Bản thân chữ Quốc ngữ “có tội” với Dân tộc Việt Nam không? - Dân Làm Báo

Bản thân chữ Quốc ngữ “có tội” với Dân tộc Việt Nam không?

Ngày 15-03 là ngày sinh nhật của Giáo sĩ Alexandre De Rhodes, Danlambao đăng một bài viết cũ, do tác giả gửi đến DLB, về những quan điểm của nhà cầm quyền cũng như một số người làm việc trong guồng máy về vấn đề chữ Quốc Ngữ.

Nguyễn Văn Nghệ (Danlambao) - Sáng thứ bảy, ngày 3/10/2015 tại khu VietStar Resort, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia tại Sài Gòn phối hợp với Trường Đại học Phú Yên và Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia về “Chữ Quốc ngữ: Sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên, hội ngôn ngữ và các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Hội thảo ghi nhận công lao của các giáo sĩ phương Tây trong việc hình thành chữ Quốc ngữ: trong đó quyển Từ điển Việt-Bồ-La là thành quả của một tập thể các giáo sĩ người Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa và người có công tập hợp, hệ thống lại để quy tụ thành cuốn từ điển nói trên là giáo sĩ Alexandre de Rhodes.

Sinh thời Wilhelm von Humboldt nói: “Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc”. Quả vậy, với lịch sử 400 năm hình thành, vận động và cải tiến chữ Quốc ngữ là tinh thần, là linh hồn của dân tộc Việt. Vốn quí ấy của dân tộc cần được nuôi dưỡng để phát triển mạnh mẽ hơn.

Một số “trí thức” kết tội chữ Quốc ngữ

Vào năm 2009, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng có văn thư gởi cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu ý nguyện muốn hiến tặng tượng giáo sĩ Alexandre de Rhodes mà ông đã tạc, cho thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Với ý nguyện hiến tặng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã gây nên một sự phản đối của một số người. Tuần báo Giác Ngộ số 497, 498 và 500 có đăng bài phản đối việc làm của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và qua đó kết tội giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng như chữ Quốc ngữ.

Sau khi đọc những bài báo ấy những người ít am tường về lịch sử trở nên hoang mang nêu lên thắc mắc là: Giáo sĩ Alexandre de Rhodes và chữ Quốc ngữ có công hay có tội với dân tộc Việt Nam?

Công-Tội của giáo sĩ Alexandre de Rhodes

Theo ông Nguyễn Đắc Xuân cũng như một số học giả khác thì giáo sĩ Alexandre de Rhodes “đã và đang bị các nhà sử học trong và ngoài nước chứng minh rằng đấy là một trong những đầu mối thúc đẩy thực dân Pháp vào cướp nước ta” (1).

Trước ngày miền Nam được gọi là “hoàn toàn giải phóng”, tại Thủ đô Sài Gòn có con đường mang tên giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, theo như quan điểm của đảng, nhà nước cộng sản và các nhà sử học Mác-xít thì giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người có tội với dân tộc Việt Nam, vì đã góp phần vào việc thực dân Pháp xâm lăng nước ta, cho nên tên đường Alexandre de Rhodes bị hủy bỏ và thay vào đó là tên đường Thái Văn Lung. Sau đó một thời gian, với nhiều cuộc hội thảo khoa học lịch sử đã nhìn nhận lại công lao đóng góp cho dân tộc Việt Nam, nên đã cho phục lại tên đường Alexandre de Rhodes. Hiện con đường mang tên giáo sĩ Alexandre de Rhodes nằm phía trước dinh Thống Nhất.

Đối với người ít am tường về lịch sử, họ lý luận một cách rất đơn giản: Việc đảng và nhà nước cộng sản cho phục lại tên đường Alexandre de Rhodes là đã nhìn nhận công lao của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, vì không thể đem tên một người có tội với dân tộc đặt tên cho đường phố bao giờ!

Ai là người sáng lập ra chữ Quốc ngữ?

Cũng theo ông Nguyễn Đắc Xuân: “Giả như chữ Quốc ngữ có giá trị to lớn với dân tộc Việt Nam thì Đắc Lộ cũng chỉ là một trong nhiều người sáng lập ra. Vậy tại sao anh Hạng không dựng một cụm nhiều người mà chỉ tạc có một mình Alexandre de Rhodes?” (2).

Khi nhắc đến Nho giáo người ta chủ yếu nhắc đến Khổng tử mà thôi và tôn kính Khổng tử là “Vạn thế sư biểu”, nhưng thực ra Nho giáo đã hình thành trước thời Khổng tử nhưng chưa được hệ thống và Khổng tử là người “tập đại thành” các tư tưởng ấy lại có hệ thống. Khổng tử đánh giá công lao của mình: “thuật nhi bất tác”(thuật lại điều của người xưa và không sáng tác gì mới cả!) 

Việc sáng lập ra chữ Quốc ngữ là công trình của nhiều giáo sĩ phương Tây như: Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa... là điều không ai phủ nhận cả, nhưng chính giáo sĩ Alexandre de Rhodes mới là người “tập đại thành” cuốn Từ điển Việt-Bồ-La. Do đó, khi nhắc đến việc sáng lập chữ Quốc ngữ, hậu thế thường nhắc đến giáo sĩ Alexandre de Rhodes là vậy.

Bản thân chữ Quốc ngữ không hề “có tội”

Ông Nguyễn Đắc Xuân còn đưa ra ý kiến phê phán chữ Quốc ngữ: “Sự thật chữ Quốc ngữ có công trong việc truyền đạo Thiên Chúa ở Việt Nam và có tội là đã dựa vào thực dân Pháp đẩy chữ Hán-Nôm của dân tộc Việt Nam vào quên lãng” (3.)

Nhiều quốc gia xung quanh nước ta đang mơ ước có chữ viết theo mẫu tự Latin, riêng ông Nguyễn Đắc Xuân lại nuối tiếc chữ Hán-Nôm!

Thực dân Pháp xây dựng cầu Long Biên với mục đích xấu là khai thác thuộc địa mà thôi, nhưng sau 1954 nó trở thành hữu ích trong giao thông vận tải của nước ta, ngoài ra cầu Long Biên còn là biểu tượng, là niềm tự hào của người dân Thủ đô Hà Nội, đến nỗi vừa qua nhà cầm quyền có kế hoạch phá bỏ cầu Long Biên vì đã quá cũ kỹ nhưng đã bị nhiều người dân Thủ đô Hà Nội phản bác. 

Mục đích của người sáng lập ra chữ Quốc ngữ với mục đích để truyền đạo mà thôi, nhưng sau đó chúng ta có thể tiếp thu và biến nó thành “linh hồn” của dân tộc. PGS.TS. Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia tại Sài Gòn trong bài phát biểu tại Hội thảo ở Phú Yên ngày 3/10/2015: “Tiếng Việt ngày nay như một chiếc cầu nối đưa văn hóa Việt Nam ra ngoài thế giới và góp phần đưa văn hóa thế giới đến với dân tộc Việt Nam. Có được diện mạo và có được một sức hút mãnh liệt như hiện nay, tiếng Việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới cũng trải qua bao thăng trầm cùng với dân tộc”.

Cách nay khoảng hơn trăm năm, các cụ trong phong trào Duy tân (các cụ đều xuất thân cửa Khổng, sân Trình đều ghét thực dân Pháp) đã đề cao chữ Quốc ngữ và xem chữ Quốc ngữ là hồn, là tinh hoa của dân tộc. Bài “Chiêu hồn nước” ghi: “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,/ Phải đem ra tỉnh trước dân ta/ Sách Ây Mỹ, sách Chi na,/ Chữ kia, chữ nọ dịch ra tỏ tường/ Công, nông, cổ trăm đường cũng thế/ Họp bày nhau thì dễ lo toan/ Á Âu chung lại một lò/ Đúc nên tư cách mới cho rằng người”.

Sau phong trào Duy tân một thời gian, Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ được thành lập và cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã từng là Hội trưởng và cụ La Sơn Hoàng Xuân Hãn từng là Hội viên.

Ngày 28/03/1907 tờ Đăng cổ tùng báo ra đời ở Bắc Kỳ (Tờ báo chia đôi: ½ Hán văn, ½ Quốc ngữ, có nội dung riêng rẽ). Ngay số báo đầu tiên có bài “ Người An Nam nên viết chữ An Nam” thực sự mang tính tuyên ngôn của tờ báo. Bài viết xác định: “Nước Nam xưa nay vẫn có tiếng nói, mà tiếng An Nam lại hay được một điều là cả nước nói có một thứ tiếng... Nhưng vốn chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, đến khi học chữ Tàu, rồi mới lấy chữ Tàu ghép ra thành một lối riêng, gọi là chữ Nôm. Chữ Nôm tuy viết quấy quá cũng thành ra dạng chữ, nhưng không có mẹo mực gì, ai muốn viết thế nào thì viết, thường thì phải cao đoán mới đọc được thông... Bây giờ có người phương Tây đến, bày ra chữ Quốc ngữ, chắp vần theo như chữ các nước phương Tây; có mẹo mực, ba là ba, bốn là bốn, không thể sai được mà học dễ biết là bao nhiêu. Sáng ý thì chỉ vài ngày, ngu đần thì trong một tháng cũng phải thông”.

Năm 1909, tác phẩm Tam quốc chí diễn nghĩa đã được cụ Phan Kế Bính và cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Quốc ngữ. Ở lời nói đầu của cuốn sách, cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã xác định ngay từ dòng chữ đầu tiên rằng: “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở như chữ Quốc ngữ” (4).

Như vậy bản thân chữ Quốc ngữ không hề “có tội”. Nếu nước ta cho trưng cầu dân ý chọn chữ Quốc ngữ hay chữ Hán-Nôm làm chữ viết chính thức cho dân tộc Việt Nam thì không biết những người cho rằng chữ Quốc ngữ “có tội” sẽ chọn chữ viết nào đây? Và không biết lâu nay các công trình nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân được viết bằng chữ Quốc ngữ hay Hán-Nôm? Và ông có duy trì việc dạy chữ Hán-Nôm cho con cháu của ông không?

Cho dù giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng chỉ là một trong những người đóng góp vào việc sáng tác chữ Quốc ngữ mà thôi, chúng ta cũng phải trân trọng biết ơn giáo sĩ. Chúng ta không nên đưa ra những ý kiến phê phán ngược với đạo lí “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta.

Diên Khánh - Khánh Hòa



_________________________________

Chú thích:

1, 2, 3. Tuần báo Giác Ngộ số 498 ra ngày 15/08/2009, trang 14-15.

4. Bài viết “Nguyễn Văn Vĩnh với tiếng mẹ đẻ và chữ Quốc ngữ” của tác giả Nguyễn Lân Bình.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo