Tự do Ngôn luận - Vụ nổi loạn của nông dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã được tạm tháo ngòi nổ. Các cán bộ và nhân viên của nhà cầm quyền bị dân bắt làm con tin (sáng kiến đấu tranh chưa từng thấy) và những nông dân bị nhà cầm quyền lừa giam giữ đã được thả. Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. đã viết giấy tay trước mặt dân làng ngày 22 tháng 4, “xin cam kết như sau: 1- Trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật. Khu vực đất Đồng Tâm rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp. Không mập mờ. Đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật. 2- Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Toàn thể Nhân dân xã Đồng Tâm. 3- Chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho Cụ Lê Đình Kình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Lãnh đạo thành phố Hà Nội hứa trong vòng 45 ngày sẽ giải quyết công bằng và trọn vẹn vụ việc tranh chấp ấy. Hãy chờ xem lời hứa Việt cộng!
Để hỗ trợ nông dân mất đất và thúc ép nhà cầm quyền nhân vụ việc này, hôm 26-04, một Bản Yêu Sách Cải Cách Chính Sách Đất Đai (từ đây gọi là BYS) có chữ ký của hơn một tá tổ chức và mấy trăm người Việt từ trong ra tới ngoài nước đã trình bày các khía cạnh của vấn đề rất rõ ràng và đưa ra những yêu cầu rất quyết liệt.
Truy nguyên vụ việc, BYS khẳng định chính sách đất đai vốn gây nhiều bất công cho dân và tai hại cho nước ấy đã bắt nguồn từ học thuyết kinh tế chính trị của Mác và thực tiễn chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Trung Quốc: xóa bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất trong nông nghiệp cũng như trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động kinh tế khác, áp đặt cơ chế kinh tế chỉ huy, duy ý chí, tập trung, quan liêu, bao cấp. Đến khi đất nước đứng bên bờ vực thẳm phá sản (do bàn tay của hai kẻ ngu dốt về làm kinh tế nhưng lại cuồng tín về chủ nghĩa xã hội không tưởng và thành thạo chuyện cưỡng bức là Lê Duẩn và Đỗ Mười), đám lãnh đạo ở Ba Đình mới sáng mắt ra và đành phải chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường. Nhưng não trạng độc tài cộng sản vẫn không chuyển biến nên mới đẻ ra cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” (Việt cộng tự hào là vận dụng sáng tạo), nghĩa là vẫn công hữu đất đai, lấy công ty tập đoàn nhà nước làm chủ đạo, khiến cho nền kinh tế tại VN trở thành quái thai của thời đại lẫn lịch sử và tiếp tục gây tai họa. Nông dân và thị dân no được mấy bữa thì lại trở thành oan dân (hàng chục triệu người) vì nạn cướp ruộng đất, cướp nhà cửa của đảng viên cán bộ, nhân danh Hiến pháp đàng hoàng và Luật đất đai rõ rệt. “Chính sách “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (điều 53 Hiến pháp 2013), Luật Đất đai và các quy định liên quan không những không tạo điều kiện sử dụng hiệu quả đất đai, phát triển kinh tế bền vững, mà lại là tấm bình phong, là cơ hội vàng cho giới chức quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, vô cảm đi đêm với chủ dự án tước đoạt tàn bạo nhà ở, trang trại, ruộng đất – tư liệu sản xuất và là nguồn sống duy nhất của hàng chục triệu hộ nông dân trong một quốc gia đất hẹp, dân đông, nông nghiệp chiếm tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế”. (BYS).
Ban đầu, cán bộ VC còn lập dự án, thông qua dự án và tiến hành các thủ tục tối thiểu theo lối biểu diễn. Càng về sau, những vấn đề thủ tục càng bị bỏ qua. Bọn cướp ngày không cần biểu diễn nữa, trái lại hành xử một cách trắng trợn. Rất nhiều nơi, thu hồi đất xong, những chủ dự án (toàn đảng viên, cán bộ, thân tộc trong các nhóm lợi ích) xây dựng hạ tầng qua loa như đường đi, hệ thống nước, hệ thống điện... rồi ngang nhiên phân lô bán nền. Khốn nạn nhất là có địa phương, các hộ dân bị thu hồi đất có thể mua ngay lại đất của nhà mình với giá cao gấp nhiều lần giá nhà nước đền bù cho họ. Ví dụ, ở phường Dương Nội, quận Hà Đồng, Hà Nội, nhà cầm quyền thu hồi đất với giá 201.600 đồng/1m2 có thể bán ngay cho chủ nhà với giá 35 triệu đồng/1m2. Có thể tưởng tượng được không? Ai phản đối thì a-lê hấp, tống vào ngục như thủ lãnh nông dân Cấn Thị Thêu hoặc đánh cho tàn hại như cựu chiến binh Lê Đình Kình. Thảm cảnh của hàng triệu oan dân trên khắp cả nước đã và đang diễn ra từng ngày. Sự phản kháng của người dân cũng nổ bùng khắp mọi chốn, từ nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đến chủ hộ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, từ nông dân Dương Nội - Hà Đông, Văn Giang - Hưng Yên đến nông dân Yên Phong - Bắc Ninh, nông trường Phạm Văn Hai ở Bình Chánh - Sài Gòn và mới đây là ở Đồng Tâm - Mỹ Đức.
Nhiều năm qua, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể đến mức báo động. Ngân hàng Thế giới cho biết (theo BBC ngày 21-04) quỹ đất nông nghiệp ở Việt Nam vào năm 2016 được ước tính chỉ còn 21% tổng số trên 33 triệu hectare và ngày càng giảm thiểu. Một phần là do hoang hóa, khô hạn, nhiễm mặn (như vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà từ 20 năm qua, Hà Nội chẳng hề có chính sách đối phó, khắc phục). Một phần do đám vua tập thể ở trung ương và đám lãnh chúa ở địa phương cũng như nhiều đơn vị quân đội - do lòng tham vô đáy và thói bất chấp an ninh lương thực lẫn kiếp nạn đồng bào - dùng bạo lực “thu hồi” cách tùy tiện để lấy đất cho sân golf, khu du lịch sinh thái, khu kinh tế công nghiệp, dự án kinh doanh bất động sản… mà có nơi thực hiện, có nơi lại biến thành những khu quy hoạch treo, những dự án bỏ hoang, đình đốn… cỏ mọc hoang tàn.
Kết luận, BYS đòi hỏi “1- Khẩn cấp cải cách chính sách đất đai. Công nhận và bảo hộ quyền tư hữu đất đai, nhà ở như mọi tài sản, tư liệu sản xuất - sinh hoạt khác. 2- Việc lấy đất để xây dựng các cơ sở an ninh, quốc phòng, hạ tầng công cộng quan trọng, phải bồi thường đúng giá trị. Mọi tranh chấp, nếu không thỏa hiệp được, phải giải quyết bởi giám định độc lập, tòa án. 3- Các dự án vì mục đích sinh lợi của bất kỳ doanh nghiệp trong hay ngoài nước, thuộc mọi thành phần, đều phải thỏa thuận với người dân có đất. 4- Các dự án kinh tế xã hội vì lợi ích công cộng như trường học, bệnh viện, chợ, công viên, truyền tải điện, nước… phải thiết thực, cân nhắc lợi ích mang lại có đủ lớn hơn mức bù thỏa đáng cho dân phải di dời? Phải công khai minh bạch và được đa số dân đồng thuận. 5- Thu hồi khẩn trương đất đã giao cho các dự án quá thời hạn ấn định, chưa hoặc chậm triển khai, bỏ hoang hóa. 6- Nghiêm cấm các lực lượng vũ trang nhân dân tham gia thu hồi đất. 7- Xử lý nghiêm minh công chức vi phạm chính sách đất đai”.
Áp dụng vào vụ Đồng Tâm – Mỹ Đức, nhà cầm quyền Hà Nội trong thời gian tới có thể giải quyết bằng hai cách: một là dùng bạo lực và âm mưu để khử trừ dần những đầu lĩnh chống đối tại đó. Tờ giấy ký tay của Nguyễn Đức Chung chẳng có gì bảo đảm; công văn có dấu đỏ còn bị VC chà đạp nữa là! Khử trừ dần bằng cách đưa ra tòa với những lý cớ vu vơ hoặc âm thầm thủ tiêu không để lại dấu vết, rồi nhờ đám văn nô và dư luận viên chạy tội trước công luận. (Câu chuyện làng Nhô, tức làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam, thập niên 90 của thế kỷ trước là một tấm gương điển hình. Nông dân tại đó cùng với thủ lĩnh của họ là nguyên giáo sư đại học Trịnh Văn Khải cũng đã nổi lên giành lại đất đai từ bọn tham quan, thập chí lập ra đội tự quản, nhưng cuối cùng họ đã bị nhà cầm quyền đàn áp trong máu và nước mắt, với những bản án tử hình, âm mưu giết trong tù và gây tai nạn cho chết, sau đó VC dùng những tên văn nô “bán linh hồn cho quỷ” xuyên tạc sự thật qua tác phẩm “Kẻ ám sát cánh đồng” và kịch bản “Chuyện Làng Nhô”). Hai là thí cho dân Đồng Tâm một số hecta đất gọi là nhưng giữ lại phần lớn cho công ty viễn thông quân đội Viettel - với danh nghĩa rất cao đẹp và chính đáng là đất quốc phòng– song là để kinh doanh rồi chia chác cho cả chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lẫn bộ trưởng Thông tin-Truyền thông vì cả hai đều có mối quan hệ làm ăn với đế chế kinh tế hùng mạnh này. Gọi là đế chế vì Viettel hiện là tập đoàn viễn thông đồ sộ nhất, có Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel, Học viện Viettel, Công ty Bất động sản Viettel, Trung tâm Thể thao Viettel, Công ty Truyền hình Viettel, Công ty Mạng lưới Viettel… Nó đã từng lấy thế của Đảng và quân đội, lấy danh nghĩa bịp "quốc phòng" để dẫm chân, lấn át, bóp chết ngành Bưu điện và ngành Viễn thông vốn do chính phủ quản lý.
Cách tháo ngòi nổ như thế (nếu may ra Nguyễn Đức Chung theo phương án hai) tại Đồng Tâm, đó chỉ là giải quyết vấn đề trên ngọn chứ chẳng phải tận gốc. Không sớm thì muộn, những ngòi nổ ở vô vàn nơi khác vẫn còn nguyên vẹn, chờ đến dịp sẽ kích hoạt để làm bùng vỡ cơn phẫn nộ của quần chúng một khi cái khái niệm quái đản, bất công, vô lý và lừa gạt là “sở hữu toàn dân về đất đai” chưa bị bãi bỏ. Ngày nào khuynh hướng tư hữu tự nhiên của con người chưa được hoàn trả cho loại tài sản đặc biệt quan trọng này, thì ngày đó chế độ VC tiếp tục tồn tại trên thùng thuốc nổ, mà hậu quả thì ai cũng có thể tiên đoán được.
Nhưng đám lãnh đạo ở Ba Đình có đủ tỉnh táo để hủy thùng thuốc nổ này chăng? để làm theo những yêu cầu rất chính đáng và hợp lý của BYS trên kia chăng? Thưa e rằng không! Vì tự bản chất toàn trị của chế độ, vì do não trạng thâm căn cố đế, bị nhồi sọ hoàn toàn và lòng tham vô tận của đám lãnh đạo, Cộng sản phải quyết tâm chiếm đoạt mãi mãi vật chất của đất nước (bằng việc đảng hữu hóa tài nguyên, đất đai, mọi tiềm lực kinh tế, tài chánh, thương mãi; bằng việc dùng ngân sách quốc gia cho nhân sự hay hoạt động của đảng; bằng việc vay mượn quốc tế rồi về làm 3 lấy 7 cho đảng, bắt đân trả nợ) bên cạnh việc việc chiếm đoạt mãi mãi tinh thần của nhân dân (bằng việc độc quyền giáo dục, độc quyền thông tin, độc quyền văn hóa, bằng việc biến mọi thực thể tâm linh tinh thần – như tín ngưỡng, tôn giáo, giáo hội – thành công cụ). Có như thế thì đảng mới nắm trọn vẹn quyền lực mãi mãi để an tâm thống trị đám thảo dân và tha hồ hưởng thụ cuộc sống (vì với CS, chết là hết, chẳng có đời sau, chẳng có thưởng phạt, chẳng có Niết Bàn lẫn Thiên Đàng).
Thành thử với kinh nghiệm Đông Âu và Liên Xô, mong chờ đảng VC hồi tâm, cải hóa, phục thiện, trả lại mọi quyền làm dân làm người (tài sản tinh thần) và mọi quyền tư hữu đất đai (tài sản vật chất) thì chỉ là ảo tưởng. Chỉ có một phương pháp hữu hiệu là nhân dân phải nhất tề đứng lên, xuống đường biểu tình đông đảo, kiên trì và rộng khắp trong ôn hòa, và như thế thì cũng đã đủ tạo nên sức mạnh tập thể, uy lực quần chúng để đòi lại những gì mà VC đã cướp của mỗi người và của đất nước từ hơn 70 năm rồi, cụ thể và trước mắt là đòi lại quyền tư hữu đất đai.
Ban Biên Tập
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 266 (01-05-2017)