CSVN bỏ rơi công dân Đoàn Thị Hương - Dân Làm Báo

CSVN bỏ rơi công dân Đoàn Thị Hương

Em Bụi (Danlambao) - Sáng 1.3.2017, Tòa án Malaysia tại Sepang đã mở phiên đầu tiên xét xử 2 nghi phạm trong vụ ám sát Kim Jong Nam. Theo đó, Đoàn Thị Hương quốc tịch Việt Nam và Siti Aisyah quốc tịch Indonesia chính thức bị buộc tội giết người theo theo điều 302 của Malaysia, với hình phạt cao nhất là tử hình.

Điều đáng nói ở đây là đối với nữ nghi phạm người Indonesia, có hẳn một đội luật sư 5 người, đứng đầu là ông Gooi Soon Seng bào chữa, và tất cả những luật sư này được chính phủ Indonesia đã chỉ định. Tuy nhiên, đối với Đoàn Thị Hương thì chỉ có duy nhất 1 luật sư, và luật sư này do tòa án Malaysia chỉ định.

Sau phiên tòa, mẹ kế của Đoàn Thị Hương cho BBC biết người của “phòng nội vụ” hay “bộ ngoại giao gì đó” mới liên hệ với gia đình về chuyện luật sư cho Hương: "Họ nói bây giờ Hương ra hầu tòa như vậy thì gia đình có muốn tìm luật sư không. Mỗi một tiếng là hai triệu rưỡi. Họ nói gia đình cần làm đơn để xin nhà nước tài trợ kinh phí" (1).

Rõ ràng, khi một công dân Việt Nam tại nước ngoài hay kiều bào, nếu thấy có thể “làm ăn” được các chóp bu cộng sản luôn coi họ “là nguồn lực giúp đất nước phát triển” (2) (lời của Nguyễn Xuân Phúc). Tuy nhiên, đối với những người nghèo, những người đi lao động, những người “có vấn đề” ở nước ngoài thì đảng và nhà nước CSVN coi họ như những con hủi và chối bỏ mọi nghĩa vụ và trách nhiệm đối với công dân đó. Giống như Dân Đen (1 tác giả thường xuyên của Danlambao) chia sẻ: "Khi một công dân gặp chuyện không hay thì nhà cầm quyền lúc đầu còn không muốn thừa nhận cô Hương là người người có quốc tịch Việt Nam. Nhưng hễ như công dân nước ngoài có gốc Việt đạt những thành tích quốc tế như trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu thì vồ vập như thể họ tạo ra thành tích đó. Cá nhân tôi cho rằng nhà nước Cộng sản Việt Nam hành xử như thế là vô lương tâm. Điều đó thể hiện bản chất khốn nạn của nhà cầm quyền cộng sản."

Trước đó, ngay sau khi 2 nữ nghi phạm này bị bắt, ngay lập tức giới chức Indonesia đã lên tiếng xác nhận sự việc liên quan tới nữ nghi phạm mang quốc tịch Indonesia, “Phó Tổng thống Indonesia liền sau đó đã trả lời báo giới theo hướng bênh vực một cách thận trọng đối với cô này và cho biết họ đang cố gắng liên lạc với giới chức Malaysia để đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của công dân nước họ. Bộ Ngoại giao Indonesia còn tiết lộ một "đội bảo vệ công dân" đã được gửi sang Malaysia để tham dự vào vụ việc, gặp gỡ cảnh sát, quản ngục.” (3)

Tuy nhiên đối với Đoàn Thị Hương sau nhiều ngày Hương bị bắt giữ, “giới chức Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ động thái nào xác nhận hay phủ nhận sự việc. Ngay cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khi được hỏi về vụ ám sát, cũng chỉ lên tiếng về hành vi giết người, song lại hoàn toàn lờ đi chi tiết một trong hai nghi phạm chính "mang hộ chiếu Việt Nam", như muốn tỏ ra không liên quan. Tệ hơn nữa, hàng trăm tờ báo trong nước cũng theo hướng chỉ đạo đó mà cắt bỏ hoàn toàn chi tiết này, tạo ra cảm giác rằng "quốc tịch Việt Nam" sẽ gánh chịu thân phận vô thừa nhận mỗi khi người mang nó có dính líu đến một việc không tốt đẹp ở nước ngoài.” (3)

Bằng chứng là bà Nguyễn Phương Trà - Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam tuyên bố rằng: "Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi tội phạm dưới mọi hình thức, mọi mục đích và sẵn sàng hợp tác với các nước trong công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm."

Trước cách hành xử trái ngược hoàn toàn của 2 nhà nước có công dân nằm trong nghi án ám sát Kim Jong Nam, Blogger Nguyễn Anh Tuấn đã nhận định “Quả thực, cách hành xử của chính quyền Indonesia trung thực, đường hoàng, minh bạch bao nhiêu thì của nhà nước Việt Nam lại lấp liếm, quanh co, tù mù bấy nhiêu.

Hơn thế nữa, vấn đề không phải đúng/sai hay bản chất vụ án thế nào, mà là: một chính phủ luôn cần bảo vệ công dân của nó khi người này đối mặt với một nhà nước khác hoặc một hệ thống pháp luật khác, vì đây là lý do mà công dân chúng ta đóng thuế nuôi nó.

Ngay cả khi công dân này là thủ phạm thực sự, cô ấy vẫn có những quyền chính đáng hợp pháp cần được nhà nước của cô ấy bảo vệ, chứ chưa nói đến trong trường hợp này chỉ mới là nghi phạm mà đã bị ruồng rẫy thế kia thì thật là không thể chấp nhận được.

Tóm lại, nếu coi quốc tịch là một bản hợp đồng giữa công dân với nhà nước thì người Việt đang có một bản hợp đồng tồi, cần đàm phán lại.” (3)

Blogger Dương Đại Triều Lâm cũng chia sẻ: "Dù Đoàn Thị Hương có làm gì và ở đâu thì cô ấy cũng là một công dân Việt Nam. Ở đây, tôi không xét về hành vi của cô ấy. Tôi chỉ muốn nói đến việc chính phủ Việt Nam trong việc bảo hộ và quan tâm đến một công dân nước mình thôi.

Và ở đây thì tôi thấy chính phủ Việt Nam đã khá chậm chạp và thiếu sự quan tâm, hỗ trợ pháp lý cần thiết đến cô ấy.

Sự khác biệt là rất lớn khi so sánh Hương, một công dân Việt Nam với một nghi phạm mang quốc tịch Indonesia khác. Sự khác biệt là nằm ở chính phủ (Quốc tịch) của hai nước trong việc bảo vệ và hỗ trợ công dân nước mình."

Như vậy, sau vụ Đoàn Thị Hương, càng khẳng định thái độ thiếu trách nhiệm của cộng sản đối với công dân của mình. Họ tìm mọi cách né tránh trách nhiệm đối với những công dân Việt thấp cổ bé họng.

Tòa án Malaysia tuyên bố sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 13-4, liệu nhà nước cộng sản Việt Nam có quan tâm tới công dân Đoàn Thị Hương hay chỉ tập trung đàn áp, bắt bớ đánh đập những người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền tại Việt Nam?

02.03.2017



__________________________________

Chú thích:





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo