Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm (Danlambao) - Sự rút khỏi Hiệp ước bảo vệ khí hậu Paris đã được 195 nước trên thế giới ký kết xác định rõ sự quay lưng lại của Hoa Kỳ (HK) với thế giới còn lại. Đối với Donald Trump không những Hoa Kỳ trước tiên (America First) mà Hoa Kỳ còn phải là duy nhất. Từ lúc tranh cử ông đã cổ võ cho sự rút lui của nước Anh ra khỏi Liên Hiệp châu Âu (European Union viết tắt là EU) và khuyến khích các nước thành viên khác theo gương nước Anh để đưa đến sự sụp đổ của EU.
Trong cuộc công du đầu tiên đến châu Âu, ông ghé thăm trụ sở mới của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh giữa HK và các nước đồng minh nhằm bảo vệ thế giới Tự Do chống lại Liên Sô trong suốt thời gian xảy ra chiến tranh lạnh. Nơi đây ông đã chỉ trích các nước đồng minh không tăng ngân sách quốc phòng lên 2% và phớt lờ không nhắc đến điều 5 của Hiến Chương Bắc Đại Tây Dương là khi một nước trong NATO bị tấn công thì cũng xem như cả khối bị tấn công, mặc dù điều này ông đã nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn của báo chí khi trở về Hoa Kỳ. Thái độ này của ông, cũng như những tuyên bố thất thường mà sau đó các cố vấn của ông phải tìm cách giải thích ngược lại hay làm nhẹ bớt tầm quan trọng, đã làm nhiều nước bất an. Cùng chuyến công du, ông có tham dự hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Sizilien thuộc nước Ý. Trong cuộc họp 2 ngày, trước tiên ông đã chỉ trích nước Đức rất xấu vì đã thặng dư mậu dịch với HK và có rất nhiều xe hơi Đức chạy trên đất nước HK (thực ra nhiều hãng xe hơi lớn của Đức vẫn đầu tư và sản xuất tại Mỹ. BMW có một nhà máy sản xuất ở Spartanburg, South Carolina và năm 2016 xuất khẩu đến 70% số xe sản xuất, tương đương với 288.000 chiếc, ra khỏi HK. Daimler AG cũng có nhà máy sản xuất Mercedes Benz ở Tuscaloosa County, Alabama, còn Volkswagen thì xây nhà máy ở Chattanooga, Tennessee). Trong hội nghị G7, sáu nước còn lại là Đức, Anh, Pháp, Ý, Nhật và Gia nã Đại ngoài việc đồng nhất với HK về mục tiêu chống khủng bố, lên án Triều tiên, đã rất chật vật trong các cuộc thương thảo về mở rộng thị trường và chống lại chế độ bảo hộ thương mại, về Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu thì Donald Trump hứa sẽ trả lời sau 1 tuần trở về HK và như trên đã viết: HK đã rút khỏi hiệp định.
Ngay sau khi cuộc họp thượng đỉnh G7 kết thúc, bà Angela Merkel, thủ tướng Đức đã đưa ra nhận định vào ngày 28.05.2017, cho rằng thời kỳ tin tưởng lẫn nhau giữa HK và châu Âu đã qua. Theo kinh nghiệm của bà trong thời gian qua cho thấy châu Âu không thể tin tưởng vào đồng minh của mình nữa mà phải tự quyết định số phận của mình. Ngay sau khi HK tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu, Tổng thống mới đắc cử của Pháp, ông Manuela Macron cũng như các nguyên thủ quốc gia khác trong khối Âu châu, ngay cả bà Theresa May, thủ tướng Anh, cũng tỏ ra lo ngại và hối tiếc trước quyết định của HK, một đất nước có lượng khí thải CO2 đứng thứ hai sau Tàu cộng. Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban EU, đã tuyên bố rằng Châu Âu đã sẵn sàng dẫn đầu trong quá trình bảo vệ môi trường này mà không có sự hỗ trợ của Mỹ; đồng thời trong những tuyên bố khác ông cho rằng đây là cơ hội để châu Âu trưởng thành.
Trong bài này chúng ta thử phác họa một EU trong tương lai và cùng phân tích những ưu điểm và khuyết điểm cũng như thuận lợi và khó khăn của nó.
Sáu mươi năm trước, sau nhiều thập kỷ chìm đắm trong 2 cuộc Thế chiến tàn khốc, giấc mơ về một tương lai hòa bình, một tương lai thịnh vượng chung, các thành viên sáng lập của Liên Hiệp châu Âu đã đưa ra một sáng kiến đầy tham vọng về một Cộng Đồng châu Âu với phương pháp giải quyết xung đột bằng đàm phán thay vì dùng vũ lực. Ngày 25/3/1957 một Cộng đồng Kinh tế châu Âu được thành lập thông qua bằng Hiệp ước Rome giữa 6 nước gồm cả đồng minh lẫn cựu thù trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 là Bỉ, Tây Đức, Hòa Lan, Ý, Lục xâm bảo và Pháp.
EU cũng được gọi là Khối Liên Âu là liên minh kinh tế - chính trị bao gồm 28 quốc gia thành viên thuộc châu Âu. Liên Hiệp châu Âu được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht vào ngày 1 tháng 11 năm 1993 dựa trên Cộng đồng châu Âu (EC) với hơn 500 triệu dân. Hiệp ước này bắt đầu cho sự thành lập một nghị viện EU mạnh hơn, một ngân hàng trung ương châu Âu, và những chính sách đối ngoại và an ninh tập thể, song song cũng đặt nền móng cho việc phát hành một đồng tiền chung cho châu Âu, đồng EURO.
Kết quả sau 60 năm EU là một liên minh được mở rộng với 500 triệu công dân chung sống trong tự do và hòa bình, có đồng tiền chung, có ngân hàng trung ương, có sự gắn bó chặt chẽ giữa các nền kinh tế thịnh vượng nhất trên thế giới.
Thành công của EU là không thể phủ nhận, nhất là sự đóng góp hàng mấy chục năm qua, đã cùng HK và các nước yêu chuộng Tự Do trên thế giới, tranh đấu và bảo vệ cho những giá trị cao cả của Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền, cũng như bảo vệ Môi Trường và chống biến đổi Khí Hậu gần đây.
Trải qua quá trình phát triển khó khăn EU đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng chưa bao giờ EU phải cùng lúc đối phó với nhiều vấn đề như vào thời điểm hiện tại. Bắt đầu là các cuộc khủng hoảng nợ công trong các nước sử dụng đồng Euro, bắt đầu từ Hy Lạp và Tây ban Nha. Những năm gần đây lại phải đối phó với nạn khủng bố, cuộc khủng hoảng di cư, sự việc nước Anh rời khỏi EU và chính sách ngoại giao, thương mại không rõ ràng của HK kể từ ngày Donald Trump lên nhậm chức.
EU vừa trải qua những khó khăn lớn nhất sau các cuộc bầu cử quan trọng tại các nước thành viên trong bối cảnh các đảng dân túy và quốc gia cực đoan có khuynh hướng chống EU đang trỗi dậy mạnh mẽ sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh đưa đến kết quả là nước Anh rút khỏi EU (Brexit) và nhất là sau chiến thắng của Donald Trump. Tân tổng thống HK đã từng ủng hộ Brexit và kêu gọi các nước thành viên theo gương nước Anh. Thực ra chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa quốc gia tự nó không xấu. Nó chỉ trở nên nguy hiểm khi bị kích động bởi những người cực đoan và mang đầy hận thù. Toàn cầu hóa và di dân đã mang lại cho HK và nước Anh những thành quả kinh tế vượt bực. Nhưng những lợi nhuận này phần nhiều lại lọt vào tay những nhóm tài phiệt, ngân hàng và buôn bán địa ốc, còn đời sống của đa số người dân trung lưu và thợ thuyền hàng mấy chục năm qua không thay đổi mà ngược lại còn trở nên khó khăn hơn. Lợi dụng những bất công này những nhóm quá khích đã kích động người dân và đỗ thừa cho nguyên nhân là do toàn cầu hóa và những người di dân. Nhất là Donald Trump, một tài phiệt chỉ biết nhìn tất cả giá trị, sự việc qua con mắt lợi / hại, lời / lỗ của con buôn. Thật thảm hại khi các giá trị tinh thần như Tự Do, Dân Chủ, Nhân quyền được đong đo bằng đô la!!!.
EU tạm thoát hiểm sau khi các phong trào dân túy và quốc gia cực đoan thất bại trong các cuộc bầu cử tại Áo, Hòa Lan và Pháp. Nhưng đây cũng là thời điểm, hơn lúc nào hết các nước thành viên phải quyết tâm thực hiện những cải cách trong tinh thần dung hòa quyền lợi quốc gia và EU. Tinh thần của điều khoản 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương "một nước cho tất cả và tất cả cho một nước" vẫn đúng cho tất cả các liên minh và hội đoàn từ cấp cá nhân đến quốc gia.
Ý tưởng về một hướng phát triển “đa tầng - đa tốc độ”, trong đó các nước thành viên có thể tham gia vào quá trình hòa nhập theo những tốc độ và mức độ khác nhau, phù hợp với nhu cầu và năng lực của từng nước. Xu hướng này chỉ có thể thành công khi các nước thành viên có ưu thế chính trị và kinh tế hơn có những chương trình phát triển thiết thực trên những quốc gia kém phát triển và ngược lại các nước khác phải tôn trọng những quyết định chung của cả khối. Một cách cụ thể là nước Đức với ưu thế kinh tế cần có những chương trình đầu tư nhiều hơn vào những nước thành viên khác thay vì giữ mức thặng dư mậu dịch và nước Pháp với ưu thế chính trị và quân sự sẵn có cần nâng cao uy thế EU và giúp đỡ phát triển an ninh quốc phòng của toàn khối lên một mức độ cao hơn.
Từ lâu Liên Minh Châu Âu đã đề cập đến vấn đề an ninh và quốc phòng nhưng vẫn dẫm chân tại chỗ, nước Anh chỉ muốn các nước trong Liên Minh tăng ngân sách quốc phòng theo yêu cầu của HK, một số nước khác vẫn muốn núp dưới ô dù của HK. Chính chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker đã nhiều lần khuyến cáo và cho rằng châu Âu phải có một sức mạnh quốc phòng tổng hợp. Khi nước Anh tuyên bố rút khỏi châu Âu thì sức mạnh quân sự của EU bị yếu đi vì chỉ còn nước Pháp có vũ khí hạt nhân, thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp quốc và là nước có quân đội hùng mạnh nhất trong khối, và nhất là sau lời phát biểu của bà A. Merkel cho rằng châu Âu phải tự nắm lấy vận mệnh của mình thì nhu cầu tăng cường an ninh và quốc phòng của EU càng thêm cấp bách.
Quỹ quốc phòng của EU đã được thành lập nay phải xúc tiến mạnh mẽ hơn nhằm phối hợp và mở rộng các khoản đầu tư quốc gia vào nghiên, phát triển công nghệ quốc phòng. Pháp, Đức và một nhóm các quốc gia thành viên có cùng quan điểm cần phải hợp tác chặt chẽ để đưa hệ thống cùng cơ cấu an ninh và phòng thủ châu Âu lên một tầm mức hiệu quả hơn. Song song châu Âu vẫn cần hợp tác chặt chẽ và đóng góp nhiều hơn với NATO trong các chương trình chống khủng bố, giữ gìn an ninh và hòa bình thế giới.
Theo truyền thống hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng trong suốt 60 năm qua EU đã đạt được nhiều thành quả đáng kể thì nay trước trước hiện tình khó khăn và sự thất thường của HK hơn lúc nào hết EU cần phải chứng minh sự quyết tâm của 27 nước thành viên (28 nước thành viên trừ đi 1 vì Anh sẽ rút ra khỏi EU) đã cùng thể hiện trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập 25.03.2017 tại Rome: Đoàn kết để giải quyết tất cả các khó khăn, dị biệt một cách hòa bình và dân chủ, giúp đỡ nhau để giải quyết những vấn đề trước mắt như người tỵ nạn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đưa ra các chính sách kinh tế, xã hội để cùng giải quyết nạn thất nghiệp, nạn trì trệ tại một số nước thành viên. Nếu EU thành công thì không những châu Âu có bộ mặt mới mà Thế giới và các thế hệ tương lai cũng sẽ thay đổi tốt đẹp hơn.
02.07.2017