Ông tiến sĩ sửa lưng thủ tướng đã bị bịt mồm - Dân Làm Báo

Ông tiến sĩ sửa lưng thủ tướng đã bị bịt mồm

Sau khi Danlambao đăng bài viết Ông Tiến sĩ to gan thật, bài báo Không thể đọc tên chữ cái là "a, bờ, cờ" đăng trên Vietnamnet đã bị gỡ xuống.

Khi thủ tướng đã Bờ Cờ rồi thì không có tiến sĩ, giáo sư, nhà ngôn ngữ học và ngay cả nhà đạo đức học nào có thể phán rằng thủ tướng không thể Bờ Cờ!!!


Sau đây là bài viết đã bị gỡ do bạn đọc gửi cho Danlambao:

Không thể đọc tên chữ cái là a, bờ, cờ
Nguồn: Vietnamnet.vn, 07-12-2016 (đã bị xoá bỏ)

Theo PGS. TS. Mai Xuân Huy, khi đọc bảng chữ cái, không bao giờ đọc là "a-bờ-cờ..." mà phải đọc là "a-bê-xê".
Hiện nay, ở nhiều nơi, nhiều lúc vẫn đang tồn tại 2 cách đọc hệ thống chữ cái của tiếng Việt. Thậm chí, có lúc còn chèn cả phát âm của tiếng Anh khi đọc bảng chữ cái của tiếng Việt. VietNamNet có cuộc trao đổi với PGS. TS. Mai Xuân Huy, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) về cách phân biệt 2 cách đọc này cũng như giải pháp để thống nhất cách dạy học sinh trong nhà trường về cách đọc bảng chữ cái và cách đánh vần tiếng Việt.
Hiện vẫn tồn tại 2 cách đọc hệ thống chữ cái. Ảnh minh họa.
*
Phóng viên: Hiện tại, trong thực tế giáo dục ở Việt Nam, vẫn đang tồn tại 2 cách đọc bảng chữ cái tiếng Việt là "a, bờ, cờ" và "a, bê, xê". Xin ông cho biết cách đọc nào là đúng?
PGS. TS. Mai Xuân Huy: Ở đây, cần phân biệt hai hệ thống: tên chữ cái và tên âm vị của tiếng Việt. Tên các chữ cái được đọc theo quy định đọc bảng chữ cái của các ngôn ngữ. Chẳng hạn, tên các chữ cái của tiếng Việt là "a, bê, xê, dê, đê…", trong khi tên các chữ cái của tiếng Anh là "ây, bi, xi, đi,...". Bảng chữ cái chuẩn của tiếng Việt chỉ có 29 chữ cái. Ngoài ra, theo quy định của Bộ GD-ĐT về Quy chế chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt (1984), có thể sử dụng thêm bốn chữ cái khác được mượn của bảng chữ cái Latinh để ghi âm tên riêng và thuật ngữ tiếng nước ngoài gồm: f, j, w và z.
Còn hệ thống âm vị (đôi khi được gọi tắt là âm) cơ bản của một ngôn ngữ thường gồm có phụ âm, nguyên âm và bán nguyên âm. Tên âm vị thường được ghi bằng các ký hiệu được đặt giữa 2 dấu gạch chéo và đây cũng là cách của từ điển dùng để phiên âm cách đọc các từ.
Quy định về ghi âm rất chặt chẽ và có tính quốc tế. Chẳng hạn, âm /b/ ( đọc là "bờ") được ghi bằng chữ b trong văn bản (đọc là "bê"), còn âm /k/ (đọc là "cờ") được ghi bằng 3 chữ cái: c , kq trong văn bản (đọc là "xê","ca" và "quy"). Vì thế, khi ta gọi tên chữ b là chữ "bờ" và tên chữ c là chữ "cờ" là sai. Đây chỉ là lối nói dân dã chứ không đúng về mặt khoa học.
Hệ thống chữ cái và hệ thống âm vị trong bất kỳ một ngôn ngữ nào là hoàn toàn khác nhau. Có thể dùng một ẩn dụ để so sánh hai đối tượng này: giống như chiếc áo của thầy tu và bản thân ông thầy tu vậy. Bảng chữ cái như là chiếc áo của thầy tu, còn âm vị như là bản chất của thầy tu. Nhiều khi, chúng không liên quan tới nhau.
Chúng chỉ liên quan khi một chữ cái ghi một âm vị (ví dụ,chữ "a" dùng để ghi âm vị /a/, chữ "bê" dùng để ghi âm vị /b/,...). Tuy nhiên, bản thân các ký tự đặt trong 2 gạch chéo cũng không giống chữ cái chúng ta viết thông thường. Đó là ký hiệu Quốc tế quy định rằng đây là các âm vị của một ngôn ngữ hoặc đây là phiên âm cho cách đọc một từ trong một cuốn từ điển của ngôn ngữ đó.
Vì thế, khi đọc bảng chữ cái tiếng Việt, không đọc là "a-bờ-cờ..." mà phải đọc là "a-bê-xê...".
- Vậy khi học đánh vần tiếng Việt, chúng ta sẽ đánh vần là "a-bê-xê" hay "a-bờ-cờ", thưa ông?
- Khi đánh vần tiếng Việt tức là chúng ta đang đọc từng phần tổ hợp các chữ ghi âm tiết của tiếng Việt, cụ thể là phát âm các âm đầu, vần và âm tiết (hoặc các từ) của tiếng Việt. Vì thế, khi đó phải đọc theo tên âm là "a-bờ-cờ" chứ không thể là "a-bê-xê" được.
Chẳng hạn, ta lấy ví dụ là từ "bà". Ở đây, phải đọc theo âm vị là âm "bờ", tức là "bờ-a-ba-huyền-bà" chứ không đọc theo chữ cái là "bê-a-ba-huyền-bà" được. Vì ở đây, chúng ta đang phát âm một âm tiết/một từ chứ không phải viết chính tả. (Lưu ý, không nên nhầm với spelling trong tiếng Anh, là cách viết hay chính tả của một từ, do từ này lâu nay được dịch có phần sai là "đánh vần").
...
Khi đọc bảng chữ cái tiếng Việt,  không đọc là "a-bờ-cờ..." mà phải đọc là "a-bê-xê..."
 - PGS. TS. Mai Xuân Huy
Thực ra, tiếng Việt trước khi cải cách chữ viết lần thứ nhất (khoảng đầu những năm 1960), được đánh vần rất phức tạp. Khi đánh vần, người ta phải đọc tên từng chữ cái một. Khi tạo thành vần thì đọc tên âm tiết đó lên, cứ như vậy cho đến chữ cái và âm tiết cuối cùng và thanh điệu. Ví dụ, chữ "huyền" chẳng hạn, sẽ được đánh vần là:"hát - u - hu - ycờrét - huy - ê - huyê - en - huyên - huyền - huyền".
Đây là kết hợp giữa kiểu đọc chính tả của Tây và cách đánh vần của ta. Sau này, người ta bỏ cách đọc chính tả từng chữ cái mà chỉ đọc tên âm đầu và vần + thanh điệu của âm tiết tiếng Việt như ngày nay. (Trước đây, người ta thường đánh vần một âm tiết/ từ làm 2 phần: phần vần được đánh vần trước, sau đó đánh vần phần âm đầu và nối với phần vần để thành tên âm tiết/ từ. Chẳng hạn, từ "vào" được đánh vần như sau: a - o - ao/ vờ - ao - vao - huyền - vào)
Một từ có 2 dạng tồn tại: dạng chữ viết (kênh thị giác) và dạng âm thanh (kênh thính giác). Do đó, cần phân biệt rõ, từ "bà" được ghi bằng 2 chữ cái: "bê" và "a" + dấu "huyền" nhưng đánh vần thì phải là: "bờ-a-ba-huyền-bà". Bởi vì, âm tiết "bà" của tiếng Việt được cấu tạo bởi ba âm vị: /b/ (âm đầu) + /a/ (âm chính) và /huyền/ (thanh điệu).
Vì thế, theo tôi, học sinh lớp đầu cấp tiểu học khi học tên các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt mà các thầy cô dạy "a-bờ-cờ" là hoàn toàn sai, do dùng tên âm vị để gọi tên chữ cái. Ngược lại, khi đánh vần một âm tiết mà đọc theo hệ "a - bê - xê" là không đúng.
Điều này chắc chắn làm các em nhầm lẫn giữa chữ và âm của tiếng Việt ngay từ đầu, sẽ rất có hại. Dạy đúng là phải dạy cho trẻ hiểu rõ và biết phân biệt hai hệ thống chữ cái và âm vị của tiếng Việt nói riêng và một ngôn ngữ nói chung, ngay từ đầu cấp tiểu học để tránh những nhầm lẫn sau này, khi trẻ học một ngoại ngữ nào đó.
Đến đây, cũng cần phải lưu ý rằng, trong chính tả tiếng Việt, hiện có tình trạng khá bất hợp lý là một âm có thể được ghi bằng 2 hoặc 3 ký tự như các trường hợp: d/gi ghi âm "dờ"; g/gh ghi âm "gờ"; ng/ngh ghi âm "ngờ" , trong khi 3 chữ cái c, k và q lại được dùng để ghi một âm "cờ".  
Vậy thì giải pháp đánh vần cho các âm đầu của âm tiết/từ được ghi bằng các ký tự trên là thế nào? Theo ý kiến riêng, tôi cho rằng có thể áp dụng ngoại lệ cho các trường hợp trên: đọc các âm đầu của âm tiết/ từ theo tên chữ ghi âm đầu (các phần sau của âm tiết vẫn đọc bình thường) để giúp học sinh vừa đánh vần được, lại vừa viết đúng chính tả nữa.
- Tuy nhiên, khi dạy chữ cái là "a-bê-xê" mà khi dạy đánh vần lại là "a-bờ-cờ" có khiến học sinh khó nhớ và tạo nên tình trạng lộn xộn không, thưa ông?

PGS. TS. Mai Xuân Huy
- Quan điểm khoa học cũng như sư phạm của tôi là chúng ta phải nhất quán. Cần phải phân biệt ngay từ đầu giữa hai hệ thống chữ cái và âm vị. Cái áo là cái áo chứ không thể là người mặc áo được. Ngay từ đầu chúng ta phải dạy trẻ cách tư duy khoa học để lớn lên không bị nhầm lẫn.
Ký tự b khi đứng trong một tổ hợp ký hiệu ghi âm một từ hoặc âm tiết phải được phát âm là "bờ", còn nếu là chữ cái lại phải đọc là "bê". Tương tự, ký tự đ trong một tổ hợp ký hiệu ghi âm một từ hoặc âm tiết phải được phát âm là "đờ" trong khi tên chữ cái này thì phải gọi là " đê".
Cứ kiên trì dạy chuẩn như vậy thì các em sẽ nhận ra hai hệ thống khác nhau và không thể nhầm lẫn được.
- Vậy đối với những chữ/ tên viết tắt chữ cái đầu như "CLMV", "CHXHCN" hay "WHO", "UNDP" thì nên đọc theo tên chữ hay tên âm, thưa ông?
- Đối với các chữ/ tên viết tắt chữ cái đầu của tiếng Việt thì hầu hết chúng ta phải đọc theo tên đầy đủ. Chẳng hạn, với từ HTX thì chúng ta phải đọc là "hợp tác xã", UBND phải đọc là " Ủy ban nhân dân", LHQ phải đọc là "Liên Hợp Quốc", CS phải đọc là "cảnh sát", TƯ phải đọc là "Trung ương",...
Tuy nhiên, trong tiếng Việt, có một số chữ viết tắt được dùng như một từ viết tắt khi hầu như toàn bộ cộng đồng người Việt hiểu nghĩa của nó, chẳng hạn, VAC (mô hình kinh tế nông thôn Vườn - Ao - Chuồng), HIV (virus gây bệnh suy giảm miễn dịch), VKT (Chương trình truyền hình Văn hóa- Khoa học - Thể thao),... Khi đó, chúng được đọc theo tên các chữ cái.
Còn đối với những tên viết tắt các chữ cái đầu của tiếng Anh được công nhận rộng rãi, được đưa vào từ điển thì được đọc theo tên các chữ cái đó. Ví dụ, chúng ta sẽ đọc là "iu-en-đi-pi" hoặc "u-e-nờ-đê-pê" cho tên viết tắt UNDP hoặc đọc "đáp-bliu-ết-âu" hoặc "vê-kép-hát-o" cho tên viết tắt WHO (chứ không được đọc là "hu" như từ who của tiếng Anh).
Với những tên viết tắt chữ cái đầu mà tạo thành âm tiết thì chúng được đọc theo âm tiết. Ví dụ: UNESCO (The United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization ) được đọc là "iu-nét-xcâu" hoặc "u-nét- xcô"; UNICEF được đọc là " iu-ni-xép" hoặc là "u-ni-xép",...
- Làm thế nào để có sự thống nhất trong các cách phát âm và trẻ em khi học được dạy cách phát âm đúng, thưa ông?
- Theo tôi vai trò của những người thầy dạy trẻ em ở các lớp đầu cấp là hết sức quan trọng. Họ phải được trang bị những kiến thức Việt ngữ học chính thống và chuẩn xác. Họ phải có ý thức rõ ràng về tính chuẩn mực và khoa học trong việc dạy tiếng, phải nhận thức và phân biệt được rằng chữ cái và âm vị là thuộc về 2 hệ thống hoàn toàn khác nhau. Cần phân biệt ngô ra ngô và khoai ra khoai. Có thế mới truyền đạt và dạy đúng được hai hệ thống nói trên.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng mà cụ thể là các cơ quan thuộc Bộ GD cũng cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc dạy bảng chữ cái và hệ thống âm vị tiếng Việt để tránh sự nhầm lẫn mà về lâu dài có thể khiến trẻ mắc lỗi về nhận thức đối với hai khái niệm này.
Cuối cùng, dư luận xã hội, các nhà khoa học về ngôn ngữ và giáo dục cũng cần phải lên tiếng để ủng hộ các quan điểm khoa học đúng đắn, thuyết phục để xã hội noi theo. Chúng ta không thể nói rằng, muốn nói thế nào thì nói hay không có gì quan trọng, lớn lên rồi ai cũng nói và viết được. Bởi vì, thực ra, đây là câu chuyện hết sức nghiêm túc.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!
Lê Văn (thực hiện)
Nguồn: vietnamnet.vn  (đã bị xoá bỏ)


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo