Trở về nhà - Dân Làm Báo

Trở về nhà

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Khi một ai nghe “trở về nhà” thường có cảm giác ấm cúng, hạnh phúc. Dù đi xa, du lịch ở trong khách sạn sang trọng 5 hay 6 sao, trở về nhà tiêu chuẩn chỉ có 1, 2 sao, nhưng sống lại với những gì quen thuộc, gần gủi ta vẫn cảm thấy “căn nhà của ta, ngọt ngào căn nhà của ta”.

Trong quốc gia theo chế độ công sản, mọi việc đổi khác. “Trở về nhà” trong nhiều trường hợp mang tính bi kịch khiến ta thấy bất nhẫn.

Chuyện Tàu

“Lữ là một giáo sư đại học, bị kết tội phản động đi tù trong một trại lao động cải tạo khắc nghiệt của cộng sản. Lợi dụng một chút lơ là của công an gác tù, ông trốn xuống một con rạch, thoát về nhà mong gặp mặt vợ và đứa con gái trẻ.

Nhà của Lữ bị công an canh gác nghiêm ngặt, ông chỉ có thể nhờ con gái nhắn tin và viết vội vài chữ cho vợ luồn qua cửa, hẹn gặp nhau tại ga xe lửa.

Con gái của Lữ đang mong ước có vai diễn chính trong đoàn múa. Tên công an canh gác hứa sẽ can thiệp với trường múa để con bé được thủ vai chính nếu nó tiết lộ tin tức về kẻ trốn trại. Con gái đã tố cáo bố nó với công an.

Buổi sáng sớm, Thư sắp thức ăn, mền màn vào túi xách ra ga xe lửa gặp lại chồng. Khi bước trên cầu băng qua đường ray, Thư vừa kịp nghe gọi tên và nhìn thấy người chồng tiều tụy từ xa, bà chợt hốt hoảng nhận ra bọn công an đang hùng hổ ập đến. Người phụ nữ bàng hoàng, bà la hét như điên dại: “Lữ ơi... chạy đi... chạy đi... chúng nó bắt anh... chạy đi...”. Hai vợ chồng do bản năng tự nhiên, đã vừa gọi tên, vừa chạy về gần nhau... Nhưng trước khi họ có thể nắm được tay, nhóm công an đã khóa được tay người chồng, khiến Lữ kêu lên đau đớn. Thân thể gầy yếu của Lữ bị kéo lê, xô đẩy vào xe công an... Thư cũng bị một số công an khác khóa tay, vật ngã xuống đường. Những đồ ăn, vật dụng mang cho chồng vung vãi trên đường, mằm in lìm, lặng lẽ, cạnh người đàn bà khốn khổ đang cố gượng ngồi dậy với vết máu trên đầu. Bàng hoàng trước cảnh vừa xẩy ra, đứa con gái đứng chết lặng như người có tội...

Nhiều năm sau, Lữ được thả ra. Ông viết thư báo tin ngày trở về nhà. Chỉ đứa con gái nay đã trưởng thành, ra đón ông ở bến xe. Nó đang làm công nhân hãng dệt và đưa ông về nhà ở tập thể. Lưu thắc mắc cho đến khi trở về nhà gặp lại vợ. Bà đã bị mất trí nhớ do căng thẳng thần kinh cực độ (Psychogenic amnesia). Người vợ không nhìn ra chồng, đuổi ông ra khỏi nhà. Sau đó mặc dù con gái, đại diện đảng ở địa phương xác nhận với Thư, người đàn ông bà thấy trước mặt là chồng nhưng Thư vẫn cương quyết không nhận và còn lầm tưởng ông là cán bộ công sản đã có tấn công tình dục bà lúc Lữ còn trong trại cải tạo.

Lữ được xắp xếp ở một căn hộ làm kho hàng nhưng nay đã bỏ hoang. Căn hộ đối diện với căn hộ của vợ.

Ông tìm cách để vợ nhận lại mình. Khi biết được lá thư gửi cho vợ mình từ trại cải tạo vừa đến trễ, và khi nhìn thấy Thư tất tả đi xe bus ra ga xe lửa đón chồng với tấm bảng chào đón trên tay, Lữ vội chạy theo. Ông giả vờ là người khách cuối cùng trong ga bước ra. Nhưng Thư với tấm bảng chào đón vẫn lạnh lùng như không thấy ông. Khi người ta đóng kín hai cánh cửa sắt ga xe lửa, và sau khi hỏi để hiểu đấy là chuyến xe cuối cùng trong ngày, Thư buồn rầu, lầm lũi bước về nhà. Thư không thấy Lữ, người chồng thực sự đứng im lìm trước sân ga, ông đang cố nén tiếng thở dài…

Tìm nhiều cách để vợ nhận lại được mình nhưng vẫn không thành công. Cuối cùng Lữ chỉ còn tiếp cận với vợ mình với vai trò “người đọc thư”. Lữ giả vờ mình vẫn còn ở trại cải tạo để viết những bức thư gửi về nhà, và ông kiêm vai người bạn đến đọc thư dùm cho bà. Ông viết cho bà nên tha thứ cho con gái. Thư nghe lời khuyên trong thư của chồng. Con gái được quay trở về sống chung với mẹ...

Năm tháng qua, Thư đã già, tóc đã bạc. Hàng năm đúng vào ngày đã chỉ trong thư, Thư vẫn sữa soạn ra cổng ga xe lửa đón chồng. Lữ vẫn là người bạn đọc thư, đưa chiếc xe đạp lôi đến, dìu Thư lên xe. Ông lão cong mình đạp xe trên con đường phủ đầy tuyết trắng đến ga xe lửa. Trước cổng ga, Lữ kéo mái che xe xuống và ông cầm tấm bảng chào đón đứng bên cạnh vợ. Họ cùng đứng chờ người trở về nhà cho đến khi người khách cuối rời khỏi và cổng ga lạnh lùng khép lại. Trên sân ga vắng lặng, tuyết vẫn rơi, đôi bạn già vẫn đứng chờ. Chờ hình ảnh một “Lữ tội phạm xơ xác, gầy yếu” trở về nhà. Chờ một hình ảnh đã qua và mãi mãi không bao giờ quay trở lại.

----

Trên là sơ lược cuốn tiểu thuyết “Kẻ tội phạm Lu Yanshi” của Geling Yan. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou) đã dựng thành phim “Trở về nhà”(Coming Home) vào năm 2014, với sự diễn xuất của Củng Lợi (Gong Li) và Trần Đạo Minh (Chen Daoming).

Cuốn tiểu thuyết và phim được phép phát hành ở Tàu, vì chuyện xẩy ra thời “Cách mạng văn hóa” dưới triều đại Mao Trạch Đông mà gia đình Tập Cận Bình, Trương Nghệ Mưu... cùng là nạn nhân. Cuốn truyện và phim nêu lên những điểm căn bản trong xã hội cộng sản:

- Sự tuyên truyền dối trá của cán bộ CS, lợi dụng tối đa sự ngây thơ, bồng bột của những đứa trẻ.

- Sự tàn ác của chế độ CS đối với tù nhân chính trị. Qua thời gian dù đảng có nhận ra sai lầm, vẫn không bao giờ biết xin lỗi. Nạn nhân và gia đình đã bị gì, ráng mà chịu.

- Sự dã man không chỉ đối với người tù mà người thân ở nhà cũng bị quấy nhiễu, giám sát chặt chẽ, bị trù dập từ cán bộ nhà nước. Đấy là cách thể hiện “đòn thù” của nhà nước CS.

- Trong hoàn cảnh xã hội nghiệt ngã đầy rẫy dối trá, tình yêu vợ chồng, sự tha thứ cho con cái... của văn hóa ngàn xưa vẫn đứng vững và tồn tại.

Đã hơn 50 năm sau cách mạng văn hoá, kinh tế Tàu phát triển nhưng chính trị xã hội hiện tại vẫn như ngày nào.

Lưu Hiểu Ba sinh tại Trường Xuân, Cát Lâm, năm 1955 trong một gia đình trí thức. Ông lấy tiến sĩ văn chương năm 1988 và là giảng sư ở các trường đại học Tàu cũng như nước ngoài như Đại học Columbia, Đại học Oslo và Đại học Hawaii.

Lưu Hiểu Ba là một nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi cuộc bầu cử dân chủ, ủng hộ các giá trị tự do, ủng hộ việc phân rõ quyền hạn của cơ quan nhà nước... Trong sự kiện Thiên An Môn ông là người được sinh viên ủng hộ. Khi Tổng Bí Thư đảng CS China, Triệu Tử Dương, người cùng cựu TBT Hồ Diệu Bang dám mạnh dạn đưa ra các cải cách táo bạo, bị phe bảo thủ giáo điều cổ hủ lật đổ, sự tàn sát ở Thiên An Môn xẩy ra. Từ ngày đó, Lưu Hiểu Ba đã phải nhiều lần vào các trại lao động khổ sai hay bị giám sát nghiêm ngặt tại nhà. Ông Lưu lĩnh án 11 năm tù vào năm 2009 vì bị khép tội "kích động lật đổ chính phủ" China.

Ngày 10/12/2010 tại Oslo, Na Uy tổ chức trao giải Nobel hoà bình cho Lưu Hiểu Ba. Các nước trên thế giới đều có mặt trừ 19 nước đang có vấn đề về nhân quyền là China, Nga, .. và đương nhiên Việt Nam. Do Lưu Hiểu Ba bị giam và các thân nhân đều bị quản thúc, ban tổ chức phải đặt huy chương trên chiếc ghế trống.

Ngày 23/5/2017 Lưu Hiểu Ba bị chẩn đoán mắc ung thư gan vào giai đoạn cuối và được nhà nước đặc xá cho phép “trở về nhà”. Vợ ông là bà Lưu Hà (Liu Xia), bị quản thúc tại Bắc Kinh từ năm 2010. Do bị cô lập, người ta cho biết bà Lưu Hà đang bị trầm cảm nặng.

Một video clip do nhà văn Trung Quốc Ye Du đăng tải hôm 26-6 cho thấy bà Lưu Hà kêu khóc và nói chồng bà “không thể phẫu thuật, không thể dùng điện trị liệu, không thể dùng hóa trị”.

Lưu Hiểu Ba đã bày tỏ ước muốn “trở về nhà” ở một xứ tự do. Nơi ấy ông được nhìn qua cửa sổ rộng mở, nhìn thấy bầu trời xanh biếc và mặt trời kiêu hãnh vươn lên trong buổi sáng bình minh. Và rồi cơ thể ốm đau đang tan rã để trở thành cát bụi của ông như được tự do, bay bổng lên cao.

Chuyện nước ngoài...

Gần đây trên các trang mạng xã hội rất nhiều người bày tỏ sự bất bình về sự tàn độc của chính quyền Kim Jong Un.

Otto Warmbier, 22 tuổi, sinh viên Đại học Virginia, bị bắt tại Bắc Triều Tiên vào tháng 1/2016 và bị tòa án tối cao Triều Tiên kết án 15 năm lao động khổ sai vì tội lấy trộm một biểu ngữ tuyên truyền trong khu vực dành cho nhân viên tại một khách sạn ở Bình Nhưỡng để mang về Mỹ làm vật lưu niệm. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, linh hoạt thông minh, nhưng còn quá trẻ để hiểu về cộng sản, Otto nghĩ hành động của mình chỉ là trò nghịch ngợm của tuổi trẻ, vô hại. Người cộng sản có nhiều hành động và lời nói ngô nghê đôi lúc làm ta phì cười, nhưng họ lại là những kẻ không bao giờ biết đùa. Cười đùa thường được đảng viên CS xem là trêu chọc đảng, nhà nước, là “tội ác chống nhân dân”... những tội danh nặng hơn cả giết người. Những thanh thiếu niên như Otto sao có thể hiểu được và anh đã trả giá quá đắt.

Một năm sau, Otto Warmbier được nhà nước cộng sản Bắc Triều Tiên cho “trở về nhà” trên chiếc băng ca. Anh qua đời vào 14h20 ngày 19/6 trong vòng tay người thân tại quê nhà Cincinnati. Thân nhân cho biết dù não bộ bị thương tổn nặng nề, nhưng qua ánh mắt sáng lên lần cuối cùng trong đời, Otto cũng hiểu anh đã được trở về nhà.

Trở về chuyện nước ta...

Qua các câu chuyện trở về nhà từ ngục tù công sản, ta không quên chuyện thầy giáo Đinh đăng Định. Sinh năm 1963 là giáo viên dạy môn Hóa tại trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Đắk Nông. Ông có nhiều bài viết kêu gọi dân chủ, nhân quyền, đa nguyên - đa đảng cho Việt Nam... Ông bị bắt hồi tháng 10 năm 2011, bị đưa ra xét xử sơ thẩm hồi tháng 8 năm 2012, bị tuyên án 6 năm tù theo điều 88 Bộ Luật hình sự.

Sau vài tháng thụ án ở trại An Phước, thầy Định bắt đầu có triệu chứng đau dạ dày: nôn ói, xuất huyết, đau bụng, xuống ký... Đến ngày 05/09/2013, ông Định cấp cứu tại bệnh viện 30 Tháng 4 Sài Gòn, bị mổ cắt bỏ 3/4 dạ dày và bác sĩ cho biết, ông đang bị ung thư dạ dày. 
Mặc dù bị bệnh nan y, thầy Định vẫn phải thọ án và thân nhân phải trả tiền điều trị bệnh. Khi biết người tù nhân đã sức cạn lực kiệt, ngày 21/03/2014, Chủ tịch Nhà nước Trương Tấn Sang quyết định đặc xá, phép cho tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định được trở về nhà. 1 giờ 35 phút tối 03/04/2014, Thầy Đinh Đăng Định trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà đơn sơ ở Đắk Nông.

Đối xử với tù nhân chính trị, chế độ Kim Jong Un, Tập Cận Bình và đảng CSVN đang thi đua nhau xem ai hơn ai?

Trong chiều hướng thi đua đó, tù nhân lương tâm Việt không chỉ được trở về nhà vì đang ở giai đoạn cuối cuộc đời, mà họ đã trở về nhà trong chiếc quan tài với lý do đã “tự tử”? Chế độ độc tài cộng sản vo tròn bóp méo sự thật và người dân phải ngoan như những con cừu, không được suy nghĩ khác mà phải nói theo. Công an thừa nhận hơn 200 người đã chết trong các trại tạm giam vì bệnh lý, tự tử thì nhân dân bắt buộc phải tin như thế, không được đặt dấu hỏi. Không tin vào lời công an thì phải ra tòa, bị phạt tù thật nặng để răn đe.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã tìm ra bằng chứng sự dối trá của công an qua hơn 30 trường hợp của những người từ trại tạm giam phải trở về nhà trong chiếc quan tài. Hệ thống độc tài từ đảng, qua quốc hội, qua tòa án đã đưa ra bản án 10 năm tù cho chị Quỳnh theo điều 88 của luật Nước. 88, chiếc áo giáp hai còng lại được CSVN dùng để che chắn.

Một bản án mà ông TBT trở về nhà với nụ cười hể hả “Đảng ta giỏi thật. Cố vấn luật của phe đảng ta giỏi thật. Cứ đưa mấy con cò vào quốc hội, đưa ra bao nhiêu luật. Cò gật thì quốc hội cũng gật theo. Dân càng ngày càng bị luật bó như đòn bánh chưng, bánh tét. Chẳng có tí sơ hở nào để̉ cho hó hé, phản kháng. Đảng ta giỏi thật!“.

Và rồi bao nhiêu gia đình, bao nhiêu người đang mòn mỏi mong chờ người thân yêu trở về:

“Bà ngoại âu yếm ôm cháu vào lòng: “Tối rồi. Cháu ngoan bà ngủ ngon nhé.”

Cháu dụi đầu vào bà: “Bà ơi. Mẹ chừng nào trở về nhà?”

Bà ngoại cố ngăn dòng lệ chực tràn trên mi: “Cháu ngủ thật ngon. Cháu sẽ thấy mẹ trở về”.

“Không... cháu muốn sáng mẹ đưa con đến trường kia. Bà già để bà ở nhà nghĩ ngơi chứ? ”

Bà ôm chặt cháu vào lòng: “Có kẻ xấu xa nó giữ chặt chân mẹ cháu. Cháu phải ngoan, phải học giỏi, phải chân thật, không được học nói dối. Khi cháu, bạn cháu lớn lên và làm được như thế, kẻ xấu xa kia sẽ phải tan biến đi. Nhiều người bố, nhiều người mẹ sẽ trở về nhà với con của mình. Thôi bà kể cho cháu nghe tiếp truyện “Thạch Sanh Lý Thông””.

Trong đêm chỉ còn tiếng kể truyện của bà ngoại đều đặn như lời ru “...Con yêu tinh ác độc giả dạng thành con đại bàng cắp công chúa đem về hang của nó để nhốt lại. Thạch Sanh khi đó nhìn thấy...”

02.07.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo