Chim Biển (Danlambao) - Năm 2016 được xem là năm đại họa đối với môi trường Việt Nam. Người dân bốn tỉnh miền trung vẫn đang lao đao trong thảm họa Formosa. Nông dân lục tỉnh miền Tây chưa hết khó khăn vì nhiễm mặn, hạn hán do thiếu nước từ thượng nguồn bởi dòng chảy của sông Mê Kông đã bị Trung cộng ngăn xây đập thủy điện. Rất nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tục xảy ra hiện tượng cá chết do ô nhiễm môi trường. Hàng triệu hecta rừng đã bị đốn hạ để phục vụ các dự án thủy điện để rồi trong vòng chưa đầy một tháng, người dân miền Trung (lại là miền Trung) đã hai lần khốn khổ trong nước do đập thủy điện xả lũ “đúng qui trình”. Có thể thấy người dân Việt Nam đang gánh chịu hậu quả nặng nề do “đỉnh cao trí tuệ” cộng sản lãnh đạo và cai trị đất nước.
Sau thảm họa môi trường xảy ra Vũng Áng, Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung bị đầu độc bởi Formosa mà hệ quả thì ai cũng đã biết. Tưởng chừng nhà cầm quyền cộng sản sẽ “rút kinh nghiệm” và sẽ xử lý những vấn đề môi trường “đúng qui trình”. Có lẽ cách xử lý theo kiểu “rút kinh nghiệm” của nhà cầm quyền cộng sản đã mách nước cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có dính dấp với Trung cộng vô hình chung đã biến Biển Việt Nam trở thành bãi rác. Chưa xong vụ việc Formosa thì lại ngấp nghé đại dự án luyện thép của Tôn Hoa Sen ở cảng Cà Ná. Giờ thì 1,5 triệu m3 chất thải gồm bùn, đất, cát… được nạo vét từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có thể sẽ được “nhấn chìm” xuống biển, gần khu bảo tồn biển Hòn Cau. Theo ước tính diện tích mặt biển chứa lượng chất thải này khoảng 30000 hecta. Trong khi đó khu bảo tồn Hòn Cau có diện tích rộng khoảng 12500 ha với hệ sinh thái san hô và thủy sinh đa dạng, nằm cách đất liền khoảng 10 km và là 1 trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam.
Theo hồ sơ xin phép Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) của công ty CNHH điện lực Vĩnh Tân thì khối lượng nạo vét đổ thải lớn. Nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền phải có diện tích lớn nhưng địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp, không có mặt bằng để thực hiện. Đồng thời việc đổ thải trên đất liền có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường. Do đó việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội. (trích nguồn sở TN&MT)
Một số trang báo của đảng cộng sản thông tin người đại diện khu bảo tồn Hòn Cau đánh giá: "Mặc dù nằm trong phạm vi đánh giá tác động môi trường nhưng cũng cần thận trọng khi triển khai dự án, có sự giám sát đặc biệt. Bởi từ khi Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động đến nay, dù chưa hoạt động hết các tổ máy nhưng đã có tác động đến môi trường xung quanh khu vực vành đai bảo vệ khu bảo tồn biển Hòn Cau. Nếu không có giải pháp lâu dài để bảo vệ môi trường, thì nguy cơ đe dọa đến khu bảo tồn từ các dự án của Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân là điều khó tránh khỏi"
Với những luận điệu trên thì nhiều khả năng 1,5 triệu m3 chất thải của công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân sẽ được “nhận Chìm” “đúng qui trình”, và nếu gây hậu quả xấu đến môi trường biển của tỉnh Bình Thuận thì chắc chắn nhà cầm quyền cộng sản sẽ “rút kinh nghiệm”.
CHXHCN VN là một nước nông nghiệp nhưng cộng sản lại muốn pháp triển đất nước theo hướng công nghiệp của các quốc gia tư bản chủ nghĩa. Tuy muốn phát triển theo hướng tư bản,nhưng lại muốn giữ “sắc thái” cộng sản nên nhà cầm quyền đã đưa các nhà thầu Trung cộng vào Việt Nam đảm nhiệm hầu hết các dự án trọng điểm như thủy điện, nhiệt điện. Đây là một cách làm hết sức nguy hại đến an ninh quốc gia, điều mà giới trí thức và nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo. Trung cộng vừa được hưởng lợi từ các gói thầu, vừa tàn phá đất nước Việt Nam ở nhiều góc độ. Tính chiến lược của các dự án do các nhà thầu Trung cộng thực hiện gần như không được đề cao trước, trong và sau khi ký kết với phía lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Phía nhà thầu Trung cộng miễn làm sao vận hành được dự án, phần xử lý hậu quả sau dự án là chuyện của nhà nước VN.
Sự việc nhiều bài báo của đảng đồng loạt đưa tin sự việc công ty CNHH Vĩnh Tân “xin” đổ 1,5 triệu m3 chất thải ra biển Bình Thuận, có lẽ người dân “nên” hiểu rằng “dự án nhận chìm bùn” sắp được thực hiện. Bởi một lẽ báo chí hiện nay chỉ là công cụ hướng dư luận theo ý muốn của đảng cộng sản. Thoạt đọc những bài báo này, nhiều người vẫn mang hy vọng rằng nhà nước đã cho phép báo chí lên tiếng thì “sự việc chắc sẽ ổn thôi, chắc sẽ không đổ bùn bẩn ra biển nữa”…Nhưng khi dư luận đã “tin” vào đảng, nhà nước thì cũng là lúc những thứ độc hại sẽ được “xử lý đúng qui trình”. Rồi khi người dân lên tiếng về vấn nạn ô nhiễm thì có thể sẽ xảy ra những cuộc biểu tình, những đợt người dân chặn xe trên quốc lộ để phản đối nhà cầm quyền về những vấn đề môi trường. Phía cộng sản sẽ “ôn hòa” xử lý bằng những lời kêu gọi người dân hãy yên tâm, mọi việc đã có đảng và nhà nước lo. Bên cạnh đó , công an, mật vụ sẽ âm thầm” giải quyết” những nhân vật nổi cộm trong những đợt biểu tình. Và rồi mọi việc sẽ từ từ lắng xuống như chưa từng xảy ra.
Còn nhớ trước đây, chính những người dân xã Tuy Phong, huyện Vĩnh Tân tỉnh Bình Thuận đã từng có cuộc biểu tình ngoạn mục vào tháng 04/2015 . Họ đã chặn xe trên quốc lộ 1 để đánh động nhà cầm quyền vì nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thường xuyên xả bụi khiến toàn bộ xã bị ô nhiễm không khí nặng nề. Trong đợt biểu tình đó, nhà cầm quyền đã có những hành động quá khích khi lực lượng cảnh sát cơ động trấn áp người dân bằng vũ lực, người dân đã phản kháng lại bằng bom xăng tự chế. Vụ việc chỉ mới cách đây hơn một năm, ấy vậy mà nay lại chính nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 lại có chủ trương tàn phá môi trường, chỉ khác chăng lần này họ “nhận chìm” những thứ độc hại đó xuống biển. Có lẽ vì họ không muốn người dân lại chặn xe quốc lộ, hay họ biết rằng nếu đổ xuống biển thì chắc người dân không thể lên tiếng được.
Dù cách này hay cách khác, dù là nhiệt điện Vĩnh Tân hay Formosa thì chắc chắn một điều là cộng sản Việt Nam không bao giờ xử lý nổi những tập đoàn hay công ty có mối liên minh ma quỉ với Trung cộng. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có suy nghĩ và hành động vì dân vì nước. Vì một lẽ rất đơn giản, từ xưa tới nay, cộng sản luôn cai trị đất nước bằng sự gian ác và lừa dối.
4.11.2016
4.11.2016