Tình anh em bao la như biển Đông?
Thằng anh to lớn lắm, dềnh dàng như con đười ươi. Theo gia phả của thằng anh, thoạt đầu nó có rất nhiều anh em. Gọi là anh em chỉ vì sống chung trên cùng một mảnh đất, chứ chẳng có dây dưa, rễ má gì. Sống chung nhưng chả yêu thương gì nhau, cuối cùng chúng quay ra giết lẫn nhau. Thằng khoẻ mạnh và ác độc nhất thuộc giòng Hán tộc, cuối cùng tiêu diệt tận gốc toàn bộ các sắc dân khác, chiếm lĩnh hoàn toàn mãnh đất rộng lớn, không thèm san sẻ cho bất kỳ ai. Đấy là thời trong gia phả mà thằng anh gọi là đã qua giai đoạn “thống nhất đất nước” tiếp theo sau thời “Đông châu liệt quốc”.
Tháng ngày trôi qua với bao nhiêu thăng trầm, thân thể thằng anh ngày càng phình to ra. Nó tiêu diệt nốt vài sắc dân sống gần đó, mãnh đất nó càng rộng ra. Và nó lại có thêm hai đứa em. Hai đứa em này thực ra cũng chả họ hàng gì! Nhận anh em chỉ vì lý do đơn giản là tụi nó thấy cũng hơi hơi giống nhau, thôi làm anh em!
Một đứa em sống trên một nửa mãnh đất của một bán đảo nhỏ phía đông bắc. Đứa này cực kỳ ngỗ nghịch, thằng anh nói gì nó cũng làm lơ như không thèm biết đến. Nó đói ăn nhưng khoẻ mạnh lắm. Ai thách thức là nó liều mạng chơi đến cùng. Thằng anh cũng phải nể sợ tính ngang ngạnh của nó. Có người nhờ thằng anh khuyên bảo để nó sống tử tế, đàng hoàng hơn. Nó chẳng những không nghe mà còn quạy phá nhiều hơn. Nhiều người nói thằng anh coi vậy chứ thương và chìu chuộng thằng em bướng bỉnh này lắm. Ai muốn nhờ thằng anh kiềm chế tính khí hung hãn "đứa em cục cưng" này thì không đi tới đâu!
Ngược lại đứa em đầu, đứa em thứ hai ở phương nam thì hiền khô như cục đất. Theo giả phả, tổ tiên của "đứa em hiền khô" này trong quá khứ đã bị thằng láng giềng khổng lồ hiếp đáp, thậm chí nó còn đè đầu, đè cổ xem như nô lệ bao nhiêu lần. Những lần ấy tổ tiên ấy đã tốn bao nhiêu xương máu mới tống cổ thằng láng giềng hung hãn ra khỏi mãnh đất. Buồn thay, sau khi tư tưởng Hờ Cờ Mờ du nhập vào, quên mất cội nguồn cũng như truyền thống đấu tranh của tổ tiên, ông bà, "đứa em hiền khô" lại quay ra khúm núm nhận cái thằng đã từng là kẻ thù truyền kiếp kia là “anh em”. Thực ra trước 1979, thằng em đã phụ bỏ công lao bao bọc của thằng anh trong thời chiến xâm chiếm miền Nam, chỉ muốn chạy theo đuôi thằng Liên Xô phía trời Âu. Thằng anh làm gì chịu. Nó dạy cho thằng em “một bài học” để đời. Một kiểu dạy không mang tính con người, máu đã chảy, nhà cửa, ruộng vườn tang hoang. Thằng em cuối cùng chịu khuất phục, quên phăng đi mất "bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh", kết nối lại tình anh em, môi hở răng lạnh và được thằng anh vỗ đầu ban tặng cho "mười sáu chữ vàng -bốn tốt".
Chuyện đời cũng lạ. Thằng em hiền khô đối với thằng anh rất ngoan, nhưng đối với người trong gia đình mình thì vô cùng dối trá, độc ác theo kiểu “ác với dân, hèn với giặc”. Và càng lạ khi càng ngoan hiền chừng nào lại càng bị thằng anh coi thường, ức hiếp nhiều chừng ấy. Không lạ gì “thằng em hiền khô” lúc nào cũng theo gót, bắt chước thằng anh. Thằng anh có cờ đỏ sao vàng, "thằng em hiền khô" cũng cờ đỏ sao vàng. Thằng anh mở cửa, thằng em đổi mới. Thằng anh đả hổ, diệt ruồi. Thằng em diệt ruồi, đuổi muỗi… Thế mà chưa vừa lòng, anh cứ ức hiếp em mình đủ điều. Trời ơi là trời, trời có thấu chăng nỗi lòng đứa em hiền khô này?
Trước khi Thủ tướng Phúc đi Mỹ, Trần Việt Thái, phó viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện ngoại giao bày tỏ mong muốn quan hệ ngoại giao Việt nam-Mỹ sẽ hơn cả tình bạn (more than Friends ). Việt Nam nay muốn làm anh em với Mỹ? Nhận đến hai người anh để tiếp tục đu dây qua lại, để "thằng anh hung hãn" bớt hiếp đáp mình? Việt Nam có lẽ lấy kinh nghiệm đau thương của triều đại Lê Duẫn, đã thực thi chính sách ngoại giao đơn trục, chỉ hướng về thằng anh Liên Xô? Tổng thống Trump rất chú tâm “tiền và việc làm” cho nước Mỹ, nghèo như Việt Nam muốn làm anh em với Mỹ chắc chắn khó khăn lắm!
Hung thần trên biển cả.
Sau khi chiếm được Hoàng Sa, một phần Trường Sa từ Việt Nam, thằng anh China đã đưa vẽ "đường chín đoạn" xác định chủ quyền biển Đông nhằm mục đích kiểm soát giao thông hàng hải, khai thác tài nguyên… Phát triển hải quân, tăng cường lực lượng "tàu xám", "tàu trắng", bồi đắp, xây dựng đường băng, lắp đặt thiết bị quân sự, tên lửa… trên các đảo nhân tạo, China đã không thèm che dấu tham vọng muốn làm bá chủ khu vực biển Đông và ngang ngược thách thức sự đối đầu với các nước trong vùng. Trước mắt Việt nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, đưa ra bản báo cáo năm 2016. Sau khi xem xét cụ thể 45 lần đụng độ và đối đầu trên Biển Đông từ năm 2010, tuần duyên China liên quan trong 30 lần. Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh khu vực tại CSIS, nói. "Chúng tôi thấy có bắt nạt, quấy rối và đâm va với tàu đến từ các quốc gia có tàu tuần duyên, tàu cá nhỏ hơn". Nghiên cứu này bao gồm vụ đối đầu trên biển giữa Hà Nội và Bắc Kinh năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... Trừ trận chiến Hoàng Sa, cuộc đối đầu trực tiếp giữa hải quân các nước chưa diễn ra, các "tàu xám" chỉ diễn tập mục đích phô trương, hù dọa. Nhưng việc các "tàu trắng" China đụng độ cới các tàu cá Việt Nam là chuyện bình thường.
Người ngư dân Việt đi biển không lo lắng, không sợ hãi với bảo tố thiên nhiên như khi nhìn thấy một “tàu trắng” với hàng chữ "China Coast Guard" (CCG) chạy đến gần. Rõ ràng gặp một hung thần, một quái vật của biển cả. Ngư dân nước mắt đầm đìa, qụi xuống như cầu khẩn "Xin trời thương chúng con. Chúng con còn nghèo lắm mới đi làm nghề cơ cực như thế này. Xin cứu chúng con". Trời ơi, ai sẽ bảo vệ họ đây? Bảo vệ họ trên ngư trường truyền thống tổ tiên đã đánh cá bao nhiêu đời từ Đinh Lê Lý Trần… đến cả thời Pháp thuộc… Như đáp lại lời cầu khẩn, ngư dân Việt bàng hoàng như trong mơ khi nhìn thấy từ xa, nổi bật trên nền trời xanh biếc, một chiếc tàu tuần trắng đang hùng dũng rẽ sóng tiến đến gần. Cờ hiệu của tàu được nhìn thấy rõ ràng: "Trời ơi, cảnh sát biển Việt Nam! CSB kiêu hùng của "bộ đội cụ Hồ" như đang đang đứng trên bong tàu, vẫy tay chào". Ngư dân Việt nghẹn ngào... "Bọn khốn nạn tàu trắng, hung thần của biển cả kia sẽ phải sợ cuống đít chạy đi như con chó cúp đuôi. Nhưng… kìa... sao lạ quá..., tàu CSB VN kiêu hùng lại thong thả, nhàn nhã rẽ qua một hướng khác,… Họ đang đi dạo chơi không nhìn thấy hung thần trên biển, hoặc thấy hung thần nhưng lại sợ cúp đuôi". Loang thoáng trong gió như chỉ còn lời vang vảng "Hỡi ngư dân Việt hãy tiếp tục hy sinh bám biển, bám đảo...". Trên mặt biển xanh biếc, chỉ còn chiếc tàu cá nhỏ cô đơn, nhỏ nhoi cùng người ngư dân Việt với những giọt nước mắt uất ức lăn trên gò má đã chai đi vì gió biển. Họ tiếp tục đứng vững, tiếp tục cam chịu sự cướp bóc, đánh đập của hung thần biển cả.
Trong một thông báo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cảnh báo, không khó để nghi ngờ tới năm 2030, China sẽ là một siêu cường trên thế giới và biển Đông sẽ trở thành ao nhà của Bắc Kinh. Đến thời gian đó có lẽ không còn một chiếc tàu nào của Việt Nam, tàu cá hay tàu tuần CSB VN, còn thấy bóng dáng trên biển Đông.
Cảnh sát biển của “Bộ đội cụ Hồ”
Ngày 19/05 vừa qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN tổ chức trọng thể lễ khánh thành tượng đài "Bác Hồ" tại trụ sở mới toanh ở Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội. Từ chỗ không có gì, CSB VN đang "ăn nên, làm ra". Đội tàu CSBVN khởi đầu với vài chiếc Shershen class, trọng tải khoảng 150 tấn của Liên Xô, nay đã có đội tàu tuần duyên khá hùng mạnh so với các nước trong khối Đông Nam Á. Được sự giúp đỡ của Hà Lan, Nam Hàn, Nhật và Mỹ, CSB VN có những tàu tuần duyên cỡ lớn như tàu Hayato trọng tải 454 tấn, Yuzan Maru 619 tấn, CSB 8003 do Hàn Quốc viện trợ 1400 tấn. Những tàu tuần duyên lớn nhất hiện nay của Việt Nam là bốn chiếc DN 2000, trọng tải 2500 tấn, do công ty Damen Hà Lan thiết kế, đóng tại Việt Nam.
Hôm 18/4, Mỹ chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần tra USCGC Morgenthau để theo chương trình “Bán trang bị quốc phòng dư thừa” (EDA). USCGC Morgenthau trọng tải 3. 250 tấn, chiều dài 115 m, thủy thủ đoàn 160 người được xem là “anh cả” của đội tàu tuần duyên Việt Nam. Chiếc tàu này là một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam với nhiệm vụ tuần tra biển miền nam VN. Vào ngày 11 tháng tư 1971, USCGC Morgenthau sau nhiều ngày theo dõi, đã giao chiến hơn hai tiếng đồng hồ với tàu SL-8, một tàu giả trang tàu cá của CS Bắc Việt nhằm cung cấp võ khí vào trong nam. Tàu SL-8 đã nổ tung và biến mất trên màn radar. Với chiến công này tàu Morgenthau đã được tặng thưởng huy chương.
