đã kết thúc, thứ ghê gớm hơn đang còn ở đằng sau. Phía Việt Nam bắt Formosa ký vào đơn bồi thường, nhưng thứ nhất là về sau không được có bất kỳ kiện cáo nào về điều này, thứ hai là không được đem việc này đưa ra tòa án quốc tế, nếu không nhà máy thép Formosa đừng nghĩ tới việc nổi lửa hoạt động”. Đối mặt với yêu cầu của phía Việt Nam, Formosa Đài Loan chỉ còn cách nhẫn nhục nuốt vào bụng.

Nguồn


Người dịch:

danlambaovn.blogspot.com

_______________________________________

Chú thích:


(2) http://www.appledaily.com.tw/realtimenews/article/nextmag/20160706/900783/


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo