Nguyễn Dư (Danlambao) - Vụ án của Trịnh Xuân Thanh, người ta đã chỉ ra nhiều về chiêu trò lừa đảo, đánh lạc hướng nhưng bất nhất của mật vụ đảng cộng sản Việt Nam. Quá đủ, tưởng không cần phải nhắc lại thêm. Ở đây tôi muốn đề cập đến một vấn đề khác cũng trường hợp của Trịnh Xuân Thanh.
Trước khi đi vào vấn đề, tôi xin nêu về ba câu chuyện có thật:
Tôi có một người quen sống ở Đức, lâu rồi, cô ta kể cho tôi nghe vào những năm của thập niên tám mươi, có một anh chàng người Việt sống ở trên lầu ba, bên cửa sổ nhà nằm sát ngọn cây có tổ chim sẻ, anh ta trèo qua cửa sổ, đu lên cây bắt tổ chim. Người hàng xóm nhìn thấy, gọi cảnh sát. Trong vòng khoảng chừng một tiếng sau cảnh sát Đức đến nhà, buộc anh ta phải thả những con chim non về vị trí cũ.
Câu chuyên thứ hai, cũng lại là người Việt: Có một ông tuổi cũng kha khá, chắc có lẽ vì không có việc làm nên lâu lâu đem xe ra bãi đậu của chung cư để sửa, đôi khi là xe của ông hay xe của bạn bè để kiếm thêm thu nhập. Mỗi lần ông ta sửa xong thì cũng lau chùi sạch sẽ nơi ông làm. Đối với dân mình thì là chuyện nhỏ như con thỏ. Nhưng người Đức thì khác, họ không chịu! Quan niệm của họ, cho rằng sửa xe thì phải có nơi chốn đàng hoàng, hoặc phải có nhà hay khoảnh đất riêng tư; đàng này là nơi công cộng thì ông không được phép làm như thế. Người hàng xóm gọi cảnh sát. Thế là ông bị nhà chức trách "hỏi thăm sức khỏe".
Câu chuyện thứ ba: Một thằng bé người Đức, độ chừng mười bốn hay mười lăm tuổi gì đó chạy chiếc xe hai bánh dưới năm mươi phân khối trong đoạn đường của những khu chung cư để lấy le bạn bè cùng lứa. Hàng xóm nhìn thấy, gọi cảnh sát. Khoảng một thời gian ngắn sau cảnh sát đến, thằng bé đành thất thủ. Ở Đức phải là mười bảy tuổi, có bằng lái xe bốn bánh thì mới được chạy xe hai bánh có động cơ loại nhỏ; xe hai bánh có phân khối lớn chạy xa lộ thì phải học bằng lái riêng.
Trở về câu chuyện của Trịnh Xuân Thanh, hắn ta là con người, có luật sư bảo vệ về mặt pháp lý, có người thân, có bạn bè, có "người phát ngôn viên" chứ không phải là thân phận hắn như những con chim sẻ!
Bằng những người như thế mà khi hắn bị bắt cóc không ai lên tiếng, báo cho nhà chức trách sở tại vào cuộc!? Đặt trường hợp có ai báo cho cảnh sát sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, tức ngày 23-07-2017 thì tại sao báo chí, cảnh sát và chính quyền Đức không lên tiếng!?. Nếu chính quyền Đức thật lòng muốn giữ thể diện quốc gia, lên tiếng lập tức ngay sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc thì sẽ không làm cho người ta thắc mắc, đặt nghi vấn. Chờ một tuần sau khi bắt cóc, báo chí Việt Nam mới đưa tin thì báo chí, cảnh sát, bộ ngoại giao Đức mới "té nước theo mưa" (!)
Nên nhớ là xã hội Đức chứ không phải là ở Việt Nam; mọi sự việc đều ém nhẹm chờ cơ hội thuận tiện có lợi cho đảng thì mới khui ra! Và Trịnh Xuân Thanh là một tội phạm bị truy nã quốc tế chứ không phải là nhân vật quan trọng xin tị nạn chính trị ở Đức mà chính quyền Đức phải ém nhẹm chờ điều tra. Cùng lắm, những người bảo vệ cho hắn chỉ là luật sư và bạn bè mà thôi. Cảnh sát Đức có bổn phận bảo vệ an ninh công khai về mọi mặt bất kể quốc tịch cho mọi công dân cư ngụ trên xứ sở họ chứ không có chuyện nhập nhèm mờ ám.
Sau hội nghị G 20 ở Hamburg, trong dịp này nghe nói nhà cầm quyền Hà Nội có mở lời với chính quyền Đức về việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh. Mọi vụ việc thương lượng giữa hai bên, sau ngày khi Trịnh Xuân Thanh nằm gọn trong tay công an Việt Nam thì chính quyền Đức mới hé lộ.
Nên nhớ, ngày 07-07-2017 là ngày khai mạc đại hội. Mười sáu ngày sau, tức ngày 23-07 thì Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Mật vụ Đức chỉ cần giả đò chơi cái tình lờ, phía Việt Nam muốn làm gì thì làm. Và cũng để cho chắc ăn hơn, người ta đưa Trịnh Xuân Thanh qua một quốc gia khác sẽ có người "tiếp đón" mà không làm ảnh hưởng tới chính quyền Đức.
Dẫn độ một người tạm cư, nại ra đủ lý do để xin tị nạn và có luật sư bảo vệ về mặt pháp lý như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh; sống ở một quốc gia được bảo vệ quyền con người tuyệt đối như ở Đức thì thủ tục nhiêu khê, không phải là chuyện dễ dàng công khai chiếu theo thủ tục để dẫn độ.
Người ta bàn nhiều về chuyện sẽ ảnh hưởng đến vấn đề ngoại giao giữa hai quốc gia sau này, điều đó thì đúng cho những nhân vật bất đồng chính kiến quan trọng, được chính quyền Đức trước khi xảy ra vụ việc lên tiếng công khai bảo vệ và được tị nạn chính trị hợp pháp; đàng này Trịnh xuân Thanh là một tên tội phạm kinh tế, chưa chính thức được bảo hộ bởi quyền được tị nạn thì chả là cái gì đối với họ. Chính quyền Đức chúa ghét những loại người thuộc tội phạm này; sống trà trộn trong cái cộng đồng băng nhóm buôn lậu bát nháo như ở Berlin thì chỉ làm khổ cho chính quyền sở tại mà thôi.
Chuyện luật sư của Trịnh Xuân Thanh hay nhà cầm quyền Đức đòi trả Trịnh Xuân Thanh về Đức để làm thủ tục dẫn độ là một đòi hỏi để "rửa mặt" cho mình, là một việc không tưởng và không thể xảy ra đối với cộng sản Việt Nam trong khi con mồi đã nằm trong tay họ. Rồi chuyện chính quyền Đức trục xuất cán bộ ngoại giao phụ trách về an ninh thuộc sứ quán Việt nam (nếu có) thì cũng chỉ là một màn kịch để giữ thể diện quốc gia. Đối với người của sứ quán Việt Nam, bị trục xuất thì coi như một màn chuyển công tác có khi còn được lên chức cũng không chừng.
Trịnh Xuân Thanh là người Việt Nam, là tội phạm của nhà nước Việt Nam chứ hắn ta không phải là người Đức để được chính quyền Đức can thiệp bảo vệ về mặt pháp lý.
Báo chí thông tin về việc sứ quán Đức tại Hà Nội và Sài Gòn tạm thời đóng cửa làm cho dư luận dấy lên thêm về việc nghi ngờ cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Một sự tưởng tượng, suy luận không có cơ sở! Có thể trong một thời gian ngắn, vì một lý do an ninh gì đó cho nhân viên ngoại giao hoặc làm ra vẻ như ta đây để giữ thể diện quốc gia nên bộ ngoại giao Đức mới làm như thế.
Tin tôi đi, thời gian không lâu, khi công luận lắng xuống, rồi mọi việc bình thường, sẽ lại đâu vào đấy giữa hai nhà nước Đức-Việt cho mà coi.
05.08.2017