Những tàu tuần duyên của CSB VN so với các hung thần trên biển cả của “thằng anh chuyên bắt nạt thằng em” thì không thấm vào đâu. Chiếc tàu tuần duyên lớn nhất thế giới hiện nay, 12, 000-ton China Coast Guard (CCG) cutter 3901, vừa hoàn thành nhiệm vụ tuần tra biển Đông, thăm viếng các đảo China chiếm đóng trái phép. CCG 3901 là chiếc tàu chị em với chiếc CCG 2901. Một thế hệ tàu tuần khổng lồ, thường trang bị súng 76mm đã hợp với các tàu tuần trong các lực lượng Hải giám, kiểm ngư, ngư chính thành lực lượng hải cảnh Tàu (CCG), một lực lượng tuần tra biển mạnh và hung hãn nhất ở Á Châu.
Bản chất luôn khiếp sợ trước hung thần biển cả, CSB VN cần gì những chiếc tàu tuần duyên tối tân? Không. CSB VN phải cần tàu để làm ăn, tương tự như CS giao thông đường lộ cần xe gắn máy mạnh. Hàng ngày bao nhiêu chuyến tàu buôn lậu hay không lậu, tàu đánh cá lậu cũng như không lậu, buôn hàng quốc cấm cũng như không quốc cấm, qua lại tấp nập. Trên lộ còn dè chừng camera quay lén, còn giữa cảnh trời biển mênh mông, dễ dầu CSB nhà ta không phát huy sức mạnh của “đạo đức XHCN”. Mấy anh CSGT đường lộ cứ lăn ra khóc thét vì ganh tị. Bởi “ăn nên làm ra” phải biết nhớ ơn “thầy”. Ngày 19/5 vừa qua CSB VN mới long trọng dựng tượng, "cúng tổ" ngay tại bộ chỉ huy CSB VN hoành tráng, mới toanh.
Những chiếc tàu màu xanh nước biển (Blue boats).
Nguyên tắc của động vật có chân có cánh: nếu không còn có thể sinh sống trên chỗ hiện tại, phải phiêu lưu, mạo hiểm đi tìm miền đất hứa khác. Vùng biển Đông, ngư trường truyền thống của ngư dân Việt bị các hung thần biển cả thống trị. Không có khả năng đối chọi, ngư dân Việt Nam phải vượt biển xa hơn đến các vùng biển khác. Than ơi, những vùng biển ấy là những vùng biển đã có chủ.
Ngư dân Việt Nam trên những con tàu màu xanh của biển đã tạo cơn sốt trong vùng Thái bình dương từ Palau, Úc, Papua New Guineas, quần đảo Micronesia, New Caledonia,... Những con tàu bằng gỗ, sơn màu xanh nước biển để khó bị phát giác, ra đa hàng hải của thế kỷ 21 không thể phát hiện, do đó chúng được gọi là “hạm đội tàu ma” (phantom fleet). Hạm đội ma của người Việt thường bỏ neo gần bờ biển, cho thợ lặn xuống biển bắt hải sâm, bào ngư…. Những hải sản có giá trị cao, bù đắp vốn liếng bỏ ra khi đi biển xa. Nhiều “tàu xanh” đã bị các nước trong vùng bắt giữ vì tội xâm nhập hải phận, đánh cá trái phép.
Theo báo Tuổi Trẻ: "Trong năm 2016 có đến 1. 110 ngư dân VN (nhiều gần gấp đôi năm 2015 và gấp 4 lần năm 2012) bị phía Indonesia tạm giữ ở các đảo Batam, Natuna, Pontianak, Tarempa, Bitung Sulawesi, Papua vì cáo buộc đánh cá trái phép trong vùng biển nước này".
Tại Tân Thế Giới, New Caledonia, trong năm có khoảng 70 tàu Xanh Việt Nam xâm nhập đánh cá trái phép. Những tàu này phải đi hơn cả tuần lễ mới đến New Caledonia và đôi khi còn đánh nhau với ngư dân địa phương. Chỉ huy tàu tuần của Pháp, Jean Louis Fournier nói tàu của ông đã xua đuổi 55 tàu, bắt giữ 5 tàu. 5 thuyền trưởng “tàu xanh” bị đưa ra toà, mỗi người 10 tháng tù, 30 ngư dân bị đưa về lại VN. Úc, Vanuatu, đảo quốc Solomon cũng có bắt giữ và trao trả ngư dân Việt về lại nước.
Sự việc nghiêm trọng nên đầu tháng năm đã có một hội nghị tại Brisbane, Úc giữa chính phủ các nước Úc, Tân Tây Lan, New Caledonia, Papua…. Hội nghị kêu gọi chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm về tàu của mình.
Trước đó, tháng 12 năm ngoái, trong kỳ họp thường niên của tổ chức Western and Central Pacific Fisheries Commission (WCPFC) ở Nadi, Fiji, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Vũ duyên Hải nói Việt Nam có khoảng 105. 000 tàu xanh. Ông ta đưa lý lẽ các tàu xanh thường không có GPS nên dễ đi “lộn đường”, và các tàu này có treo cờ đỏ nhưng chưa chắc của Việt Nam mà bị giả danh bởi một “lực lượng thù địch” nào đó. Lập luận như thế này, các quốc gia khác thấy nói chuyện với cái đầu gối có lẽ hay hơn. Và đương nhiên mong muốn làm hội viên toàn phần của Việt Nam dễ dầu được các quốc gia hội viên khác chấp nhận.
Khi Cảnh sát biển “bộ đội cụ Hồ” biểu dương lực lượng.
Theo tin trong nước và ngoài nước, ngày 21/5 năm tàu cá Việt Nam khi đánh cá ở phía bắc đảo Natuna, Indonesia, đã bị lực lượng tuần duyên Indonesia bắt. Một tàu tuần duyên Việt Nam, CSB 8005, chạy đến can thiệp, đã húc chìm lỉm một tàu, không phải tàu Indo… mà là một tàu cá của ta. Kết quả tàu CSB của “bộ đội cụ Hồ” đã giải phóng cho 44 thuyền viên, tóm cổ ngay tại trận một viên chức người Indo. Sau đó có nhiều tàu CSB VN kéo đến. Nhận thấy tàu chiến của mình còn cách xa đến 30 km, nên tàu tuần Indo phải vội vàng vắt giò lên cổ bỏ chạy, chỉ kịp kéo theo 11 thuyền viên người Việt.
Phân định lãnh hải trên biển chính xác rất khó. Khi có va chạm xẩy ra, bên nào cũng nói xẩy ra trên phần lãnh hãi mình. Dưới cặp mắt quốc tế, tàu xanh Việt Nam có nhiều tiếng tăm không tốt nên họ có cảm tình về phía Indo hơn. Tuy nhiên không ít người chửng hửng về cách hành xử, biểu dương lực lượng hiếm có của CSB VN. Có nhiều giả thuyết xoay quanh “Tại sao tàu của ta lại húc chìm lỉm tàu cũng của ta là thế nào?”:
1. CSB của “bộ đội cụ Hồ” quá lo lắng đến ngư dân, sợ chậm trễ họ sẽ bị hại, nên phải vội vàng chạy hết tốc độ đến hiện trường. Kết quả vì chạy quá nhanh nên “thắng không kịp”, đâm sầm luôn vào tàu cá của ta. Yêu cầu đảng nhà nước trao tặng huy chương cho tổ lái tàu CBS 8005 (http://www. bbc. com/vietnamese/vietnam-40010208), có công đâm chìm lỉm tàu cá của ta vì tàu cá của ta bằng gỗ. Tàu Indo bằng sắt, đâm vào, nó chìm, mình cũng tiêu.
2. CSB VN chưa bao giờ thực tập đâm tàu, húc tàu. Trước kia gặp hung thần trên biển, CSB VN thường theo phương châm “Tránh voi chẳng xấu mặt nào “. Nay gặp cơ hội thực tập ngàn vàng, không thấy hung thần biển cả đâu cả, nên mạnh dạn tập“húc tàu”.
3. Trên tàu cá VN bị húc chìm có một nhân viên người Indo đang lập biên bản. CSB VN cần bắt con tin, lấy thế mạnh hù dọa, nên cho thuyền viên VN cùng nhân viên Indo rơi tòm xuống biển và tóm ngay được anh chàng người Indo đang hì hụp, ngo ngoe trên mặt nước. Giải quyết nhanh và gọn như thế, tàu Indo xanh cả mặt, vội vàng bỏ chạy. Hà. . hà một chiến thắng vĩ đại, một màn biểu dương sức mạnh vô tiền khoáng hậu của CSB “bộ đội cụ Hồ”.
Hy vọng trong tương lai khi kỹ thuật “húc tàu” của CSB VN đã nhuần nhuyễn ngon lành, chắc chắn bọn hung thần biển cả cũng phát sợ run người. Ngày đó tàu ngư dân Việt sẽ phơi phới rẽ sóng trên ngư trường truyền thống ông cha đã để lại. Cần có thời gian dài, ngư dân nên kiên nhẫn chờ đợi. Hiện tại CSB VN phải nhẫn nhịn. Điển hình vào sáng 9/5, tàu CSB 8004, tương tự như tàu CBS 8005, và đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam đã cập cảng Tú Anh, thuộc thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức tới China. Tàu CSB VN vui vẻ hướng dẫn khách Tàu đến thăm viếng: "Đấy chúng em chỉ trần trụi như thế này thôi. Các anh có gặp chúng em trên biển xin làm ơn nhịn một ít mãnh biển để chúng em còn húp ít cháo".
***
Tương lai của Biển Đông?
Văn hóa ngàn xưa của nước Tàu, luôn ăn hiếp kẻ yếu hơn. Muốn không bị nó hiếp đáp, mình phải mạnh lên. Nhưng mạnh lên bằng cách nào? Một câu hỏi nhức nhối cho bao người Việt. Khi cần dựa vào sức mình là chính, ta thấy ngay điểm quan trọng mấu chốt trong sự phát triển đất nước tương tự sự làm ăn hiệu quả của cơ sở kinh doanh: Hệ thống quản lý.
Hệ thống “Tứ trụ triều đình” là một hệ thống quản lý đất nước cổ lỗ, thiếu hiệu quả, chỉ còn hiện hữu duy nhất ở Việt Nam. Một TBT đảng như một lãnh đạo tinh thần tối cao “Mác Lê” của nước, tương tự như một bí thư đảng bộ trong kinh tế quốc doanh. Một chủ tịch nước, xuất thân từ công an, nghiệp vụ chuyên môn rình rập, tiêu trừ “phản động”, lâu lâu chỉ có công tác đi vay tiền thằng anh hoặc loay hoay chờ đợi được lên kế vị TBT. Một quốc hội trong một đất nước “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” chỉ là trang điểm trơ trẽn cho bộ mặt dân chủ, tôn trọng luật pháp, hiến pháp XHCN. Một ông thủ tướng, ít ma mãnh và ít tham vọng hơn người tiền nhiệm, hiện tại an phận, cắm cúi làm “tài công” trên con tàu kinh tế, ì ạch chuyên chở món nợ công khổng lồ... Trên con tàu kinh tế ấy, nhóm ba người trong tứ trụ đang nhấm nháp các ly rượu “Mác Lê”, hét bảo tài công: "Bão táp kệ nó, cứ nhắm mắt định hướng XHCN nhé." Một hệ thống quản lý chỉ để bảo vệ quyền lợi, bổng lộc cá nhân, dùng trách nhiệm tập thể để trốn tránh, che dấu trách nhiệm cá nhân. Một sự dối trá muôn đời, hô hào công bằng tập thể để tạo cái kén bảo vệ quyền lợi cá nhân.
Ngày nào hệ thống quản lý "Tứ trụ triều đình", chủ nghĩa "Mác Lê" lỗi thời, nền đạo đức XHCN dối trá, tham nhũng… còn tồn tại, nỗi đau, sự nhục nhã của người Việt nói chung trước sự đối xử hung bạo của hung thần biển cả trên biển Đông, vẫn còn đó. Mãi mãi là một dấu ấn đớn đau như thời đã từng bị đô hộ bởi phương Bắc trong lịch sử bốn ngàn năm văn hóa Việt.
2/6/2017