Quan chức nhà sản muốn được bảo vệ như một yếu nhân - Dân Làm Báo

Quan chức nhà sản muốn được bảo vệ như một yếu nhân

Hải Âu (Danlambao) - Việc tổ chức những phiên họp quốc hội của cộng sản đảng là một trong những việc làm vô cùng tốn kém do đảng cầm quyền mặc định thường kỳ và bất thường. Tuy vậy, kết quả của việc sử dụng ngân sách để tổ chức các kỳ họp này chẳng mấy đem lại kết quả mà người dân mong đợi từ các đại biểu đại diện cho tiếng nói của người dân.

Một số những điều bất cập trong cách cai trị của cộng sản đảng cùng nhiều đề xuất, dự thảo hay quyết định mới mà cũ được nhà cầm quyền đem ra thảo luận tại các kỳ họp quốc hội. Ở lần tổ chức phiên họp thứ 3 quốc hội khóa 14 năm nay cho thấy đa số những kẻ đeo trên ngực huy hiệu đại biểu quốc hội không đứng về phía người dân khi đưa ra những đề xuất, đề nghị mang lại lợi ích cho cá nhân đảng viên và đảng cầm quyền.

Từ việc phó giám đốc công an tỉnh, đại biểu tỉnh Đăk Lăk Nguyễn Thị Xuân đề nghị xử lý hành vi bôi nhọ lãnh đạo, đến phát biểu của tiến sĩ luật Nguyễn Thị Thủy, đại biểu tỉnh Bắc Kạn cho rằng luật sư cần tố giác thân chủ. Thậm chí chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tỏ ra đồng tình khi nêu ý kiến: “ở đây tôi hiểu nên giới hạn trong tội nào, chứ đúng là luật sư đi tố giác thân chủ thì không được. Nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì không thể làm ngơ được”. Những đề nghị ấy, những cho rằng ấy hay những ý kiến được nêu ấy không những không đem lại quyền lợi cho người dân mà còn đi ngược lại luật pháp, trái với đạo đức nghề nghiệp. Tất cả chỉ nhằm mục đích đòi hỏi quyền và lợi ích cho những kẻ cầm quyền của cộng sản đảng.

Để củng cố quyền lực của mình, một số đại biểu đã đề nghị quốc hội “xem xét” dự án luật cảnh vệ, yêu cầu được trang bị cảnh vệ cho bí thư, chủ tịch tỉnh. Thượng tướng Võ Trọng Việt-Chủ nhiệm UB quốc phòng an ninh quốc hội cộng sản đảng cho biết: “sau sự việc xảy ra ở một tỉnh năm ngoái, nhiều tỉnh thành đề nghị bí thư, chủ tịch tỉnh cũng phải nằm trong diện được trang bị cảnh vệ”. Bên canh đó, nhiều chức danh khác như Chánh án TAND tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ ngoại giao cũng yêu cầu được trang bị cảnh vệ.

Có lẽ những kẻ đứng đầu nhiều tỉnh thành cùng những kẻ đang cầm quyền một số bộ ngành cảm thấy lo sợ sau vụ đại án xảy ra hồi năm ngoái ở Yên Bái đã giết chết 3 mạng người đều là lãnh đạo cấp cao của tỉnh. Nên nhớ rằng vụ đại án Yên Bái cho đến nay vẫn chỉ là vụ thanh toán nội bộ đảng viên do mâu thuẫn từ những tranh chấp quyền lực và quyền lợi.

Việc chủ tịch, bí thư nhiều tỉnh thành và một số chức danh đề nghị được trang bị cảnh vệ cho thấy nội tình của cộng sản đảng đang đứng trước làn sóng đấu đá quyết liệt. Những đảng viên cộng sản đảng đang âm mưu triệt hạ lẫn nhau nhằm đạt được mục đích quyền lợi và sẵn sàng thanh trừng dù là đồng chí với nhau.

Nếu quốc hội cộng sản đảng đồng ý trang bị cảnh vệ cho những chức danh trên thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước phải gánh thêm một khoản chi phí lớn. Và dĩ nhiên ai cũng hiểu ngân sách nhà nước là nguồn đóng góp từ tiền thuế của người dân sẽ được sử dụng không đúng mục đích.

Thành phần đáng được bảo vệ chính là người dân thấp cổ bé họng luôn sống trong tâm trạng lo âu bởi những vụ án cướp, giết, hiếp xảy ra liên tiếp trong cuộc sống hằng ngày. Rất nhiều “dân đen” trở thành nạn nhân của vấn nạn cướp đất do chính sách cai trị độc đoán của cộng sản đảng gây nên. Những dự án xây dựng do những kẻ cầm quyền kết hợp doanh nghiệp cưỡng chế người dân nhằm trục lợi. Hàng trăm ngàn ngư dân, giáo dân bị mất nghiệp, mất ngư trường do ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa. Họ thậm chí bị đàn áp đánh đập dã man, bị truy nã, bị bắt bớ khi đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Đó mới là thành phần cần được nhà cầm quyền bảo vệ. Nhưng thật trớ trêu khi cộng sản chỉ chú trọng vào việc bảo vệ thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển hay những kẻ cầm quyền trong thành phần cai trị tàn bạo của chế độ cộng sản.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo