Paulus Lê Sơn (Danlambao) - Đông Yên. Một làng quê ngư nghiệp trù mật và bình yên ven biển như đã có tự bao đời thế mà giờ đây từng đường làng, ngõ nhỏ, từng ngôi nhà hộ dân hay đến những nơi sinh hoạt tôn giáo đang dần trở nên hoang tàn do bị thế quyền cộng sản tàn phá từng ngày.
Bên cạnh ngôi làng đang dần bị tiêu biến này là một công ty của nước ngoài, cái công ty mà đã gây ra thảm họa môi trường biển tại Việt Nam; người ta đọc tên nó là Formosa tại Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Làng Đông Yên chỉ cách công ty Formosa khoảng độ 1km về phía bắc.
Làng Đông Yên bị giải tỏa để lấy mặt bằng cho công ty Formosa xây dựng, và từ khi đó ngôi làng bình yên này đã xảy ra nhiều chuyện đau lòng lắm thay.
Người dân làng Đông Yên chất phác, mặn mà như cái nghề gắn với biển cả mặn mòi của họ, và họ cũng rất đằm thắm, ân tình nhưng lại vô cùng kiên trì và mạnh mẽ trong những biến cố đau thương.
Trong đôi mắt thâm trầm của một người dân Đông Yên kể lại “Giáo xứ Đông Yên chúng tôi là đối tượng mới nhất của việc cưỡng chế đất đai bởi nhà cầm quyền cộng sản. Nhà cầm quyền tại Hà Tĩnh đã cho xe ủi và máy xúc phá dỡ các công trình của nhà thờ và định phá dỡ cả nhà thờ này. Bà con giáo dân ra ngăn cản nhưng không ngăn được hàng trăm cảnh sát cơ động, đã có những xô xát, làm bị thương một số giáo dân”.
Người dân ở Đông Yên biết rất rõ về việc công ty Formosa xả chất độc ra biển. Họ nói rằng họ không tin cái lý do của công ty này đưa ra khi nhận lỗi đó là do “mất điện”. Họ nói “nói là do mất điện thì chẳng có một người dân nào tin cả anh ạ, bởi lẽ dù ở cái làng này có mất điện thế nào đi chăng nữa thì hướng về phía công ty Formosa luôn luôn có điện chiếu sang khắp một vùng trời, sao lại có thể nói mất điện trong một thời gian để xảy ra sự cố được chứ?”.
“Chúng tôi ở đây rất là khổ sở bởi phải ngửi một mùi gì đó thật sự khó chịu từ phía công ty Formosa xả thải ra môi trường, những luồng khói nghi ngút kéo theo là là cái mùi không thể diễn tả được”.
Cái không khí ám muội, bất an tại ngôi làng là hàng xóm với công ty Formosa như ngự trị nơi mỗi người dân. Một bạn trẻ nói rằng “ngày trước em ra đường thấy bình an lắm, nhưng giờ ra đường thấy ớn lạnh, hoang tàn, những ngôi nhà của những gia đình chuyển đi bị chính quyền phá bỏ trờ nên hoang vắng, đi đến nhà thờ ban đêm cũng sợ phải đi hai người trở lên mới thấy bình an”.
Làng Đông Yên có từ lâu đời, từ những năm 1879 ngôi làng này bắt đầu được hình thành. Trải qua nhiều thế hệ bỏ công sức và hy sinh xương máu cũng những biến cố đau thương của lịch sử.
Với cộng sản, Đông Yên có những trang sử bi thương thời thập niên 60 đến năm 71 thế kỷ trước và sau nữa. Từ thời cha cố Vũ Văn Giáo bị nhà cầm quyền Hà Tĩnh vu cáo “kết tội” do xảy ra chiến tranh ác liệt với đế quốc Mỹ. Trong buổi mít tinh đó, chính quyền đề nghị cha Vũ Văn Giáo ký vào bản kiến nghị để tố cáo tội ác đế quốc Mỹ. Nhưng Cha không ký bản kiến nghị đó. Từ đó nhà cầm quyền quy và kết tội linh mục Vũ Văn Giáo là một tay phản động.
Biết được ý đồ tà ác của nhà cầm quyền nên giáo dân muôn người như một phản kháng lại cách làm manh động vu khống của tập đoàn cai trị, đã kéo dài cho đến năm 1969.
Năm 1970, nhà cầm quyền Hà Tĩnh đã viết giấy triệu tập không thời hạn với cha xứ. Giáo dân biết ý đồ của họ, đã giữ cha lại không cho đi, từ đó nhà cầm quyền tổ chức hàng trăm công an, bộ đội, để bắt gọn Cha Vũ Văn Giáo.
Cuộc đấu tranh can trường của người dân Đông Yên không quản giá lạnh của tiết “đại hàn” mang bì đay thay áo ấm, thức ăn là lá khoai non lấy sức chiến đấu, thế mà hàng trăm quân đội của nhà cầm quyền phải chịu thất bại.
Cũng từ thời điểm đó, giáo xứ Đông Yên đã trở nên điểm nóng, cần được phá tan của các tập đoàn lãnh đạo cộng sản tỉnh Hà Tĩnh. Cho đến bây giờ ý định xóa bỏ làng quê giáo xứ Đông Yên vẫn nung nấu trong ý nghĩ của nhà cầm quyền cộng sản hay sao?
06.07.2016